Theo đuổi phong cách hiện đại với những thiết kế được lấy cảm hứng từ văn hoá bản địa Ấn Độ, pha cùng một chút phá cách của nghệ thuật trừu tượng, Vikram Goyal là nhà thiết kế có sức ảnh hưởng lớn với thị trường đồ nội thất nội địa và quốc tế trong những năm gần đây. Các thiết kế của ông từng đọat nhiều giải thưởng danh giá, được công nhận trên nhiều ấn phẩm toàn cầu và đồng thời cũng được ghi nhận như một sự kết hợp vừa vặn của những giá trị truyền thống với sự đổi mới đầy sáng tạo.
Vikram Goyal lớn lên tại New Delhi, thành phố nổi tiếng giàu văn hoá của đất nước Ấn Độ. Sau khi hoàn thành chương trình kỹ sư tại Học viện Công nghệ và Khoa học Birla, Pilani, ông tiếp tục theo học chuyên ngành Kinh tế tại đại học Princeton, Mỹ, cùng lúc duy trì công việc về lĩnh vực tài chính tại Mỹ và Hong Kong. Năm 2000, Vikram trở lại Ấn Độ và bắt đầu theo đuổi đam mê nghệ thuật của bản thân. Những thiết kế ban đầu của ông chỉ xoay quanh những chất liệu và chi tiết được lấy từ văn hoá Ấn Độ. Theo thời gian, nguồn cảm hứng của ông ngày càng mở rộng, bao gồm cả những ảnh hưởng văn hoá nghệ thuật của các vùng miền khác nhau trên thế giới.
Ông được truyền cảm hứng từ kho tàng đa dạng các phong cách thiết kế như Brutalism, Psychedelic Art của những năm 1960-1970, Art Deco, Art Nouveau, và phong cách hiện đại. Với sự am hiểu về vật liệu, tỉ lệ, hình học, và quy trình thủ công, ông đã sưu tầm một vốn nghệ thuật và kiến thức phong phú, để rồi phối hợp chúng và tạo nên những thiết kế ấn tượng. Nhà thiết kế đã từng làm việc với những tài nguyên truyền thống của Ấn Độ như tranh Pichwai hoặc kiến trúc Mughal, cùng các chi tiết hình học tinh xảo của các trào lưu nghệ thuật phương Tây. Các nguồn tư liệu trên đã dần khơi dậy trong ông những phép thử rất ngẫu hứng về cả nghệ thuật thi công lẫn cách sử dụng vật liệu. Phần lớn các tác phẩm của ông đều xoay quanh việc duy trì và phát huy kỹ thuật xử lý vật liệu kim loại theo các phương pháp truyền thống như điêu khắc chìm Repoussé từ thế kỷ thứ 3 TCN hoặc khảm đá trên kim loại Pietra Dura.
Các tác phẩm của ông nhìn chung đều sở hữu vẻ đẹp tinh xảo và hào nhoáng đến từ các chi tiết và vật liệu bắt mắt. Braque’s Illusion là chiếc vách ấn tượng được nhà thiết kế lấy cảm hứng từ hoạ sĩ theo trường phái Cubist Georges Braques, với ý tưởng sử dụng các mặt phẳng phủ chồng lên nhau nhằm mô tả ảo ảnh thị giác về không gian. Các tấm đồng được xử lí bằng tay và khảm đá xen kẽ, giúp tạo nên chiều sâu cho tác phẩm thông qua lối sử dụng màu sắc, chất liệu, và bố cục.
Một tác phẩm ấn tượng khác của ông sử dụng chất liệu văn hóa là Sakura Mirror – chiếc gương thiết kế phỏng theo các nhành hoa anh đào của Nhật Bản, được chế tác bằng đồng vươn mình uyển chuyển theo phong cách Baroque của châu Âu. Tác phẩm thuần vẻ đẹp truyền thống Ấn Độ như Monsoon Pichwai với những chú công được khảm từ các loại đá malachite, lapis lazuli, amethyst và abalone; Hay bức vách Shekhawati mô tả khu rừng với các chi tiết được chạm trổ rất kỳ công là các tác phẩm khác thuộc bộ sưu tập truyền thống của Vikram. Các tác phẩm của ông một lần nữa khẳng định rằng chất liệu văn hóa giàu bản sắc của các vùng miền hoặc quốc gia là một phần đóng vai trò quan trọng để các nhà thiết kế tạo tác ra những thiết kế độc đáo và ấn tượng.
Thực hiện: Anh Phương
Xem thêm
Cristian Mohaded: Thiết kế hiện đại mang giá trị truyền thống