Nhà sách Pingtan – Nơi gìn giữ quá khứ và tương lai

Nhà sách Pingtan do văn phòng Condition_Lab thiết kế không đi theo định hướng như một thư viện thông thường mà sẽ là nơi trẻ em có thể vừa chơi, vừa đọc – một mô hình mới cho loại hình thư viện tại các làng quê Trung Quốc.

Trong nhiều năm, các làng dân tộc thiểu số tại địa phương phải đối mặt với thực tế đáng lo ngại về sự suy giảm di sản kiến trúc, phần lớn vì nhiều yếu tố ngoại lai và quá trình bê tông hóa. Giá trị văn hóa bản địa đang bị thách thức bởi nhịp sống đương đại và mục tiêu hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, sự xuất hiện của Nhà sách Pingtan có thể xem là công trình mang ý nghĩa lớn đối với cư dân nói riêng và một phần di sản văn hóa nói chung.

nhà sách PIngtan 7

Ảnh: Zhao Sai.

Hãy nghĩ về một chiếc cầu thang không điểm kết, chúng giống như một vòng lặp vô tận, nơi những bậc xếp lớp nhau trong một ngôi nhà gỗ truyền thống. Đó là cách hoàn hảo để miêu tả về công trình Nhà sách Pingtan – nơi những bức tường của ngôi nhà biến thành ma trận các giá sách. Khu phức hợp có sức chứa hơn 300 trẻ em độ tuổi trong khoảng 6-13, bao gồm năm khu vực: hội trường, nhà ăn, lớp học, ký túc xá và khu hành chính; tất cả đều bao quanh một sân trong.

nhà sách PIngtan 6

Những hành lang gỗ bất tận. Ảnh: Zhao Sai.

Văn phòng thiết kế Condition_Lab đã chủ động bảo tồn hệ cấu trúc gỗ với chủ đích giữ gìn văn hóa của cư dân bản địa, đồng thời mong muốn đánh thức những cảm quan diệu kỳ đang ẩn chứa bên trong lớp di sản này. Chính vì vậy, thiết kế không gian cần phải thúc đẩy sự kết nối cũng như trở thành nguồn cảm hứng cho trẻ em, giúp thế hệ tương lai trân trọng nền văn hóa quý báu của mình thông qua việc tham gia trực tiếp vào “sự sống” ấy.

nhà sách PIngtan 5

Các kỹ nghệ làm mộc thủ công địa phương được ứng dụng để kiến tạo nên công trình.Ảnh: Zhao Sai.

Các NTK đã hợp tác chặt chẽ với thợ mộc địa phương và sinh viên đến từ CUHK School of Architecture (Trường kiến trúc CUHK) nhằm đảm bảo 3 tiêu chí: Bản địa, chậm rãi và chu đáo. 3 tiêu chí ấy là hướng đi tuyệt đối cần được tuân theo, và dự án sẽ không thể hoàn thành nếu thiếu đi bất kỳ một yêu cầu nào. Trong suốt quá trình thực hiện Nhà sách Pingtan, Condition_Lab đã giành được niềm tin tuyệt đối của dân làng cũng như hiệu trưởng trường học, tuy không liên đới mật thiết đến vấn đề chuyên môn nhưng đây lại là dấu hiệu tốt cho việc hình thành nên một cộng đồng tích cực trong tương lai.

nhà sách PIngtan 4

Ảnh: Zhao Sai.

nhà sách PIngtan 3

Không gian thân thiện và khuyến khích tinh thần khám phá dành cho trẻ em. Ảnh: Zhao Sai.

Nhà sách Pingtan được xây dựng gần như hoàn toàn bằng một loại vật liệu duy nhất là gỗ. Vật liệu gỗ được sử dụng dựa trên chi tiết mộc truyền thống của địa phương (được gọi là “khớp rồng” hay theo cách gọi phổ biến hơn là “ghép mộng”), các cấu kiện sẽ lồng vào nhau theo nguyên tắc âm – dương, từ đó tạo nên tổ hợp kết cấu vững chắc cho toàn bộ công trình. Yếu tố “ngoại lai” duy nhất chính là polycarbonate dùng để che chắn mặt tiền mà vẫn đồng thời đưa ánh sáng mặt trời vào không gian.

nhà sách PIngtan 2

Kiến trúc tạo nên từ gỗ, hệ mặt tiền polycarbonate hoàn thành tốt 2 nhiệm vụ: che chắn và đưa ánh sáng vào trong không gian. Ảnh: Zhao Sai.

Văn phòng thiết kế Condition_Lab đã giúp tạo nên môi trường giáo dục hữu ích cho những đứa trẻ vốn ưa thích việc rong chơi, nay được tự do khám phá thư viện. Những đứa trẻ ấy sẽ nhận ra rằng nền văn hóa nơi chúng lớn lên vẫn tồn tại và hòa nhịp cùng dòng chảy của thế giới vốn đang thay đổi vô cùng nhanh chóng. Thực tế ấy cho thấy, kiến trúc khi được tạo dựng có mục đích sẽ mang đến ý nghĩa vô cùng lớn lao cho con người – cả về mặt vật chất lẫn tinh thần

nhà sách PIngtan 1

Ảnh: Zhao Sai.


Thông tin dự án:

Nhà sách Pingtan

Thiết kế: Condition_Lab

Địa điểm: Thị trấn Hoài Hóa, Trung Quốc


Bài: Đức Nguyên | Theo: v2com newswire | Ảnh: Zhao Sai


Xem thêm:

Zhongshuge – Cuộc dạo chơi cùng thị giác

Gaobu – Nơi lưu giữ kí ức làng mạc