Chuyển động thời đại mới: khi nhu cầu hưởng thụ và xây dựng đều dần số hóa

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên có sự phát triển thần tốc của công nghệ, nơi mà trải nghiệm sống và hưởng thụ của ta đều được vận hành hoặc tác động bởi những chuyển động số.

Kiến trúc và thiết kế (cụ thể trong ngành hàng cao cấp) đều là những lĩnh vực bắt rễ từ quá khứ và được thúc đẩy bởi sự cải tiến không ngừng vươn tới tương lai. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến xu hướng số hóa và cách công nghệ thay đổi xoay vần thế giới. Không gian số đang trở thành một hiện thực trong tầm với; metaverse (vũ trụ ảo) với tiềm năng hứa hẹn cải thiện tương tác của con người dần trở thành chủ đề nóng bỏng hàng đầu, tiền ảo được đưa vào những giao dịch thật và NFT* (non-fungible token) đang mở ra những tương lai mới cho ngành thiết kế sáng tạo.

Ngành hàng xa xỉ đặt trọng tâm vào kỹ nghệ tinh xảo, chất lượng và di sản. Mỗi món đồ là biểu tượng của cá tính, danh tính và địa vị, nhưng trên tất cả, ngành hàng này luôn đóng vai trò là mũi tên tiên phong cho các trào lưu, dự đoán các dịch chuyển quan trọng về mặt thương mại và cả văn hóa đại chúng. Vì thế sự kết hợp của công nghệ và ngành hàng xa xỉ sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong ăn mặc và tiêu dùng như một lẽ tất yếu, kéo theo sau đó sẽ là nhu cầu xây dựng cuộc sống, thiết kế kiến trúc nội thất.

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi thế giới theo những cách không thể ngờ tới, một trong những điều cốt lõi là hành vi người tiêu dùng. Khi cách tiếp cận vật lý bị hạn chế, các thương hiệu bắt buộc phải tìm ra giải pháp mở rộng chuỗi cung ứng và thu hút khách hàng. Các nhà mốt lâu đời vốn nổi tiếng “kín kẽ” khắt khe nay dần mở mình ra với công nghệ, đánh dấu bước chuyển mình của một thế hệ. Ngành thời trang cao cấp vốn là một vùng đất kiêu hãnh ghi dấu di sản và truyền thống; do đó các bước đi về công nghệ cũng phải được cân nhắc cẩn thận để giúp thương hiệu tăng tốc trong cuộc đua tăng trưởng mà không làm mất đi tinh thần độc bản, địa vị “kén khách” của mình. Công nghệ được các thương hiệu sử dụng để tăng cường trải nghiệm của khách hàng, mở đường cho những bước tiến dài trong tương lai và đánh được vào điểm chạm (insight) là khao khát được sở hữu những vật phẩm mang dấu ấn nguyên bản, đậm sự cá nhân hóa mà ẩn trong đó là sự bảo chứng của những di sản, chất lượng tích lũy qua hàng chục thậm chí cả trăm năm. Đó chính là loại cảm thức mới về xa xỉ phẩm.

xu hướng số hóa kim cương diamond the enigma Bitcoin Ethereum Stablecoin

Sotheby’s chấp nhận Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH) và Stablecoin USDC cho phiên đấu giá viên kim cương quý hiếm “The Enigma”.

Công nghệ luôn hấp dẫn bởi tính đột phá và bất ngờ. Khi một thương hiệu xa xỉ ứng dụng công nghệ vào quy trình thương mại của mình, điều đó không chỉ thu hút sự tò mò của công chúng mà còn là lời tuyên bố cho vị thế dám nghĩ dám làm của kẻ dẫn đầu. Theo báo cáo “Luxury and technology: the beginning of a new era”, thực hiện bởi Bain & Company, đến năm 2025 NFT và metaverse sẽ được ứng dụng và thử nghiệm bởi một nửa số hãng thời trang cao cấp trên thế giới. Metaverse** mở ra cánh cửa của chuỗi cửa hàng ảo với tinh thần thương hiệu được thể hiện rõ ràng hơn rất nhiều so với website và các hoạt động truyền thông khác. NFT không chỉ đóng vai trò “bản sao số” cho các sản phẩm cao cấp mà còn trở thành phân khúc sáng tạo hứa hẹn tiềm năng kinh tế to lớn, những sản phẩm độc nhất đáng khao khát.

Bằng cách tiếp cận qua trò chơi trực tuyến và ứng dụng di động, các thương hiệu xa xỉ sẽ dần thiết lập được kết nối với tệp khách hàng tiềm năng trong tương lai. Có thể thấy, việc các nhãn hàng cao cấp đầu tư vào công nghệ không chỉ là cuộc chạy đua nhất thời mà còn là một phần của chiến lược phát triển dài hạn. Với trọng tâm là sự tương tác của khách hàng, các thương hiệu mong muốn đạt được sự thấu hiểu sâu sắc và tăng tính cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm thông qua việc liên tục thử nghiệm công nghệ mới. Thêm vào đó, công nghệ cũng giúp các thương hiệu cao cấp đạt được sự vận hành hoàn hảo, chính xác và đón đầu xu thế. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi những điểm yếu của chuỗi cung ứng vận chuyển liên tục lộ ra qua đại dịch COVID-19. Để tránh thế bị động, việc theo sát nhu cầu của khách hàng giúp nhãn hàng nắm bắt được sản phẩm đang ở đâu, tình trạng hàng tồn và những điểm “khát” hàng để kịp thời cung cấp. Tất cả những điều này đều là để giảm thiểu khả năng chất lượng trải nghiệm của khách hàng bị ảnh hưởng.

Tập đoàn Kering, chủ sỡ hữu Gucci và nhiều thương hiệu xa xỉ khác đã chấp thuận phương thức thanh toán bằng tiền điện tử tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ. LVMH, tập đoàn chủ quản của Off-White, Hublot, TAG Heuer cũng đã nhận thanh toán bằng đồng Bitcoin, Ethereum ở Mỹ. Các nhà đấu giá uy tín như Sotheby’s cũng dần chấp thuận cryptocurrency trong một vài buổi đấu giá đặc biệt. Việc thông qua các đồng tiền điện tử không chỉ cho thấy sự cởi mở với thời cuộc mà còn là cách các nhãn hàng thu hút bộ phận khách hàng trẻ và cấp tiến. Tiền điện tử chính là bước đi đầu tiên trong chuỗi chiến lược áp dụng công nghệ mở rộng đến NFT và metaverse.

Thế hệ trẻ đặc biệt coi trọng nhận dạng kỹ thuật số và điều đó phần nào
phản ánh mức độ thời thượng, cấp tiến của họ ở ngoài đời thật.

Công nghệ không chỉ mở ra những con đường phát triển mới mà còn dẫn đến những cái bắt tay giữa các “ông lớn” trong ngành hàng cao cấp. Cụ thể, tập đoàn LVMH đã cùng Prada và Cartier thành lập Aura Blockchain Consortium (ABC) – nền tảng “bản sao kỹ thuật số” NFT cho các sản phẩm của họ. Mỗi sản phẩm sở hữu một mã nhận diện kỹ thuật số độc nhất giúp nâng cao tính minh bạch, giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định được hàng chính hãng hoặc hàng nhái. Hiện đã có 20 thương hiệu dùng phần mềm của ABC với hơn 17 triệu sản phẩm được đăng ký trên nền tảng.

Trong vòng 2 năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của NFT vào ngành thời trang cao cấp, giúp tạo ra nguồn doanh thu tiềm năng cho các thương hiệu và mở ra phân khúc sáng tạo mới đầy tính cạnh tranh. Đánh vào tâm lý mong muốn sở hữu những thứ hiếm và độc đáo, các hãng thời trang liên tục triển khai các hoạt động phổ biến NFT trong metaverse để thu hút khách hàng. Cụ thể, Gucci ra mắt Gucci Town, một kinh đô thời trang chỉ có trên Roblox, nơi giới mộ điệu có thể thử nghiệm nghệ thuật, mua sắm và thậm chí tham gia vào các cuộc thi lấy cảm hứng từ Gucci. Trong khi đó, Louis Vuitton lại gây tiếng vang với việc phát hành trò chơi Louis the Game tương thích với các thiết bị di động. Trong thế giới ảo này, người chơi có thể thu thập các NFT được thiết kế độc quyền chỉ được sưu tầm chứ không thể trao đổi rao bán. Burberry cũng phối hợp cùng Mythical Games tạo ra “Sharky B” và sau này là “Minny B”, đồ chơi kỹ thuật số có thể tuỳ chỉnh và được tự do mua, bán, nâng cấp kèm theo đó là các NFT trong trò chơi. Vào tháng 7/2022, chiếc túi Burberry Lola NFT cũng tạo ra cơn sốt nhỏ trong giới mộ điệu với giá rao bán chỉ khoảng 9,99 USD cho mỗi chiếc. Givenchy hợp tác cùng nghệ sĩ digital Chito để tạo ra 15 NFT độc đáo được mở bán trên nền tảng OpenSea, thị trường lớn nhất của NFT. Có thể thấy, NFT mở ra tiềm năng cho những sản phẩm rất thú vị, đẩy xa giới hạn sáng tạo ra khỏi địa hạt của những ý niệm nghệ thuật và tiến lên mức thương mại hóa. Vì thế, không ngạc nhiên khi các nhãn hàng xa xỉ phẩm liên tục dấn mình vào cuộc đua này.

xu hướng số hóa baby birkin hermes nft Mason Rothschild Eric Ramirez

NFT ‘BABY BIRKIN’ của Mason Rothschild và Eric Ramirez.

Các thương hiệu cao cấp cho rằng metaverse sẽ là bước tiến mới cho ngành công nghiệp thời trang, được thiết kế cho số người dùng không ngừng trẻ hóa và tăng lên. Metaverse hiện nay không chỉ là nơi quảng cáo hay tạo ra dòng doanh thu mà còn giúp cung cấp những trải nghiệm mới lạ, thú vị và ý nghĩa cho người dùng. Vào giữa năm nay, Gucci ra mắt Gucci Garden trên Roblox, nơi người chơi có thể nhập vai, trải nghiệm cửa hàng ảo của Gucci và ướm thử các mẫu thiết kế mới nhất. Bước đi này đã thu hút được 20 triệu người dùng ghé thăm. Metaverse mở ra một vùng đất ngập tràn tiềm năng, cho phép các thương hiệu xa xỉ tiếp cận một thế hệ khách hàng trẻ sẽ sớm có khả năng mua sắm đồ cao cấp trong tương lai. Theo báo cáo đã đề cập trước đó của Bain & Company các tương tác trực tuyến ảnh hưởng đến 70% quyết định giao dịch mua hàng xa xỉ phẩm.

Thế hệ trẻ đặc biệt coi trọng nhận dạng kỹ thuật số và điều đó phần nào phản ánh mức độ thời thượng, cấp tiến của họ ở ngoài đời thật. Theo một nghiên cứu của BoF vào năm 2021, khoảng 70% người tiêu dùng Mỹ thuộc Thế hệ X đến Z xem danh tính kỹ thuật số của mình là “quan trọng” và sẵn sàng đầu tư cho tủ quần áo kỹ thuật số. Vũ trụ ảo dần trở thành cách giao tiếp mới của những người trẻ và danh tính trên metaverse đang kéo theo sự dịch chuyển trong xu hướng mua sắm nơi thương hiệu có thể đo lường được sự quan tâm của khách hàng, còn người mua có thể thoải mái ướm thử sản phẩm lên người mà không cần đến tận cửa hàng. Việc thể hiện bản thân và tính sáng tạo trong metaverse chính là điểm chạm (insight) mà các thương hiệu cao cấp theo đuổi.

Blockchain*** (chuỗi khối) hay còn gọi là sổ cái kỹ thuật số, ghi lại xác minh và xử lý chính xác các giao dịch. Blockchain là một cơ sở dữ liệu phi tập trung được quản lý bởi tất cả người tham gia hệ thống, dữ liệu được truyền tải an toàn bằng hệ thống mã hoá phức tạp và mở rộng theo thời gian. Đây chính là nền tảng cho hầu hết mọi loại tiền số hiện nay. NFT (Non fungible token) là những tác phẩm kỹ thuật số đã được định danh và mã hóa. Bất kỳ giao dịch mua bán, trao đổi NFT đều được ghi lại trên chuỗi khối và tác giả sẽ được hưởng giá trị theo trích xuất phần trăm sau mỗi lần tác phẩm được giao dịch. NFT được trông chờ bởi chúng mang đến cho chủ sỡ hữu những lợi ích độc quyền, giúp gây dựng lòng trung thành của nhóm khách hàng với thương hiệu và giảm thiểu rủi ro về hàng tồn cho nhà sản xuất.

xu hướng số hóa gucci garden metaverse roblox

Cửa hàng Gucci Garden ảo trong Roblox.

Những công nghệ mới như blockchain, NFT và metaverse đang thể hiện những tác động lớn lên ngành hàng cao cấp, ngành đóng vai trò định hướng xu thế thì với lĩnh vực kiến trúc, nội thất công nghệ lại quyết định sự sống còn của lĩnh vực tối quan trọng trong quá trình xây dựng xã hội.

Nếu công nghệ trong ngành hàng xa xỉ vẽ ra tầm nhìn về tương lai thì trong ngành kiến trúc và xây dựng nó trở thành cột trụ cho sự phát triển hạ tầng, góp phần thay đổi cách sinh hoạt của người dân và vận hành của xã hội. Blockchain là một cơ sở dữ liệu phi tập trung khổng lồ với độ minh bạch cao có thể giúp cải thiện luồng thông tin trao đổi giữa các bên khi một dự án diễn ra. Quản lý vận hành trên nền tảng blockchain giúp các KTS, kỹ sư giám sát hoàn thành việc nộp báo cáo dễ dàng thông qua các ghi chép cập nhật liên tục, đảm bảo tính riêng tư và an ninh vì báo cáo này không thể bị điều chỉnh, can thiệp. Quá trình liên lạc thông suốt giúp tăng hiệu suất và giảm thiểu rủi ro về độ tin cậy chứng thực cũng như thời gian trao đổi. Thông tin được quản lý và lưu trữ bảo đảm, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm. Ngoài ra, sổ cái kỹ thuật số còn giúp giảm thiểu khả năng của phát sinh mất kiểm soát nhờ việc ghi chép chặt chẽ các khoản chi tiêu theo mỗi bước xây dựng, không thể chỉnh sửa; điều này không chỉ giúp các nhà quản lý vận hành dự án hiệu quả hơn mà còn giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Theo một nghiên cứu của Perera et al., năm 2020, dù ngành xây dựng nói chung và thiết kế kiến trúc nói riêng còn thận trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin mới nhưng không ai có thể phủ nhận tiềm năng mạnh mẽ của blockchain trong ngành công nghiệp xây dựng, dựa trên lượng đầu tư mà các tập đoàn đang bỏ ra cho thử nghiệm nghiên cứu và số lượng start-up tăng lên mỗi năm để hòa mình vào dòng chảy số thời 4.0.

Nếu công nghệ trong ngành xa xỉ phẩm vẽ ra tầm nhìn về tương lai
thì trong ngành kiến trúc và xây dựng, nó đang trở thành
cột trụ cho sự phát triển hạ tầng.

Quá trình đô thị hóa diễn ra khắp nơi với nhịp độ như vũ bão, trong đó việc xây dựng “các thành phố thông minh” trở thành trọng điểm của nhiều quốc gia phát triển. Công nghệ blockchain đem đến nguồn tài nguyên thông tin khổng lồ sẽ trở thành nền tảng cho những dự án xây dựng thành phố tương lai bằng việc tăng nhịp độ trao đổi thông tin, hỗ trợ tự động hóa và cung cấp sự tin cậy, nhất quán và minh bạch. Metaverse đem lại cho KTS và NTK sự tự do bên ngoài nhiều khuôn khổ. Khi tự do sáng tạo, họ không còn bị ràng buộc
bởi các giới hạn như nguồn tài chính, điều kiện môi trường hay nguyên vật liệu. Trên thực tế, NFT cũng đã mở ra vùng đất tiềm năng cho việc sở hữu tài sản số như đất ảo hoặc nhà ảo trên Decentraland và Sandbox. Các giao dịch được thực hiện qua các đồng tiền số diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn bởi sự mới lạ, cảm giác tiên phong và đầy tính thể nghiệm. Trên Open Sea và Supperrare, các ngôi nhà số liên tục được rao bán và đáng ngạc nhiên thay, giá trị của chúng đôi khi cũng tương đương cả một ngôi nhà thật. KTS Krista Kim, một trong những người tiên phong trong việc thiết kế trên metaverse đã lập kỷ lục với một công trình nhà NFT được bán thành công với giá 288 Ethereum.

Tuy nhiên, để thực sự xây dựng được những công trình có sức ảnh hưởng hay mang tính định hướng, KTS vẫn cần tham gia vào đội nhóm gồm các NTK UI-UX, nhà phát triển phần mềm và lập trình viên cũng như nguồn tài chính dồi dào để công trình ảo của họ có thể tương tác với người dùng hoặc tùy chỉnh. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các công nghệ như AI, AR/VR và big data là không thể thiếu nếu muốn xây dựng lên một công trình số hoàn chỉnh. Sự phổ biến và mở rộng của thế giới ảo cũng đem lại những cơ hội mới cho KTS khi các công ty thương mại, tổ chức văn hóa cộng đồng gia nhập metaverse có nhu cầu xây dựng không gian số của chính mình trong đó. Với nhịp độ thay đổi nhanh chóng như hiện nay khi công việc, quá trình giao tiếp, hưởng thụ, khám phá học hỏi kỹ năng đều có thể được thực hiện từ máy tính cá nhân, việc xây dựng một trải nghiệm số để bồi đắp cho cuộc sống thực là điều không còn xa vời. Khi ấy, KTS đóng vai trò chủ chốt trong việc hoạch định, thiết kế để đạt được sự liên kết trôi chảy giữa thiết kế thực và thiết kế số.

xu hướng số hóa nhà nft Krista Kim

Công trình nhà NFT của Krista Kim.

Một vài KTS đầu ngành cũng dự báo, trong tương lai không xa thế giới vật lý và metaverse sẽ đạt đến điểm giao thoa. Không chỉ là trao đổi liên lạc, ngay cả những không gian sinh hoạt xã hội như triển lãm, hòa nhạc, bảo tàng nghệ thuật, giáo dục cũng sẽ diễn ra trên những thành phố ảo. Sự phổ biến của NFT dường như đã tiếp sức thêm cho các bảo tàng số, nơi người xem có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật quý giá với độ phân giải cao. Nhà đấu giá uy tín Sotheby’s cũng đã đánh dấu sự góp mặt của mình trên metaverse thông qua bản sao hoàn chỉnh của trụ sở London trên nền tảng Decentraland. Tại Art Basel Miami, công ty Zaha Hadid Architects cũng thể hiện nỗ lực tiên phong khi cho ra mắt khu trưng bày nghệ thuật ảo mang tên NFTism, giúp người xem khám phá kiến trúc và các tương tác xã hội trên nền tảng metaverse. Một số công ty kiến trúc đã bắt đầu được giao phó trách nhiệm quy hoạch tổng thể và thiết kế không gian trên metaverse. Ví dụ, Grimshaw với dự án thành phố trên pax.world nơi người mua có thể tự xây dựng trên đất ảo của mình; hay Zaha Hadid Architects với “tiểu quốc theo chủ nghĩa tự do” – The Liberland Metaverse là một không gian số siêu thực tế, áp dụng kiến thức xây dựng, định vị và tạo bầu không khí tương tác xã hội từ đời thực.

Một vài KTS đầu ngành dự báo trong tương lai không xa thế giới vật lý
và metaverse sẽ đạt đến điểm giao thoa.

Metaverse, tiền số hay blockchain vẫn còn là những chủ đề mới lạ và nhiều tranh cãi nhưng chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong sự dịch chuyển của tương lai. Kiến trúc áp dụng công nghệ cao sẽ dần trở thành hiện thực đời sống mà không còn là xa xỉ phẩm xa vời như hiện tại. Với bản chất công việc là dẫn dắt cho những hướng đi mới, người kiến trúc sư sẽ là một trong những nhóm tiên phong khai phá vùng đất trống còn ấp ủ nhiều tiềm năng này. Chúng ta hãy cùng quan sát và đặt hi vọng vào một tương lai hứa hẹn nhiều thay đổi từ xu hướng số hóa nhé.

zaha hadid nftism

Khu trưng bày nghệ thuật ảo NFTism của Zaha Hadid Architects.

*NFT (Non fungible token) là những tác phẩm kỹ thuật số đã được định danh và mã hoá. Bất kỳ giao dịch mua bán, trao đổi NFT đều được ghi lại trên chuỗi khối (blockchain) và tác giả sẽ được hưởng giá trị theo trích xuất phần trăm sau mỗi lần tác phẩm được giao dịch.

**Metaverse là một thế giới giả lập, nơi tái hiện sống động trải nghiệm đời thực trong môi trường kỹ thuật số và còn có thể tích hợp hai môi trường này với nhau.

***Blockchain hay còn gọi là sổ cái kỹ thuật số, ghi lại xác minh và xử lý chính xác các giao dịch.

Thực hiện: Phương Nguyễn | Ảnh: Tư liệu