Chân dung các nhà thiết kế sản phẩm nội thất nổi bật Châu Á

8 chân dung của những NTK sản phẩm nội thất tạo ra một diện mạo châu Á mới đầy sức hút và một cái nhìn mới mẻ, đương đại.

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của ngành nội thất châu Á càng ngày càng rõ nét và được khẳng định trên bản đồ thế giới. Thành quả này có được phần nào nhờ sự góp sức của những nhà thiết kế đã tạo ra những dấu ấn nhiều màu sắc trên những sản phẩm nội thất.

Nhà thiết kế Hans Tan

Chân dung nhà thiết kế sản phẩm nội thất Châu Á

Sống và làm việc tại quê hương Singapore, NTK Hans Tan được biết đến như một cá tính sáng tạo nổi trội đồng thời còn là một nhà giáo dục tâm huyết. Anh theo học thạc sĩ tại Học viện Thiết kế Eindhoven và hiện là phó giáo sư tại Khoa Thiết kế Công nghiệp, Đại học Quốc gia Singapore, nơi anh đã nhận được nhiều giải thưởng trong quá trình giảng dạy.

Lối tư duy sáng tạo của Hans Tan bắt nguồn từ thế giới vật chất, cách anh nhìn nhận sự vật xung quanh mình trên góc nhìn cá nhân, từ đó hình thành nên phong cách thực hành pha trộn giữa truyền thống, văn hóa và di sản Singapore. Hans Tan tin rằng “thiết kế không chỉ giúp chúng ta làm”, mà còn giúp chúng ta “hiểu” rõ mối tương quan giữa ý tưởng và chất liệu trong những điều thân thuộc nhất.

Hans Tan collection 1 do noi that

Sản phẩm Spotted Nyonya teapot Bình trà thuộc BST Spotted Nyonya là cách NTK diễn giải lại các sản phẩm truyền thống có nguồn gốc từ người Hoa ở Đông Nam Á.

Hans Tan collection 2

Kenneth Cobonpue

Kenneth Cobonpue là NTK đồ nội thất nổi tiếng đến từ Cebu, Philippines. Thời gian theo học và làm việc trong lĩnh vực sáng tạo khiến Kenneth Cobonpue nhận ra rằng thiết kế hiện đại hoàn toàn có thể mang diện mạo mới thông qua vật liệu, sợi tự nhiên. Ông đã tạo nên những sản phẩm thuần công năng mà vẫn mang đậm tính nghệ thuật, góp phần định nghĩa lại tinh thần thiết kế hiện đại ở các nước phương Tây. KENNETHCOBONPUE® đã trở thành thương hiệu toàn cầu nhờ các thiết kế độc đáo.

Chân dung nhà thiết kế sản phẩm nội thất Châu Á 2

Kenneth Cobonpue collection san pham noi that

Ghế Yin & Yang – Sản phẩm là sự kết hợp giữa các yếu tố đối lập như khối hình học và thể tích rỗng, đặc tính đan xen của mây tre hữu cơ, vải mềm mại và thép cứng rắn.

Năm 2007, tạp chí TIME vinh danh ông là một bậc thầy sử dụng chất liệu mây tre điêu luyện. Ông cũng đã giành được nhiều giải thưởng và sự công nhận quốc tế cho sự sáng tạo không giới hạn trên chất liệu hữu cơ như Japan Good Design Awards, Singapore International Design Competition, American Society of Interior Design Top Pick và French Coup de Coeur Award.

Jerry J.I. Chen

Jerry J.I. Chen sinh ra tại Đài Loan và là người sáng lập kiêm giám đốc thiết kế tại Chunzai, CEO của Art of Chen Consultancy and Manage, NTK và cố vấn nghệ thuật cho loạt phim Degoo – Chunzai, thành viên của The International Asian Art Fair tại New York… Jerry J.I. Chen từng xuất bản đầu sách mang tên Chinese Contemporary Furniture Design: From Cultural Appreciation to Chunzai Creativity vào năm 2016 – một trong những tác phẩm đầu tiên lấy chủ đề về nội thất đương đại Trung Hoa. Tác phẩm của ông đã phần nào đem đến nhận thức quan trọng về vai trò của các sản phẩm thiết kế châu Á đương đại.

Chân dung nhà thiết kế sản phẩm nội thất Châu Á 3

Jerry J.I. Chen collection 1

Ming Style Sự mượt mà, uyển chuyển và cân bằng trong đường nét tạo nên vẻ đẹp vượt thời gian cho các sản phẩm thời Minh.

Jerry J.I. Chen collection 2 thiet ke noi that

In Praise of Bamboo Series BST lấy cảm hứng từ những đường nét cong trong sản phẩm truyền thống được Jerry J.I. Chen thiết kế cho Chunzai năm 2002.

Nhà thiết kế Bae Se Hwa

Một NTK đến từ Hàn Quốc với các sản phẩm sáng tạo từng ra mắt tại Design Miami 2010 ở Basel, Thụy Sĩ. Bae Se Hwa được biết đến với sự tỉ mỉ trong phương pháp sáng tạo, các thiết kế của anh thường bắt nguồn từ các phác thảo hình học rồi phát triển trên tinh thần thanh lịch thông qua những đường cong uyển chuyển. NTK đã tạo nên những đường cong bằng cách uốn vật liệu bằng hơi nước. Đối với anh, giải pháp uốn cong gỗ bằng hơi nước là một hành trình tìm kiếm sự cân bằng âm – dương, nhờ vậy mà một kết nối vô hình sẽ được hình thành giữa NTK và sản phẩm của mình. Chính triết lý này đã giúp Bae Se Hwa tạo ra sự cân bằng, điều độ và hài hòa cho cả hình thức lẫn công năng của sản phẩm.

Chân dung nhà thiết kế sản phẩm nội thất Châu Á 4

Bae Se Hwa collection san pham noi that

Steam 11 Ghế Steam 11 với chất liệu gỗ óc chó (walnut) được thiết kế bởi Bae Se Hwa năm 2012.

Thiết kế của Bae Se Hwa còn được biết đến với khái niệm Baesanimsu của Hàn Quốc. Đó là câu chuyện của những đường cong tăng tiến dần trong cách họa hình sản phẩm. Chúng tượng trưng cho những ngọn núi trùng điệp, trong khi đó sự uyển chuyển nhẹ nhàng lại là hiện thân của dòng sông tuôn chảy. Mối dây liên tưởng của Bae Se Hwa cho thấy một khía cạnh thanh thản trong sáng tạo, phong thái điềm đạm trong tư duy thiết kế.

Steven Yeung

Steven Yeung sinh ra tại Đại Lục và dành phần lớn thời gian sống và làm việc tại Quảng Đông, Trung Quốc. Sau khi hoàn thành văn bằng Thiết kế Nội thất tại Anh Quốc, Yeung đã làm việc trong ngành nội thất cho đến nay và tự mình thành lập cơ sở thực hành sáng tạo Kar- Studio.

Chân dung nhà thiết kế sản phẩm nội thất Châu Á 5

Steven Yeung collection san pham noi that

Knead Armchair & Circular Sofa Hai sản phẩm được thiết kế tạo hình bởi Steven Yeung và bày bán tại Kar-Studio, Quảng Đông, Trung Quốc.

Đối với Yeung, phương tiện truyền tải cảm xúc cá nhân hữu hiệu nhất chính là thông qua hoạt động sáng tạo. Các tác phẩm của anh chịu ảnh hưởng nhiều từ ba yếu tố: triết học phương Đông, NTK thời trang Martin Margiela và đạo diễn Wong Kar Wai (Vương Gia Vệ). Chúng không chỉ cho thấy hình thức phong phú, gợi lên cảm xúc mà còn thể hiện sự tỉ mỉ của kỹ nghệ thủ công, đồng thời còn là phương thức biểu đạt nhiều trạng thái cảm xúc phức tạp của người nghệ nhân. Trong quá trình tìm kiếm bản chất của thẩm mỹ, Steven Yeung nhận ra sự liên kết của mọi vật xung quanh mình, từ con người, cảm xúc cho đến cách mọi sự vật đang vận hành. Nhờ đó mà mỗi thiết kế sản phẩm của Yeung không đơn thuần có công năng, mà còn đầu tư vào trải nghiệm cảm xúc.

Sangyoon Kim

Chân dung nhà thiết kế sản phẩm nội thất Châu Á 6

Sangyoon Kim là một KTS và NTK người Hàn Quốc với chuyên môn đa dạng trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất nội thất. Anh thành lập văn phòng thiết kế kiến trúc nội thất tại Seoul vào năm 2013 với tên gọi Listen Communication. Giới hạn sáng tạo của Sangyoon Kim không chỉ đa dạng về lĩnh vực thiết kế mà còn phong phú trong các hạng mục công trình như nhà ở, thương mại, vật dụng và ánh sáng.

Những không gian mang giá trị văn hóa Hàn Quốc, những vẻ đẹp truyền thống trong thiết kế chính là những yếu tố đặc trưng cho tinh thần sáng tạo của Sangyoon Kim cũng như Listen Communication. Công trình thiết kế của anh cho thấy sự thấu hiểu và khả năng biến hóa linh hoạt. Sự biến hóa trong nhiều môi trường được thể hiện qua thành quả sáng tạo của Sangyoon Kim, đó có thể là một không gian trung tính với gỗ và xi măng, một công trình hiện đại mang đường nét gọn gàng hay táo bạo, phá cách cùng màu sắc. Mỗi hành trình trải nghiệm trong thế giới sáng tạo lại đem đến cho Sangyoon Kim cơ hội thử thách các khía cạnh thẩm mỹ khác nhau.

Sangyoon Kim collection san pham

No.1 bench (2018) & sunrise (2016) Chiếc ghế bench được thiết kế bằng gỗ oak và tủ cabinet với sự kết hợp của kim loại và gỗ.

Nhà thiết kế Teo Yang

Teo Yang sinh ra và lớn lên tại Seoul, theo học thiết kế môi trường tại Pasadena’s Art Center College of Design. Từ đây, Teo Yang bắt đầu hình thành sở thích đặc biệt dành cho văn hóa dân gian và triết học cổ đại của Hàn Quốc cũng như khắp mọi nơi. Đồng thời, trong quá trình làm việc tại Amsterdam, anh đã có cơ hội làm việc cho Marcel Wanders – từ việc quan sát cách làm việc sáng tạo của ngôi sao thiết kế người Hà Lan, Yang bắt đầu tự tin hơn trên con đường khai thác nền văn hóa thủ công phong phú của quê hương làm chất liệu thiết kế. Anh nhận được sự quan tâm của các tạp chí chuyên ngành lớn, trong đó có ELLE Decor.

Chân dung nhà thiết kế sản phẩm nội thất Châu Á 7

Teo Yang collection san pham noi that

The Korean Collection BST ra đời với sự cộng tác của Teo Yang và thương hiệu de Gournay, lấy cảm hứng từ lịch sử và văn hóa Hàn Quốc.

Năm 2009, anh thành lập Teo Yang Studio – một văn phòng thiết kế chuyên về các dự án thương mại, xây dựng thương hiệu và các dự án dân cư cao cấp. Teo Yang Studio đặt trọng tâm tiếp cận các loại hình thiết kế trang nhã, riêng biệt, pha trộn giữa hiện đại và truyền thống, nghệ thuật; song song đó là vận dụng kết hợp tinh thần không gian với kho tàng cá nhân để tạo nên những khoảnh khắc vượt thời gian.

Kaoru Taniuchi

Kaoru Taniuchi là nghệ nhân gốm và nghệ sĩ người Nhật Bản, sinh ra tại Nara. Cô được công chúng biết đến thông qua cách thể hiện ý tưởng sáng tạo bằng các vần thơ – dùng âm điệu làm chất liệu mở màn cho những tác phẩm mang tinh thần tự nhiên, mộc mạc.

Kaoru Taniuchi collection thiet ke noi that

Kaoru Taniuchi và những sáng tạo của mình luôn đem đến cảm giác thân thuộc nhờ tạo hình hữu cơ – như một cách để cô hữu hình hóa các yếu tố tự nhiên.

Các ý tưởng sáng tạo được Kaoru Taniuchi thực hiện chủ yếu trong trưng bày nghệ thuật và đồ dùng gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của con người. Quan niệm sáng tạo cá nhân của cô thường xoay quanh đề tài về con người với con người, không gian với thời gian hay chỉ đơn giản là cách hữu hình hóa nhiệt độ, thời gian, ánh sáng…

Ban đầu, tác phẩm của Kaoru Taniuchi có bề mặt tạo cảm giác gần với cấu trúc sinh học, một số khác có kiểu dáng gắn với những động vật thân mềm dưới đáy biển. Qua quá trình thực hành liên tục, những sáng tạo của cô giờ đây lại mang đến sự liên tưởng về những cá thể cây lớn, bắt mắt hơn. Dù thay đổi theo thời gian nhưng tác phẩm của Kaoru luôn chứa đựng tinh thần thẩm mỹ của con người phương Đông, theo đuổi quan niệm nghệ thuật tự nhiên, thanh tao, yên tĩnh và tách biệt.

Thực hiện: Giang Nguyễn – Đức Nguyên | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm

Teo Yang – Trang nhã và riêng biệt

Vai trò của nhà thiết kế nội thất và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Nhà thiết kế Giuliano Andrea Dell’Uva: Sự kết nối với nơi chốn, người và vật