Thiết kế đồ nội thất kết hợp giữa ý niệm và kỹ nghệ

Những thiết kế sản phẩm nội thất được ra đời với ý tưởng độc đáo, sử dụng công nghệ hiện đại lẫn kỹ thuật truyền thống, khai thác vẻ đẹp và tiềm năng của chất liệu.

1. THE FIRST 130: HÌNH KHỐI VÀ KHÔNG GIAN

Từng đảm nhiệm vai trò thiết kế không gian trưng bày cho thương hiệu thời trang Issey Miyake, NTK, kỹ sư Hironao Kato nhạy bén với công nghệ và có góc nhìn tiên phong trong sáng tạo. BST đồ nội thất đầu tiên cho thương hiệu The First 130 của anh gồm bốn chiếc ghế, một bàn ăn và một đèn trần được làm bằng nhựa PET có thể tái chế. Các thiết kế mang hình khối tối giản với cùng cấu trúc được tạo nên bởi những thanh bằng nhau nối vuông góc, đảm bảo tính chịu lực và cân bằng, đồng thời tạo hiệu ứng thị giác thanh thoát, trông như chìm vào môi trường xung quanh.

Thiet ke The first 130 cong nghe in 3d nhua pet

Ảnh: The First 130

The First 130 do noi that thiet ke in 3d nhua pet

Cấu trúc tối giản và vững chắc, có thể dễ dàng sửa chữa hoặc phát triển thêm.

Một chi tiết thú vị khác của những thiết kế này là khi một phần bị hỏng hóc, người dùng có thể sửa chữa lại như cũ hoặc thậm chí tự tạo cho mình một cấu trúc mới, giống như trò chơi ghép hình. Ý tưởng này từng được NTK áp dụng trên các mô hình mannequin cho Issey Miyake từ năm 2019 nhằm tạo nên diện mạo đương đại và giàu tính nghệ thuật hơn cho không gian trưng bày thay vì đi theo lối mòn.

2. ĐÈN COPPER ROOTS: ƯƠM MẦM ÁNH SÁNG

Lấy cảm hứng từ việc ươm mầm và nuôi dưỡng, hai nghệ sĩ, NTK người Anh James Russell và Hannah Plumb của studio JamesPlumb đã tạo ra BST đèn Copper Roots được làm từ vật liệu đồng. Các ống kim loại luồn dây điện được uốn theo những hình thù ngẫu hứng như chùm rễ cây để tạo khung.

Den Copper Roots thiet ke do noi that

Các thiết kế độc đáo mang tính nghệ thuật cao, được triển lãm tại phòng trưng bày FUMI

Đui đèn có trọng lượng nhẹ trông như những ngọn nến treo trên khung, được neo giữ bởi các khối bê tông hỗn hợp gồm đá địa phương, vôi và cát, được đúc trong các lỗ đào trên mặt đất, liên tưởng đến việc gieo hạt. Ánh sáng dịu nhẹ giống đèn Tungsten phát ra từ bóng đèn LED điện áp thấp, tạo nên bầu không khí lung linh huyền ảo.

3. KỸ THUẬT BỌC BẰNG VỎ CÂY KẾ THỪA DI SẢN MÔNG CỔ

NTK đồ nội thất người Mông Cổ Sarina giới thiệu bộ ghế đôn bằng gỗ với lớp bọc từ vỏ cây bạch dương độc đáo nhằm tôn vinh kỹ thuật thủ công truyền thống của tộc người Oroqen vùng Nội Mông. Thay vì sử dụng lớp vỏ màu nâu như cách những người thợ thủ công thường dùng, Sarina chọn lớp vỏ trắng với bề mặt sần sùi và những đường vân tự nhiên để thể hiện vẻ đẹp thô mộc của tự nhiên, đồng thời tạo nên sự khác biệt cho từng sản phẩm.

Thiet ke ghe Oronqen

Vỏ cây là vật liệu quen thuộc được tộc người Oronqen sử dụng trong hàng nghìn năm.

Các tấm vỏ cây dùng kỹ thuật hấp cổ truyền để làm mềm, sau đó cắt tạo hình gợn sóng và cố định với nhau vào khung ghế gỗ bằng cách khâu thủ công. NTK cho biết, nguồn cảm hứng của cô đến từ sự tương phản giữa sức mạnh và sức nặng của thân cây với những đường cong mềm mại của thiết kế.

4. GHẾ SPRING: TIỀM NĂNG THIÊN BIẾN

Bắt đầu dự án bằng câu hỏi: “Làm thế nào để thiết kế một chiếc ghế văn phòng mà không cần dùng đến keo hay đinh đóng? Và có thể tối thiểu hóa sử dụng vật liệu đến mức nào?”, NTK Govert Flint đã mất một năm rưỡi để nghiên cứu và tạo ra chiếc ghế độc đáo có tên gọi Spring, thể hiện khả năng tạo hình tùy biến theo ý thích người dùng. Hai tấm thép không gỉ được cắt laser và cố định một số điểm bằng đinh tán. Các điểm trên bề mặt cần được kéo để tạo thành lưng tựa, mặt ngồi và bốn chân ghế, được cố định với nhau bằng hai sợi dây cáp thép.

Ghe Spring 1

Thiết kế mang đến trải nghiệm tự làm và cá nhân hoá cho từng người sử dụng.

Ghe Spring 2 do noi that thiet ke

Ảnh: Govert Flint

Spring là một trong ba chiếc ghế nằm trong dự án Better Factory của Ủy ban châu Âu với mục tiêu xem xét các chiến lược sản xuất đồ nội thất văn phòng theo tiêu chí kinh tế tuần hoàn. Thiết kế có ý nghĩa trong việc phát triển bền vững nhờ sử dụng vật liệu tái chế được, giảm thiểu nhu cầu sử dụng đa vật liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất, lắp đặt và vận chuyển.

5. GHẾ EEYO: SỰ BIẾN HÓA CỦA MÀU SẮC

Tại sự kiện DESIGNART Tokyo 2024, NTK Saki Takeshita đã giới thiệu BST ghế màu sắc mang tên Eeyo làm từ gỗ bách, gỗ balsa, tuyết tùng, gỗ veneer và gỗ ép. Mỗi chiếc ghế được nhuộm màu khác nhau, sau đó cho phản ứng với không khí nóng gần 900C. Quá trình gia tăng nhiệt độ đã tạo nên phản ứng giữa gỗ và màu nhuộm, làm biến đổi màu xanh lá sang hồng, xanh lam sang đỏ, tạo nên sự thay đổi đẹp mắt trên bề mặt sản phẩm. Quá trình thực hiện hoàn toàn không sử dụng hóa chất hoàn thiện nhân tạo hay sơn phủ thêm.

Thiet ke ghe Eeyo

Sử dụng nhiệt để biến đổi màu sắc của sản phẩm là ý tưởng mới mẻ mang tính bền vững.

6. ĐÈN REMLI: KIÊN CỐ VỮNG BỀN

Bên cạnh nhựa và quần áo, rác thải xây dựng là một vấn nạn lớn của môi trường vì đặc điểm khó phân hủy và tái chế. Rác thải xây dựng chính là hỗn hợp của xi măng, cát, gạch và thủy tinh thải ra sau khi mỗi công trình được dỡ bỏ. Văn phòng thiết kế We+ có trụ sở tại Tokyo đã đưa ra ý tưởng thiết kế một chiếc đèn bàn di động sử dụng vật liệu tái chế từ xà bần bằng công nghệ do nhóm tự phát triển.

Thiet ke den Remli 1 tai che be tong

Chiếc đèn có thiết kế tối giản và linh hoạt, phù hợp với những không gian sống hiện đại, đồng thời mở ra tiềm năng trong xử lý những loại rác thải cứng khó tái chế.

den Remli 2 tai che be tong

Ảnh: Hiroshi Iwasaki

Nguyên liệu thô sau khi được nhóm thu thập từ các công trường ở Tokyo sẽ được xay thành bột và trộn với thủy tinh nóng chảy dùng như chất kết dính, sau đó tiếp tục được xay mịn, trộn với đất và trét phủ lên khung sản phẩm. Thiết kế của đèn tối giản với chân đèn hình nón cụt vững chắc và chao đèn hình đĩa. Ánh sáng ấm áp chiếu theo chiều đi xuống, làm nổi kết cấu thô mộc của bề mặt. Dự án đưa ra giải pháp giải quyết các vấn đề về tài nguyên và môi trường bằng cách tái sử dụng những vật liệu xây dựng có nguồn cung hữu hạn trong tài nguyên là đất, đá và cát, vốn khó có thể được tái chế một khi đã được trộn lẫn thành bê tông.

Bài: Hoàng Lê | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm

Ưu và nhược điểm của vách kính trong thiết kế nội thất

Thiết kế thụ động: Giải pháp “xanh” hóa kiến trúc

Vật liệu tự nhiên – Vẻ đẹp nguyên bản qua thử thách của thời gian