Kiến trúc sư Nguyễn Kiều Lam – Người dệt không gian

Khi được hỏi LAM Weaving Spaces là gì, nhà sáng lập Nguyễn Kiều Lam đã suy nghĩ khá lâu. Một công ty chuyên cung cấp các giải pháp vải cho không gian nội thất; một đơn vị sáng tạo kết cấu nhẹ cho công trình cộng đồng, triển lãm nghệ thuật, sự kiện ngắn hạn ngoài trời… Không, tất cả đều không đủ. Với Lam, luôn có những chân trời mới để khám phá vẻ đẹp của vật liệu, và thiết kế tuyệt vời nhất vẫn còn ở phía trước. Đơn giản như cái tên, Lam chỉ muốn là “người dệt nên không gian”.

Những đợt sóng vải đung đưa trong gió tại Ashui Pavilion 2023, cánh cổng huyền ảo dẫn vào phòng Big Bang của triển lãm Invisidoor tại Areus Atelier, kết cấu trần nhà đọng nước tại ELLE Decoration Pop-up Playground… là những sản phẩm sáng tạo độc đáo khó quên từ sự kết hợp, cộng tác giữa kiến trúc sư và các đơn vị thiết kế với LAM Weaving Spaces. Gần đây, người ta còn dễ dàng bắt gặp các giải pháp trang trí bằng vật liệu nhẹ kết hợp với chiếu sáng của LAM Weaving Spaces ở khắp các nhà hàng, quán cà phê, quán bar… tại TP.HCM, chưa kể vô số công trình nhà ở, văn phòng và không gian công cộng. Đó là những thành tựu rất ấn tượng của một công ty chỉ mới ra đời chưa đầy 3 năm.

Với nhà sáng lập Kiều Lam, sự hiện diện của vải giữ vai trò quan trọng trong việc liên kết các bộ phận của không gian, tạo nên sự chuyển tiếp trơn tru và mượt mà, “đó là sự chuyển tiếp giữa nặng và nhẹ, cứng và mềm, ánh sáng và bóng tối, thô mộc và tinh tế”. Từ khối công trình thô cứng cho đến không gian sống tràn đầy sinh khí, luôn bắt đầu từ sự mềm mại, riêng tư, uyển chuyển của vải. Rèm cửa là thứ duy nhất có thể tự chuyển động trong không gian nội thất khi tương tác với nắng, với gió, với thế giới bên ngoài. Khi con người ngày càng thu mình vào những khối hộp vuông vức và cứng nhắc, chính những giai điệu đầy rung cảm này khiến cho không gian trở nên sống động và “người” hơn. “Tạo ra cảm xúc và sự kết nối giữa gia chủ với không gian luôn là điều ưu tiên của tôi”, chị chia sẻ. Mỗi thiết kế của Lam đều là độc bản, được đo ni đóng giày cho từng không gian, dựa trên sự nghiên cứu kỹ lưỡng và thấu đáo về phong cách và lối sống của gia chủ.

Nguyễn Kiều Lam kien truc su nha thiet ke

Kiến trúc sư Nguyễn Kiều Lam

Nguyễn Kiều Lam ashui thiet ke khong gian pavilion

Dòng sông vải tại Ashui Pavilion 2023 do LAM Weaving Spaces phát triển phương án kỹ thuật, sản xuất và lắp đặt theo ý tưởng thiết kế của kiến trúc sư tại MIA Design Studio.

Nguyễn Kiều Lam khong gian thiet ke

Không gian vải tại AREUS Canh Ba Collection.

Lam có một niềm say mê đặc biệt dành cho vải, không chỉ trong lĩnh vực kiến trúc – nội thất mà còn cả thời trang. Lam may được, đó là một bản năng sớm có khi là con gái của một người thợ may. Mỗi khi tham dự những show diễn thời trang hay quan sát sản phẩm của các nhà thiết kế thân quen, chị có thói quen “soi mói” kỹ lưỡng từng đường kim mũi chỉ, sờ, chạm từng biên vải, mân mê bề mặt chất liệu và không ngừng xuýt xoa về cách xử lý kỹ thuật của các nhà thiết kế.

“Chơi” với vải là một niềm vui rất riêng tư của Lam. “Nhờ sự sâu sắc trong quá trình thiết kế và vững vàng về kỹ thuật, mình mới hiểu rõ và xử lý được các đặc tính của vải. Để rồi chính sự tinh tế khi làm việc với vải lại giúp mình quan sát mọi thứ dưới góc độ vi quan, chú ý tiểu tiết, khiến mình trở nên kỹ lưỡng, nhạy cảm hơn”. Trong khi thời trang tạo nên chiếc áo cho con người, thì kiến trúc – nội thất tạo nên chiếc áo cho không gian. Cổ rèm có thể mảnh mai, lả lơi như dây áo buông trên bờ vai gợi cảm. Khoen rèm, dây buộc được cân nhắc kỹ lưỡng về công năng nhưng vẫn đầy mỹ cảm, thanh mảnh và tinh giản như món trang sức trên cổ tay. Mọi phụ kiện đều có thể trở nên duyên dáng khi ướm vào không gian phù hợp.

Đương lúc cuộc chơi với vải vẫn còn nhiều bất ngờ, chính sự quen thuộc, thành thạo và hiểu biết sâu sắc về chất liệu này đã mở ra cho Lam những chân trời mới. Mặc dù các phương thức xử lý kỹ thuật hiện tại của chị được kết hợp từ nhiều chuyên ngành khác nhau: may mặc, cơ khí chế tạo, xây dựng, kiến trúc, thời trang… nhưng quá trình làm việc với vải vẫn là nền tảng để chị tiếp cận và xử lý các chất liệu khác. Sự linh hoạt, mềm dẻo và tính đa hướng của vải là hệ quy chiếu để Lam khai thác các vật liệu nhẹ khác như nhựa PVC, lưới kim loại, thép không gỉ, inox… Chị biết cách xử lý và khiến cho các chất liệu sắc lạnh, thô cứng trở nên muôn hình vạn trạng, thay đổi kết cấu và đạt được hiệu ứng mềm mại giống như vải. “Vải là người thầy quan trọng, mang lại cho tôi cách tư duy sáng tạo khi đối diện với những thứ mới, vì vậy mà tôi dễ cởi mở hơn trước những đề bài mới lạ”.

Nguyễn Kiều Lam tran vai elle decoration pop up playground

Trần vải tại ELLE Decoration Pop-up Playground.

Nguyễn Kiều Lam nanohome noi that cua hang

Giải pháp vải trong không gian Nano Home Showroom.

Nguyễn Kiều Lam thiet ke kien truc su

Mô hình thử nghiệm mái căng ngoài biển Ninh Thuận (2023), lấy cảm hứng từ “hình thể của cấu trúc tự nhiên” – cấu trúc tổ.

nguyen kieu lam shinesium kien truc su trien lam

Phác thảo và mô hình sự kiện triển lãm thời trang của Shinesium 2022 – Bảo tàng thế giới cà phê Buôn Ma Thuột, lấy cảm hứng từ kết cấu vườn nho truyền thống tại Phan Rang. Sự kết hợp vừa đủ giữa tính chất vật liệu mềm chịu căng và thanh chống tạo nên cấu trúc linh hoạt, ổn định.

Nhờ khả năng biến hóa vật liệu tài tình mà Lam còn là người được tìm đến khi cần giải pháp trang trí cho các không gian triển lãm, sự kiện văn hóa – nghệ thuật, không gian công cộng… – một thị trường “ngách của ngách” và có rất ít đơn vị tham gia. Trong khi không gian nhà ở vẫn có sự giới hạn về chất liệu, ưu tiên tính tiện nghi hơn thưởng thức, thì không gian cộng đồng lại đề cao cảm nhận bằng nhiều giác quan, là cơ hội để Lam trải nghiệm nhiều chất liệu nhằm mang lại những cảm xúc khác nhau. “Mình có khả năng làm rõ sự mơ mộng của người ra đề bài, và sự mơ mộng đó lại là cơ hội để mình thử sức nhiều hơn”. Dù mô phỏng mùi hương hay dải lụa, mặt cắt của vân tay hay chiếc bánh croissant, là ánh nắng hay bóng nước… Lam đều có thể phù phép cho đa dạng vật liệu, tựa như một ảo thuật gia.

Tuy nhiên, Lam luôn muốn các giải pháp vải của mình phải giữ đúng vai trò nâng đỡ, làm nền, xuất hiện nhưng vẫn tàng hình trong không gian. “Nó phải hài hòa với bối cảnh, mang lại sinh khí cho không gian và góp phần kể câu chuyện chủ đề, nhưng tuyệt nhiên không được quá nổi bật để chiếm “spotlight” của tác phẩm nghệ thuật”. Tôn vinh tác phẩm nhưng vẫn giữ được vị trí riêng chính là sự cân bằng mà Lam muốn hướng tới trong mọi giải pháp mà mình đưa ra. Điều này có lẽ xuất phát từ nguyên tắc làm việc và cũng là tiêu chí sáng tạo mà chị luôn tuân theo.

Lam không tự nhận mình là nghệ sĩ, vì “bay bổng” không phải là đích đến trong sáng tạo của chị. “Sáng tạo là sự tư duy liên tục và tự do chỉ có được khi mình làm chủ quy trình. Nếu mỗi người có sự bài bản, chuyên sâu để tạo ra một sản phẩm đúng kỹ thuật, khi đó, kỹ thuật sẽ trở thành nghệ thuật”. Với Lam, một sản phẩm cần phải đúng, đẹp, hay và sâu sắc. “Đúng” nghĩa là thiết kế nương vào đặc tính của vật liệu và phát huy mọi ưu điểm phù hợp với không gian. “Đẹp” là nét thẩm mỹ trong mắt người thưởng thức, là sự thể hiện mà mọi người có thể cảm nhận được. “Hay” là cuộc chơi của kết cấu, kỹ thuật, tỷ lệ, thi công… khiến cho cái đẹp được hiển lộ, dù không hiện ra bên ngoài nhưng lại thỏa mãn những thách thức do chính mình đặt ra. Và cuối cùng, “sâu sắc” là câu chuyện, là triết lý, là tinh thần mà chị gửi gắm trong mỗi thiết kế.

SEE+ Design Fair 2023 nguyen kieu lam thiet ke

Thiết kế và thi công cho SEE+ Design Fair 2023, lấy cảm hứng từ sự vận động và năng lượng của gió.

Nguyễn Kiều Lam kien truc su thiet ke cau truc

Mô hình được khai thác từ tính chất vật liệu, hình thái, kỹ thuật đan-cài để tự trở thành cấu trúc ổn định mà LAM gọi là “kết cấu tự thân” (self-structure).

Sep’on Heartfulness Center

Sep’on Heartfulness Center với rèm nội, ngoại thất do LAM Weaving Spaces thực hiện theo thiết kế của 324praxis architects.

“Sâu sắc” là thứ mà Lam tự nhận là mình còn thiếu, thế nên, chị có kế hoạch sẽ đi du học về thiết kế cảnh quan sau hai năm nữa để có thêm trái nghiệm và trau dồi lý thuyết chuyên sâu. Hiện tại, chị đang có nhiều cảm hứng về thiên nhiên, và muốn tìm hiểu thiết kế cảnh quan ở một góc độ khác mà chị gọi là “thiết kế của tương lai”. “Thiên nhiên vốn đã có những điều kiện ổn định và cân bằng, những giải pháp lưu trú của con người chỉ nên được ký gửi vừa đủ dựa trên nền tảng của thiên nhiên, như một sợi tầm gửi bám vào thân cây cổ thụ. Nếu hiểu kỹ thuật, mình sẽ biết cách giữ cho mọi thứ toàn vẹn và hài hòa chứ không nhất thiết phải cải tạo, phá hỏng môi trường và cảnh quan”. Một mái che bằng vải neo đậu vào bãi đá bên bờ biển, trong rừng cây, ven con suối, hờ hững mà vững chãi, có thể sẽ là cách con người nghĩ về tương lai, thay vì những công trình thô cứng mà lẻ loi.

Lam chính là như vậy. Chị từ tốn và nhẹ nhàng, nói về những thách thức với một giọng điệu dễ dàng và thoải mái, như thể không áp lực nào có thể tước đi niềm vui sáng tạo nơi chị. Nhưng chị cũng rất quyết đoán, đáng tin cậy và không bao giờ trễ hẹn. Lam mộng mơ khi quan sát dáng hình của cuộc sống qua vết dấu thiên nhiên, nhưng lại làm việc có kỷ luật, bài bản và tuân thủ quy trình. Linh hoạt, uyển chuyển, mềm mại mà vững chãi, những tính cách mâu thuẫn đan cài tạo nên con người Lam, tựa như những sợi vải, để chị thêu dệt nên vẻ đẹp của không gian theo cách của riêng mình.

NGUYỄN KIỀU LAM – Kiến trúc sư, nhà sáng lập LAM Weaving Spaces

– Từ năm 2013-2017: Làm kiến trúc sư tại công ty Korn Architects.
– 2017- nay: Co-founder công ty xây dựng Coppha Builders, chịu trách nhiệm phát triển phương án kỹ thuật thi công.
– 2020: Sáng lập LAM Weaving Spaces và giữ vai trò Giám đốc điều hành.

Bài: Đoàn Trúc | Ảnh: Thiện Trường, Nhat Huy, NVCC


Xem thêm

NTK Kiều Lam: Cân bằng giữa thẩm mỹ, chất liệu và kỹ thuật trong thiết kế

ELLE Decoration Pop-up Playground – Không gian kết nối, chia sẻ văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo

Kiến trúc sư Dami Lee: Thành tựu quan trọng nhất chính là truyền được cảm hứng