Collective SŌNSŌN: “Tấm lòng son” với vẻ đẹp thuần Việt

Với tinh thần “biến vui chơi trở thành sáng tạo và làm việc cũng là một phần của vui chơi”, các cô gái của Collective SŌNSŌN không ngừng tìm kiếm cảm hứng từ những niềm vui trong cuộc sống – niềm vui của những chuyến đi, niềm vui giao lưu với cộng đồng bản địa, niềm vui ở giữa thiên nhiên, niềm vui khi quan sát những nhỏ nhặt hằng ngày. Tinh thần ấy được gửi gắm trọn vẹn vào những thiết kế không chỉ mang vẻ đẹp văn hóa truyền thống mà còn “mang lại sự thoải mái và vui vẻ cho không gian sống”.

Collective SŌNSŌN được thành lập vào tháng 8/2020 bởi ba cô gái đang thực hành sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế. Từ những người bạn có chung niềm đam mê du lịch và tình yêu dành cho nghề thủ công truyền thống, cơ duyên của họ bắt đầu khi cùng nhau sáng tạo bộ tác phẩm Góc Tĩnh-Tại để tham gia cuộc thi Việt Nam Design Week 2020. Sau khi thắng giải, với mong muốn đem đến những vật dụng, đồ dùng, đồ trang trí nội thất dành cho góc nhà thuần Việt, cả ba quyết định thành lập Phường Son mà sau này đổi tên thành SŌNSŌN – chữ “son” trong “son sắt”, “đỏ như son” ngụ ý về sự may mắn của người Á Đông; cũng có thể đọc thành “sòn sòn” – liên tục cho ra sản phẩm mới – hoặc “sờn sờn” – gợi nhớ tới khởi đầu bằng những sản phẩm nhuộm chàm với chất liệu vải thô mộc mang tính bền vững.

Collective SŌNSŌN thoi trang ben vung

Collective SŌNSŌN khan nhuom cham thu cong

BST khăn nhỏ Đi & Đêm lấy cảm hứng từ các chuyến đi, với sông và trăng bầu bạn lúc nửa đêm. Do được dệt và nhuộm tự nhiên, mỗi đợt sản phẩm có thể chênh lệch về độ cứng – mềm và sắc độ màu.

Tấm Chiếu Mới

Collective SŌNSŌN chieu nhuom thu cong ben vung

Tấm Chiếu Mới là dự án kết hợp với các làng chiếu truyền thống dọc khắp Việt Nam của SŌNSŌN. Các sợi cói được nhuộm màu không đồng đều và dệt trộn lẫn vào nhau để tạo cảm giác ombre.

Thông qua mô hình hợp tác xã sáng tạo – thiết kế – thực hành nghệ thuật mở, SŌNSŌN hướng tới sự hòa hợp bền vững giữa con người với thiên nhiên, cộng đồng và các giá trị tinh thần trong không gian sống. Các sản phẩm của SŌNSŌN có sự giao thoa giữa thiết kế hiện đại và chất liệu, kỹ thuật truyền thống, mang đậm tinh thần bản địa.

Khăn vải gai dầu nhuộm chàm vẽ sáp ong, chiếu cói cách tân, khăn ngũ hành làm từ bã cà phê và vật liệu tái chế hay đồ trang trí bằng gốm… tất cả chủ yếu được làm thủ công bởi các nghệ nhân làng nghề ở Sapa, Ninh Bình, Hội An… Các sản phẩm được thiết kế dưới dạng mô-đun, dễ dàng phối lắp, nhiều kích thước và có khả năng tùy biến linh hoạt theo sự sáng tạo của người dùng. Vốn yêu thích dịch chuyển, các cô nàng SŌNSŌN chính là những người đầu tiên đòi hỏi tính đa năng, tiện dụng trong các sản phẩm của mình.

Collective SŌNSŌN do noi that chieu coi

Góc Tĩnh-Tại – Sản phẩm concept đầu tiên của SŌNSŌN, gồm bình phong làm từ vải lụa nhuộm chàm ombre, bàn trà bằng đồng và chiếu cói dệt tay tại làng chiếu Kim Sơn, Ninh Bình, tất cả có dạng mô-đun rời.

Collective SŌNSŌN khan lua nhuom in thu cong

Khăn 5 Lành lấy cảm hứng màu sắc từ ngũ hành và thiết kế cách điệu từ chữ triện cổ, có chất liệu 50% bã cà phê và 50% PE tái chế.

Collective SŌNSŌN nhuom cham thu cong

Vải lụa nhuộm chàm ombre phơi dưới nắng.

sap ong batik thu cong ben vung

Bộ dụng cụ vẽ sáp ong.

Mỗi món đồ không chỉ dùng được với nhiều mục đích khác nhau mà còn phải bền, nhẹ và giản tiện nhất để có thể mang đi muôn nơi. Khi đặt vào trong không gian sống, các sản phẩm càng phát huy khả năng thích nghi với nhiều nhu cầu, bối cảnh và phong cách khác nhau. Từ khăn trải bàn đến khăn quàng cổ, từ rèm cửa đến tranh treo tường, từ chiếu trải giường đến đệm lót ghế hay thảm picnic… không có giới hạn nào cho các sản phẩm đa năng của SŌNSŌN.

Nói về việc lựa chọn kỹ thuật nhuộm chàm ngay từ những ngày đầu tiên, hai thành viên Linh và Miên chia sẻ rằng, dù từng học tập và làm việc ở nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam, họ lại tìm được nhiều cảm hứng từ những chuyến đi, từ trải nghiệm cuộc sống với cộng đồng bản địa. Linh từng có thời gian sống ở Sapa và thực hành nhuộm chàm cùng với người H’Mông, còn Miên từng làm việc cho công ty thời trang ở Anh và Việt Nam nên có kiến thức về vải cũng như các kỹ thuật nhuộm tự nhiên.

Bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của chất liệu và bảng màu chân phương, họ quyết định ra mắt BST khăn nhuộm chàm vẽ sáp ong. Tình yêu nảy nở với các kỹ thuật dệt, nhuộm và rộng hơn là nghề thủ công mỹ nghệ khiến nhóm có sự nhạy bén với chất liệu, dễ phát hiện cơ hội làm việc với các làng nghề độc đáo trên những chuyến đi của mình, ví dụ như làng chiếu Kim Bồng (Ninh Bình), Kim Sơn (Hội An). Một trong những nét đặc trưng độc đáo của SŌNSŌN là bảng màu ombre tươi tắn và tinh tế. Để đạt được điều này, nhóm đã phải làm việc rất chặt chẽ với làng nghề, đôi khi phải tự mình thực hiện vì kỹ thuật quá phức tạp. Dẫu vậy, quá trình đi tìm và làm việc với những cộng đồng bản địa, những làng nghề dám thay đổi, dám thử nghiệm những điều mới cũng là một hành trình thú vị, mang lại cho SŌNSŌN nhiều ý tưởng độc đáo để sáng tạo sản phẩm.

Khai thác bền vững vai lanh quy trinh

Ảnh này và những ảnh dưới i Ưu tiên việc khai thác và sản xuất bền vững, SŌNSŌN sử dụng vải lanh được trồng và dệt tại địa phương. Mọi quy trình dệt, nhuộm, vẽ sáp ong… đều được làm thủ công.

Sản xuất bền vững det vai lanh

Bước dệt vải lanh thủ công.

Collective SŌNSŌN ve sap ong vai lanh

Vẽ sáp ong trên nền vải lanh.

Sản xuất bền vững 2

Triết lý sáng tạo của SŌNSŌN xoay quanh 3 kết nối bền vững: kết nối với cộng đồng, kết nối với thiên nhiên và kết nối với thế giới bên trong của mỗi người. SŌNSŌN không đi đâu xa mà quay trở về với chính những gì sẵn có trong không gian nhà ở, biến đổi, làm mới, thổi vào hơi thở đương đại trong khi vẫn dựa trên nền tảng kỹ thuật của tay nghề thủ công truyền thống, gợi nhắc về một đời sống tinh thần thiêng liêng, duy trì những giá trị đối thoại cũ – mới.

Để “hướng mọi người tới sự chiêm nghiệm bản thân, dành nhiều thời gian cho mỗi vật dụng, khoảnh khắc và thiên nhiên xung quanh mình”, SŌNSŌN chủ trương tạo ra những món đồ có thể khiến người dùng muốn ngồi xuống trong yên tĩnh. Đôi khi, đơn giản chỉ là một chiếc chiếu xinh xắn, thơm mùi cói mới, mời gọi mọi người ngồi lại, chậm rãi, để rồi từ đó, hàng loạt hoạt động khác tiếp nối theo sau: uống trà, trò chuyện, chơi trò chơi… Một món đồ duyên dáng là khi nó trở thành cái cớ để con người gắn bó với nhau nhiều hơn.

Trên hết, SŌNSŌN muốn mang đến sự tự do cho người dùng. Sự tự do không chỉ đến từ việc giải phóng ý tưởng, giải phóng số lượng đồ đạc, mà còn đến từ cảm giác gần gũi với thiên nhiên được gửi gắm trong từng món đồ. Thường xuyên sống giữa thiên nhiên, đất trời, mây núi, sau mỗi chuyến đi, họ càng nhận ra rằng, không gian gần gũi với thiên nhiên là nơi khiến cho con người cảm thấy thoải mái nhất. Với chất liệu bền vững, mộc mạc, SŌNSŌN hy vọng người dùng có thể cảm nhận được ít nhiều vẻ đẹp và bầu không khí của thiên nhiên khi chạm vào một món đồ, nhất là khi họ biết rằng món đồ mình đang cầm từng là một cái cây, một hạt giống. Và thông qua những câu chuyện về văn hóa, truyền thống bản địa ẩn sau mỗi sản phẩm, biết đâu, một hạt mầm yêu thương sẽ nảy nở, thôi thúc mỗi người tìm hiểu thêm về những vùng đất, con người Việt Nam trên những hành trình của riêng mình.

Bài: Đoàn Trúc | Ảnh: NVCC


Xem thêm

Vật liệu bền vững và cấp tiến

Những cách ứng dụng vải Linen vào trang trí nội thất

Dáng hình Việt – Những thiết kế nội thất Việt Nam đương đại