Những gì trước đây chỉ được coi là chất thải nay lại trở thành một nguồn tài nguyên mới. Quan điểm này ngày càng phổ biến nhờ các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn. Trong một số chuỗi cung ứng, việc sử dụng vật liệu tái chế từ rác thải hiện nay đã khả thi hơn. Điển hình là trong ngành công nghiệp thời trang, tái tạo vải từ quần áo đã qua sử dụng ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác, chúng ta khó tưởng tượng rằng sự thay đổi này thực sự có thể xảy ra.
Hệ sinh thái biển được nhận định là một nguồn tài nguyên có thể khai thác ở khía cạnh tái chế. Nhiều công ty nghiên cứu và sản xuất đã thử nghiệm rất nhiều loại rác thải từ biển, tạo ra một loạt các sản phẩm đáng ngạc nhiên giúp hồi sinh và đa dạng hóa nền kinh tế sản xuất của các bờ biển.
Đến từ xứ Basque của Pháp, thương hiệu Scale đã đặt cho mình sứ mệnh hình thành một loại vật liệu thân thiện với đại dương, có thể phân hủy sinh học và tái chế, có nguồn gốc từ các nguồn tài nguyên tái tạo có nguồn gốc từ biển. Sản phẩm chủ lực của họ có tên SCALITE®, một vật liệu tổng hợp mới làm từ vảy cá. Lớp phủ có ưu điểm không phụ thuộc vào quy trình sản xuất sử dụng nhiều năng lượng và không giải phóng các chất hữu cơ có hại dễ bay hơi. Scale bắt đầu thương mại hóa vào năm 2022 và đặt mục tiêu mang lại sức sống mới cho 23 tấn vảy vào năm 2023, có nguồn gốc từ quy trình sản xuất đánh bắt hoặc nuôi trồng thủy sản bền vững.
Một cách tiếp cận tương tự được áp dụng bởi Ostrea, công ty chuyên sản xuất vật liệu gạch ốp làm từ vỏ hàu và vỏ sò tái chế cho các tòa nhà. Gần giống với những loại gạch có lớp hoàn thiện terrazzo, sản phẩm có hiệu ứng lấp lánh của xà cừ trong vỏ sò. Trong đó, thành phần vỏ chiếm 65% tổng thể, cùng các khoáng chất và chất bổ sung có nguồn gốc từ dầu mỏ. Nhóm sáng lập gồm bốn người nuôi hàu, đã khởi động hoạt động này song song sau khi nhận thức được tác động môi trường của ngành. Chỉ riêng ở Pháp, 250.000 tấn hàu và vỏ sò được đốt mỗi năm, tạo ra chi phí kinh tế và sinh thái đáng kể cho cộng đồng. Dự án này đem lại lợi ích cho nền kinh tế bờ biển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn hơn bên cạnh đánh bắt hải sản và du lịch.
Cũng tại Ý, một công ty hàng đầu đã làm việc trên nguyên tắc tương tự để tạo ra giải pháp sàn và tường bền vững. Oltremateria với A Mare đã phát triển vật liệu cho bề mặt sàn từ 60% vỏ sò tái chế, được chứng nhận và nhận giải ADI Design Index Innovation Award vào năm 2022. Được trộn với các polyme thế hệ mới có nguồn gốc từ dầu hướng dương, loại vữa này nổi bật nhờ lượng khí thải carbon thấp lẫn nhu cầu năng lượng trong sản xuất không cao. Đây là một lợi thế đáng kể cho lĩnh vực gốm sứ trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.
Từ studio của mình ở Paris, nhà thiết kế Samuel Tomatis đã biến nghiên cứu về rong biển thành trọng tâm trong công việc của mình. Mục tiêu của ông là khai thác loại vật liệu này với nhiều ứng dụng để góp phần sản xuất bền vững trong lĩnh vực thời trang, nội thất, tấm ốp xây dựng và phát triển bao bì tự hủy. Với cách tiếp cận không mệt mỏi của một nhà sáng tạo, Tomatis đã đưa vào nghiên cứu của mình rất nhiều sản phẩm, từ gạch đến bàn, da sinh thái, vải và nhựa sinh học. Trong tay ông, tảo trở nên nhiều tiềm năng bởi tính linh hoạt, có thể thay thế các vật liệu và quy trình tiêu tốn nhiều năng lượng cũng như có tác động đến môi trường mạnh hơn.
Dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang vật liệu sinh học là trọng tâm công việc của Natural Material Studio, được thành lập tại Copenhagen bởi Bonnie Hvillum và chuyên về thiết kế tuần hoàn. Trong số các vật liệu sinh học được tạo ra, Alger là loại vải có chiết xuất rong biển và chất làm mềm, có các lớp hoàn thiện khác nhau tùy thuộc vào thành phần tự nhiên dùng để nhuộm như rong biển Spirulina, vỏ cua hoàng đế, rong biển carrageenan và chiết xuất màu xanh từ rong biển. Tại sự kiện 3 Days of Design mới đây, Alger là chủ đề của một tác phẩm sắp đặt, kết hợp với thương hiệu đồ nội thất và phụ kiện Frama.
Chuyển ngữ: My Lương | Theo: Salone del Mobile.Milano
Xem thêm:
Terrazzo từ vụn gỗ – Ý tưởng vật liệu bền vững mới