Mối tương quan giữa không gian và sức khỏe

Theo số liệu báo cáo gần đây cho biết, cư dân của những thành phố đông đúc đang là thành phần kém hạnh phúc nhất. Tỷ lệ trầm cảm của họ cao hơn 40% và tỷ lệ lo lắng cũng cao hơn 20% so với những người ở khu vực khác. Lý do đơn giản nhất để giải thích cho vấn đề nêu trên chính là môi trường không gian đã tác động trực tiếp đến mức độ hạnh phúc của con người, đồng nghĩa với việc môi trường đô thị đang trở thành vấn đề lớn cần được tìm hiểu.

Trong phiên thảo luận tại hội nghị của Hiệp hội Quy hoạch Hoa Kỳ, Justin Hollander – giáo sư về chính sách quy hoạch đô thị và môi trường tại Đại học Tufts cho biết các nhà quy hoạch, KTS cảnh quan và KTS có trách nhiệm thiết kế không gian nhằm tăng cường phúc lợi cho người dân. Thông qua nghiên cứu về nhận thức kiến trúc, ông phát hiện ra rằng chúng ta đang chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc bởi không gian xung quanh, thậm chí nhiều hơn những gì ta có thể tưởng tượng.

“Chúng ta sẽ phản ứng một cách tự động đối với hình dạng, hoa văn và màu sắc. Tâm trí của chúng ta giống như những tảng băng trôi, chỉ nhận thức được ít hơn 5% phản ứng của cơ thể với không gian môi trường xung quanh. Những phát hiện này được đề cập chi tiết hơn trong cuốn sách Cognitive Architecture: Designing for How We Respond to the Built Environment, đồng tác giả với Ann Sussman. Theo tôi chúng có ý nghĩa quan trọng đối với việc thiết lập quy hoạch và thiết kế trong cộng đồng.” – Giáo sư Justin Hollander cho biết.

không gian 1

Ảnh: The Dirt.

Con người bẩm sinh cũng được “lập trình” để tìm kiếm nhau ở khắp mọi nơi. Đây có thể là lý do vì sao nhiều ngôi nhà truyền thống mang tính bản địa lại có cơ cấu gần như khuôn mặt người với cửa chính ở giữa và cửa sổ hai bên.

Nhân loại kết nối với những không gian thông qua các câu chuyện, chúng ta nhớ đến một nơi chốn nào đó cũng bằng chuyện kể. Việc kể chuyện cần được nhìn nhận như một yếu tố quan trọng trong cảnh quản, dù cho đó là khu vườn, công viên hay cảnh quan đường phố. Thiên nhiên có lẽ là bối cảnh ban đầu mà con người tương tác và con người luôn bị thu hút bởi những cảnh quan được thiết lập rõ ràng.

không gian 2

Ảnh: Courtney Perry.

Tại Đại học Tufts, Hollander đang thử nghiệm phản ứng nhận thức của sinh viên đối với nhiều hình ảnh về môi trường xây dựng. Thông qua phần mềm theo dõi chuyển động của mắt, họ có thể đo lường được cả những điều mắt thường không thấy: đó là khi tâm trí đang dõi theo một điều gì đó ở mức độ vô thức. Trong phòng thí nghiệm của mình, giáo sư sử dụng phần mềm để lập phác đồ đường đi của mắt khi nhìn một hình ảnh. Ông nhận ra rằng họ thường nhìn lối vào và cửa sổ trên một tòa nhà trước tiên, bỏ qua các khu vực trống. Thậm chí khi ông cho họ theo dõi một công trình hiện đại với các mặt tiền bằng kính, họ chỉ nhìn lên bầu trời hoặc các khu vực có phản chiếu bầu trời. Kết quả của thử nghiệm này cho thấy ảnh hưởng của các đô thị mới, công trình kiến trúc truyền thống (mô phỏng khuôn mặt) và không gian công cộng sẽ tác động khác nhau đến con người. Nếu một người đi bộ có thể nhìn thấy một dãy bốn ngôi nhà liên tiếp, nhiều khả năng họ sẽ muốn rảo bước trên con phố ấy. Điều này được chứng thực khi Hollander quan sát thấy các sinh viên của ông đều vô thức nhìn vào tất cả mặt tiền của dãy phố theo trình tự.

Ngược lại, hình ảnh một dãy nhà để xe không có cửa ra vào hay cửa sổ thông thoáng khiến học sinh phải liên tục quét mắt tìm cửa sổ, cuối cùng họ nhanh chóng bỏ cuộc và nhìn lên bầu trời. Trong trường hợp đó các lá cờ và cột nhà thành công trong việc thu hút sự chú ý. Trong lịch sử, người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã sử dụng rất nhiều cột trong kiến trúc của họ, trong khi đó các lá cờ luôn xuất hiện ở các tòa thành, lâu đài.

không gian 3

Hình ảnh thu lại từ nghiên cứu của giáo sư Hollander. Ảnh: The Dirt.

Megan Oliver – một nhà đô thị học làm việc tại Baltimore, Maryland và cũng là người sáng lập Hello Happy Design cho biết nghiên cứu của Hollander rất quan trọng vì vấn đề khủng hoảng sức khỏe tinh thần ở Hoa Kỳ, đặc biệt là các thành phố lớn tại đây đang là vấn đề đáng lưu tâm.

Con người không ngừng tương tác với môi trường và không gian xây dựng, họ luôn cố gắng định hình chúng trong vô thức nhằm giảm thiểu các yếu tố gây căng thẳng (mặt tiền của tòa nhà kính hoặc bê trông, đám đông, tiếng ồn, ô nhiểm không khí). Những yếu tố tiêu cực này kết hợp với nhau khiến chúng ta lo lắng, suy nhược và kém hạnh phúc. Trong khi đó những nơi vui vẻ được thiết kế nhằm khuyến khích hành vi ủng hộ xã hội. Không gian hạnh phúc có thể hiểu là nơi giúp tạo ra các mối quan hệ xã hội, từ đó tạo dựng lòng tin và giúp cộng đồng vượt qua nhiều trở ngại.

không gian 4

Ảnh: Barracuda Interiors.

Nhà đô thị học Megan Oliver cho rằng các cộng đồng có hành vi ủng hộ xã hội sẽ có chiều hướng thay đổi bản thân bằng cách thay đổi thành phố. Các cộng đồng này định hình không gian của họ, tạo ra bản sắc chung thông qua những khu vườn, nghệ thuật công cộng và nhiều cải tiến khác giúp giảm thiểu tác nhân gây căng thẳng. Sau đó niềm hạnh phúc ấy vượt xa ra khỏi khuôn khổ các nhân và trở thành phần mở rộng của xã hội, cho phép con người gắn kết với nhau thông qua không gian, môi trường.

không gian 5

Ảnh: Barracuda Interiors.

không gian 6

Ảnh: Barracuda Interiors.

Trong cuộc trò chuyện của Giáo sư Hollander trong năm 2021 về chủ đề đô thị mới, KTS Don Ruggles cho rằng con người luôn tìm kiếm những không gian an toàn. Chúng ta luôn nghĩ về sự sống trong từng giây phút, nhưng thẩm mỹ cũng quan trọng không kém. Hai yếu tố ấy phản ứng cách trực quan, tạo ra cảm giác thích thú. Ông cũng cho rằng bản năng sinh tồn của con người mạnh hơn sự thăng hoa khoảng 5-7 lần, vì vậy bất cứ thứ gì trong môi trường xây dựng cũng có thể trở thành tác nhân gây căng thẳng, lấn át trải nghiệm đẹp của chúng ta. Thiết kế theo đó cũng nên tạo ra sự thư giãn sâu sắc để trải nghiệm không gian sẽ luôn là niềm vui.

Nikos Salingaros – một giáo sự toán học, kiến trúc, lý thuyết đô thị tại Đại học Texas ở San Antonio lại cho rằng hàng nhìn tỷ USD đang bị lãng phí vào việc tạo nên những chiếc hộp thủy tinh, về cơ bản chúng vô hình trong mắt chúng ta, toàn bộ thành phố cứ thế cũng trở nên vô hình. Con người đang bị căng thẳng về mặt nhận thức bởi các tòa nhà kính hiện đại, và chúng ta hoàn toàn có đủ báo cáo dữ liệu về y tế để chứng minh vấn đề ấy có thật. Ông cũng kêu gọi đặc quyền kết nối con người thông qua nhiều hoạt động như đi bộ, đạp xe, tạo ra các mạng lưới tương tác trực tiếp cho con người. Hơn hết tất cả không gian độ thị phải luân chuyển liên tục mạng lưới ấy, lấy con người làm trung tâm và xác định rõ ràng ranh giới của kiến trúc, tránh tình trạng vô hình.

không gian 8

Ảnh: Miryam.

Theo tất cả những chia sẻ từ chuyên gia và số liệu thu thập được từ cơ sở ý tế, phải chăng dân cư tại đô thị đang chịu sức ép quá lớn đến từ không gian. Con người có chăng đang phải gồng mình trước những khối kiến trúc bằng kính “vô hình”? Sự thiếu hụt về không gian thư giãn trong nhà ở, khu phố và đô thị đôi khi sẽ mang đến những tác hại nặng nề về đời sống tinh thần. Hơn hết, các nghiên cứu thực tiễn đã đặt ra cơ sở mới (hoặc không) cho nền thiết kế xây dựng trong tương lai: Thước đo thành công của một không gian chính là con người.

không gian 10

Ảnh: Barracuda Interiors.


Bài: Đức Nguyên | Theo: Archdaily | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Đồ chơi Lego tái chế từ chai nhựa

Mycelium – Giải pháp cho chất thải carbon