Câu chuyện về ngôi nhà cổ Đồng bằng Bắc bộ

Nằm bên bờ hồ Tây lộng gió là dãy biệt thự sang trọng và mỗi biệt thự mang một dáng vẻ, phong cách mà ai nấy đi qua đều dễ dàng cảm nhận được. Nhưng tôi đã thực sự bị ấn tượng bởi căn nhà mang tên Journey to the East nằm trên phố Từ Hoa, bởi sự khác biệt của vẻ bề ngoài và cảnh quan bên trong. Elle Decoration đã khám phá những vẻ đẹp của ngôi nhà ấy qua cuộc trò chuyện với chủ nhân, chị Loan Foster.

Kể cho chúng tôi nghe về ngôi nhà của chị nhé?
Đây là một câu chuyện rất thú vị và hơi dài. Tôi vốn rất ưa chuộng các nhà cổ, đồ cổ từ khi còn là sinh viên du học tại Âu châu. Mặc dù lúc đó chỉ có ngân sách sinh viên nhưng khi đi tìm căn hộ để thuê tôi chỉ thích thuê các căn hộ trong những tòa nhà cổ kính có cầu thang gỗ cổ, không gian phòng rộng, trần cao, cửa kính có họa tiết cổ, sàn nhà bằng gỗ quý.

Khi về Việt Nam vào những năm đầu thập niên 1990, Hà Nội chưa có một căn hộ nào cho thuê trừ khu ngoại giao Vạn Phúc, Kim Mã hay Kim Liên nên tôi bỏ thời gian đi tìm kiếm các villa có kiến trúc cổ của Pháp để thuê và tu sửa lại.

Sau khi ở trên phố được khoảng 3 năm, tôi tình cờ gặp cơ hội vào làng Nghi Tàm kiếm được một căn nhà 1 tầng có thể nói có kiến trúc thời Pháp thuộc nhưng lại pha trộn với kiến trúc nhà 3 gian của nhà thờ họ Đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên khi thăm qua thăm lại tôi nghĩ rằng với chỉ một căn nhà trệt 3 gian như vậy thì quả thực rất khó để cả gia đình ở cùng.

Tôi đã gọi điện thoại cho anh bạn KTS người Mỹ sống ở Hồng Kông sang tư vấn. Khi anh sang Việt Nam, chúng tôi như có một cơ duyên nào đó và cả hai đều thống nhất là cơi nới và tu sửa ngôi nhà để gia đình tôi có thể ở thoải mái.

KTS thiết kế thêm một gian quay về phía hồ và gian này lại được lên thêm 2 tầng. Tầng 1 làm phòng ngủ Master có sảnh nhìn ra mặt hồ Tây, tầng 2 có 2 phòng cho hai cậu con trai tôi, có sảnh thượng quay ra mặt hồ. Vì là nhà thời Pháp thuộc nên chúng tôi xây thêm mỗi phòng một lò sưởi để đốt lửa khi mùa Đông về.

Năm 1998, căn nhà được tạp chí Architectural Digest nổi tiếng chọn đăng trên trang bìa. Và sau 20 năm, vẫn chưa có ngôi nhà nào khác tại Việt Nam được đăng trên trang bìa như vậy.

Khu nhà mang phong cách thời Pháp thuộc với lò sưởi, cột, mái vòm và trần cao đặc trưng.

Tầng trệt là khu nhà Pháp cổ (Colonial House), tầng trên là khu nhà Việt cổ
(Mandarin House) với kiến trúc Bắc bộ.

Hơn 2.000 viên ngói được giữ nguyên và mang về ngôi nhà giữa trung tâm Hà Nội.
Đây là phần kiến trúc phong cách nhà thờ họ Đồng bằng Bắc bộ được chủ nhà chăm chút kỳ công nhất với các khung, cột, ngói… của một ngôi nhà cổ tại Chương Mỹ.

Tại sao chị lại bắt đầu xây dựng ngôi nhà Bắc bộ này?
Vào mùa Thu năm 1999, tôi đi một chuyến du lịch tại Trung Quốc và chọn Hàng Châu và Tô Châu vì tôi rất ngưỡng mộ kiến trúc của các nhà cổ và vườn của hai thành phố này.

Khi trở về Hà Nội tôi được biết tại các làng quê Đồng bằng Bắc bộ có những ngôi nhà của các quan lại triều đình Huế vốn có quê ở Bắc. Nên tôi đi mấy chuyến thăm các làng quê và được giới thiệu căn nhà hiện tại ở làng Văn La – huyện Chương Mỹ (lúc đó còn thuộc về tỉnh Hà Tây).

Khi tôi tới nơi, ngôi nhà đang trong kế hoạch phá đi để xây thành nhà bê tông thuận tiện cho công việc của xã. Tôi nhanh chóng đến xin mua lại toàn bộ các khung cột của nhà. Đến năm 2001, khi ngôi nhà được dỡ ra, tôi đã mua được tất cả các khung cột của nhà cổ. Thế rồi công trình khởi đầu trong bầu không khí vui vẻ. Điều thú vị nhất là chúng tôi vẫn sinh hoạt tại khu nhà có sẵn mà không phải chuyển đi nơi khác. Ngôi nhà cổ đồng bằng Bắc bộ được dựng lên như là một phần của nhà hiện tại và chỉ khi bước vào trong mới khám phá ra. Nó có diện tích 54m2. Nhìn bên ngoài không ai tin được 2 ngôi nhà ở 2 thập niên khác và xuất xứ khác hẳn nhau lại hài hòa với nhau như vậy.

90% ngôi nhà là nguyên bản, còn lại 10% là những bổ sung nhỏ không đáng kể. Ngày xưa mỗi khi xây nhà, người Việt Nam thường khắc một dòng chữ Nho với ngày, tháng và năm xây nhà lên thanh gỗ ở phần chính giữa của ngôi nhà. Và qua đó, tôi được biết, ngôi nhà mà tôi mua lại hầu hết các cột trụ là nhà của một ông quan Triều đình nhà Nguyễn tại Huế thời vua Thành Thái, nên các họa tiết của ngôi nhà rất tinh vi, xứng tầm với địa vị cao của chủ nhân.

Mỗi món đồ đều được sưu tầm công phu và có chủ ý sắp đặt phù hợp với không gian.

Để có gian nhà thờ dòng họ như hiện tại, đâu là phần khó nhất, đâu là phần kỳ công và tâm đắc nhất?
Từ tháng 11/2002 đến tháng 12/2005, gian nhà mang phong cách nhà thờ họ vùng Bắc bộ mới xong, vì vừa làm vừa bổ sung. Kỳ công nhất là tìm kiếm một đội ngũ nghệ nhân và thợ có chuyên môn cao di chuyển từ một làng cách Hà Nội 1 tiếng đi xe ô tô. Tôi đã thuyết phục được đội ngũ dân làng vì yêu nghề đã chịu nhận lời giúp tôi: Đánh dấu từng cột kèo, bảo tồn 2000 ngói đất nung xưa còn nguyên xi, dựng lại ngôi nhà này trên tầng hai của ngôi nhà cổ thời Pháp thuộc.

Căn nhà này có điều gì kết nối với dự án Du lịch cao cấp “Journeys to the East” mà chị đang thực hiện không?

Ngôi nhà này có thể nói là yếu tố chủ chốt tôi thành lập Journeys to the East DM Co., Ltd vì khi ngôi nhà được dựng xong, tôi tổ chức rất nhiều bữa tiệc mời các bạn kinh doanh, khách du lịch đến thăm quan Việt Nam. Có thể nói ai bước vào ngôi nhà cổ Đồng bằng Bắc bộ cũng cảm thấy mình được đưa vào thế giới của vua chúa ngày xưa vì tôi trang trí với nhiều đồ cổ, tủ chè thời xưa và nó tạo ra một không khí rất đặc biệt.

Tôi nhận ra đây sẽ là cái nền để thiết kế những tour cho khách đến và hiểu biết thêm về văn hóa tinh hoa của Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn có những buổi thuyết giảng về gốm sứ Việt Nam qua BST khá đặc biệt về gốm hoa nâu Lý Trần, gốm hoa lam thế kỷ thứ 15 thời Trần được vớt tại Cù Lao Chàm, trống đồng Đông Sơn…

Ngôi nhà là nơi lý tưởng để các khách tour cao cấp có thể ngồi thư giãn sau bữa cơm thân mật, thưởng thức tách trà đạo trong một không gian yên tĩnh để quên đi những ồn ào bên ngoài.

Những món đồ trang trí trong nhà chị sưu tầm như thế nào?
Những đồ trang trí một phần là các vật trang trí thời Pháp thuộc được mua lại vào năm 1990 – thời đó chưa có nhiều người biết sưu tầm nên còn rất dễ kiếm. Các pho tượng sơn son thếp vàng cũng được mua vào lúc đó. Tuy nhiên, cũng có lúc cả Hà Nội rất sôi nổi về các đồ đồng như trống Đông Sơn nên giá lên vùn vụt, nhất là trong giới chơi đồ cổ, các nhà sưu tầm càng ngày càng làm ra tiền nên rất sẵn sàng để được sở hữu những món đồ độc, đẹp.

Tôi để ý là chị còn đặt tên cho các khu nhà của mình?
Có 3 khu nhà: Villa La Residence, Villa La Rose, và khu tôi đặt văn phòng của Journeys to the East. Villa La Residence lại có hai khu riêng biệt: Khu nhà Việt cổ (Mandarin House) với kiến trúc Bắc bộ như đã đề cập và khu nhà Pháp cổ (Colonial House) với kiến trúc Pháp cổ.

Còn Villa La Rose là khu nhà được thiết kế theo lối hiện đại hơn nhưng được trang trí hài hòa tân và cổ – đây chính  là khu khách có thể home stay rất độc đáo. Bao quanh các khu nhà này là vườn cây với bể bơi và các khóm hoa, tạo ra không gian hài hòa, xanh mát giữa phố phường đông đúc và chật hẹp.

Vila la Rose là nơi diễn ra các buổi tiếp khách và giới thiệu các nét văn hóa ẩm thực đặc sắc Việt Nam.

Tôi rất ấn tượng với phong cách của ngôi nhà này bởi khi đang dạo bước bên hồ Tây lộng gió, bước chân vào ngôi nhà tôi có cảm giác như được thay đổi cảm xúc ngay tức thì khi bắt gặp những nét cổ kính, cổ xưa của những căn nhà năm gian trong tiềm thức của tôi khi còn nhỏ. Nhưng khi bước chân vào sâu bên trong, tôi lại bị ấn tượng bởi khu hồ bơi mini, nó có nét gì đó rất Âu châu hiện đại nhưng lại hoàn toàn phù hợp với tổng thể không gian của ngôi nhà cổ.

Hồ bơi được xây vào những năm các con gái còn nhỏ. Vào mùa Hè Hà Nội rất nóng nên chúng tôi đã tạo ra hồ bơi này để cho các con tôi có thể nhảy vào nô đùa.

Cũng giống như bao ngôi nhà khác, sự ngạc nhiên, thích thú chỉ có thể cảm nhận rõ khi ta bước chân vào bên trong.

Gia đình chị có thường xuyên ở đây không?

Hà Nội là quê hương của cả gia đình chúng tôi. Tuy chúng tôi có nhà ở nơi khác và cũng thích đi du lịch ở các phương trời lạ nhưng ngôi nhà này đã thật sự gắn bó hơn 20 năm.

Tôi rất tự hào vì mình đã gây dựng được một khu nhà đầy chất kiến trúc và cả gia đình cũng rất hài lòng với không gian sống ở đây. Nó cho chúng tôi sự ấm cúng, mong nhớ mỗi khi phải đi đâu xa muốn trở về. Để tận hưởng nét văn hóa, chỉ có thể để cảm xúc từ nơi này.

Nhiều khi tôi mệt và căng thẳng về việc kinh doanh, chỉ cần ngồi trong ngôi nhà này, uống chén trà và cứ thế để tâm tư trôi theo thời gian, và tâm hồn lại thoải mái để tiếp tục có sáng kiến mới.

Kế hoạch của chị dành cho ngôi nhà trong thời gian tới?
Đây là một công trình kiên cố. Khi khám phá ra ngôi nhà, nó đã 100 tuổi mà không bị hỏng nhiều, các hoa văn, điêu khắc còn trọn vẹn. Tôi bỏ hết ý tưởng và công sức để dựng lên và phục chế lại trở lại như xưa.

Tôi đã thành công và tiếp tục chăm sóc ngôi nhà bằng cách sử dụng hàng ngày để không gian này có lại một đời sống trong khi đó tôi vẫn chia sẻ và phổ biến văn hóa Việt Nam qua các sự kiện tổ chức tại đây.

Phỏng vấn: NGỌC ANH – Ảnh: LÊ ANH ĐỨC