Với nhà hàng Studio Frantzén của mình tại London, đầu bếp đạt sao Michelin-Björn Frantzén muốn mang đến trải nghiệm dùng bữa ấn tượng cho thực khách tại tòa nhà Harrods với yêu cầu tích hợp nhà hàng, quán bar, tầng lầu và sân thượng cùng tầm nhìn toàn cảnh hướng ra khắp thành phố. Để thực hiện những yêu cầu đầy thử thách của mình, anh đã liên hệ với Joyn Studio, đơn vị đã từng hợp tác trong dự án nhà hàng Frantzén tại Stockholm vào năm 2017.
Nhà hàng với thiết kế hiện đại, sang trọng trong tông màu ấm áp.
Thiết kế nhà hàng được tạo nên dựa trên mạch di chuyển của khách hàng qua từng khu vực khác nhau. Đó là nơi mà ánh sáng, vật liệu, màu sắc và nghệ thuật là yếu tố thiết yếu để đón lấy đúng cảm xúc của căn phòng. Đồng Giám đốc Sáng tạo tại studio thiết kế, Lisa Grape chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo ra một thế giới nơi mà khách hàng có thể trải nghiệm sự ấm áp, sự tò mò, sự hài hước, sự thanh lịch và cả sự phô trương. Với nguồn cảm hứng đến từ nhiều hướng khác nhau như rừng cổ thụ của Thụy Điển kết hợp với văn hóa Pop và cuộc sống đô thị. Chúng tôi dẫn dắt khách vào một hành trình trở thành nhân vật chính, nhưng ở đó, họ cũng là người xem.”
Điểm nhấn nghệ thuật trên vách tường vân gỗ.
Hành trình thị giác tại nhà hàng bắt đầu với quầy tiếp tân, nơi được lấy cảm hứng từ những nhà thờ Bắc Âu. Không gian đơn giản bao bọc bởi lớp gỗ ấm áp và mái vòm được thiết kế đặc biệt, thể hiện các họa tiết về thiên nhiên Bắc Âu và minh họa bởi nghệ sĩ Ragnar Persson.
Quầy lễ tân mang sắc đỏ thu hút nằm giữa không gian hình tròn, nơi trần và sàn nhà được trang trí bắt mắt.
Khu vực dùng bữa chính được lấy cảm hứng từ phong cách dùng bữa Izakaya của Nhật Bản. Căn phòng có một khu bếp mở được bao quanh bởi những gian bằng gỗ veneer sang trọng cùng sofa gỗ vân và những chiếc ghế được chạm khắc cẩn thận. Trên tường, nghệ sĩ Emma Löfström đã minh họa một bức tranh tương phản giữa khu rừng Thụy Điển và cuộc sống đô thị. Phía trên trần nhà được treo một bộ đèn chùm lớn mang thiết kế đặc biệt của Front Studio, thể hiện sự yêu thích nến đúc của người Scandinavia. Không gian phòng ăn lớn là sự kết hợp giữa màu sắc rực rỡ và các tác phẩm nghệ thuật được nối tiếp bởi tầng lửng. Ở đây, những chiếc đèn kim loại được thiết kế và rèn theo kiểu cổ điển, tỏa ra ánh sáng đẹp mắt và lung linh cho căn phòng.
Cửa lùa gỗ mang phong cách nội thất Nhật Bản.
Dự án mới này được sáng tạo theo phong cách Bắc Âu, đồng thời, pha một chút nét văn hóa của Châu Á vào trong ẩm thực và trang trí. Nội thất của nhà hàng có cấu trúc hình học và được bố trí đối xứng vô cùng cẩn thận nhằm mang lại trải nghiệm thị giác đầy cuốn hút. Các vật liệu bên trong đã được đưa ra khỏi ngữ cảnh và tái áp dụng theo một cách mới lạ, tạo ra một môi trường giao thoa giữa hai nền văn hóa Bắc Âu và Châu Á.
Giám đốc Sáng tạo của studio thiết kế, Ida Wanler chia sẻ: “Harrods mang phong cách truyền thống của sự xa hoa và giờ đây, Joyn Studio đã có cơ hội để cho mọi người thấy vẻ xa hoa Bắc Âu có thể trông như thế nào thông qua sự sáng tạo và cách sắp xếp nội thất.” Đồng Giám đốc Sáng tạo, Helena Eliason cũng chia sẻ: “Thông qua việc tuyển chọn những nghệ sĩ và họa sĩ người Thụy Điển từ giai đoạn đầu, chúng tôi có thời gian để thiết kế riêng tất cả các chi tiết nhỏ, đồng thời có thể tạo ra trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.”
Khu vực bàn ăn được phân chia một cách có trật tự, đảm bảo sự riêng tư cho từng nhóm khách.
Thực hiện: Quốc Huy | Theo: Yellowtrace | Photos: Åsa Liffner
Xem thêm
Nhà hàng MáLà Project: Bắc Kinh hoài cổ