Thuyền mây của khách thơ

Quyết định “tìm nơi vắng vẻ” của họa sĩ Bùi Đức nhen nhóm từ 6 năm trước; và bởi một chuỗi cơ duyên khó ngờ, anh tìm được một mảnh đất cheo leo bên sườn đồi, nơi người ta bán tháo với giá rất rẻ để lên chốn phố núi lao xao. Từ thế đất ngặt nghèo này, anh dựng chiếc “thuyền mây” thơ mộng của cuộc đời mình.

Một phòng tranh nho nhỏ tại Sapa được dùng làm nơi sáng tác và sinh hoạt, sau khi đã hoàn thành một “tổ kén” có kiến trúc khá thú vị và tầm nhìn bao quát thung lũng Mường Hoa phía dưới. Nhường tổ kén ấm áp cho khách, họa sĩ Bùi Đức vẫn mãn nguyện vì anh sở hữu cả một bầu trời với sương sớm và mây trôi lững thững ngang tầm mắt mỗi ngày qua.

Sapa 6

Một tên khác của nơi đây là Floating. Họa sĩ Bùi Đức hay gọi là Thuyền Mây. Một con thuyền neo đậu giữa đất trời, khao khát tự do.

Bắt đầu câu chuyện của mình bằng quyết định táo bạo bỏ Hà Nội lên thuê một studio sáng tác ở Sapa, họa sĩ Bùi Đức mất 6 tháng để nhận ra khu trung tâm đầy ắp khách du lịch không phải là chốn lý tưởng để sống và suy nghĩ. Một buổi sáng với chiếc xe máy lang thang trên đường vào bản Lao Chải với hy vọng thuê một chỗ làm phòng vẽ, anh bất ngờ… mua luôn được miếng đất mà người ta sẵn sàng bán giá rẻ để nhanh chóng vào phố (còn dư hẳn 20 triệu để xây nhà).

Sapa 5

Phòng ngủ trong “tổ kén” với phần xây dựng và vật liệu do tự tay họa sĩ Bùi Đức thực hiện tại Sapa.

Không bỏ qua cơ hội này, anh tự vào Google học cách hàn, mộc, điện nước, xây dựng, kết cấu. Tóm lại là không cái gì là không học để dần đắp nên một khối công trình giản dị ôm quanh thế đất ngay ngã rẽ giữa dốc đồi. Căn nhà được đắp thêm da thịt mỗi ngày cũng là chốn tiếp khách dừng chân, khách mua tranh của họa sĩ, bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Vậy nên dẫu tách biệt khỏi phố thị ồn ào, anh không vì thế mà cảm thấy cô quạnh, trái lại, những chuyện trò bên bếp lửa, trong tiếng loa thùng bập bùng cùng những người khách đến từ nhiều vùng đất lại làm dày hơn cảm hứng sáng tác cho chủ nhân nơi đây. Ngoài lan can ấn tượng khai thác vẻ đẹp của toàn bộ phong cảnh thung lũng chuyển màu đặc trưng của ruộng bậc thang bên dưới, khối nhà còn khéo léo tận dụng thế đất để tạo ra những trải nghiệm rất riêng và thú vị, như một nhà tắm vách kính lớn, “đắt giá” ở view nhìn.

Sapa 4

“Không gian ở thoải mái nhất
phải thỏa mãn yếu tố phong thủy.

Tôi không nghiên cứu sâu,
nhưng nhận thấy ngôi nhà nào mình cứ thích ở,
không muốn rời nó
tức là phong thủy tốt, năng lượng tốt”.

Sapa 3

“Tôi sống đơn giản, chẳng khao khát gì nhiều. Hạnh phúc nhất là ổn định kinh tế để được vẽ những gì mình muốn chứ không phải vẽ thứ mà người ta muốn”, họa sĩ Bùi Đức chia sẻ về quan niệm cuộc sống đầy đủ của mình.

Không phải ngày một, ngày hai mà anh dựng xây nên được công trình trên miếng đất rộng 1.000m2. Suốt ba năm qua, họa sĩ Bùi Đức sưu tầm những thùng nấu rượu cũ của người dân tộc, mày mò tự chế ra thành những thùng loa độc đáo, rồi lại sưu tầm những nhành cây khô, thu gom trong không gian sự ấm áp câu chuyện của núi rừng và con người.

Sapa 2

Mỗi ngày bình thường của họa sĩ là một vòng tuần hoàn của những công việc vẽ tranh, sửa chữa nhà, tưới cây và nghe nhạc – thú vui nghe chừng nhàn nhã nhưng ngốn khá nhiều tâm sức của Bùi Đức. Anh tâm sự: “Nhiều người nói là tôi vừa may mắn, vừa dũng cảm. Tôi nói mình không dũng cảm, vì dũng cảm là phải chịu đựng để làm điều mình không thích. Ở đây, được làm điều mình thích thì đó là hạnh phúc. May mắn là không cần yêu và đam mê khát khao có được mảnh đất đó. Ngẫm lại tôi rút ra là cứ yêu và khao khát thì đã khởi niệm và khi những vận may đến mình nhận ra và nắm lấy một cách quyết liệt. Tóm lại là chẳng có gì là tự nhiên có được”.

Sapa 1

Họa sĩ Bùi Đức thường gọi vui không gian tại Sapa của mình là vương quốc Lao Chải, bao gồm chỉ một ông vua và cận thần là chó, mèo và chú lợn.

Thực hiện: Thúy Ngà | Ảnh: Đức Nguyên.


Xem thêm:

Bienhouse – Nhà ven biển mộc mạc giản đơn

Nét nam tính đầy tinh tế