Những thử nghiệm tiên phong trong thập niên 50 khiến kiến trúc gần với điêu khắc hơn bao giờ hết. Thực dụng và trừu tượng đan xen, mở ra sự thống nhất về hình thức trong không gian – thời gian vật lý. Theo nhiều cách khác nhau, các nghệ sĩ và kiến trúc sư đã gián tiếp minh chứng một điều: khi dành đủ quan tâm tới khía cạnh tạo hình, chất lượng không gian cũng được nâng lên.
Nhà vô tận (Endless house) – một thử nghiệm điêu khắc có tính cư ngụ, của Frederick Kiesler (1890–1965), nghệ sĩ người Mỹ gốc Áo. Ảnh: George Barrows/MOMA
André Bloc – khoảng dao động giữa “nhà để ở” và “khối điêu khắc”
André Bloc (1896-1966) ban đầu là một kỹ sư. Vào thập niên 1920, sau lần gặp gỡ với Auguste Perret và Le Corbusier, ông chuyển hướng sang thiết kế. Ông đồng thời là nhà sáng lập các tạp chí nghệ thuật – kiến trúc quan trọng L’Architecture d’aujourd’hui (1930), Art d’Aujourd’hui (1949) và Aujourd’hui (1955-67).
André Bloc (1896-1966)
Từ năm 1962 đến 1966, André Bloc thử nghiệm các tác phẩm điêu khắc có thể ở được – habitable sculpture, trở thành ngôn ngữ liên giao giữa hai ngành. Đầu tiên là Habitacle 1, sau đó được thay thế bằng Habitacle 2 để thích ứng với điều kiện khí hậu. Sau cùng là La Tour, một tòa tháp vọng cảnh Paris, đồng thời là một mê cung thẳng đứng, từng góc từng diện thay đổi trên đường di chuyển của người xem.
Trong khu vườn của biệt thự Bellevue, Habitacle hay La Tour là những món quà được gói ghém cẩn thận. Lỡ ai đó vô tình lạc vào, không gian sẽ mở ra từng chút, từng chút một. Người nghệ sĩ không muốn sự hiện diện áp đảo của các cấu trúc này, dù chúng độc nhất và có tính nhận dạng cao. Những khối điêu khắc này phảng phất hương vị thiên nhiên: đâu đó là đá núi lởm chởm, là hang động thạch nhũ đủ loại thù hình.
Habitacle 1, trong vườn của biệt thự Bellevue, Meudon, 1962. Ảnh: D.R.
Một không gian mênh mông lãng đãng tựa trong mây, dù vật liệu cấu thành là gạch và vữa trát hoàn thiện. Ảnh: D.R.
Habitacle 2 với khả năng chống chịu thời tiết tốt hơn thay thế cho phiên bản 1, 1964. Ảnh: D.R.
Habitacle 2 nổi bật trong nền xanh của trảng cỏ và dải cây, phía xa là đỉnh của La Tour. Ảnh: Laurent Laporte
Không gian bên trong Habitacle 2. Ảnh: Architecture Aujourd’hui và Jeremy Schultz
La Tour, 1966. Ảnh: Florent Darrault
La Tour, 1966. Ảnh: Florent Darrault
Lối lên đỉnh tháp. Ngoại trừ một vài chi tiết nhỏ, vật liệu chủ đạo là gạch. Ảnh: Jens Kristian Seier
Eero Saarinen – người tiên phong của chủ nghĩa Biểu Hiện
Eero Saarinen (1910-1961) kiến trúc sư người Mỹ gốc Phần Lan. Ông là nhà tiên phong của chủ nghĩa biểu hiện – Expressionism. Ông bắt đầu học điêu khắc lại Académie de la Grande Chaumière tại Paris, sau đó mới chuyển sang kiến trúc tại Yale School of Architecture. Quá trình học điêu khắc ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách thiết kế của Eero Saarinen sau này. Những đồ án mà Saarinen thực hiện chủ yếu là các công trình có khẩu độ kết cấu lớn, tác động mạnh mẽ lên không gian đô thị.
Eero Saarinen phía sau mô hình cổng Saint Louis.
Mô hình nhà chờ TWA. Ảnh: Balthazar Korab
Chủ nghĩa Hiện Đại ở Hoa Kỳ được định hình bằng tiến bộ của kỹ thuật thi công và vật liệu mới. Nhà chờ TWA trong thời kỳ hoàng kim của ngành hàng không. Công trình thường được so sánh với phác thảo máy bay của Leonardo da Vinci: một khối hai tầng với dạng kết cấu vỏ mỏng. Mái gồm bốn phần, với hai mái lớn vượt nhịp tới 75m, các mái tách nhau tạo thành dải sáng ở giữa. Phần cột đỡ dạng chữ Y là sáng tạo độc bản của Saarinen, trở thành kinh điển cho thiết kế mái hypebol-parabol. Mảng kính nghiêng lớn, khối thang nội thất, các đường biên từ trong ra ngoài quyện vào nhau tạo thành một tổng thể hữu cơ, đồng nhất với chuyển động như thoi đưa của hành khách.
Nhà chờ TWA, sân bay John F. Kennedy, New York (1955-1962). Ảnh: Ezra Stoller
Hình ảnh thi công cột kết cấu. Ảnh: Balthazar Korab
Nội thất nhà chờ TWA. Ảnh: Balthazar Korab
Nội thất nhà chờ TWA. Ảnh: Steve Knight
Nhà thi đấu Hockey Ingalls của đại học Yale là nguyên mẫu tạo cảm hứng cho Kenzo Tange thiết kế nhà thi đấu Yoyogi Thế vận hội Tokyo 1964. Kiến trúc sư cho thấy tiềm năng của kết cấu nhịp lớn, phổ biến trong xây dựng cầu đường, nay có thể đóng góp rất nhiều vào thẩm mỹ kiến trúc. Công trình là sự sáng tạo về kết cấu, với một vòm bê tông dạng catenary (đường cong theo độ võng tự nhiên dưới chiều trọng lực của sợi xích được cố định hai đầu) vượt nhịp 90m. Hệ cáp nối từ vòm xuống biên mái để trợ lực cho dầm gỗ, tạo nên mặt cong hai chiều, đồng thời triệt tiêu lực gây ra bởi tải trọng gió. Tính duy lý của khối bê tông khổng lồ, nét võng tự nhiên theo chiều trọng lực của dây căng hòa quyện vào nhau.
Sân hockey Ingalls, Đại học Yale, New Haven, Connecticut, 1953–1958. Ảnh: Docomomo-us
Lối vào sân hockey Ingalls. Ảnh: Docomomo-us
Cấu trúc chịu lực chính, một vòm catenary và hệ cáp nối thẳng vào biên trong quá trình thi công. Ảnh: Korab Balthazar
Bên trong sân hockey Ingalls. Ảnh: Nick Alle
Gottfried Böhm – hình hài thánh thiêng
Gottfried Böhm (1920–2021) là thế hệ thứ hai trong gia đình có truyền thống kiến trúc nhiều đời, bắt đầu từ Dominikus Böhm, đến ông, rồi ba trong bốn người con của ông cũng là kiến trúc sư. Ông tiếp quản văn phòng của cha từ năm 1955. Phong cách thiết kế của Gottfried ảnh hưởng nhiều từ người cha – một kiến trúc sư có tiếng thiết kế nhà thờ Thiên chúa giáo. Công trình của ông trải rộng từ đơn giản đến phức tạp, từ khiêm tốn đến biểu tượng. Một người theo chủ nghĩa Biểu Hiện, hậu Bauhaus, một Brutalist, nhưng vượt ra ngoài các quy ước kiến trúc, ông luôn tìm kiếm một hướng đi sâu hơn.
Các kiến trúc sư nhà Böhm. Gottfried ngồi cạnh bức tượng. Ảnh trong phim Die Böhms: Architektur einer Familie (2014)
Sự nghiệp của Gottfried gắn liền với công cuộc tái thiết của Tây Đức hậu chiến. Nền công nghiệp trên đà phát triển tạo tiền đề kỹ thuật cho thiết kế kích thước lớn và gần như nguyên khối của Gottfried. Khác với phong cách Brick Expressionism – phù hợp với hoạt động thi công thủ công nhỏ lẻ, các kiến trúc sư nhà Böhm áp dụng các kết cấu bê tông đồ sộ. Từng bước, họ thoát khỏi thức Gothic thịnh hành hàng trăm năm Trung Cổ, với những hình thái cô đọng hơn.
Nhà thờ St. John, 1922-1926, Neu-Ulm, Đức. Dominikus Böhm áp dụng hệ kết cấu quả trám để tạo vượt nhịp. Ảnh: Roberto Conte
Minh hoạ cho phong cách điêu khắc của Gottfried, có thể kể tới là nhà thờ hành hương Neviges được xây dựng từ năm 1963, hoàn thành phần thánh đường chính vào năm 1968. Thiết kế của Gottfried đã thực sự thay đổi diện mạo của giáo xứ, đáp ứng được nhu cầu tôn giáo ngày một tăng của giáo dân sau Chiến tranh thế giới thứ II. Đứng giữa rừng cây vùng Neviges, thánh đường như một khối tinh thể đa diện. Thánh đường nhà thờ là tập hợp của những mảng khối gấp khúc mạnh và ánh sáng cắt xẻ từ nhiều hướng, đến từ những lỗ mở bất quy tắc trên diện mái.
Tổng thể nhà thờ Neviges. Ảnh: Laurian Ghinitoiu
Tọa lạc trong một quần cư vùng Velbert lâu đời, nhà thờ hành hương Neviges nổi bật với khối tích, hình thù đa diện và tính đồng nhất của vật liệu. Ảnh: Hans Blossey
Trần nhà thờ Neviges là tập hợp của những mảng khối gấp khúc mạnh và ánh sáng cắt xẻ từ nhiều hướng, đến từ những lỗ mở bất quy tắc trên diện mái. Ảnh: Manuela Martin
Các chi tiết đậm nét điêu khắc trong nhà thờ Neviges. Ảnh: Jens Kristian Seier
Trong sự đa dạng và đa diện, công trình của Gottfried vẫn có thể dễ dàng được nhận ra. Toà thị chính Bensberg với đường xoắn ốc của tháp chính gợi liên tưởng tới hình ảnh tháp Babel (toà tháp đủ cao để chạm tới thiên đường, trong truyền thuyết cổ xưa vùng Lưỡng Hà). Tổ hợp cánh cung nhiều góc cạnh của khối nhà vừa hài hoà với đô thị cổ, vừa nổi bật sự độc tôn của một công trình hành chính trọng yếu. Còn nhà thờ Christi Auferstehung là sự kết hợp triết chung giữa gạch và bê tông, trên nền móng cũ. So với những khối bê tông lớn của đồng nghiệp bên kia Đại Tây Dương, tác phẩm của Gottfried Böhm huyền ảo và chứa đựng nhiều chi tiết thủ công hơn.
Toà thị chính Bensberg, bên cạnh lâu đài Bensberg. Ảnh: Uwe Aranas
Đường xoắn ốc của tháp chính gợi liên tưởng tới hình ảnh tháp Babel (trong truyền thuyết cổ xưa vùng Lưỡng Hà, là toà tháp đủ cao để chạm tới thiên đường). Ảnh: Xavier De Jauréguiberry
Nhà thờ Christi Auferstehung, 1968-1970, Cologne, Đức. Ảnh: Holger Klaes
Đường xoắn ốc đặc trưng của Gottfried. Ảnh: Lorenzo Zandri, Inge Von der Ropp
Các mảng vật liệu trong nhà thờ Christi Auferstehung. Ảnh: Lorenzo Zandri, Inge Von der Ropp
Enric Miralles – những thể nghiệm rời rạc thi vị
Ngay từ thời kỳ đầu, khi còn học trong trường kiến trúc Barcelona và trợ lý trong văn phòng Viaplana Pinon, Enric Miralles (1955 – 2000) đã gây được sự chú ý trong cả giới chuyên môn lẫn truyền thông. Rất nhiều đồ án của Enric Miralles thiết kế cùng Carme Pinós, Benedetta Tagliabue hay thiết kế độc lập là tập hợp của các hình học không đồng nhất, phát triển từ những phần phân mảnh trên bản vẽ mặt bằng nguyên bản. Các bản thảo đều được ông vẽ bằng tay, thể hiện suy nghĩ và cá tính. Rời rạc, khuếch tán, phảng phất là phong cách của Miralles. Điều này không tuân theo nguyên tắc cổ điển: lối hoạch định tầng bậc, đăng đối hay có trục rõ ràng. Cách tiếp cận của ông giàu chất thơ và đầy tính thể nghiệm.
Enric Miralles. Ảnh: María Birulés
Quan điểm và phong cách thiết kế của Miralles thể hiện rõ nét trong dự án nghĩa trang Igualada, một biên niên sử về địa chất của cảnh quan. Con đường dẫn vào khu tưởng niệm như một lòng sông cạn mang trong lòng những tàn dư còn lại. Những vệt gỗ trên nền địa hình như vết thương trên da thịt đất mẹ. Các khối bê tông lớn áp đảo tỉ lệ con người như trồi lên, tựa các vách đá xô nghiêng. Tổng thể dự án như một khu mỏ lộ thiên, giống như bức tranh Phán quyết cuối cùng, nơi các ngôi mộ nứt ra và rung chuyển vào ngày thịnh nộ. Cấu trúc ẩn dụ của Miralles và Pinós trở nên trang trọng trong trường hợp này. Vách bê tông, từng hộc đựng hài cốt là tạo hình động, gợi nhớ con người ký ức về nỗi đau. Không gian mạnh mẽ, kỳ lạ, đầy suy tưởng.
Nghĩa trang Igualada, 1985-1991, Catalonia, Tây Ban Nha, Enric Miralles và Carme Pinós thiết kế.
Ảnh: Architectura Catalana
Tổng thể nghĩa trang nhìn từ khoảng sân cuối. Ảnh: Hisao Suzuki
Diện tường ngoài nghĩa trang, với hệ modul bê tông đặc trưng. Ảnh: Hillel Arnold
Ảnh: Milena Villalba, Duccio Malagamba
Ảnh: Fred Scharmen
Nhà Quốc Hội Scotland là một thể nghiệm rời rạc khác của Miralles. Đô thị Edinburgh với những khu nhà ở thấp tầng như vườn cổ tích. Trong bối cảnh đó, khối tích lớn và tổ hợp phi chính thống mà Miralles đưa vào thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ, thoát ly khỏi khuôn mẫu quân chủ Anh. Hơn mức đáp ứng công năng thông thường của một công trình kiến trúc, nhà Quốc Hội là biểu hiện, là tuyên ngôn của phong trào Scotland Độc Lập.
Nhà Quốc hội Scotland, Edinburgh, 1999-2004. Enric Miralles và Benedetta Tagliabue thiết kế. Ảnh: Radmat
Bên trong nhà Quốc hội Scotland, những hệ dầm gỗ – kim loại đan xen hướng tâm vừa đa nguyên, vừa thống nhất. Ảnh: Iqbal Aalam
Sảnh chính, những hệ dầm gỗ – kim loại, đan xen mái lấy sáng. Ảnh: Karl Johaentges
Mặt đứng với những biến thể của khối bay-window. Mỗi ô cửa là một phòng làm việc của Nghị sĩ, tất cả cùng nằm chung trên một mặt đứng thống nhất, tượng trưng cho sự thống nhất của Quốc Hội. Ảnh: Iqbal Aalam
Khi Kiến Trúc lại gần Điêu Khắc…
Thể giới được phân loại như một cách để con người mã hoá những bí ẩn lộn xộn, từ đó sinh ra muôn vàn các khái niệm, vô hình giới hạn chúng ta vào đó. Kiến trúc Hiện Đại thách thức lại quan điểm phân chia với những nhân vật như André Bloc – thực hành nghệ thuật song song; hay Eero Saarinen, Gottfried Böhm, Enric Miralles – mỗi người một vẻ nhưng đều trau chuốt các thành tố hay tổ hợp theo quan điểm duy mỹ.
Kiến trúc, đôi lúc chỉ là một khối điêu khắc khổng lồ. Đô thị, có khi chỉ như một triển lãm nghệ thuật quy mô lớn. Như André Bloc đã viết trong Aujourd’hui số 59-60, tháng 12 năm 1967: “Có thể nói rằng, chính điêu khắc đã giúp tôi hiểu được kiến trúc và quy hoạch đô thị.”
“The First Bricks” là hành trình khám phá những nhân vật tiên phong đã đặt nền móng cho các trào lưu đổi mới trong thiết kế và nghệ thuật. Qua series này, ELLE Decoration sẽ đưa bạn đến với những câu chuyện đầy cảm hứng về những cá nhân đã dám mơ và dám làm khác, đặt những “viên gạch đầu tiên” cho sự phát triển của ngành.
Thực hiện: Nguyễn H. Quân
Xem thêm:
Phong vị châu Á trong kiến trúc Hiện Đại | The First Bricks
NTK Vũ Thảo: Khi hình khối ký ức dịch chuyển vào thời trang | Off the Duty