Nhà giáo dục – Nghệ sĩ Hương Mi Lê: Tồn tại ở thể toàn vẹn

Từ việc thấu đáo nhiều vai trò khác nhau để phục vụ vai trò tổng quát là “nhà giáo dục” cho đến theo đuổi “nghệ thuật toàn diện”, tất cả những việc Hương Mi Lê đang làm đều hướng đến mục tiêu “làm người và làm mình – toàn vẹn”.

Đảm đương nhiều vai trò khác nhau, từ giảng viên, dịch giả, tác giả; người xây dựng, quản lý và điều phối các chương trình về nghệ thuật và thiết kế; cho đến nhà thơ và nghệ sĩ thị giác… nhưng Hương Mi Lê tự đặt ra và khẳng định vai trò chính của mình là “nhà giáo dục” – một cách hiểu đơn giản từ “educator” trong tiếng Anh. Chị dịch để nghiên cứu và xây dựng nguồn tài liệu; viết để suy tư, đưa ra những nhận định và đặt ra những câu hỏi mới; xây dựng các chương trình và tham gia trò chuyện để chia sẻ kiến thức, quan điểm và mở ra thảo luận, từ đó tìm hiểu khán giả của mình.

Là một nhà giáo dục, dịch giả, tác giả; người xây dựng, quản lý và điều phối các chương trình về nghệ thuật và thiết kế; cũng là nhà thơ và nghệ sĩ thị giác… làm thế nào chị có thể đảm đương tất cả vai trò này? Những vai trò này bổ trợ cho nhau như thế nào?

Hiện nay, tôi đặt ra và khẳng định vai trò chính của Hương Mi Lê là “nhà giáo dục” – hiểu đơn giản là dịch từ “educator” trong tiếng Anh. Và để đóng vai trò ấy, tôi phải làm rất nhiều việc khác nhau – đây là điều tôi đã nhận ra và đã thực hiện được trong hơn bốn năm qua, kể từ khi bắt đầu làm công việc giảng dạy chính thức đầu tiên là giáo viên môn Ký tự pháp (Typography) và Lịch sử thiết kế đồ họa tại học viện Monster Lab.

Tôi dịch để nghiên cứu và xây dựng nguồn tài liệu; tôi viết để suy tư, đưa ra những nhận định, và đặt ra những câu hỏi mới; tôi xây dựng các chương trình và tham gia trò chuyện để chia sẻ kiến thức, quan điểm, và mở ra thảo luận – từ đó tìm hiểu khán giả của mình. Các vai trò dịch giả, tác giả, người xây dựng, quản lý và điều phối các chương trình, diễn giả… đều là các vai trò nhỏ, cần thiết để thực hiện vai trò tổng quát là “nhà giáo dục” – chúng cụ thể hóa cách tôi làm giáo dục và giải nghĩa danh xưng theo quan điểm của tôi: “Nhà giáo dục không ở đây để đưa ra câu trả lời, thậm chí không đưa ra cả câu hỏi – mà cung cấp những gợi ý để mọi người tự đặt ra câu hỏi cần thiết cho chính họ và đồng hành với từng người trên con đường tìm ra câu trả lời. Nhà giáo dục sinh ra để “dẫn dắt”, như bản chất từ nguyên của “education”. Một nhà giáo dục muốn và phải hiểu hết thảy con người, không phân biệt và không phán xét.

Về khía cạnh thực hành nghệ thuật, tôi đang đặt tách biệt và cũng có một cái tên khác (thậm chí là một nhân cách khác) là mi-mimi. Với Hương Mi Lê, mi-mimi cũng là một trong các nhà thực hành, một đối tượng nghiên cứu, một ví dụ tham khảo mà Hương Mi Lê hiểu rõ hơn phần lớn các nhà thực hành nghệ thuật khác.

nhà giáo dục - nghệ sĩ Hương Mi Lê 1

Nhà giáo dục – Nghệ sĩ Hương Mi Lê tại các buổi tọa đàm.

Nếu bỏ qua những danh xưng, chị sẽ “tự họa” bản thân như thế nào?

Trên các nền tảng xã hội, tôi vẫn đang “tự họa” mình bằng những miêu tả đậm tính “văn học mạng” như “người lãng mạn cuối cùng”, “hiện thân của phi lý”, “trầm cảm yêu đời”, “một sát na mê man của lý trí”, “lại một thi sĩ của trái tim tan vỡ”… Khi làm diễn giả, tôi rất hay tự giới thiệu mình một cách nghiêm túc đùa giỡn là “danh hài độc thoại của làng giáo dục”. Tôi thấy mình khó tính và dễ thương, thông minh và hài hước, vừa sâu sắc vừa ngốc nghếch, vừa xấu vừa đẹp, vừa già vừa trẻ, vừa đau khổ vừa lạc quan, vừa bao dung vừa ích kỷ, vừa mơ hồ vừa minh bạch. Nhưng, nhìn chung, tôi nghĩ tôi vẫn đang không ngừng tạo ra mình và, sau đó, tìm hiểu mình.

Những suy tư về văn hóa, con người và nghệ thuật của chị thường bắt đầu từ đâu? Nó phản ánh góc nhìn của chị về thế giới và về chính con người mình như thế nào?

Tôi có một may mắn cực kỳ lớn là sinh ra trong một gia đình con nhà lính – nghèo (tuy là nghèo thành phố) – nhưng được nuôi dưỡng về mặt kiến thức như con nhà quan. Từ khoảng hai tuổi, tôi đã đắm mình trong những cuốn sách ở thư viện của Alliance française, tiền thân của L’Espace bây giờ, và trong những cuốn sách bằng đủ mọi ngôn ngữ do bố mẹ mang về từ nước ngoài. Lớn hơn một chút, bốn tuổi rưỡi, mẹ đã cho tôi đi học đàn, học vẽ, và học múa. Gia đình tôi sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn chơi, (mà thực ra là lúc đấy tôi thấy rất bình thường chứ cũng không thấy thiếu thốn, khổ sở) để tôi được học. Đỉnh điểm là hồi lớp 9, tôi vừa là học sinh giỏi-xuất sắc của khoa nhạc nhẹ, chuyên ngành đàn phím điện tử, ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, vừa đi thi học sinh giỏi các môn toán, lý, hóa, ngữ văn và tiếng Pháp. Nhìn chung, từ bé đến lớn, tôi hầu như không có quần áo mới mà toàn mặc lại đồ cũ vá lại nhiều lần của người khác, nhưng lúc đó mẹ tôi mua cho tôi hẳn cái đàn – một điện và một cơ – bằng thu nhập cực kỳ ít ỏi của một người gia sư.

Nói như vậy có nghĩa là tôi đã lớn lên một cách tự nhiên trong tri thức, nghệ thuật, và sự khổ luyện. Mọi suy tư của tôi bắt nguồn từ chính tôi vì tôi không ngừng tiếp nhận thông tin, sàng lọc chúng, xử lý chúng, và trả lại cho thế giới suy tư của mình.

Mỗi khi dấn thân vào một con đường, chị có đặt ra cho mình một sứ mệnh? Tất cả công việc của chị có hướng đến một mục tiêu chung nào không?

Ngay từ khi còn bé, tôi đã có một trực giác về sự dấn thân và cảm nhận mơ hồ về những sứ mệnh. Có lẽ, do vậy, tôi luôn dấn thân bằng một trực cảm và khả năng “mình làm được cái này” mà không đặt ra mục tiêu nào, đừng nói là sứ mệnh. Có những con đường tôi đã đi một thời gian rồi dừng lại vì thấy đã tới điểm cuối với chúng. Có những con đường tôi tạm nghỉ. Có những con đường tôi đang đi và biết sẽ còn đi lâu – ví dụ như con đường làm giáo dục, và tôi hẳn có thể gọi đấy là một sứ mệnh của mình. Tức là, tôi sẽ nhận ra sứ mệnh chứ không tự đặt ra nó. Như trong tuyên ngôn của một nhà giáo dục (thường mọi người chỉ thấy tuyên ngôn nghệ sĩ) mà tôi viết cho sự kiện “Ghi chép của một Nhà Giáo Dục” vào tháng 11/2003 tại The Outpost là “Nghiệp này đã chọn tôi, và tôi chọn cách để làm nó”. Còn nếu nói tất cả các công việc nói chung mà tôi làm thì có lẽ đều hướng tới mục tiêu là làm người và làm mình – toàn vẹn.

nhà giáo dục - nghệ sĩ Hương Mi Lê 2

Tranh in cyanotype trên toan trong bộ Sự họa chân dung của mi-mimi.

Sự họa chân dung của mi-mimi

Tranh vẽ trên giấy trong bộ Sự họa chân dung của mi-mimi, trưng bày trong triển lãm nhóm Cõi Riêng Ảo (2021).

nhà giáo dục - nghệ sĩ Hương Mi Lê 3

Hai bài viết do Hương Mi Lê thực hiện cho chuyên mục Lịch sử Thiết kế Đồ họa trên iDesign.

nhà giáo dục - nghệ sĩ Hương Mi Lê 4

Art tour tại triển lãm Thủy triều cảm xúc ở VCCA.

Những vai trò khác nhau cho phép chị tiếp cận và kết nối các nhóm cộng đồng khác nhau như thế nào trên hành trình lan tỏa vẻ đẹp của nghệ thuật?

Có khả năng đóng nhiều vai trò tức là tôi có thể tham gia làm việc trong nhiều dự án khác nhau, hợp tác với nhiều đơn vị khác nhau, tiếp cận với nhiều cộng đồng – và theo nhiều cách khác nhau. Nói ví dụ về một số dự án chính mà tôi làm hiện nay: với mục Lịch sử Thiết kế Đồ họa trên iDesign mà tôi là chủ biên – sau gần 3 năm, chúng tôi đã có hơn 250 bài dịch và viết, tôi tự tin rằng đây là kho kiến thức lịch sử nghệ thuật thị giác và thiết kế đồ họa trực tuyến có tính nhất quán bằng tiếng Việt lớn nhất hiện nay; với CA’ Library – Thư viện Kiến trúc-Nghệ thuật, tôi hợp tác tổ chức chuỗi trò chuyện ca’talks hằng tháng và khóa học cảm thụ nghệ thuật hằng năm, với nhiều đối tác và khách mời chuyên gia trong các lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế, giáo dục; cùng một số người bạn, mới gần đây, tôi thành lập nên “Hà Nội Mở”, một dự án cùng đi, cùng sáng tạo và cùng trưng bày. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên hợp tác với các đơn vị như VCCA, viện Đức TP.HCM và Hà Nội, viện Pháp Hà Nội, Noirfoto, Á Space, The Outpost, Đào Philosophy Bar, Toong, Pencil Philosophy, Sunday Art Club… cùng một số tạp chí và báo. Một điều thú vị nữa là thỉnh thoảng lại có những nhóm bạn trẻ hoặc rất trẻ (lứa tuổi đại học hoặc thậm chí là phổ thông) tự tổ chức các chương trình nghệ thuật hay giáo dục và mời tôi làm diễn giả hoặc giảng dạy.

Như vậy, khán giả và độc giả của tôi đến từ mọi lứa tuổi, sinh sống ở khắp mọi miền đất nước, thậm chí cả ở nước ngoài – với nền tảng và những quan tâm đa dạng. Tôi cũng thường xuyên giới thiệu các hoạt động khác nhau của mình, ở nhiều lĩnh vực, cho các bạn. Ví dụ, một bạn là giáo viên và quan tâm tham gia trò chuyện về giáo dục cho trẻ nhỏ của tôi, nhưng sau đó lại tiếp tục đi nghe sự kiện về nghệ thuật hay triết học, và có thể đọc thêm những bài mà tôi và các CTV đã dịch và viết. Tôi cũng luôn giới thiệu bất cứ sự kiện và đơn vị nào mà tôi thấy thú vị, bổ ích cho mọi người, và tôi rất mừng là tới nay thì những lời giới thiệu của tôi đã có những uy tín nhất định.

Khi nói về nghệ thuật, số đông thường cho rằng sáng tạo nghệ thuật là đặc quyền của những người có tài năng bẩm sinh, và kiến thức nghệ thuật chỉ dành cho những học giả hàn lâm. Dưới góc nhìn của chị, nghệ thuật có vai trò như thế nào trong đời sống của con người, và nó có thực sự dành cho tất cả mọi người?

Với con người như một tổng thể, nghệ thuật là một phần không thể thiếu – lịch sử của nhân loại từ điểm xa nhất mà chúng ta ghi nhận được đã chứng minh điều đó. Dưới góc độ lịch sử, nghệ thuật phản ánh tình hình chính trị – xã hội, kinh tế, hiểu biết khoa học – kỹ thuật, văn hóa, triết học, tinh thần, thể chất… của con người trong chiều kích không gian và thời gian. Với con người cá nhân, nghệ thuật dành cho bất cứ ai muốn nó – như mọi thứ ta có thể tự tạo ra hoặc không cần phải sở hữu như một tài sản vật chất. Tức là, bạn không cần phải mua và sở hữu một bức tranh để thưởng thức và yêu thích nó, bạn cũng không cần phải là một người được gọi là nghệ sĩ và tạo tác của bạn cũng không cần phải được ai khác ngoài bạn công nhận là một tác phẩm nghệ thuật để nó có ý nghĩa với bạn. Nghệ thuật mang giá trị tri thức, tư duy, và tinh thần. Đối với tôi, nghệ thuật hiển nhiên phải tồn tại, dù là trong dạng thức nào – thiết yếu như mọi yếu tố giúp con người sinh tồn và là “người” một cách đúng nghĩa.

Một buổi trò chuyện về nhiếp ảnh ở Room of Fotography của Noirfoto

Một buổi trò chuyện về nhiếp ảnh ở Room of Fotography của Noirfoto.

nhà giáo dục - nghệ sĩ Hương Mi Lê 5

Poster showcase của workshop Cảm thụ nghệ thuật thị giác – Lấy khán giả làm trung tâm (2023) của Hương Mi Lê hợp tác với CA’ Library tổ chức.

nhà giáo dục - nghệ sĩ Hương Mi Lê 6

Một số sách do Hương Mi Lê dịch.

Là người điều phối rất nhiều chương trình, hội thảo về nghệ thuật, chị có quan sát, nhận định gì về bối cảnh văn hóa và sự quan tâm của người trẻ hiện nay dành cho nghệ thuật?

Tôi đánh giá cao người trẻ hiện nay, theo nghĩa là những bạn còn trẻ về tuổi, trong vùng tôi quan sát được. Các bạn tò mò với mọi thứ nói chung và nghệ thuật nói riêng, bằng tư duy cởi mở. Các bạn chịu khó học hỏi, tự tìm cái để học và cách để học, tiếp tục trao đổi, thảo luận với nhau hoặc thậm chí là dạy lại cho những bạn… trẻ hơn. Với các bạn thực hành nghệ thuật, ngoài những điểm nói trên, tôi cũng thấy sự chỉn chu và chuyên nghiệp, đặc biệt là đa nhiệm hơn hẳn nhiều thế hệ đi trước – những thế hệ hiện nay đôi khi phải học ngược lại các bạn trẻ ở một số kỹ năng nhất định. Một minh chứng cho việc này chính là các giám tuyển thực hành thường xuyên ở Việt Nam hầu hết từ khoảng hơn 30 tuổi đổ xuống. Tinh thần cộng đồng của các bạn cũng rất tốt, và điều ấy thực sự hữu ích, nhất là khi nhiều bạn đang dấn thân vào những hình thức nghệ thuật mới. Các bạn cũng có thái độ phê bình cần thiết để nâng cao chất lượng chung của thực hành nghệ thuật trong cùng thế hệ, đồng thời sẵn sàng kết nối, trao đổi và học hỏi từ những thế hệ đi trước.

Ngoài ra, tôi cũng nghĩ rằng bất cứ ai còn đang lao động, học hỏi, và phát triển là những người “trẻ”. Tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh này ở trong lĩnh vực nghệ thuật. Ví dụ như tôi hơn 30 tuổi chắc chắn vẫn là một người trẻ trong cả nghệ thuật và giáo dục; đồng thời, tôi cũng đang mơ hồ nhìn thấy một làn sóng của những người “trẻ lại”. Tôi muốn có niềm tin rằng những xung lực mạnh mẽ hiện nay của hoạt động nghệ thuật “trẻ” tại Việt Nam đang cuốn trở lại cả những người thành danh nhiều thập kỷ trước và thậm chí đã “gác bút” một thời gian dài.

Làm sao để nghệ thuật ngày càng tiếp cận được với nhiều người hơn trong thời đại 4.0? Sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật số và các nền tảng mạng xã hội mang đến cơ hội và thách thức như thế nào trong việc tìm hiểu và cảm thụ nghệ thuật của con người?

Xuyên suốt tiến trình lịch sử của loài người, nghệ thuật và khoa học vẫn lần lượt dẫn dắt nhau – cái đi trước, cái theo sau. Thời đại 4.0 hay thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 “kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số, và sinh học” (theo Klaus Schwab). Chưa nói về mặt nội dung, các tiến bộ khoa học-công nghệ-kỹ thuật như vậy cũng đã tạo ra những phương pháp sáng tạo mới và cách tiếp nhận mới. Ngay cả những tác phẩm ở loại hình nghệ thuật truyền thống hơn vẫn khó tránh khỏi phải tìm cách tiếp cận với khán giả ở nền tảng mới hơn – ví dụ, anh vẽ một bức tranh sơn dầu thì vẫn phải chụp lại và đăng tải hình ảnh kỹ thuật số tái hiện lại tác phẩm lên mạng Internet chẳng hạn. Lúc này, người họa sĩ cần phải học thêm cách chụp một bức ảnh phản ánh đúng nhất bức tranh của mình.

Như vậy, lựa chọn có vẻ hiển nhiên hơn cho nhà thực hành để tiếp cận với khán giả trong “thời đại 4.0” là sáng tác về những nội dung thức thời và với những hình thức gắn với những công nghệ mới. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mọi nghệ thuật từng được tạo ra đều vĩnh viễn có lý do để tiếp tục tồn tại và nghệ thuật “tốt” sẽ tìm được cách đến với khán giả của nó.

Với tôi, sự phát triển của công nghệ chỉ mang tới cơ hội chứ không có thách thức nào đối với việc tìm hiểu và cảm thụ nghệ thuật của con người. Công nghệ càng phát triển, chúng ta càng dễ dàng tiếp cận được lượng lớn thông tin và kiến thức. Nếu ai nói rằng lượng thông tin lớn như vậy mà cá nhân thiếu khả năng sàng lọc, xử lý là một thách thức của thời đại thì tôi không đồng ý – vào thời đại nào thì con người cũng cần học cách tự xử lý thông tin thành kiến thức của mình.

nhà giáo dục - nghệ sĩ Hương Mi Lê 7

Tour trải nghiệm Ghi Chép Của Một Nhà Giáo Dục tại The Outpost.

ha noi mo showcase huong mi le

Trình hiện Hà Nội Mở số 04: The Showcase.

trien lam ha noi mo so 4 showcase huong mi le nha giao duc

triển lãm nhóm Cõi Riêng Ảo tại Manzi.

Cần có những tố chất nào để duy trì niềm say mê trong việc nghiên cứu nghệ thuật? Đặt câu hỏi tốt và đi tìm câu trả lời tốt, đâu là điều quan trọng hơn? Phần khó nhất và phần thú vị nhất của công việc này là gì?

Tôi không nghĩ rằng cần có “tố chất” để duy trì niềm say mê với bất cứ điều gì, thậm chí, tôi không nghĩ cần phải duy trì “say mê”. Về cá nhân tôi, tôi không dùng những từ như “say mê” hay “đam mê”, vì tôi cảm thấy lý do mà tôi làm việc lớn lao hơn thế, rất nhiều. Không phân biệt “tốt” hay không “tốt”, đặt câu hỏi là cần thiết để hiểu bất cứ điều gì và tìm câu trả lời là cần thiết để có câu hỏi mới. Tôi luôn nghĩ về những câu hỏi và tôi không nghĩ về việc cái gì khó hay cái gì thú vị trong công việc của mình – hay cũng có thể nói là mọi thứ đều phải thú vị và khó. Nhưng tôi vui khi học được điều làm tôi thích thú và rất vui khi những khán giả, độc giả, hay học trò của tôi khẳng định tác động của tôi đối với họ. Có một đợt, vào năm ngoái, sau một buổi trò chuyện mà tôi vừa tổ chức vừa tự làm diễn giả, đồng loạt tới 3-4 bạn cùng gửi thư hay tin nhắn rất dài cho tôi, nói rằng họ đã là khán giả và độc giả của tôi nhiều năm trời. Lúc đấy, tôi thực sự rất xúc động, vì trước giờ tôi luôn cứ đi dù trước mặt tôi không có ai và cũng không (cần) biết liệu có ai sau mình. Những chia sẻ của các bạn truyền sức mạnh cho tôi và cho tôi được tin rằng điều mình làm có nghĩa.

Là người thực hành nghệ thuật toàn diện, chị có nhận định gì về sự giao thoa của các loại hình nghệ thuật từ xưa đến nay, đặc biệt là giữa nghệ thuật và kiến trúc?

Rất cảm ơn ELLE Decoration đã đề cập tới việc này, một việc tôi gần như chưa có dịp nào được nói về nó. “Nghệ thuật toàn diện” ở đây là cách tôi tạm dịch khái niệm Gesamtkunstwerk của tiếng Đức – một nghệ thuật bao gồm mọi loại nghệ thuật, mỗi yếu tố đơn lẻ ở các loại hình nghệ thuật khác nhau cùng nhau tạo nên một tổng thể nghệ thuật nhất quán với tinh thần “cái toàn thể lớn hơn tổng các bộ phận của nó”. Nghệ thuật ở đây, như thế, bao gồm thiết kế – hay nói cách khác là mọi quy trình sáng tạo. Khái niệm này bắt nguồn từ nhà văn-triết gia Đức K.F.E Trahndorff đầu thế kỷ 19, và trở nên nổi tiếng nhờ nhà soạn nhạc-nhạc trưởng-đạo diễn sân khấu-nhà lý luận âm nhạc Richard Wagner – người đã xây dựng một nhà hát để diễn riêng các vở opera của mình. Trường Bauhaus là ví dụ điển hình nhất của tinh thần và sản phẩm kiểu Gesamtkunstwerk của thế kỷ 20, bên cạnh Arts and Crafts, Art Nouveau, Art Deco, Jugendstil, Ly Khai Vienna, và De Stijl – đều là những trào lưu kiến trúc, thiết kế và nghệ thuật.

Tức là, Gesamtkunstwerk tồn tại hiển nhiên và nổi bật nhất trong kiến trúc, nơi tất cả các khía cạnh của thiết kế bao gồm ngoại thất, nội thất, trang bị nội thất đều được tạo ra để bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Thậm chí, như trong một ví dụ mà tôi rất thích, căn nhà Bloemenwerf theo phong cách Art Nouveau của họa sĩ-kiến trúc sư người Bỉ Henry van de Velde đã không chỉ dừng lại ở bản thân ngôi nhà hay kể cả những bộ dao dĩa mà lan sang tận những bộ váy bồng bềnh mà van de Velde thiết kế cho vợ ông. Trong tầm nhìn và tham vọng của những người thực hành Gesamtkunstwerk thấu đáo nhất vào thế kỷ 19-20, toàn bộ đời sống của con người sẽ được thiết kế và kiến tạo một cách tổng thể, nhất quán – bao gồm kiến trúc, nội thất, hội họa, điêu khắc, trang trí và đi tiếp tới cả thời trang, âm nhạc, thơ ca… Ở đó, mọi thứ đều là tác phẩm nghệ thuật và là sản phẩm của quá trình thiết kế, không có ranh giới giữa nghệ sĩ và nghệ nhân, nghệ sĩ và nhà thiết kế, hay giữa nghệ thuật và kiến trúc.

Ngày nay, chúng ta dễ dàng nhìn thấy di sản của Gesamtkunstwerk trong thiết kế sân khấu, thiết kế truyền thông, nghệ thuật đa phương tiện, phim ảnh, các MV ca nhạc… và chắc chắn là trong kiến trúc. Xu hướng kiến trúc lấy con người làm trung tâm hay “vị nhân sinh” đang là xu hướng lớn toàn cầu và phản ánh rõ tinh thần Gesamtkunstwerk khi tìm cách thiết kế toàn bộ không gian sinh sống và làm việc của con người một cách nhất quán, hòa hợp với môi trường bản địa và đặt mục tiêu phục vụ người sử dụng lên cao nhất. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng ngày càng có nhiều người theo đuổi và tôi rất hoan nghênh việc này. Các ấn phẩm về kiến trúc cũng bắt kịp dòng chảy ấy. Hiện tôi cũng đang tư vấn về mặt nội dung và thiết kế cho niên san về xây dựng, kiến trúc, nội thất và văn hóa nghệ thuật Home Color Home của Gỗ Minh Long, số năm 2023-2024, có chủ đề “vị nhân sinh” và sẽ ra mắt trong quí I năm 2024.

Niên san Home Color Home

Niên san Home Color Home do Hương Mi Lê làm tư vấn nội dung và thiết kế

Về phần mình, Gesamtkunstwerk của tôi không phục vụ người dùng hay khán giả nào mà phục vụ chính tác phẩm. Tôi biết rằng tác phẩm của tôi cần được bộc lộ ở một thể toàn diện của rất nhiều yếu tố khác nhau, và nó sẽ tự tìm ra cách đúng để thành hình.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Decoration Việt Nam.


HƯƠNG MI LÊ/mi-mimi

Nhà giáo dục – Nghệ sĩ

– Chủ nghiệm chuỗi ca’talks và workshop “Cảm thụ nghệ thuật – Lấy khán giả làm trung tâm” hợp tác cùng CA’ Library

– Chủ biên chuyên mục Lịch sử Thiết kế Đồ họa tại iDesign

– Giảng viên tại học viện Monster Lab

– Đồng sáng lập nền tảng Hà Nội Nghệ Văn

– Làm việc với các đơn vị như VCCA, Vinschool, The Outpost, Omega+, Thái Hà Books, Viện Pháp tại Hà Nội, viện Goethe tại Hà Nội và TP.HCM, Sunday Art Club…

Bài: Đoàn Trúc | Ảnh: NVCC


Xem thêm

Kiến trúc sư Nguyễn Kiều Lam – Người dệt không gian

Hiện đại hóa Di sản: Thẩm mỹ giao thoa giữa kiến trúc hiện đại và công trình lịch sử

Nghệ sĩ thư pháp Đào Huy Hoàng: Miệt mài thư – bút