Thiết kế biophilic: Gắn kết con người và thiên nhiên

Đưa thiên nhiên vào không gian sống để tạo sự hài hoà và lành mạnh với các cách tiếp cận sáng tạo đã trở thành xu hướng phổ biến được các kiến trúc sư áp dụng trong thời gian gần đây.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng ở những thành phố lớn có mật độ dân cư cao và ô nhiễm, việc tích hợp thiên nhiên vào kiến trúc là một trong những giải pháp lành mạnh nhằm nâng cao và cân bằng đời sống của công dân. Nói cách khác, chiến lược ưa sinh học (biophilic) trong kiến trúc hướng đến cảm giác thoải mái và dễ chịu của con người khi có yếu tố tự nhiên xung quanh. Thách thức cơ bản của xu hướng này là giải quyết những thiếu sót của môi trường xây dựng hiện đại và tạo ra những bối cảnh mới, nơi môi trường tự nhiên có lợi cùng tồn tại. 

san bay changi kien truc biophilic

Sân bay Jewel Changi. Ảnh: Getty Images

Từ “biophilia” do nhà tâm lý học Eric Fromm đặt ra và được phổ biến lần đầu vào những năm 1980 bởi nhà sinh vật học Edward O. Wilson. Ý nghĩa gốc của nó là “tình yêu cuộc sống”, mô tả sự thôi thúc của con người trong việc liên kết với các dạng sống khác. Theo Edward, con người vốn có nhu cầu gắn kết với thiên nhiên để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, nguyên nhân là do quá trình tiến hóa lịch sử của loài người là một phản ứng thích nghi với thế giới tự nhiên.

Các ngành thiết kế đã áp dụng triết lý này và đưa ra hàng loạt giải pháp có tính đến xu hướng tự nhiên của con người là cảm thấy dễ chịu giữa thiên nhiên, được khoa học lý giải là do bộ não nguyên thủy của chúng ta được thiết kế để hoạt động tốt hơn khi ở trong một loại môi trường sống nhất định. Thực vật, cây cối, nước và nhiệt độ dễ chịu là những yếu tố đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Trong điều kiện thích hợp, tâm trí được thư giãn, sản sinh ra ít hormone gây căng thẳng hơn và có năng lượng cho việc suy nghĩ và sáng tạo. Chúng ta khai thác các yếu tố trực tiếp như thực vật, nước và âm thanh, cũng như các yếu tố gián tiếp như vật liệu tự nhiên, màu sắc và tổ chức không gian sao cho phù hợp với nhu cầu tổng thể. Cách áp dụng này mang nhiều lợi ích, đặc biệt ở những nơi dành cho việc học tập và chữa bệnh. 

sfer ik kien truc biophilic thien nhien

Trung tâm nghệ thuật Sfer Ik do Roth Architecture thiết kế. Ảnh: Azulik

Giáo sư danh dự tại Trường Nghiên cứu Lâm nghiệp và Môi trường thuộc Đại học Yale Stephen R. Kellert mô tả năm điều kiện cần thiết để thực hành hiệu quả thiết kế biophilic. Trong đó, ông cũng nhấn mạnh những đặc điểm không mang tính ưa sinh học. 

1. Thiết kế biophilic nhấn mạnh sự thích nghi của con người với thế giới tự nhiên, được chứng minh là công cụ giúp nâng cao sức khỏe, thể chất và phúc lợi của con người. 

2. Thiết kế biophilic phụ thuộc vào sự gắn kết lâu dài và có sự lặp lại với thiên nhiên. Trải nghiệm không thường xuyên, nhất thời hoặc biệt lập với thiên nhiên gây ra những tác động bề ngoài và thoáng qua đối với con người, thậm chí đôi khi có thể đi ngược lại với việc thúc đẩy những kết quả có lợi.

3. Thiết kế biophilic đòi hỏi phải tăng cường và tích hợp các sự can thiệp về thiết kế để kết nối với bối cảnh hoặc không gian tổng thể. Việc tiếp xúc với thiên nhiên trong một không gian tách biệt với yếu tố tự nhiên bị lạc lõng không phải là một cách tiếp cận ưa sinh học hiệu quả. 

4. Thiết kế biophilic thúc đẩy sự gắn kết cảm xúc với bối cảnh và địa điểm. Bằng cách thỏa mãn khuynh hướng gắn bó với thiên nhiên vốn có của con người, thiết kế ưa sinh học tạo ra kết nối cảm xúc với những không gian và địa điểm cụ thể, làm tăng hiệu suất và năng suất, đồng thời nhắc nhở chúng ta xác định và duy trì bối cảnh đang sinh sống.

5. Thiết kế biophilic thúc đẩy sự tương tác và mối quan hệ tích cực và bền vững giữa con người và môi trường tự nhiên. Con người là loài có tính xã hội sâu sắc mà sự an toàn và năng suất phụ thuộc vào những tương tác tích cực trong bối cảnh không gian. 

kien truc cao oc singapore thien nhien capitaspring

Toà nhà CapitaSpring thiết kế bởi BIG-Bjarke Ingels Group và CRA-Carlo Ratti Associati. Ảnh: Finbarr Fallon

Một trong những công trình kiến trúc điển hình tuân thủ các nguyên tắc trên là tòa nhà Welcome của văn phòng Kengo Kuma Architects Associates đặt tại Milan. Trưởng dự án KKAA và kiến trúc sư Yuki Ikeguchi chia sẻ rằng, dự án rời xa cách tiếp cận văn phòng truyền thống và thể hiện cách bố trí năng động hơn, loại bỏ mọi sự dư thừa về không gian, quan tâm đến chất lượng cuộc sống của con người, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và năng suất. Việc sử dụng các yếu tố tự nhiên như thành phần kiến ​​trúc và xây dựng là cốt lõi của ý tưởng thiết kế biophilic. Ngoài việc sử dụng gỗ để xây dựng kết cấu, thiết kế còn dành nhiều không gian cho thảm thực vật, ánh sáng và thông gió tự nhiên, đảm bảo sự thoải mái tối đa trong mọi tình huống.

kien truc cao oc van phong biophilic kengo kuma

Dự án Welcome. Ảnh: KKAA

Một trong những cách tiếp cận thiết kế biophilic nổi bật của dự án là hệ thống lọc không khí tiên tiến Air Factory được hợp tác phát triển bởi các nhà thiết kế Nhật Bản và nhà thực vật học, nhà tiểu luận nổi tiếng Stefano Mancuso. Ông từng nói: “Hệ thống này sử dụng cây xanh để làm sạch không khí trong nhà trong thời gian rất ngắn với 99% thành phần có hại được thực vật hấp thụ và phân huỷ. Chúng ta có thể đo lường những hiệu suất này bằng các cảm biến, nhưng con người cũng có thể cảm nhận được chúng ngay lập tức. Tuy nhiên, văn phòng ưa sinh học không chỉ giới hạn ở điều này. Thực vật có tác dụng tích cực đến tâm lý, sức khỏe và năng suất. Đây không phải là một phát hiện mới mẻ mà là quan sát khoa học đã được chứng minh và công nhận rộng rãi. Nói chung, chúng ta có thể nói chắc chắn rằng không có giải pháp nào khác có thể mang lại lợi ích lớn với chi phí nhỏ như vậy. Đó không phải điều gì quá nhiệm màu mà đơn giản là cây cối chính là nhà của chúng ta.”

Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Salone Del Mobile. Milano 


Xem thêm

Biophilic Design – Lịch sử kiến trúc xanh kết nối với thiên nhiên

Làm mát thụ động: Chiến lược bền vững trong kiến trúc hiện đại

Kiến trúc bền vững: Nương náu thiên nhiên