Chiron Dương: Mạch ngầm cảm xúc tạo nên dòng chảy văn hóa

Cách nghĩ của Chiron Dương về nhiếp ảnh cũng giống như một người đầu bếp nghĩ về món ăn: điều cần truyền tải không nằm ở hình thức mà nằm ở hương vị. Nếu cho Chiron một khu vườn chất liệu, anh có thể tạo ra mọi “món ăn” phù hợp với bàn tiệc cảm xúc của mình.

Trong vũ trụ quan Phật giáo, thuyết Duyên khởi có thể gói gọn trong câu “Tánh không Duyên khởi, Chân không Diệu hữu”. Theo đó, mọi hiện tượng đều xuất phát một cách nội tại từ “không”, hữu duyên thì sinh, hữu duyên thì diệt, tất cả đều theo nhân duyên mà chuyển biến như huyễn, như hóa, không có thật thể. “Chân không Diệu hữu” cũng là cách mà nhiếp ảnh gia trẻ Chiron Dương (Dương Quang Đạt) nói về quá trình sáng tạo của mình. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, đi chụp ảnh công trình, sau đó chụp ảnh thời trang, Chiron dần tìm thấy niềm yêu thích dành cho chất liệu Á Đông, một niềm yêu thích “không thể lý giải được, chỉ đơn giản là như cá được trở về với nước”.

Chiron Dương 1

Ảnh: ICON-T, NVCC.

Chiron không xác định mình là một nhiếp ảnh gia thời trang, thực hành của bạn mang tính thử nghiệm và chiêm nghiệm của nhiếp ảnh nghệ thuật (Fine Art), với những ý niệm ẩn dưới tầng tầng lớp lớp chất liệu trộn lẫn giữa truyền thống và hiện đại – một sự tổng hòa của cảm xúc Á Đông, kỹ thuật Tây phương và sắc màu thời trang. Không chọn một giai đoạn cụ thể trong lịch sử, Chiron “thuận theo tự nhiên” mà hòa vào dòng chảy văn hóa từ cổ điển đến đương đại để chọn ngữ liệu phù hợp với mỗi đề bài mà bản thân đặt ra. Mạch nối xuyên suốt trong thực hành nghệ thuật của Chiron là thứ cảm xúc vừa thuần khiết, dịu dàng lại vừa ảo mộng, huyền bí, phủ lên trên những dự cảm, triết lý mang đậm bản sắc Đông phương.

Chiron Dương 2

Tác phẩm trong triển lãm “Xon xao in Saigon”, kết hợp với motion design và công nghệ Thực tế tăng cường (AR). Ảnh: Chiron Dương.

Chiron Dương 3

Tác phẩm trong triển lãm “Xon xao in Saigon”, kết hợp với motion design và công nghệ Thực tế tăng cường (AR). Ảnh: Chiron Dương.

Chiron Dương 4

Tác phẩm trong triển lãm “Xon xao in Saigon”, kết hợp với motion design và công nghệ Thực tế tăng cường (AR). Ảnh: Chiron Dương.

Hai đặc trưng dễ thấy trong tác phẩm của nhiếp ảnh gia tự học này là hệ màu Á Đông và trạng thái chuyển động. Chiron cho rằng màu sắc của từng nền văn hóa có mối liên hệ mật thiết với tính địa dư, thế nên, bảng màu Á Đông là sự phản chiếu của khí hậu, thổ nhưỡng, sinh vật, tín ngưỡng, suy nghĩ và tính cách của con người ở vùng nhiệt đới, nơi các sắc độ phân tách thành hai thái cực: rực rỡ và thâm trầm, tương phản và hài hòa, sống động và tĩnh lặng. Ngoài ra, tính ẩn dụ cũng là một dấu hiệu đặc trưng của nền văn hóa lễ giáo, nơi hình ảnh được cô đọng, tinh, chiết lại thành biểu tượng, tế nhị mà hàm ý sâu sắc, ví như một cành hoa trên mặt nước, thiên về khơi gợi cảm giác của con người. Ngay cả cách thể hiện tình cảm của người Việt cũng có gì đó da diết thông qua phép điệp: “Anh nhớ em, nhớ em”. Từ ngữ lúc nào cũng có một độ miết nhất định, tạo nên cảm giác lả lơi, giàu cảm xúc. Để mô tả cảm giác mềm mại, bay bổng, đầy chất thơ đó, Chiron chọn cách khai thác sự mơ hồ, tính ngẫu hứng, thuận theo tự nhiên nhưng vẫn mang triết lý kết nối vạn vật trong bản chất của chuyển động, thông qua việc sử dụng các đặc tính của thời trang như màu sắc, chất liệu, kết cấu của vải, kết hợp với nước, lửa, gương… và kỹ thuật chụp ảnh phơi sáng nhằm tạo ra những hiệu ứng thị giác đặc biệt. Luôn có một ranh giới mờ nhạt giữa nhiếp ảnh và hội họa trong tác phẩm của Chiron Dương.

Chiron Dương 5

Tác phẩm “The Dream of Freedom” từ La Main De Saigon studio, sử dụng 3 layer chuyển động để tạo nên câu chuyện liền mạch. Ảnh: Chiron Dương.

Chiron Dương 6

Tác phẩm “Boy wears a bird’s hat” từ La Main De Saigon studio, được tạo nên từ mô hình búp bê và nghệ thuật xếp giấy. Ảnh: Chiron Dương.

“Đôi khi tôi cảm thấy công việc của mình thật đặc biệt, có thể nhìn thấy cái mà người khác không nhìn thấy, tạo nên một thứ hiện hữu từ không- có-gì rồi để cho nó biến mất trong bức ảnh. Một thứ không có thật”.

Là một người thích vẽ nhưng “không có năng khiếu vẽ thủ công”, Chiron dùng máy ảnh và phần mềm kỹ thuật số – những công cụ Tây phương hiện đại – để “vẽ” nên bức tranh Á Đông theo cách của riêng mình. Có lợi thế của một nhiếp ảnh gia thế hệ Gen Z, Chiron biết cách ứng dụng tối đa công cụ digital để tạo nên công thức cá biệt, không thể bắt chước, thậm chí, bản thân tác giả cũng không thể tạo nên một tác phẩm hai lần. Mỗi tác phẩm phôi thai từ nhiều lớp ảnh chồng ghép, cắt ra từ hàng trăm chuyển động ngẫu hứng. Điều đặc biệt là, mặc dù chưa bao giờ học qua trường lớp về nhiếp ảnh, Chiron cảm thấy việc chụp ảnh khá dễ dàng. Cái khó trong công việc của bạn chính là phải đủ “tĩnh” và “thiền” để chọn ra chuyển động phù hợp trong hàng trăm, hàng ngàn chuyển động đã bắt được. Quá trình sáng tạo của Chiron gần giống với vẽ tranh màu nước, chỉ có thể kiểm soát 50% kết quả từ ý tưởng ban đầu, 50% còn lại phụ thuộc vào “dòng chảy”. Ngay cả ý tưởng cũng có thể bất chợt “chảy” đến: một con ốc sên bò đến, hoa Tết khô trong nhà, mặt nước, không khí hay những nỗi nhớ vốn in hằn trong ký ức tuổi thơ. Đó có thể là những khoảnh khắc hiếm hoi trong đời sống hằng ngày hay là những tự thoại có sẵn bên trong căn tính Việt. Chính vì mọi thứ “tự nhiên xuất hiện” mà Chiron cảm thấy sáng tạo của mình là “Chân không Diệu hữu”, từ cái “không” thành cái hiện hữu trong và chỉ trong tác phẩm mà thôi.

Chiron Dương 7

Tác phẩm thuộc series ảnh “The Connection” thắng giải Prix Picto de la Mode 2020, lấy cảm hứng từ thư pháp. Ảnh: Chiron Dương.

Chiron Dương 8

Tác phẩm thuộc series ảnh “The Connection” thắng giải Prix Picto de la Mode 2020, lấy cảm hứng từ thư pháp. Ảnh: Chiron Dương.

Hiện tại, Chiron Dương đang trong quá trình định danh mình là một “nhiếp ảnh gia Việt Nam” với bạn bè quốc tế thông qua dự án Áo Dài. Mặc dù từng là nhiếp ảnh gia Việt Nam đạt giải nhất cuộc thi Prix Picto de la Mode của Pháp và lọt vào vòng chung khảo giải thưởng Annual Photography Awards năm 2020, Chiron cảm thấy bản thân cần định hình “một phong cách Việt Nam hơn nữa”. Với bạn, đó là sự tương phản và tương đồng giữa cái nhìn khô khan của một người trưởng thành với tâm hồn thuần khiết của một đứa trẻ; một cảm giác giống như kỷ niệm tuổi thơ, như bà, như mẹ – những gì hồn hậu, bao dung, nhân từ, hướng thiện mà bạn đã trải nghiệm suốt hành trình lớn lên như một người Việt Nam. Sau giai đoạn nhận diện, Chiron sẽ hướng tới giai đoạn phá cách, đưa yếu tố đương đại cùng các vấn đề xã hội vào trong quá trình sáng tạo của mình.

“Nếu tôi có thể cho bạn bè quốc tế thấy được bản sắc của nhiếp ảnh thời trang Việt Nam, dù là dưới tư cách một cá nhân độc lập, điều đó vẫn có thể truyền cảm hứng để cộng đồng nhiếp ảnh trẻ hơn tự tìm bản sắc Việt của riêng mình”.

Chiron Dương 9

Dự án “Portraits of Ao Dai” ứng dụng bảng màu kỹ thuật số để tạo nên hiệu ứng như tranh sơn dầu. Ảnh: Chiron Dương.

Chiron Dương 10

Dự án “Portraits of Ao Dai” ứng dụng bảng màu kỹ thuật số để tạo nên hiệu ứng như tranh sơn dầu. Ảnh: Chiron

Chiron Dương 11

Dự án “Portraits of Ao Dai” ứng dụng bảng màu kỹ thuật số để tạo nên hiệu ứng như tranh sơn dầu. Ảnh: Chiron


Bài: Đoàn Trúc | Đạo diễn hình ảnh: Hellos | Hình ảnh: ICON-T, NVCC.


Xem thêm:

Kenzo Takada – “Thời trang không dành cho số ít”

Trần Nguyễn Ưu Đàm – Dịch chuyển trong nghệ thuật đương đại