Nhà thiết kế Rodolfo Dordoni và những quan điểm về vai trò chỉ đạo nghệ thuật

Kín đáo và đầy lý trí, Rodolfo Dordoni coi việc thay đổi quan điểm là nền tảng cho mối quan hệ của ông với các đối tác của mình dưới vai trò là người chỉ đạo nghệ thuật.

Rodolfo Dordoni đa tài được biết đến là kiến trúc sư và nhà thiết kế tiêu biểu của lịch sử thiết kế đương đại Ý. Trong suốt sự nghiệp của mình, bên cạnh thiết kế đồ nội thất, ông còn đảm nhiệm vai trò chỉ đạo nghệ thuật cho các thương hiệu nổi tiếng như Artemide, Cappellini, FontanaArte, Foscarini, Minotti và Roda. Là người từng làm việc với rất nhiều thương hiệu, ông có những nhận định rõ ràng về những giá trị quan trọng mà một giám đốc nghệ thuật cần có. Ngày 1/8 vừa qua, Rodolfo Dordoni đã qua đời ở tuổi 69.

Rodolfo Dordoni kien truc su nha thiet ke minotti giam doc nghe thuat

Cùng ELLE Decoration tưởng nhớ về một Rodolfo Dordoni tài hoa qua bài phỏng vấn của ông với Salone del Mobile Milano về những quan điểm, kỉ niệm và tầm nhìn về vai trò chỉ đạo nghệ thuật trong những năm làm nghề của ông.

Ông có thể cho biết ý nghĩa của vai trò chỉ đạo nghệ thuật trong thời đại ngày nay là gì  và công việc đó đã thay đổi như thế nào trong những năm qua không?

Mặc dù đã từng có nhiều công ty dựa vào những con số cụ thể để đề ra chiến lược và một loạt biến động chưa từng được nghĩ đến trước đây đã diễn ra, nhưng những lựa chọn của họ càng ngày càng rõ ràng hơn và việc tìm kiếm người đối thoại cũng dễ dàng hơn. Vào thời điểm ngành thiết kế Ý dựa vào mối quan hệ giữa các nhà tư bản công nghiệp và nhà thiết kế, rất ít công ty cảm thấy vị trí giám đốc nghệ thuật cần thiết. Ngày nay, họ đã trở thành những người đào tạo và dẫn dắt mà các công ty cần để truyền đạt các chiến lược và vạch ra đường hướng.

Cá nhân tôi đã có trải nghiệm ở hai giai đoạn. Tôi đã không có sự chuẩn bị tốt lúc đầu. Sau khi lấy bằng Kiến trúc năm 1979, tôi làm việc với Giulio Cappellini. Anh ấy muốn cách tân công ty và đề nghị tôi cộng tác. Tôi đã bắt đầu mà không nhận ra mình đã trở thành giám đốc nghệ thuật và làm công việc đó trong 10 năm.

Tôi đã dành phần lớn thời gian những năm đầu để hiểu rõ hơn về bản chất của công ty. Đây là nơi mà sự khác biệt giữa vai trò trước và nay được thể hiện rõ nét. Nếu trước đây, đó là công việc mang tính xây dựng thì hiện nay lại mang yếu tố giao tiếp nhiều hơn.

Rodolfo Dordoni kien truc su nha thiet ke minotti giam doc nghe thuat

Vai trò giám đốc nghệ thuật đã thay đổi theo cách tiếp cận với thiết kế và giao tiếp. Trước khi các khóa học thiết kế xuất hiện, chúng tôi hoàn toàn tự học về nghề này. Mô hình nhóm các chuyên gia trẻ tuổi chỉ ra đời khi các trường thiết kế bắt đầu mọc lên, các công ty Ý cũng bắt đầu xem xét thiết kế nước ngoài và bày ra những góc nhìn và xúc cảm mới. Kể từ đó, vai trò này đã bao gồm việc tìm kiếm và công nhận những phẩm chất có lợi cho tinh thần đồng đội trong các dự án đang diễn ra. Giờ đây, khi bắt tay vào một cuộc hành trình điều hướng nghệ thuật mới, bạn phải đối mặt với các giới hạn khác nhau và tìm ra những người có thể đồng hành với mình.

Các điều kiện tiên quyết cho mối quan hệ hợp tác tốt với một công ty là gì?

Chỉ đạo nghệ thuật cũng liên quan đến sự giao thoa giữa tâm trí và cá tính. Trong lĩnh vực của mình, tôi bảo vệ khía cạnh lý trí. Theo tôi, đó là điều kiện tiên quyết để xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tương đồng và thống nhất. Bạn không thể làm việc trong một môi trường phải thiết lập sức mạnh tổng hợp hợp lý nhất định nếu bạn không có mối quan hệ thân thiết với những người trong công ty. Đôi khi, bạn phải đối phó với những người chủ chốt mà bạn cảm thấy khó để cân bằng trong một dự án liên quan đến nhiều người .

Rodolfo Dordoni kien truc su nha thiet ke minotti art director

Bạn phải đảm bảo rằng mối quan hệ giữa công ty và tất cả những người bên ngoài và bên trong tham gia vào dự án là hài hòa. Đây là điều mà tôi tin rằng vai trò của giám đốc nghệ thuật ngày nay đòi hỏi. Đối với một người duy lý như tôi, nếu tỷ lệ sai, không thể có sự hài hòa. Điều tuyệt vời của việc chỉ đạo nghệ thuật là nó đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống với khả năng suy luận và làm việc luôn thay đổi cách bạn làm việc. Bạn không chỉ nghĩ về một sản phẩm cụ thể mà còn nghĩ về các yếu tố đảm bảo tình trạng hoàn hảo của nó.

Ông có giai thoại nào về công việc và mối quan hệ với các thương hiệu thiết kế không?

Trong sự nghiệp của mình, Minotti là đối tác lâu năm nhất của tôi. Bộ sưu tập đầu tiên của tôi gồm ba chiếc ghế sofa và một chiếc ghế bành hình khối, trông giống như một chiếc rương. Tôi đã tin chắc rằng họ sẽ từ chối, nhưng rồi họ lại tò mò về nét khiêu khích thoáng qua trên các thiết kế mà sau đó trở thành nền móng về tinh thần cổ điển vượt thời gian cho sự phát triển của công ty. Đó là nhờ sự thay đổi về quan điểm, trong đó sản phẩm không còn chỉ là một chiếc ghế sofa mà là một bộ sưu tập, một khái niệm đến từ thế giới thời trang. Vì vậy, đó không chỉ là một dự án riêng lẻ, mà còn là tâm trạng, cảm xúc tạo ra nền tảng.

Rodolfo Dordoni minotti

Ghế bành Suitcase của Minotti do Rodolfo Dordoni thiết kế.

Sau đó, ELLE Decor đưa dự án đầu tiên của tôi với Minotti lên trang bìa. Tôi đã xuất hiện tại buổi chụp hình với mái tóc nhuộm bạch kim và làm tất cả mọi người bất ngờ. Bạn cần phải phá vỡ những khuôn phép nếu muốn được nổi bật và chú ý.

Ông thấy những thử thách nào từ tương lai?

Thế giới ảo khiến tôi hoài nghi và chưa hiểu đầy đủ. Là một người lý trí, tôi không cảm thấy tò mò về sự đột biến quy giá trị cho những thứ không tồn tại. Tôi nghĩ metaverse làm thỏa mãn trí tò mò, sự phù phiếm và tất cả những đặc tính trong tâm hồn con người. Điều quan trọng là có thể duy trì sự kích thích và tò mò mò một cách sắc bén. Tôi tin rằng việc trở thành một giám đốc nghệ thuật chứa đựng sự phấn khích có thể thúc đẩy những loại thói quen này, duy trì sự vững chắc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tôi muốn vai trò của giám đốc nghệ thuật có thể truyền lại những giá trị truyền thống, văn hóa, sự độc đáo và bản sắc. Không có những thứ này, chúng ta mất đi mọi thứ khiến chúng ta trở nên độc nhất.

Rodolfo Dordoni kien truc su nha thiet ke minotti art director

Ông nhìn nhận vai trò giám đốc nghệ thuật thế nào trong tương lai?

Có thể chúng ta sẽ phải tìm kiếm lại sức mạnh tổng hợp giữa thử nghiệm, đổi mới, sự nhạy cảm và các chủ đề mà chúng ta đang lạm dụng, chẳng hạn như tính bền vững, vốn đã trở thành một lợi điểm kinh doanh. Lẽ ra nó phải là một khái niệm sẵn có, nhưng chúng ta lại sử dụng nó như một nhãn mác để được biết đến nhiều hơn. Các giám đốc nghệ thuật có trách nhiệm phải gìn giữ ý nghĩa của những việc chúng ta làm và truyền đạt lại cho thế hệ kế tiếp.

Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Salone del Mobile.Milano | Ảnh: Minotti


Xem thêm

Shigeru Ban: “Tôi luôn tránh chạy theo xu hướng”

Hiroshi Sugimoto – Nhánh rẽ tình cờ đến với kiến trúc

Victor Horta: Kiến trúc sư tiên phong cho phong trào Art Nouveau