Trong thời đại trái đất đang ngày một nóng lên và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, việc sử dụng các thiết bị làm mát đã trở thành nhu cầu cơ bản của con người. Thật khó để tưởng tượng ra một thế giới không có quạt trần, quạt hơi nước hay máy lạnh. Bên cạnh đó, kiến trúc và xây dựng có thể cung cấp những giải pháp điều hòa nhiệt độ không tốn năng lượng. Các chiến lược làm mát thụ động liên quan đến thiết kế gắn kết với thiên nhiên cần phải được xây dựng. Tuy không phải là những giải pháp nhanh chóng, đòi hỏi nỗ lực phối hợp của nhiều lĩnh vực và cả nhận thức cá nhân, nhưng chúng hứa hẹn mang đến cho con người sự phát triển bền vững hơn.
Chiến lược làm mát thụ động là gì?
Khi nói đến chiến lược làm mát thụ động trong kiến trúc, phải thừa nhận rằng có rất nhiều biện pháp hiệu quả nhưng thường bị bỏ ngỏ, bao gồm: bóng mát (thông qua thảm thực vật hoặc khối lượng xây dựng), bề mặt phản chiếu trên công trình, giải tỏa khối nhiệt bằng vật liệu, định hướng mặt trời thích hợp và cấu trúc thông gió chéo. Các chuyên gia khẳng định rằng việc kết hợp tốt các chiến lược này có thể giúp nhiệt độ trung bình bên trong giảm 2,2°C, giảm tải điện năng làm mát 31% và tiết kiệm 29% năng lượng.
Các bề mặt được bao phủ bởi thảm thực vật, khu vực có bóng râm hoặc các yếu tố liên quan đến nước như: sông ngòi, kênh, hồ… giúp giảm đáng kể nhiệt độ tổng thể đô thị. Sự hồi sinh của sông Cheonggyecheon từ một dòng suối bị ô nhiễm ở Seoul là ví dụ điển hình về cách mà chúng ta nên tiếp cận và xây dựng các thành phố một cách bền vững. Sau khi được dỡ bỏ bê tông che phủ và hội nhập vào thủ đô tấp nập như một khu vực vui chơi – giải trí, nhiệt độ của các khu vực nằm dọc theo dòng sông giảm từ 3,3°C đến 5,9°C so với một con phố chỉ cách đó vài dãy nhà.
Trường Trung học Lycee Schorge của Francis Kéré ở Gando cũng là một trong những dự án áp dụng chiến lược làm mát thụ động và đạt được hiệu quả cao. Bên cạnh việc sử dụng gạch đất sét quán tính nhiệt cao có nguồn gốc địa phương để hấp thụ nhiệt vào ban ngày và giải phóng nhiệt vào ban đêm, kiến trúc sư còn sử dụng gỗ làm mặt tiền phụ, bao bọc xung quanh các lớp học như một tấm vải trong suốt để tạo ra bóng mát, bảo vệ học sinh khỏi nhiệt độ oi bức vào ban ngày, đồng thời loại bỏ nhu cầu sử dụng các thiết bị hạ nhiệt nhanh.
Những chiến lược này không đòi hỏi nguồn lực tài chính cụ thể mà phải được kết hợp ngay từ đầu, nghĩa là từ quá trình thiết kế. Tuy nhiên, do khả năng tiếp thu các kiến thức xây dựng chuyên nghiệp còn hạn chế ở nhiều cộng đồng nên rất nhiều sáng kiến, chiến lược đơn giản và thiết thực hơn đã được phát triển tùy theo từng địa phương để cải thiện nhà cửa và môi trường sống.
Mahila Housing Trust (MHT) một tổ chức hỗ trợ phụ nữ có thu nhập thấp ở Ấn Độ đã tiên phong trong việc tạo ra các giải pháp kiến trúc đơn giản, dễ tiếp cận để giải quyết tình trạng nắng nóng ở nhiều khu vực lân cận thành phố. Sáng kiến họ đưa ra là sơn màu trắng lên các mái nhà để tạo hiệu quả phản chiếu. Điều này được chứng thực trong một nghiên cứu phát biểu rằng: mái tiêu chuẩn hoặc mái tối có thể đạt nhiệt độ lên tới 65°C trong điều kiện nắng nóng gay gắt kéo dài, trong khi mái sơn màu sáng duy trì nhiệt độ thấp hơn tới 10°C trong điều kiện tương tự.
Ngoài ra, cũng có một số chiến lược làm mát dễ tiếp cận được tạo ra bằng cách tận dụng kiến thức bản địa. Ví dụ, Ant Studio đã mô phỏng lại các kỹ thuật làm mát bay hơi truyền thống của Ấn Độ để tạo ra mô hình nón đất sét hình trụ có chức năng như máy lạnh. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng mô hình này đã cho thấy kết quả đầy khả quan khi giúp giảm nhiệt độ môi trường xung quanh xuống khoảng 6°C.
Việc thúc đẩy và áp dụng các chiến lược làm mát thụ động không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tình trạng ngày một nóng bức ở đô thị mà còn tạo ra một không gian sống xanh, trong lành và gần gũi với thiên nhiên, cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng.
Thực hiện: Thùy Như | Theo: ArchDaily
Xem thêm:
Điều hòa ẩn tinh tế trong nội thất