Pierre Cardin (1922-2020) là một nhà thiết kế thời trang người Pháp gốc Ý, được biết đến với những bộ sưu tập vị lai, mang tính thể nghiệm, xóa nhòa ranh giới giới tính, chuyên sử dụng kiểu dáng và họa tiết hình học lên chất liệu độc đáo. Tuy phần lớn sự nghiệp của Pierre Cardin gắn liền với thời trang nhưng với những cống hiến không ngừng nghỉ, ông cũng đã để lại di sản trong các lĩnh vực khác như: kiến trúc, nội thất, đồng hồ.
Vào thập niên 1960 và 1970, nhà thiết kế lỗi lạc bộc lộ đam mê mãnh liệt dành cho vũ trụ và nổi tiếng với phong cách thiết kế Space Age, hướng đến một thế giới mà ở đó con người đang đi bộ trên sao Hỏa và mặt trăng. Tình yêu không gian và vũ trụ đã tạo cảm hứng cho nhiều thiết kế để đời của Pierre, được công chúng đón nhận rộng rãi và tôn vinh cho đến ngày nay.
Trang phục cho cuộc đua chinh phục vũ trụ
Cuộc chạy đua vào vũ trụ của Mỹ và Nga trong suốt thập niên 1960-1970 đã truyền cảm hứng cho Pierre Cardin tạo ra Cosmocorps, ra mắt vào năm 1964. Bộ sưu tập như một lăng kính khám phá quan điểm của Pierre về giới tính, công nghệ và khoa học, thể hiện tầm nhìn tiên phong của ông dành cho thời trang trong tương lai. Phần lớn các thiết kế là những bộ áo quần liền thân được trang trí bằng khóa kéo bất đối xứng cho đàn ông và đầm dáng chữ A mặc cùng tất đen có hoa văn cho phụ nữ. Tông màu đậm như: xanh, tím, đỏ đô,… và các họa tiết hình học cũng được sử dụng trong toàn bộ thiết kế.
Bộ sưu tập đã phá vỡ mọi quy tắc của thời đại cũ, rời xa những gì được coi là chuẩn mực ở thập kỷ mà nó ra đời. Với những thành công vượt trội và tư duy thiết kế độc đáo, Cosmocorps được sử dụng làm khuôn mẫu cho trang phục trong bộ phim khoa học viễn tưởng Star Trek năm 1966.
Sau chuyến thăm NASA vào năm 1969, các thiết kế thời trang vũ trụ của Pierre Cardin ngày càng hoàn thiện. Những chiếc váy ngắn được trang trí hoặc làm từ vải acrylic dynel đúc nhiệt – Cardine, nhựa vinyl, sợi kim tuyến và vải ánh kim kết hợp cùng các phụ kiện như: tấm che mặt, khăn quàng cổ, kính bảo hộ bằng nhựa acrylic hoặc mica trong suốt, mũ nhung theo phong cách mũ bảo hiểm ngoài không gian lần lượt ra đời. Tất cả đều được chế tác từ các chất liệu độc đáo, thách thức mọi giới hạn của thời trang.
Kiến trúc từ cảm hứng vũ trụ
Mặc dù được biết nhiều đến với vai trò nhà thiết kế thời trang, nhưng di sản về kiến trúc của Pierre Cardin cũng lẫy lừng không kém. Trong số các công trình nổi tiếng, không thể không nhắc đến dinh thự Palais Bulles (Cung điện bong bóng) được ông mua lại vào năm 1992 để làm địa điểm tổ chức sự kiện và các bữa tiệc. Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Hungary Antti Lovag, kiến trúc vòm tròn khiến chúng ta liên tưởng tới phần mũ đội của các phi hành gia ngoài vũ trụ – một trong những nguồn cảm hứng bất tận của Pierre Cardin lúc sinh thời.
Palais Bulles được xây dựng trên diện tích gần 1.800 mét vuông tại Théoule-sur-Mer, với tầm nhìn ra vịnh Cannes và quần đảo Lérins, Pháp. Được bao phủ bởi màu hồng đất, kết hợp với những đường cong của kiến trúc, hành lang và ô cửa sổ, khu dinh thự như những viên ngọc quý giá nằm bên bờ Địa Trung Hải. Điểm đặc sắc là không có bất kỳ đường thẳng hay góc nhọn nào được tìm thấy trong toàn bộ công trình. Thậm chí, không gian nội thất bên trong cũng sở hữu đường nét tròn trịa, yên bình và vui vẻ. Việc chỉ sử dụng hình khối tròn thể hiện dấu ấn đặc trưng trong thiết kế của Pierre Cardin, đại diện cho sự vô hạn của cái đẹp và cuộc sống.
Ở tuổi 90, Pierre Cardin đã cùng cộng sự Rodrigo Basilicati tạo ra công trình kiến trúc Palais Lumière (Cung điện Ánh sáng) với thiết kế tòa nhà chính gồm sáu chiếc đĩa bay được liên kết bằng ba tòa tháp có chiều cao khác nhau, xung quanh là các khu phức hợp phụ hình vòm tròn như tàu vũ trụ. Tuy nhiên, công trình đã bị hủy bỏ vì những ý kiến cho rằng tòa nhà không phù hợp với cảnh quan cổ điển của Venice.
Kiểu dáng vũ trụ trong thiết kế đồ nội thất và đồng hồ
Pierre Cardin bắt đầu thiết kế đồ nội thất kiểu dáng hiện đại từ cuối những năm 1970. Qua nhiều thập kỷ, đồ nội thất của ông vẫn giữ được tính đương đại với cảm hứng đến từ hình học và vũ trụ, đặc trưng bởi bề mặt nhẵn, sáng bóng và sự giao thoa độc đáo giữa các hình dạng cơ bản. Tác phẩm tiêu biểu nhất phải kể đến là chiếc tủ sơn mài màu đỏ và đen, có kiểu dáng hình học đặc biệt với tên gọi Head of the Moon, được thiết kế vào năm 1978.
Nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng nhà thiết kế tài hoa Pierre Cardin cũng từng thử sức ở lĩnh vực thiết kế đồng hồ. Bộ sưu tập Pierre Cardin Espace xứng đáng được nhiều người biết đến hơn bởi những thiết kế đồng hồ vị lai, đi trước thời đại. Tuy nhiên, do được sản xuất với số lượng rất ít nên chúng chỉ được sử dụng như tài liệu tham khảo cho các nhà quảng cáo lớn về thiết kế du hành vũ trụ.
Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ chuyến du hành vào không gian của con người, gồm 26 thiết kế khác nhau, nhưng tất cả đều mang dáng dấp của tàu con thoi đương đại. Thay vì sử dụng những vật liệu phổ biến ở thời điểm đó như: nhựa lucite/ acrylic, thạch anh khói và kim loại… Pierre Cardin Escape đã đánh dấu bước tiến xa hơn cho ngành công nghiệp đồng hồ khi chế tác trên các vật liệu đặc trưng của phong cách Space Age như: thép không gỉ, crom và kính, mang đến những thiết kế vỏ đầy mới lạ.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm
Nhà thiết kế Rodolfo Dordoni và những quan điểm về vai trò chỉ đạo nghệ thuật
Elsie de Wolfe-Người phụ nữ tiên phong với sứ mệnh làm đẹp cho đời
Victor Horta: Kiến trúc sư tiên phong cho phong trào Art Nouveau