“Nhất nghệ tinh”: Đặng Tuấn Viên – người phục chế gốm Việt

Bể vỡ, mất miểng, tróc men, re – dập… là những “vết thương” khiến hiện vật gốm Việt cổ mất đi nét đẹp nguyên bản. Những báu vật trân ngoạn ấy một khi qua đôi bàn tay của anh Đặng Tuấn Viên, lại trở nên rực rỡ, long lanh. Hiện vật được hồi sinh nhờ vào kỹ thuật phục chế đỉnh cao do anh tự mày mò, nghiên cứu và phát triển. Trong không gian được thiết kế như một công xưởng bận rộn ngập tràn nguyên liệu, hóa chất cùng cổ vật sứt mẻ đủ loại đang chờ được “phẫu thuật thẩm mỹ”, anh Đặng Tuấn Viên đã chia sẻ cùng người viết câu chuyện thú vị về vẻ đẹp của những hiện vật gốm Việt thuộc các triều Lý – Trần – Lê cùng nghề phục chế mà anh đang theo đuổi bằng cả niềm đam mê.

Nói đến phục chế gốm Việt, lại là đồ cổ, hiển nhiên là một nghề cực khó bởi cảm được vẻ đẹp và giá trị của hiện vật trăm năm, ngàn năm tuổi đòi hỏi năng lực thẩm định bao hàm việc nghiên cứu, học hiểu, tiếp xúc trực tiếp nhiều hiện vật… mới có khả năng nắm bắt được. Trong khi việc phục chế gốm sứ cổ lại không trường lớp đào tạo, người làm nghề phải dựa vào cảm tính để tôn tạo món đồ cần sửa theo kiến thức và sở học cá nhân.

gốm Việt - 1

Thao tác phun men trên một hiện vật gốm có niên đại từ thời Lý (thế kỷ 12).

gốm Việt - 2

Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 15) được phục chế, hàn gắn các chi tiết bể vỡ.

Lý do khiến nhiều hiện vật gốm Việt cổ cần phục chế được anh Nguyễn Tuấn Viên chia sẻ: “Gốm Việt phát triển đến giai đoạn đỉnh cao từ thời Lý, qua hàng thế kỷ nằm sâu trong lòng đất, khi khai quật, phát lộ đa phần đều bị dập nát, bể vỡ, tróc men. Nét đẹp giản đơn, thanh thoát cùng màu men trắng ngà, men giấy rạn trên gốm Lý, đến độ dày dạn khỏe khoắn cùng đường nét hoa nâu của gốm Trần, cả những bay bổng trong họa tiết của gốm hoa lam thời Lê, gốm men lam xám thời Mạc… sẽ thật khó để bảo toàn theo vẻ đẹp nguyên bản. Một hiện vật được xem là đẹp phải được đánh giá theo nhiều tiêu chí như nguyên vẹn về tạo hình, các chi tiết trang trí phong phú, độ quý hiếm cao. Việc phục chế cũng giống như phẫu thuật thẩm mỹ, mục đích chính là tôn vinh vẻ đẹp theo nguyên bản của hiện vật”.

gốm Việt - 3

Bình gốm Lý bị bong men đang trong công đoạn phục chế.

gốm Việt - 4

Lọ tì bà gốm Chu Đậu sau công đoạn nối lại cổ bình bị khiếm khuyết.

Quan sát những thao tác chỉnh sửa một hiện vật gốm cổ đã bể vỡ muôn mảnh, công đoạn lắp ghép, dựng hình lại món đồ như một trò chơi xếp hình nhưng thực tỉ mỉ, kỳ công. Những phần mất mảnh sau đó được hàn gắn bằng các chất liệu kết dính đặc biệt. Khi hiện vật có được tạo hình như ban đầu, công đoạn kế tiếp là xử lý vết gắn được tút tát cho mạch lạc, nhẵn nhụi. Những chi tiết đứt gãy của nét vẽ, mất miểng sẽ được họa lại liền lạc. Đây là công đoạn kỳ công và phức tạp nhất bởi những kỹ thuật tráng men, màu men, nét vẽ (trên men, dưới men) trên gốm sứ cổ đều có những chuẩn mực phải tuân thủ. Đơn cử như đồ tráng men rạn, khi phủ men mới sau phục chế, để tạo nét rạn như tự nhiên, người thực hiện còn phải vẽ cả đường da rạn trên men, rồi làm cũ, tạo cho hiện vật ngả màu thời gian.

Có cảm giác người theo nghề phục chế cổ vật không chỉ là một người thợ thông thường mà là một kỹ sư hóa khi sử dụng hóa chất trong pha màu, là một nhà điêu khắc trong tạo hình, là một họa sĩ khi vẽ lại các hoa văn, họa tiết bị bong tróc, là một chuyên gia cổ vật để tạo màu thời gian tương xứng với cổ vật cùng thời… Nhiêu đó cái khó cũng đủ khiến những nhân vật theo nghề phục chế gốm Việt hiện đếm không quá đầu ngón tay.

gốm Việt - 5

Gắn miểng, kết dính, tạo bề mặt vết nối liền lạc chỉ là một phần nhỏ trong phục chế. Các phần nối lại họa tiết, hoa văn, đến phủ men, làm cũ… mới là những công đoạn phức tạp và khó thực hiện.

gốm Việt - 6

Tượng Nghê – linh vật mang niên đại từ thế kỷ 15 sau các công đoạn phục chế để trở về vẻ đẹp duyên dáng, tinh nghịch theo nguyên bản.

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN ĐÌNH – Ảnh: HẢI ĐÔNG – Sắp đặt: TỪ PHƯƠNG THẢO.