Mặc dù ngày nay đã có rất nhiều vật liệu mới ra đời nhưng gỗ vẫn được ưa chuộng bởi tính bền vững, có giá trị thẩm mĩ cao và những ưu điểm như nhẹ, bền, có tính cách âm – nhiệt – điện tốt và dễ gia công, vệ sinh. Trong lịch sử thiết kế đồ nội thất, nhiều kiểu ghế gỗ đã được ra đời với thiết kế kinh điển, có sức ảnh hưởng và là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế hiện đại. Cùng ELLE Decoration tìm hiểu về câu chuyện của những chiếc ghế gỗ mang tính biểu tượng.
Ghế Eames LCW
Được ra mắt tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại vào năm 1946 dưới bàn tay thiết kế của Charles và Ray Eames, Eames LWC từng được tạp chí Time mệnh danh là “chiếc ghế của thế kỷ”. Chiếc ghế gỗ thể hiện rõ kỹ thuật chế tác của Hải quân Hoa Kỳ trong những năm hậu Thế chiến II. Nhà thiết kế dùng máy chuyên dụng để kết dính và ép nóng năm lớp gỗ để uốn các chi tiết theo ý muốn nhằm tăng độ thoải mái. Giá đỡ được nối từ hai chân cong có kích thước khác nhau bằng các mối nối cao su, giúp gắn kết phần giá với đệm lưng và ghế ngồi.
Ghế Kennedy
Trở nên nổi tiếng từ buổi phát sóng trực tiếp của đài CBS về buổi tranh cử tổng thống giữa John F. Kennedy và Richard Nixon vào tháng 9/1960, chiếc ghế Kennedy được ra mắt từ năm 1950 bởi nhà thiết kế người Đan Mạch, Hans J. Wegner. Không chỉ sở hữu tính thẩm mỹ cao, kiểu ghế còn rất thoải mái với phần lưng bản rộng bằng gỗ ôm lấy người và đệm ngồi lót mút bọc da hoặc vải. Chiếc ghế từng được tạp chí American Interiors bình chọn là “The Chair – một trong những chiếc ghế đẹp nhết thế giới.”
Ghế thư giãn CH25
Một thiết kế khác không kém phần nổi tiếng của Hans J. Wegner được trình làng năm 1950 là CH25, là một trong bốn thiết kế ông làm cho công ty nội thất Carl Hansen & Son, có phần lưng ngả ra sau như một chiếc ghế lounge cổ điển nhưng vẫn giữ được tính hiện đại đặc trưng đậm chất Đan Mạch.
Phần tay vịn bản thô được đẽo bằng gỗ sồi có màu sắc tự nhiên. Vì những hạn chế về nguyên liệu trong thời hậu Chiến tranh Thế giới II, nhà thiết kế đã sáng tạo bằng cách tận dụng dây giấy đan cho phần đệm ngồi và tựa lưng. Một người thợ thủ công lành nghề phải mất hơn 10 giờ lao động và 400 mét dây mới có thể hoàn thiện phần họa tiết phức tạp của chiếc ghế này.
Ghế Windsor
Trái ngược với những kiểu ghế truyền thống khác với phần lưng và chân sau được đúc thẳng đứng, Windsor mang nét đặc trưng riêng với thiết kế khoét tròn đố chân. Phần ghế ngồi thường được thiết kế thành dạng đĩa nông hoặc hình yên ngựa để tạo cảm giác thoải mái. Những chiếc ghế truyền thống thường được tạo hình bằng dao bào và dao rút, các nghệ nhân sẽ dụng ván gỗ uốn cong bằng hơi nước để lắp đặt phần lưng tựa và tay vịn (nếu có).
Tới nay, người ta vẫn chưa tìm được nguồn gốc thực sự của chiếc ghế Windsor, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy chiếc đầu tiên đã xuất hiện ở Ai Cập cổ đại thông qua cấu trúc “gậy (stick)” của nó. Sau này, những mẫu Windsor hiện đại hơn được bắt gặp ở Anh vào đầu thế kỷ XVI.
Ghế Chandigarh
Đầu những năm 1950s, kiến trúc sư nổi tiếng Le Corbusier đã được giao nhiệm vụ thiết kế thành phố Chandigarh, ông đã nhờ em họ của mình là nhà thiết Pierre Jeanneret đảm nhiệm phần nội thất. Vào năm 1953, những mẫu ghế Chandigarh đầu tiên được sản xuất với mục đích phục vụ các văn phòng hành chính trong thành phố. Với phần chân mang hình dạng chữ V đặc trưng được kết nối với tựa tay bằng gỗ teak vuông vức và đệm lưng dệt bằng cói, chiếc ghế đã chiếm lấy cảm tình của người sử dụng đến tận ngày nay. Pierre dùng gỗ teak chất lượng cao có nguồn gốc từ Bắc Ấn để chế tác vì khả năng chống côn trùng và độ ẩm, đồng thời thích hợp với khí hậu nóng ẩm của thành phố Chandigarh.
Thực hiện: Vân Thảo
Xem thêm
Thiết kế làm từ gỗ sồi cho không gian hiện đại