Tác động của đảo nhân tạo lên môi trường xây dựng

Trái ngược với suy nghĩ thông thường, việc xây dựng đảo nhân tạo có bối cảnh lịch sử lâu đời ở nhiều khu vực trên thế giới.

Bắt nguồn từ những hòn đảo được khai hoang ở Ai Cập cổ đại, hàng trăm hòn đảo nhân tạo cùng hàng trăm cột nhà sàn được tìm thấy ở các hồ và hệ thống đường thủy của Scotland và Ireland, cũng như các hòn đảo nghi lễ được xây dựng trong Đế chế Aztec. Theo định nghĩa, đảo nhân tạo là hòn đảo được con người xây dựng chứ không phải được hình thành thông qua các quá trình tự nhiên. Việc tạo dựng này ra đời với nhiều lý do nhưng lớn nhất vẫn là vấn đề khan hiếm về diện tích sống.

Trong quá khứ, những hòn đảo này được thiết kế cho mục đích nghi lễ hoặc nông nghiệp, thường hướng tới các giải pháp về không gian đô thị. Gần đây hơn, các hòn đảo được xây dựng để giảm thiểu tình trạng quá tải, thu hồi đất, mở rộng đô thị mới và đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng và công nghiệp. Đảo nhân tạo cũng có những lợi thế chiến lược và lợi ích kinh tế nhất định. Tuy nhiên, những loại dự án này gây ra tổn thất đáng kể cho hệ sinh thái của chúng ta một cách nghiêm trọng theo diện rộng.

Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử tạo tác những hòn đảo nhân tạo để tìm hiểu thêm về mục đích cũng như tác động của chúng lên hệ sinh thái như thế nào.

Tác động của đảo nhân tạo lên xây dựng 1

Quần đảo Cây cọ, Dubai. Ảnh: Delpixel

Trung tâm tôn giáo và nghi lễ

Ngoài khơi bờ biển phía đông nam của Pohnpei, Nan Madol là một nhóm gồm hơn 100 hòn đảo đóng vai trò là trung tâm nghi lễ của triều đại Saudeleur. Thành phố được xây dựng trên một đầm phá ở giữa Liên bang Micronesia, được tạo thành từ một loạt 92 hòn đảo nhân tạo nối với nhau bằng mạng lưới kênh đào. Hơn nữa, nơi này thường được gọi là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”, đại diện cho trụ sở chính trị của triều đại này.

Tác động của đảo nhân tạo lên xây dựng 2

Thành phố cổ Nan Madol ở Pohnpei, Micronesia. Ảnh: KKKvintage

Nông nghiệp

Trong thời Đế chế Aztec, Chinampas là một kỹ thuật nông nghiệp truyền thống được người dân địa phương sử dụng quanh khu vực Thành phố Mexico ngày nay. Những hòn đảo nhân tạo này về cơ bản là những luống vườn trên cao, được xây dựng trên bờ hồ cạn. Việc xây dựng những chiếc chinampas này bao gồm các cọc gỗ đan xen với các cành cây có nguồn gốc địa phương, tạo thành một khung sơ bộ. Phía trên khung, các luống trồng làm bằng bùn và phù sa sau đó được xếp chồng lên nhau để tạo thành những khu vườn trên cao. Các hòn đảo được sử dụng chủ yếu để trồng trọt, cho phép phát triển nông nghiệp đa dạng.

Xây dựng trung tâm đô thị

Thường được gọi là “Thành phố nổi”, Venice là một ví dụ điển hình về ý nghĩa lịch sử của các đảo nhân tạo. Thành phố bao gồm 118 hòn đảo trên Biển Adriatic, được xây dựng thông qua sự kết hợp của kênh đào và tường chắn. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên, vùng đất đầm lầy đã biến thành những hòn đảo thu nhỏ, tạo nên mạng lưới phức tạp mà ngày nay gọi là Venice. Thân cây được tận dụng để san bằng các vùng đất đầm lầy, làm nền móng và tạo nền vững chắc, tiếp theo là các bệ gỗ được thiết kế phía trên, tạo không gian cho các tòa nhà và cơ sở hạ tầng.

Tác động của đảo nhân tạo lên xây dựng 3

Venice. Ảnh: Muratart

Các ví dụ trên cho thấy quá trình xây dựng đảo nhân tạo trong lịch sử vì nhiều lý do khác nhau. Đảo nhân tạo vẫn đang được xây dựng nhưng với quy mô lớn hơn, có khả năng gây hại cho môi trường và tiềm ẩn những tác động bất lợi hơn. Trên thực tế, chúng ta đang xây dựng nhiều hòn đảo hơn bao giờ hết. Điều này gây ra sự gián đoạn môi trường, mất đa dạng sinh học, suy thoái chất lượng nước và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Một ví dụ nổi bật khác về đảo nhân tạo là quần đảo Palm Tree, được tạo ra để tăng đường bờ biển cho khách du lịch ở Dubai. Năm 2005, hòn đảo khổng lồ hình cây cọ này đã kéo dài thêm khoảng 56 km đường bờ biển. Sự phát triển của nó đã làm thay đổi đáng kể hệ sinh thái địa phương, bao gồm xói mòn bờ biển, chuyển trầm tích và thay đổi mô hình sóng. Sự xáo trộn trầm tích đã xảy ra do quá trình xây dựng, khiến sinh vật biển bị ngạt thở và làm thay đổi lượng ánh nắng chiếu tới các loài thực vật trên bãi biển.

Tác động của đảo nhân tạo lên xây dựng 5

Ảnh: NASA

Cách Quần đảo Palm Tree khoảng 29km về phía đông có khoảng 300 hòn đảo nhân tạo nhỏ được xây dựng theo hình bản đồ thế giới ngoài khơi Dubai. Việc xây dựng Quần đảo Thế giới bắt đầu vào năm 2003, đều được xây dựng thông qua việc nạo vét cát và loại bỏ trầm tích. Mặc dù cả hai dự án đảo nhân tạo đều thành công trong việc thu hút khách du lịch nhưng bù lại gây tổn hại nặng nề với môi trường tự nhiên. Vùng nước “Đảo Thế giới” đã bị ô nhiễm phù sa, làm nghẹt thở các sinh vật và rạn san hô, dẫn đến suy thoái môi trường sống hoàn toàn.

Tóm lại, lịch sử của các đảo nhân tạo hé mở một hành trình hấp dẫn về sự khéo léo và khả năng thích ứng trong xây dựng của con người. Từ các nền văn minh cổ đại của Ai Cập và Aztec Mexico cho đến những tuyệt tác hiện đại của Dubai, các đảo nhân tạo đã được sử dụng để giải quyết nhiều thách thức khác nhau. Những hòn đảo này từng được sinh ra vì sự cần thiết và giờ đây đã trở thành những hòn đảo thể hiện sự đổi mới, định hình lại đường bờ biển, tạo ra các trung tâm đô thị mới và xác định lại khả năng của môi trường xây dựng.

Tác động của đảo nhân tạo 6

Đảo Thế Giới. Ảnh: Marat Dupri © Shutterstock

Tác động của đảo nhân tạo 2

Ảnh: Markus Mainka

Trước tình trạng dân số ngày càng tăng, khủng hoảng khí hậu và khan hiếm tài nguyên, câu chuyện về đảo nhân tạo như một lời nhắc nhở về năng lực của chúng ta trong việc định hình môi trường xây dựng. Khi chúng ta tìm hiểu sự phức tạp của sự phát triển hiện đại, câu chuyện về đảo nhân tạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hài hòa tiến trình với quản lý môi trường. Hơn nữa, khi Hội nghị Khí hậu Quốc tế COP28 sắp diễn ra ở Dubai, các nhà lãnh đạo thế giới mong muốn thảo luận về các biện pháp hành động được thực hiện để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà trong đó, đảo nhân tạo là chủ đề lớn.

Chuyển ngữ: My Lương | Theo: Archdaily


Xem thêm:

Hệ thống đảo nhân tạo CPH-Ø1 tại Copenhagen

Chuyển động thời đại mới: khi nhu cầu hưởng thụ và xây dựng đều dần số hóa

Khu phức hợp bảo tàng Monologue Art ở Tần Hoàng Đảo