Nghệ sĩ, nhà thiết kế liên ngành Marcin Rusak từng chia sẻ rằng, nghệ thuật thường đặt chúng ta vào một vị trí khó khăn khi phải luôn tư duy và thay đổi. Với anh, thay đổi là việc cần thiết và không đáng ngại. Quá trình đó có thể chậm hơn, nhưng những suy ngẫm vẫn luôn sống động và biến chuyển không ngừng. Trong sáng tạo, tính đối ngẫu là một trong những cá tính nổi bật của người nghệ sĩ. Sinh ra tại Warsaw, Ba Lan và trở lại quê hương sau nhiều năm học tập tại Hà Lan và Anh Quốc, Marcin Rusak luôn trình bày những thiết kế và tác phẩm độc đáo khiến người xem không thể rời mắt. Ở đó, nguồn cảm hứng yêu thích của anh là hoa lá, được thể hiện qua góc nhìn đương đại.
Tình yêu với hoa và thực vật của Marcin bắt nguồn từ người ông của mình. Gia đình anh từng kiếm sống bằng nghề trồng hoa. Anh chia sẻ: “Mặc dù đây từng là công việc không ai muốn, nhưng ông đã làm việc bằng một sự đam mê và cách ông nghiên cứu những loài hoa đã ăn sâu vào ký ức của mình. Tôi bị cuốn hút bởi sự so sánh con người như những đóa hoa lan (loài hoa yêu thích của người ông), hay cảm xúc con người thể hiện sự tương đồng khi hoa lá tương tác với môi trường.” Vì lẽ đó, hoa là cách anh thể hiện cái tôi nghệ thuật ra bên ngoài.
Không tự nhận mình là một nhà thiết kế đồ nội thất thông thường, Marcin dùng hoa để tạo tác nên những dáng hình lôi cuốn. Để làm được điều đó, anh đã trải qua một quá trình tìm hiểu về sự biến chuyển của vật liệu để có thể có một sự kết nối lâu dài với con người. Mối liên kết đó đủ bền chặt để người sử dụng cảm thấy muốn giữ chúng lại mãi mãi.
Một trong những tác phẩm nổi bật của Marcin là bộ sưu tập Flora, lấy ý tưởng dựa trên việc tiêm vi khuẩn vào những đoá hoa lơ lửng trong khối resin. Qua thời gian, có thể tính đến nhiều thập kỉ, vi khuẩn sẽ tiêu thụ chất hữu cơ trong hoa, để lại khoảng trống cho sự sống của chúng. Tuy nhiên, với cách sử dụng vật liệu như hiện nay, dường như những đóa hoa sẽ vẫn được giữ nguyên vẹn và tồn tại vĩnh viễn. Trái lại, các tác phẩm trong bộ sưu tập Flower Monster lại mang ý niệm về sự nhào nặn. Năm 2014, thời điểm các tác phẩm được ra đời, người ta vẫn chưa hình dung được rằng hoa có thể được tác động để phù hợp với nhu cầu của chúng ta, và điều này cũng tốn khá nhiều năng lượng để thực hiện. Anh bị mê hoặc bởi suy nghĩ rằng chúng ta phải tốn rất nhiều công sức để tạo ra những tác phẩm đến từ thiên nhiên, trưng bày trong nhà để tượng trưng cho sự sống, dù chúng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Sự tiếp diễn là khái niệm đang được Marcin áp dụng trong sáng tạo. Với anh, những tác phẩm không có điểm dừng bởi khi một sản phẩm được hoàn thành, chúng tiếp tục được tồn tại trong môi trường và con người. Mối quan ngại của anh là chúng sẽ biến chuyển như thế nào theo thời gian. Với một số mẫu bình hoa Perishable, anh đã có thoả thuận với những người chủ nhân của chúng rằng mình có thể đến để nhìn xem chúng sẽ trông thế nào trong tương lai.
Marcin Rusak dường như đang cố gắng trì hoãn những điều bất khả kháng bằng nhiều cách khác nhau, hệt như một cuộc chạy đua với thời gian. Trên thực tế, có một sự cuồng loạn âm ỉ ngăn cản anh chỉ tập trung vào một tác phẩm trong cùng một thời gian. Anh cho biết: “Tôi bắt đầu nghĩ rằng khoảnh khắc tôi cảm thấy ít thoải mái nhất cũng chính là phần hấp dẫn nhất của quá trình sáng tạo, có cảm giác e dè với hướng đi mà nó có thể dẫn đến. Đôi khi tôi có những ý tưởng cần cụ thể hoá hoặc hình dung ngay. Điều đó đồng nghĩa rằng tôi phải dành thời gian để hiểu được ý nghĩa thực sự.” Có lẽ, sáng tạo theo bản năng và hợp lý hoá sau là cách thức mà anh cảm thấy phù hợp nhất.
Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Salone del Mobile. Milano
Xem thêm
Cristian Mohaded: Thiết kế hiện đại mang giá trị truyền thống
Nhà thiết kế Vikram Goyal: Sự hoà hợp từ đa dạng các nền văn hoá