Với những ngôi nhà có sân vườn, việc đặt một chiếc hồ cá vừa giúp cảnh quan đẹp hơn, vừa tạo sự phong phú và cân bằng cho hệ sinh thái. Để đạt được điều này, vấn đề vệ sinh luôn là điều cần được ưu tiên. Cùng ELLE Decoration tìm hiểu những phương pháp giúp đảm bảo hồ luôn sạch sẽ và trong lành quanh năm.
1.Cân bằng số lượng cá trong hồ
Việc có mật độ cá quá cao so với thể tích của hồ sẽ khiến cho không gian bị quá tải. Phân cá dư thừa có thể làm mất cân bằng chất dinh dưỡng trong nước, gây hại đến sức khoẻ của sinh vật được nuôi trong hồ. Vì vậy, cần phải duy trì một số lượng cá vừa phải nhất định, phù hợp với kích thước hồ và lượng nước chứa.
Ảnh: Getty Images
2. Không cho cá ăn quá nhiều
Khi cho cá ăn quá nhiều so với khả năng tiêu thụ của chúng, thức ăn thừa sẽ bị phân hủy trong hồ, gây ô nhiễm nguồn nước. Do đó, cần tránh cung cấp thức ăn nhiều hơn một lần mỗi ngày và lựa chọn loại có chất lượng, có thể nổi trên mặt nước thay vì chìm xuống đáy nếu không được tiêu thụ hết.
3.Tạo sự cân bằng giữa cây xanh và mặt nước
Vào những thời điểm nắng nóng, 40% đến 60% diện tích bề mặt hồ nên được che phủ bởi cây xanh nhằm duy trì nhiệt độ phù hợp cho nước. Tuy nhiên, cần tránh trồng quá nhiều cây xanh vì chúng có thể gây ra sự thiếu hụt oxy vào ban đêm do quá trình hô hấp tế bào, cây sẽ hấp thụ O2 và thải ra CO2 vào buổi tối.
Ảnh: Tư liệu
4. Chọn máy bơm có kích thước phù hợp với hồ cá của bạn
Để đảm bảo độ trong của hồ, nước cần được luân chuyển định kì bằng máy bơm. Bên cạnh đó, cần đảm bảo dòng chảy của máy không bị hạn chế bởi mảnh vụn trong máy tách bọt (skimmer) hoặc bộ lọc sinh học, và cẩn thận không bơm nước cao hơn mức định sẵn bởi mỗi máy bơm đều có giới hạn dòng chảy của riêng nó.
5. Loại bỏ mảnh vụn khỏi hồ trước khi chúng phân hủy
Mặc dù skimmer của hồ sẽ loại bỏ phần lớn mảnh vụn trên bề mặt, nhưng bạn cũng có thể sử dụng lưới để vớt lá và cành khô nhỏ trước khi chúng chìm xuống đáy và phân huỷ, bởi những mảnh vụn khi tan rã, kết hợp với phân cá và thức ăn thừa có thể khiến mức amoni tăng đột biến và gây hại đến các sinh vật sống ở trong hồ.
Amoni là một hợp chất hóa học chứa nitơ, thường xuất hiện trong môi trường nước, đặc biệt là trong các hệ sinh thái ao hồ. Amoni ở dạng không ion hóa (NH3) rất độc đối với thủy sinh vật, đặc biệt là cá. Khi nồng độ amoni tăng cao, nó có thể gây hại cho mang cá, làm giảm khả năng hô hấp và dẫn đến tử vong.
Khi gặp vấn đề liên quan đến việc tăng đột biến amoni, bạn có thể xử lý hồ bằng chất trung hòa amoni, điển hình như vi khuẩn có lợi Aquascape Beneficial Bacteria sẽ giúp giữ nước hồ sạch sẽ và an toàn với cá. Ngoài ra, bạn có thể lắp đặt hệ thống cấp thuốc tự động để phân phối điện tử vi khuẩn có lợi và các phương pháp điều trị khác vào hồ để giúp phá vỡ mảnh vụn và duy trì chu trình nitơ thích hợp.
6. Chọn hệ thống lọc phù hợp cho hồ cá
Tương tự với máy bơm, bộ lọc nên phù hợp với kích thước và lượng nước của hồ. Hầu hết các bộ lọc đều được thiết lập dựa trên điều kiện lý tưởng, nếu vượt qua những điều kiện đó, bộ lọc sẽ trở nên yếu và kém hiệu quả. Vì vậy, luôn tăng kích thước của bộ lọc để nó có thể dễ dàng xử lý hồ của bạn.
Hiện nay, có hai loại bộ lọc trong ao hồ sinh thái, bao gồm bộ lọc cơ học, còn được gọi là skimmer, giúp loại bỏ mảnh vụn khỏi bề mặt hồ. Loại còn lại là bộ lọc sinh học, chúng sử dụng vi khuẩn để phân huỷ chất thải của hồ, chuyển hoá thành các hợp chất ít gây hại hơn và có thể được hấp thụ làm phân bón bởi các loài thực vật thuỷ sinh.
Ảnh: Tư liệu
7. Giữ nước hồ mát mẻ trong mùa hè
Khi nước hồ vượt quá 24°C, việc duy trì mức oxy hòa tan sẽ gặp khó khăn, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của cá. Đây là lý do tại sao cần phải che phủ hồ bởi cây xanh và các loài thực vật thuỷ sinh, chúng sẽ giúp làm mát nước trong hồ, đồng thời mang đến sự sinh động cho không gian sống.
Thực hiện: Quốc Huy
Xem thêm
Tiểu cảnh trong sân vườn: Điểm nhấn nhỏ, tác động lớn