Vai trò của nhà thiết kế nội thất và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những nhà thiết kế nội thất có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của con người đến biến đổi khí hậu. Đó là điều mà trước nay chưa từng được nghĩ đến.

Với sự gia tăng của những tác động tiêu cực đến môi trường, việc giảm thiểu tác động của các ngành công nghiệp trở nên càng trọng yếu hơn bao giờ hết, và nội thất cũng không phải là ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, các nhà thiết kế nội thất có trách nhiệm đảm bảo rằng các thiết kế của họ đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon toàn cầu. Các nghiên cứu được công bố vào năm 2019 và 2020 đã chứng minh rằng chúng ta có thể đã đánh giá thấp quá mức dấu chân carbon ứng với các yếu tố nội thất tích tụ, tính đến suốt vòng đời của một tòa nhà. 

Tháng 11/2018, nhà thiết kế nội thất Lily Weeks đã tham dự Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Greenbuild (Greenbuild International Conference + Expo) tại Chicago với nhiệm vụ quan trọng. Vài tháng trước đó, Ủy ban Chính phủ Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (the United Nations’ Intergovernmental Panel on Climate Change) đã đưa ra thông cáo đáng báo động, đánh dấu năm 2030 là thời điểm không thể quay lại trong việc hạ nhiệt trái đất do khí thải nhà kính. Tại thời điểm đó, Lily lại muốn tìm cách giảm lượng khí thải carbon trên dự án mở rộng cho văn phòng của WRNS Studio tại San Francisco mà cô đang tham gia. Cô đến hội nghị với sự quyết tâm tìm kiếm thêm thông tin, nhưng rồi lại cảm thấy bất mãn: “Tôi tìm được một phiên họp về carbon tích tụ nhưng họ không nói nhiều về thiết kế nội thất. Không có nhiều thông tin hữu ích cho lắm.”

nha thiet ke noi that bien doi khi hau

Từ năm 2003, chúng ta đã nhận thức được rằng ngành xây dựng góp phần vào 40% lượng khí thải carbon trên toàn thế giới, và các KTS đã dẫn đầu cho phong trào giảm tác động đó. Theo thời gian, họ đã tạo ra những sáng kiến tiên tiến như Architecture 2030 và đưa cam kết chống lại biến đổi khí hậu vào đạo đức nghề nghiệp của họ – Viện Kiến trúc sư Mỹ. Khi các tòa nhà trở nên hiệu quả hơn về năng lượng, các KTS cũng bắt đầu quan tâm đến việc giảm carbon tích tụ (là khí thải được sinh ra trong quá trình sản xuất, vận chuyển và xây dựng tòa nhà). Ảnh minh họa: Carlos Dominguez.

Kate Simonen, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Carbon Leadership (CLF) và là giáo sư chủ nhiệm môn Kiến trúc tại Đại học Washington đã giải thích rằng: “Người ta nhìn vào phần lớn của chiếc bánh trước tiên. Đó là lý do tại sao ta lại tập trung vào năng lượng vận hành vốn góp phần lớn hơn vào lượng khí thải carbon tích tụ”. Trong số đó, bê tông, thép và kính được xem là các “tội phạm” carbon lớn nhất, và tất cả đều là vật liệu mà các KTS có tác động lớn đến chúng.

Trái lại, khi WRNS Studio phân tích dấu chân carbon trong quá trình sản xuất tòa nhà đạt chuẩn LEED Platinum – Janet Durgin Guild & Commons của Sonoma Academy, thì các hoàn thiện nội thất chỉ chiếm khoảng 7% tổng thể. Giám đốc Bộ phận Bền vững của công ty – Pauline Souza tiếc nuối chia sẻ: “Khi đội ngũ thiết kế nội thất của công ty nhìn thấy con số đó, họ cảm thấy như không thể tạo ra nhiều sự khác biệt”.

Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu được thực hiện trong hai năm gần đây kể từ 2020, các chuyên gia có thể đã đánh giá thấp tính nghiêm trọng dấu chân carbon của các yếu tố nội thất. Nghiên cứu do CLF và LMN Architects có trụ sở tại Seattle thực hiện cho thấy các nhà thiết kế nội thất có thể gây ra lượng khí thải ít nhất bằng với những gì liên quan đến cấu trúc và vỏ ngoài (structure và skin) của một tòa nhà. Nói cách khác, thiết kế nội thất đã gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho môi trường.

nha thiet ke noi that bien doi khi hau

Mô hình 6S của Stewart Brand, được đề cập trong cuốn sách “How Buildings Learn: What Happens After They’re Built” đã giải thích dễ hiểu về các tầng lớp tác động trong một tòa nhà. Ảnh minh họa: Carlos Dominguez

Mô hình 6S của Stewart Brand, được đề cập trong cuốn sách “How Buildings Learn: What Happens After They’re Built” đã giải thích dễ hiểu về các tầng lớp tác động trong một tòa nhà. STRUCTURE (60-200 năm): Các cấu trúc bê tông hoặc thép có dấu chân carbon cao, nhưng chỉ xảy ra một lần khi xây dựng tòa nhà. SKIN (30-60 năm): Vỏ bọc của tòa nhà có khí thải carbon tích tụ cao và ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng thông qua ánh sáng và điều hòa khí hậu. SERVICES (5-30 năm): Dấu chân carbon của các hệ thống cơ điện và ống nước chưa được hiểu rõ nhưng có thể ảnh hưởng đáng kể. SPACE PLAN (5-20 năm): Khi cải tiến hoặc thay đổi bố trí không gian và các bức tường nội bộ của một tòa nhà, dấu chân carbon của tòa nhà sẽ tăng lên. STUFF (5-15 năm): Mỗi lần cải tạo nội thất cũng đóng góp vào lượng khí thải carbon của tòa nhà, nhưng điều này thường bị bỏ qua. SITE (vĩnh viễn): Tất cả các hoạt động trên địa điểm xây dựng đều có thể tạo ra khí thải carbon, nhưng đồng thời, đất đai và cây cối cũng có thể lưu giữ carbon. 

GIẢI PHÁP CHÍNH LÀ SỰ CẢI TẠO 

Cách chính yếu để đánh giá dấu chân carbon của các tòa nhà là thông qua đánh giá chu kỳ đời sống (LCA). Chu kỳ đời sống của kiến trúc và nội thất hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, với một tòa nhà thương mại, vào mỗi vài năm, không gian trống sẽ xuất hiện khi các hợp đồng thuê hết hạn, và khách thuê mới đến và trang trí lại không gian để phù hợp hơn với nhu cầu của họ.

Các ước tính về tần suất xuất hiện việc này có thể dao động từ 7 đến 20 năm cho mỗi không gian, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Các công ty công nghệ nổi tiếng vì thường phát triển nhanh chóng nên phải cần tìm mặt bằng mới. Còn 70% chủ nhà ở Hoa Kỳ thì đã cải tạo lại nội thất nhà mình vào năm 2019. Những chu kỳ như vậy là động cơ thúc đẩy tăng trưởng cho thiết kế nội thất.

Jenn Chen, nhà thiết kế nội thất tại LMN Architects cho biết: “Tôi đã bắt đầu tự hỏi sẽ có tác động ra sao đối với các phương pháp cải tạo chu kỳ”. Cùng với Kjell Anderson, Giám đốc Thiết kế Bền vững của công ty, Jenn Chen đã bắt đầu điều tra điều này bằng cách phân tích không gian văn phòng của LMN trong tòa nhà Norton tại Seattle.

Jenn Chen cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng văn phòng của mình vì có thể tìm thấy thông tin về các cải tạo trước đó. Chúng tôi đã chuyển đến tòa nhà Norton vào năm 1984, và từ đó đến nay đã thực hiện một cải tạo khá lớn khoảng mỗi chín năm một lần”. Kjell Anderson và Jenn Chen giả định rằng ít nhất một lần cải tạo khác đã diễn ra trước khi LMN chuyển đến, tổng cộng là năm lần cải tạo trong vòng bốn thập kỷ. Sau đó, họ đã thu thập dữ liệu môi trường cho tất cả các vật liệu trong các lần cải tạo, và đưa chúng vào một công cụ mà CLF đã tạo ra để tính toán khối lượng carbon bị nhúng vào các dự án cải tạo của khách hàng. Họ đã phát hiện ra một sự bất ngờ đáng kinh ngạc. Nếu tổng hợp tất cả những thứ đó lại với nhau, tổng khí thải carbon tích lũy từ các cải tạo nội thất thực tế sẽ vượt quá cả khí thải từ cấu trúc và vỏ ngoài.

Tình hình trở nên xấu hơn khi các ước tính của Kjell và Jenn chỉ là những ước tính cẩn trọng (và thực tế lượng khí thải carbon xuất hiện trong quá trình cải tạo nội thất có thể cao hơn nhiều). Đầu tiên, mặc dù nhiều sản phẩm và vật liệu nội thất ngày nay bền vững hơn so với những năm 90, song cặp đôi này đã sử dụng dữ liệu dấu chân carbon hiện nay làm cơ sở cho tính toán của mình. Thứ hai, họ không bao gồm bất kỳ cập nhật nào cho các thiết bị điện hoặc đèn chiếu sáng. Thứ ba, hỗn hợp bê tông hiện nay trở nên ít nhất 30% hiệu quả hơn so với năm 1960, vì vậy với một tòa nhà được xây dựng ngày nay, tình huống sẽ trở nên càng tệ hơn nữa. Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy kết luận rằng, trong suốt vòng đời của một tòa nhà, các cải tạo nội thất có thể tạo ra dấu chân carbon tích tụ cao.

van phong kien truc lmn architects trung tu

Hình ảnh của văn phòng công ty LMN Architects tại Seattle vào năm 1984, 2000 và 2015. Ảnh: LMN Architects

Công ty LMN Architects tại Seattle đã cải tạo các văn phòng của mình 4 lần kể từ khi chuyển vào không gian này. Khi nhà thiết kế nội thất Jenn Chen và Giám đốc Thiết kế Bền vững Kjell Anderson tổng hợp dấu chân carbon sau mỗi lần cải tạo (cộng với lần khác mà họ cho là đã xảy ra trước khi chuyển đến), họ phát hiện hóa ra thiết kế nội thất có khí thải carbon gần bằng với cấu trúc và vỏ ngoài. Nếu tòa nhà sử dụng bê tông có lượng khí carbon thấp, tác động so sánh của thiết kế nội thất đối với môi trường sẽ trở nên đáng kể (nghĩa là tác động của thiết kế nội thất trở nên quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của toà nhà đối với môi trường). 

CHUYỂN GIAO TRÁCH NHIỆM

Nghiên cứu này được đề ra vào thời điểm mà nhận thức về biến đổi khí hậu và lượng khí thải carbon đang ở mức báo động. Kate Simonen của CLF cho biết: “Các đối tác đang dần hiểu biết hơn về tác động của họ đến với khí hậu và cam kết về khí hậu”. Vào tháng 1 vừa qua, Microsoft cam kết triển khai kế hoạch “âm carbon” trong năm 2030, trong khi vào tháng 6, Amazon thông báo rằng ba đối tác lớn đã cam kết đồng thuận về kế hoạch “trung hòa carbon” của họ. Bắt đầu từ năm nay, Salesforce đã cam kết thực hiện theo tiêu chuẩn Chứng nhận Zero Carbon của Viện Đời sống Tương lai quốc tế (International Living Future Institute) cho tất cả các nơi làm việc của mình. Kate dự đoán: “Nếu chúng ta xét đến quy mô nhỏ hơn, nơi khách hàng chỉ được phép tu sửa nhà cửa mỗi 10 năm chẳng hạn, thì sẽ khiến quá trình diễn ra chậm hơn. Đó như là cách để thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu. Vậy, điều đó có ảnh hưởng gì đối với phương pháp làm việc của các nhà thiết kế nội thất?”

Trong khi LMN đang tiến hành nghiên cứu, Jenn thường đùa: “Nghiên cứu của tôi sẽ khiến cho mình mất việc”. Tuy nhiên, như đại dịch COVID-19 đã chứng minh, việc cải tạo nội thất không phải là việc vô nghĩa. Ngoài việc cải thiện chất lượng không khí hoặc đáp ứng những phát hiện mới về sức khỏe và hạnh phúc, sẽ “có những thay đổi trong văn hóa và xã hội, dẫn đến những nhu cầu của các tổ chức cũng thay đổi” – Jenn nhấn mạnh. Người ta không thể chỉ đơn giản hy vọng việc cải tạo sẽ tự nó giải quyết mà không cần đưa ra những hành động cụ thể được.

Thay vào đó, Meghan Lewis, nhà nghiên cứu cấp cao tại CLF cho biết các nhà thiết kế nội thất nên cân nhắc kỹ lưỡng về việc họ “tiêu thụ” carbon ở đâu. Trước khi tham gia CLF, Meghan đã làm trưởng phòng nghiên cứu năng lượng bền vững toàn cầu tại WeWork, nơi cô đã thực hiện nghiên cứu về một trong những dự án cải tạo của công ty. Cô nói: “Không phải tất cả các không gian của WeWork đều là kiểu mở, vì vậy yếu tố lớn nhất mà chúng tôi cần xem xét là mặt tiền và sau đó là các bức tường nội thất. Với các lựa chọn có carbon thấp cho tấm ván tường, việc lắp đặt các thanh chống và tường ngăn, sẽ có rất nhiều điều có thể xảy ra trước khi nghĩ đến việc hy sinh về mặt thẩm mỹ”.

noi that bien doi khi hau

Từ trái qua: Bộ sưu tập Embodied Beauty của Interface bao gồm các tấm thảm gạch âm carbon đầu tiên; tấm trần và tường TECTUM của Armstrong đạt chứng nhận Living Product Certified; đá solid surface Dekton của Cosentino vừa được chứng nhận là trung hoà về carbon. Ảnh: Carbon Leadership Forum

Một nghiên cứu do Hội đồng Carbon Leadership tiến hành về các dự án cải tạo của 5 văn phòng khác nhau đã chỉ ra rằng các tấm cách âm, trần, thảm và sàn đầu có một lượng dấu chân carbon đáng kể (như được minh hoạ ở dưới). May mắn thay, các nhà thiết kế nội thất hiện nay đều có khả năng giảm thải lượng khí carbon theo nhiều cách khác nhau. 

Các nhà thiết kế nội thất có tầm ảnh hưởng lớn trong qua quá trình chỉ định sản phẩm. Nhiều nhà sản xuất sản phẩm nội thất đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm thiểu dấu chân carbon, trong khi một lượng lớn nhà sản xuất khác đã phát hành dữ liệu của họ thông qua Environmental Product Declaration, được truy cập thông qua các cơ sở dữ liệu như Mindful MATERIALS, đồng thời cũng được so sánh bằng các công cụ như EC3. Kate đưa ra lời khuyên: “Khi bạn nói chuyện với một nhà sản xuất hoặc đại diện sản phẩm, hãy hỏi họ về dấu chân carbon trong vật liệu và chiến lược giảm khí thải carbon của họ. Những nhà sản xuất đang thực hiện tốt sẽ có cơ hội nói về nó. Còn những người chưa bắt đầu sẽ nhận thấy rằng họ nên bắt đầu làm điều đó”.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, các nhà thiết kế nội thất sẽ phải thực hiện các thay đổi cấu trúc trong ngành của họ. Vì tác động carbon lớn nhất của ngành này là thông qua quá trình cải tạo, việc sử dụng lại và khai thác lại các đồ nội thất và yếu tố nội thất sẽ phải trở thành xu hướng chủ đạo. Tương tự, các chiến lược kết thúc vòng đời và thiết kế cho việc tháo dỡ cũng phải được áp dụng như đạo đức cơ bản của ngành nghề, để mỗi nhà thiết kế có thể chịu trách nhiệm chuyển giao nghề cho người kế tiếp. Mặt khác, điều này không nên làm gián đoạn đến động lực quan trọng mà thiết kế nội thất đã tạo ra bằng cách tập trung vào sức khỏe, sự phát triển và tính bao hàm của con người.

nha thiet ke noi that van phong bien doi khi hau

Theo ước tính của nhà cung cấp đồ tái chế Doors Unhinged, các không gian thương mại chiếm phần lớn lượng chất thải từ ngành xây dựng, trong đó các dự án cải tạo gửi gần 1/3 chất thải đó đến bãi rác. Trong các không gian mở như văn phòng của LMN Architects ở Seattle, đồ nội thất và các tấm thảm được cho là gây ra tác động carbon lớn nhất. Vì vậy, ngoài các lựa chọn có carbon thấp, các nhà thiết kế cần phải xét xem các sản phẩm đó có thể tháo dỡ hoặc tái chế dễ dàng hay không. Ảnh: Adam Hunter

 

Thực hiện: Khánh Quỳnh | Theo: Metropolismag


Xem thêm

NION – Một trong những công trình bền vững nhất tại Đức

Biophilic Design – Lịch sử kiến trúc xanh kết nối với thiên nhiên