Diễn ra tại Eindhoven, Dutch Design Week được xem là sự kiện thiết kế lớn nhất Bắc Âu và là nền tảng trưng bày quan trọng nhất – nâng đỡ các tài năng trẻ trên lục địa này. Trong hơn 200 dự án của 2.600 nhà thiết kế, tổ chức tại 120 địa điểm, rất nhiều ý tưởng sáng tạo theo sát xu hướng phát triển bền vững và giải pháp cho những vấn đề môi trường đã được ra đời.
Giải pháp sưởi ấm
Trong khi châu Âu đang tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài do mâu thuẫn giữa nhiều quốc gia, làm sao để vận hành một hệ thống sưởi ấm trong những ngày đông luôn là vấn đề nan giải đối với các kiến trúc sư. Họ đang nỗ lực phát triển các giải pháp phân tán nhu cầu tiêu thụ năng lượng bằng cách cải thiện khả năng giữ nhiệt ở từng góc nhỏ, khuyến khích mọi người không cần phải bật lò sưởi.
Chẳng hạn, tại buổi lễ tốt nghiệp của Học viện Thiết kế Eindhoven (DAE), Jade Fritsch đã trình làng một chiếc ghế sưởi ấm được làm từ những vật liệu cát và gốm, có khả năng sưởi ấm ngay cả khi không cắm điện. Trong khi Karolina Borucka giới thiệu một hệ thống dệt may mô-đun công nghệ thấp, sử dụng sợi chuyên biệt với khả năng cách nhiệt cho cơ thể và nhà ở.
Tương tự, nhà thiết kế người Thụy Điển Ludvig Karlsson đã tạo ra các tấm sưởi hồng ngoại có chức năng như vách ngăn phòng và trưng bày chúng tại Klokgebouw cùng với chiếc chăn chạy bằng năng lượng mặt trời của Mireille Steinhage. Bằng cách ưu tiên làm ấm cục bộ cho con người thay vì không gian, những thiết kế đa chức năng này không chỉ phục vụ mục đích thực tế mà còn bổ sung yếu tố thẩm mỹ.
Khắc phục ô nhiễm
Sức sáng tạo của những nhà thiết kế tiên phong đang ngày càng vượt ra khỏi giới hạn của vật liệu sinh học, thành công tạo ra các sản phẩm từ vật liệu tự nhiên bị ô nhiễm để khuyến khích phục hồi hệ sinh thái từ gốc rễ. Ví dụ, nước sông Dommel ở Eindhoven bị làm bẩn do nước thải từ các nhà máy dệt và da, đã được hai nhà thiết kế Steffie de Gaetano và Giulia Pompilj tận dụng để nhuộm thảm trong khuôn khổ triển lãm Van Abbemuseum.
Nhà thiết kế người Hà Lan Marte Mei đã nghiên cứu thành công phương pháp cải tạo thực vật không phát thải – một kỹ thuật sử dụng cây trồng để chiết xuất ô nhiễm từ đất, tạo ra một loại men gốm từ tro của những loài cây này. Quá trình chiết xuất kim loại nặng từ đất được công bố là 100% sử dụng thực vật. Sau đó, Marte đã dùng chính lớp men này để tạo ra bộ dụng cụ làm vườn bằng gốm sẽ được sử dụng để bảo dưỡng công viên De Ceuvel, Amsterdam – nơi chúng ra đời.
Mặt tối của AI
Trái ngược với năm ngoái, các nhà thiết kế năm 2024 cho ra đời nhiều tác phẩm xoáy sâu vào sự tiêu cực mà trí tuệ nhân tạo AI có thể gây ra cho cuộc sống của con người và môi trường.
Để bổ sung cho các báo cáo chứng minh rằng các công ty công nghệ đang gây nguy hiểm cho mục tiêu khí hậu của thế giới do khí thải từ các trung tâm dữ liệu AI, nhà thiết kế người Đức Elena Dagg đã tạo ra một chiếc máy vẽ đường thẳng bằng lượng nước ước tính cần thiết để tạo ra một hình ảnh AI. Trong khi, Elena Zaghis lại nghiên cứu về những hành vi phi đạo đức của công nghệ tiên tiến này, trình bày cách Chat GPT và Midjourney có thể được sử dụng để tạo ra biên bản tòa án và bằng chứng giả cho các vụ án pháp lý.
Khai thác có trách nhiệm
Các nhà thiết kế kết hợp cùng các chuyên gia ẩm thực để tạo ra nhiều món ăn truyền đạt lời cảnh tỉnh về các xu hướng đáng báo động, từ mất đa dạng sinh học đến chiếm đoạt văn hóa trong khuôn khổ Dutch Design Week 2024. Cụ thể, studio Atelier NL đã hợp tác với trang trại Vaderland để phục vụ những bữa ăn sử dụng nguyên liệu được trồng tại địa phương, đặt trên bộ dụng cụ ăn uống làm từ đất sét được khai quật trong quá trình mở rộng lòng sông Maas.
Với chủ đề “The Fish Knows Everything”, một triển lãm khác đã “phục vụ” bốn món ăn, tái hiện hình ảnh của bốn loài cá có nguy cơ tuyệt chủng khác nhau trên toàn đại dương để kêu gọi công chúng tiêu thụ chúng một cách có trách nhiệm hơn.
Origami kim loại
Theo ghi nhận của ban tổ chức, xu hướng origami kim loại đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2023 với thiết kế kệ gấp từ một tấm thép không gỉ ấn tượng của nhà thiết kế người Pháp Pierre Salaün. Năm nay, những ý tưởng tương tự đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn. Họ vô cùng hào hứng và đánh giá cao những món đồ nội thất được lắp ghép đơn giản bằng kim loại của bộ đôi nhà thiết kế tài năng Joost van Bleiswijk và Myeonga Seo.
Nếu bộ sưu tập Sketch của Van Bleiswijk chỉ bao gồm những thanh thép rời rạc, lấy cảm hứng từ những bức phác thảo trừu tượng khổng lồ thì Myeonga Seo lựa chọn triển khai thêm các đường cắt phức tạp hơn, tạo thành các cạnh hình vỏ sò trang trí khi kim loại được uốn vào hình dạng.
Những nghiên cứu về cái chết
Không bị giới hạn trong những sản phẩm thiết kế hiện đại, ban tổ chức khuyến khích các nhà thiết kế thể hiện mối bận tâm của mình về các vấn đề đáng chú ý trong xã hội. Chẳng hạn, trong tình cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và chiến tranh, xung đột diễn ra ở khắp mọi nơi, sự quan tâm của con người về cái chết và các nghi thức tiễn biệt đã chi phối đa phần các xu hướng. Theo đó, Vilma Mackevičienė đã lựa chọn tái hiện những bộ trang phục được mặc trong lễ chôn cất của người cổ đại, trong khi một sinh viên thiết kế người Đức Florian Albrecht đã trưng bày và đưa ra những hiểu biết sơ lược của anh về bình đựng tro cốt.
Những nhà thiết kế khác lại nhìn nhận cái chết ở quy mô lớn hơn, như Adam Morong đã tạo ra một chatbot lưu trữ bằng chứng kỹ thuật số về tội ác chiến tranh và tổ chức phi lợi nhuận Peace Seekers đã kêu gọi những người dân tị nạn và sinh viên ngành thiết kế cùng nhau tạo ra Temple of Peace (tạm dịch: Đền thờ Hòa bình).
Thực hiện: Thùy Như | Theo: Dezeen
Xem thêm:
Xu hướng dùng đồ nội thất vintage
Annam Gourmet & Warehouse: Những đổi mới tích cực mang tính dẫn đầu xu hướng
Sự hòa quyện giữa sáng tạo và sang trọng trong xu hướng nhà bếp 2025