Luma Foundation và chuyện “nuôi trồng” vật liệu bền vững

Không chỉ là công trình mang nhiều giá trị kiến trúc, tháp Luma Foundation do KTS Frank Gehry thiết kế còn là sân chơi thử nghiệm cho lĩnh vực vật liệu bền vững – một hướng đi khơi mở tương lai ngành xây dựng.

Cộng đồng kiến trúc trên toàn thế giới vừa qua đã không khỏi ấn tượng khi chứng kiến sự ra đời của tòa tháp Luma Foundation tại Arles do KTS lừng danh Frank Gehry thiết kế. Tuy vậy vẫn còn nhiều câu chuyện bên lề đáng để bàn đến xoay quanh công trình thú vị này, đơn cử trong số đó là hạng mục vật liệu tự nhiên được sản xuất từ muối, hoa hướng dương và tảo. Loại vật liệu này được sử dụng làm bề mặt ốp lát trong nội thất tòa tháp nhằm giảm tải lượng khí thải carbon.

Luma Foundation 7

Tháp Luma Foundation do KTS Frank Gehry thiết kế. Ảnh: Tư liệu.

Khu vực hành lang thang máy của Luma Foundation là nơi được ốp hàng nghìn tấm gạch muối. Loại gạch này được sản xuất từ những bãi muối lâu đời tại địa phương, bên trong khu bảo tồn thiên nhiên Camargue. Tảo từ Camargue, vùng châu thổ song Rhôme cùng được ứng dụng làm vật liệu ốp lát nhà vệ sinh, trong khi đó hoa hướng dương lại trở thành vách ốp tiêu âm cho không gian quán bar. Các vật liệu này được phát triển bởi Atelier Luma, một trong những nhà nghiên cứu sản xuất ở miền nam nước Pháp.

Luma Foundation 6

Khu vực sảnh thang máy ốp gạch muối tại tháp Luma Foundation. Ảnh: Adrian Deweerdt.

Luma Foundation 5

Ảnh: Adrian Deweerdt.

“Chúng tôi đưa ra giải pháp cho vật liệu có thể tự phát triển bằng cách kết tinh theo thời gian, trong vòng hai tuần. Không một cơ chế tiêu hao năng lượng nào được thêm vào quá trình, tất cả chỉ đơn thuần dựa vào nắng và gió để tạo ra. Những vật liệu này đã sẵn sàng để đưa ra thị trường, chúng đồng thời có thể phân phối và sản xuất cho nhiều mục đích khác nhau.” – Jan Boelen, giám đốc nghệ thuật của Atelier Luma cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đang tìm kiếm các khu vực khác trên thế giới có thể sử dụng mô hình vật liệu như thế này cho địa phương.”

Đối với gạch muối, các nhà thiết kế tại Atelier Luma đã phát triển cách trồng tinh thể muối trên hệ lưới kim loại đặt trong những bể lớn. Các tấm muối trong khu vực sau khi bay hơi sẽ để lại phần khoáng chất cổ đại chiết xuất từ khu vực. Trong khi đó hạt hướng dương sẽ được trồng tại địa phương, sau đó gia công ép thành nhiên liệu sinh học. Thậm chí những phần bị vứt bỏ sau quá trình sản xuất cũng được tận dụng lại làm gỗ bần cách nhiệt.

Luma Foundation 4

Tinh thể muối kết tinh thành gạch. Ảnh: Adrian Deweerdt.

Luma Foundation 3

Bãi “trồng” gạch muối tại Camargue. Ảnh: Adrian Deweerdt.

Ở khu vực nhà vệ sinh của tòa nhà, rất nhiều những viên gạch đa sắc màu đã được ốp lát. Đây chính là loại gạch được sản xuất từ tảo thu hoạch quanh bãi muối Camargue. Loại tảo này phát triển cực kỳ nhanh, chúng tiêu thụ CO2 để phát triển, vì vậy ở một khía cạnh nào đó, tảo đang góp phần vào việc tích cực hóa chất lượng môi trường. Theo số liệu thống kê, tòa tháp Luma Foundation đã sử dụng 30.000 viên gạch tảo với 20 màu sắc khác nhau. Bên cạnh đó, các tiêu chí bền vững khác như hệ thống thông gió tự nhiên, năng lượng tái tạo diesel sinh học hay các tấm pin năng lượng mặt trời cũng được ứng dụng, biến tòa tháp trở thành trung tâm khổng lồ cho sân chơi thử nghiệm vật liệu bền vững.

Luma Foundation 2

Gạch ốp làm từ tảo. Ảnh: Adrian Deweerdt.

Luma Foundation 1

Tấm tiêu âm làm từ hoa hướng dương. Ảnh: Adrian Deweerdt.


Bài: Đức Nguyên | Theo: Dezeen | Ảnh: Adrian Deweerdt.


Xem thêm:

Burnt Cork – Vẻ đẹp của gỗ bần cháy

Những suy ngẫm về giá trị bền vững