6 sản phẩm công nghệ phác thảo tương lai

Cùng ELLE Decoration điểm qua 6 sản phẩm áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao tiện ích cho cuộc sống con người đồng thời cũng giảm đi những tác động tiêu cực đến môi trường.

1/ Xe lăn Superstar | Küschall

Chiếc xe lăn mang tên Superstar do công ty Thụy Sĩ Küschall sản xuất được xác nhận có khối lượng nhẹ nhất so với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường hiện nay. Küschall cho biết hệ thống khung với cân nặng 1,5 kg của xe nhẹ hơn 30% và bền chắc hơn 20% các dòng xe khác. Con số đáng nể mà chiếc xe lăn Superstar đạt được phần lớn đến từ vật liệu graphene với bản chất kế cấu dày, đặc. Về cơ bản chúng vẫn là một dạng carbon nhưng các thành phần nguyên tử lại liên kết với nhau theo một mạng lưới hình lục giác.

Graphene được nghiên cứu thiết kế lần đầu tiên vào năm 2004, vật liệu này cũng đã từng vinh dự đạt được giải thưởng Nobel về vật lý. Theo André Fangueiro, trưởng phòng dự án công ty Küschall chia sẻ thì graphene chính là loại vật liệu mạnh mẽ nhất từng được thử nghiệm trong lịch sử nhân loại, gấp 200 lần thép và 10 lần kim cương. Nhờ ưu điểm vượt trội của loại vật liệu mới, nhà sản xuất đã quyết định sử dụng graphene để tạo nên toàn bộ khung kết kết cấu của sản phẩm trước khi chúng được bọc bằng một lớp nhựa resin.

Với trọng lượng cực kỳ nhẹ, chiếc xe lăn giúp giảm thiểu lực sử dụng và hạn chế tối đa nhiều chấn thương không đáng có cho người sử dụng. Ngoài sự an toàn được đảm bảo, sản phẩm còn sở hữu tính năng tùy chỉnh phần đệm lưng để trở nên phù hợp hơn với hầu hết người tiêu dùng.

sản phẩm 8

2/ Cầu thép in 3D | MX3D

Công ty MX3D tại Hà Lan vừa qua đã thành công trong việc in 3D chiếc cầu bằng thép dài 12 mét và dự kiến đưa vào lắp đặt sử dụng tại một dòng kênh ở Amsterdam trong năm 2019. Đây được xem là chiếc cầu đầu tiên trên thế giới được tạo nên bởi công nghệ in 3D.

Cấu trúc của chiếc cầu được tạo nên bởi hệ thống robot từ các lớp thép nóng chảy, sau đó các máy hàn quy mô lớn sẽ gắn kết từng hệ kết cấu tách biệt để tạo nên thành phẩm cuối cùng. Joris Laarman đã dành khoảng thời gian từ năm 2015 cho đến nay để nghiên cứu nhằm củng cố cơ cấu chịu lực, chống va chạm với tàu thuyền và tuân thủ theo các quy định của chính quyền địa phương.

sản phẩm 7

Để tạo nên thành tựu này, nhà thiết kế Joris Laarman không chỉ làm việc với công nghệ sản xuất bằng robot mà còn cộng tác với các nhà toán học của viện Alan Turing Institue, các kỹ sư tại Arup. Cũng nhờ sự bắt tay hợp tác này chiếc cầu in 3D còn được bố trí thêm mạng cảm biến thông minh. Hệ cảm biến này có tác dụng ghi lại hiệu suất hoạt động của cầu, thu thập dữ liệu chịu lực và cho ra kết quả về lưu lượng người qua lại trên công trình để đánh giá và đưa ra các cải tiến tốt hơn trong tương lai. Tác phẩm đã được ông trưng bày trước tại tuần lễ thiết kế Hà Lan Dutch Design Week 2018 diễn ra ngày 20-28 tháng 10.

sản phẩm 6

3/ Bàn Nero | XAVIER LORÁND

Nhà thiết kế Xavier Loránd đã thực hiện dự án về BST sản phẩm nội thất này bằng cách thu gom hầu hết những hạt cà phê bỏ đi sau quá trình sử dụng tại nhiều hàng quán xung quanh studio làm việc của ông ở Mexico. Giải pháp này của Loránd đã giảm thiểu được khá nhiều chi phí trong khâu tìm kiếm nguyên liệu lại xóa bỏ đi một cơ số lượng chất thải ra môi trường, biến chúng thành dạng vật chất hữu cơ khác với vòng đời mới đem lại lợi ích cho cuộc sống.

Để tạo ra được BST sản phẩm nội thất Nero, Xavier Loránd ghép nối những thành phần cà phê thu gom được với các vật liệu hữu cơ khác như nhựa sinh học có nguồn gốc từ thực vật sau đó đổ chúng vào một khuôn nhằm tạo ra các bề mặt mong muốn. Trước đó ông đã gom góp nguồn nguyên liệu từ các khu vực lân cận trong vòng một tháng, rửa sạch chúng, phơi khô và nghiền tất cả để cho ra thành phần nguyên liệu mịn hơn. Cuối cùng, Loránd trộn tất cả với trấu gỗ rồi cho vào khuôn đúc thành các sản phẩm nội thất hoàn chỉnh.

Nhà thiết kế còn đặc biệt kế hợp phần mặt bàn được làm từ cà phê với hệ chân trụ bê tông và đá mài terrazzo. Bề mặt hoàn thiện của cả bê tông và đá mài terrazzo đều có sự tương đồng về vật liệu cà phê tái chế, mang lại sự kết hợp mượt mà, gắn kết thông qua mối nối tinh tế chạy viền giữa giao điểm hai thành phần. Cũng trong bộ sưu tập là một số loại ly, cốc cũng có nguồn gốc từ cà phê mang phom dáng thú vị và nổi bật với tông màu xanh thẫm hiện đại.

sản phẩm 5

4/ Ghế “ống nước” | PHAN THAO DANG

Phan Thao Dang – Một NTK tại California đã tạo nên bộ sưu tập sản phẩm nội thất có hình dáng lượn sóng từ các đường ống vận chuyển nước thải. Bộ sưu tập này đã lọt vào danh sách giải thưởng của Dezeen với hạng mục thiết kế sản phẩm, trong đó bao gồm ghế dài và ghế đẩu mang phom dáng tối giản.

NTK. Phan Thao Dang quan tâm đặc biệt đến tính chất mạnh mẽ của các đường ống thoát nước bao gồm: trọng lượng nhẹ, khà năng chịu áp lực nước cực lớn, thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ và tác động từ hóa chất nước thải. Không giống như nhiều đồ nội thất bằng nhựa đúc khác, bộ sưu tập của Phan Thao Dang được sản xuất thủ công bằng cách chuyển trực tiếp đường ống thành sản phẩm cuối cùng qua nhiều công đoạn.

Anh đã chọn lựa ra những đường ống tiêu chuẩn dựa trên yêu cầu của hệ thống cống ngầm. Sau đó NTK. Phan Thao Dang bắt đầu chia nguồn vật liệu chính thành các phần nhỏ hơn, vạt góc 45 độ tại các đầu cạnh trước khi nối với cạnh còn lại để tạo thành góc vuông chuẩn 90 độ. Để nối các thành phần lại với nhau, một hợp chất đặc biệt dùng để hàn nhựa đã được sử dụng. Bước cuối cùng là sơn phủ lên sản phẩm lớp bảo vệ bề mặt khỏi nhiều yếu tố tự nhiên.

sản phẩm 4

5/ Tấm ốp vỏ gai dầu | AOTTA

Vỏ gai dầu thường bị vất bỏ như một loại chất thải không mang lại bất kỳ lợi ích nào, nhưng với nhóm thiết kế Aotta đến từ Nga đây lại là một nguồn tài nguyên sinh học quý giá và không tốn quá nhiều chi phí. Loại vật liệu này được Aotta dùng để tạo nên một loại sản phẩm hữu cơ có trọng lượng nhẹ, sử dụng như tấm ốp cách âm.

Tấm vỏ gai dầu mang chức năng hấp thụ, phản xạ âm thanh, chống cháy, kháng nấm khuẩn, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ trong không khí để từ đó cung cấp nhiều lơi ích cho không gian và sức khỏe con người. Các nhà thiết kế đã tạo nên từng tấm ốp đơn lẻ mà không tổn hại đến tính chất, hình dạng ban đầu của nguyên liệu vỏ gai dầu tự nhiên với hiệu ứng hình ảnh và bề mặt mộc mạc, tăng trải nghiệm cho xúc giác.

sản phẩm 3

Không chỉ đem lại lợi ích trong quá trình sử dụng hay hiệu quả về mặt cảm nhận giác quan, thẩm mỹ, tấm vỏ gai dầu vốn dĩ là loại vật liệu có nguồn gốc tự nhiên nên hoàn toàn có thể phân hủy sinh học 100% và khả năng sử dụng lâu dài trong nội thất.

 

sản phẩm 2

6/ Ghế in 3D Radiolaria #1 | LILIAN VAN DAAL

Ảnh: Lonneke Van Der Palen.

Radiolaria #1 là sản phẩm in 3D dựa trên kích thước tiêu chuẩn ghế ngồi được thực hiện bởi Lilian Van Daal. Hình dáng, kết cầu của Radiolaria #1 hoàn toàn đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu đơn thuần về tính thoải mái đối với một sản phẩm ghế nhờ dựa trên cấu trúc đơn bào trong tự nhiên để thành hình với ưu điểm linh hoạt, khả năng thích ứng, mức độ chắc chắn, ổn định. Cũng từ đó mà chiếc ghế còn được ví như một sinh vật đơn bào sống tại các đại dương.

sản phẩm 1

Việc Lilian Van Daal tạo ra chiếc ghế in 3D nhằm mục đích cải thiện, đổi mới quy trình sản xuất ghế bằng những quy luật tự nhiên. Trong chiếc ghế này, yếu tố thiên nhiên cùng công nghệ tối tân đã được kết hợp cùng nhau để tận dụng mọi nguồn năng lượng, vật liệu thật hiệu quả. Thời gian sản xuất và năng lương tiêu thụ trong quá trình tạo ra sản phẩm đều giảm đi 50% so với bản thử đầu tiên nhờ vào việc tối ưu hóa thiết kế, kỹ thuật lẫn tiêu chí phù hợp cho máy in 3D.

Kết quả của toàn bộ quá trình nghiên cứu là hình mẫu cuối cùng của Radiolaria #1 với một hình khối xuyên suốt, không keo dán và sử dụng chỉ một loại vật liệu duy nhất – polyamide tái chế (PA 12).

Tổng hợp: Đức Nguyên | Ảnh: Sưu tầm.


Xem thêm:

Đèn bàn Bicoca – Khối màu linh hoạt đa dụng

BST Masque Collection – Cái nhìn hiện đại về những giá trị bất diệt