Với các tín đồ mỹ phẩm, thương hiệu đến từ Anh Quốc Big Beauty là cái tên mới nổi được yêu thích bởi những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, cũng như thực hành bền vững trong những khâu khác, bao gồm đóng gói, vận chuyển… Với cửa hàng bán lẻ đầu tiên của mình, người sáng lập của thương hiệu, Lisa Targett Bolding muốn truyền tải triết lý của thương hiệu đến khách hàng một cách trọn vẹn hơn. Để hiện thực hóa mong muốn này, cô đã làm việc cùng studio Nina+Co để đưa ra ý tưởng sử dụng vật liệu tái chế từ những thành phần dùng trong các sản phẩm của mình và các vật liệu sinh học khác.
Theo Nina Woodcroft, người sáng lập của studio, những lựa chọn vật liệu hướng tới mục đích giảm thiểu rác thải và tái chế các sản phẩm lãng phí. Cô nói: “Chủ nhân của thương hiệu muốn thúc đẩy giới hạn trong việc sử dụng vật liệu, vòng tuần hoàn của chúng và chấp nhận rủi ro. Đây là tinh thần rất cần khi thể nghiệm những chất liệu và quy trình mới mẻ.” Cô chia sẻ thêm: “Có rất nhiều chất liệu và giải pháp lý tưởng mà chúng ta rất cần phổ biến và thương mại hóa chúng nhưng rất mất thời gian. Đích đến của chúng tôi là lan tỏa vẻ đẹp, tính hữu dụng cũng như quy trình của chúng, giúp thay đổi quan niệm của mọi người về rác thải và vòng đời của sản phẩm, chất liệu.”
Không gian chính của cửa hàng được thiết kế để có thể tổ chức các sự kiện một cách linh hoạt, với chỗ ngồi được bố trí xung quanh một chiếc bàn đá travertine lớn, bao gồm 50% được tận dụng và 50% đồ thừa. Bên cạnh khu vực bán lẻ, cửa hàng còn có một phòng trị liệu riêng để massage và chăm sóc da mặt.
Rất nhiều vật liệu sử dụng trong cửa hàng có nguồn gốc từ các loại khoáng chất và nguyên liệu sử dụng trong sản phẩm làm đẹp như đất sét, rong biển và chiết xuất nấm. Trong đó, sợi nấm được phát triển để tạo thành chân nấm từ các loài nấm linh chi. Nấm linh chi và đất sét cũng được dùng để tạo sắc tố cho vải sinh học từ rong biển. Đây cũng chính là loại vải được sử dụng làm rèm trang trí bên cạnh rèm vải lanh.
Bàn kệ trong cửa hàng mang thiết kế hình khối bo góc tròn mềm mại, có quy trình sản xuất rất thú vị. Nina Woodcroft cho biết: “Bào tử nấm được cấy vào chất thải hữu cơ, sau đó nấm sẽ tiêu thụ chất nền và liên kết với nhau bằng các sợi sợi nấm nhỏ thành một dạng đồng nhất trong khuôn. Sợi nấm trở nên trơ khô sau hi được sấy khô ở nhiệt độ thấp, tạo nên một khối chất liệu bền bỉ, chắc chắn và có thể phân hủy.”
Trong quá trình cải tạo cửa hàng, phần sàn gỗ được loại bỏ và bán lại với toàn bộ số tiền được đem đi làm từ thiện. Lớp bê tông xám bên dưới được nhuộm màu nâu bằng chất sulfat trong sắt, một loại phân bón cho cỏ. Gạch bần với lớp hoàn thiện bằng sáp cứng thiên nhiên dùng cho nhà bếp và nhà vệ sinh còn trần và tường được sơn bằng vôi làm từ đất sét, khoáng chất và bột màu tự nhiên.
Cửa hàng của Big Beauty không phải là dự án đầu tiên của Nina+Co sử dụng vật liệu sinh học và tái chế. Trước đó, studio nổi tiếng với những nghiên cứu và thực hành sử dụng vật liệu sinh học từ tảo biển, nấm và nhựa sinh học cho các công trình như nhà hàng Silo và cửa hàng kính MONC.
Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Dezeen | Ảnh: Anna Batchelor
Xem thêm
Restaurant 0 – Nhà hàng đất sét
Giải pháp thiết kế và chất liệu mới trong nội thất từ rác thải nhựa in 3D