Đô thị trong điện ảnh: Sức mạnh kể chuyện của những nhân vật vô ngôn

Trong điện ảnh đương đại, thành phố không còn là một không gian trung lập, thụ động, mà đã trở thành một chủ thể sáng tạo, một nhân vật có khả năng định hình, chi phối và thậm chí điều khiển dòng chảy câu chuyện.

Khái niệm “thành phố như một nhân vật” vượt ra khỏi phép ẩn dụ đơn thuần, trở thành một phương thức kể chuyện lớp lang, sâu sắc và đa tầng trong điện ảnh. Từ những con phố nhộn nhịp của Tokyo trong phim Lost In Translation đế không khí văn học nghệ thuật rực rỡ trong Midnight in Paris, không gian đô thị trở thành bối cảnh, góp phần định hình cảm xúc và hành động của các nhân vật. 

Cấu trúc quyền lực của không gian – khi thành phố là người dẫn chuyện

Trong cuốn sách The production of Space, triết gia người Pháp Henri Lefebvre đã khẳng định rằng không gian không phải là một thực thể trung tính, mà là một sản phẩm xã hội được sản xuất, được định hình bởi các mối quan hệ quyền lực. Trong điện ảnh, hơn cả một phông nền, thành phố là một người dẫn chuyện có khả năng tác động đến câu chuyện, can thiệp vào số phận của các nhân vật.

Âm thanh và nhịp điệu của thành phố

Trong phim Lost in Translation của đạo diễn Sofia Coppola, Tokyo không chỉ là một đô thị làm nền cho câu chuyện nương tựa của nhân vật Charlotte và Bob Harris, mà còn là một sinh thể phức tạp, được thể hiện qua những nhịp điệu khó nắm bắt. Những âm thanh huyên náo của các con phố đông đúc đến sự tĩnh lặng cô đơn trong những khách sạn cao cấp – được xây dựng như một không gian ngôn ngữ bất khả; những tiếng ồn vỡ vụn, những dòng chữ tiếng Nhật khó hiểu, sự lặng lẽ bối rối – trở thành một bức tường vô hình ngăn cách các nhân vật.

dien anh do thi city in film phim Lost in Translation scarlett johansson

Nỗi cô đơn thành thị trong “Lost in Translation”. Ảnh: Tư liệu

Tokyo trong bộ phim còn hướng góc nhìn về thân phận di dân, sự xa lạ và khả năng kết nối giữa những con người cùng cảnh ngộ tha hương. Những trải nghiệm văn hóa phức tạp được dàn trải trong dòng chảy thị thành. Mối quan hệ giữa hai nhân vật chính được hình thành như một sản phẩm của chính đô thị Tokyo – mỏng manh, thoáng qua như những ánh đèn nhấp nháy trong đêm.

Ánh sáng – Xúc cảm của thành phố

Trong các tác phẩm của đạo diễn Vương Gia Vệ, Hồng Kông vượt khỏi khuôn khổ một không gian và trở thành một trạng thái cảm xúc. Ánh sáng neon hắt xuống phố phường buổi đêm, những khoảng tranh tối tranh sáng ám ảnh tâm trạng của các nhân vật Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân, những con đường ẩm ướt sau cơn mưa khuya, những con hẻm hun hút với xe hủ tíu đêm được sử dụng như một ngôn ngữ không lời nói, kể về những mối tình dang dở, những ước vọng không thành, bị dồn nén trong không gian tù đong của thành phố. Tất cả tạo nên một bức tranh thẩm mỹ đậm chất phim noir, biến đô thị Hồng Kông thành một nhân vật trung tâm mang tâm trạng u uẩn, cô đơn với một gã trai đội nón phớt, khoác chiếc manteau đi trên đường trong buổi hoàng hôn của những xúc cảm.

city in film In the mood for love phim dien anh hong kong

Đô thị trầm tư trong “In the mood for love”.

Mỗi khung hình là một bản nhạc buồn của nỗi lẻ loi đô thị. Các góc phố, những căn phòng chật hẹp ngoài làm nền cho câu chuyện, còn là những biểu tượng của sự gần gũi mà xa cách. Kiến trúc Hồng Kông trở thành một phép ẩn dụ về quan hệ con người trong xã hội đô thị hiện đại. 

Kiến trúc/Không gian – Bản đồ tâm lý con người

Kiến trúc sư và nhà lý luận Peter Eissenman từng nói: “Kiến trúc không chỉ là không gian, mà là một câu chuyện”. Có thể thấy trong bộ phim Midnight in Paris về những người muôn năm cũ với hào quang rực rỡ giữa lòng đô thị Pháp, thành phố Paris hiện lên cùng một loạt công trình kiến trúc, mang theo dòng chảy lịch sử có khả năng chuyển đổi thời gian và không gian. 

dien anh do thi city in film Midnight in Paris

Đô thị Paris thời hoàng kim hiện lên đầy chất thơ và hoài niệm trong “Midnight in Paris”.

Bộ phim sử dụng Paris như một phương tiện để khảo sát mối quan hệ giữa hiện tại và quá khứ, giữa thực tại và hoài niệm. Paris trong áng thơ thị giác của Woody Allen không phải là một không gian địa lý thuần tuý, mà là một nhà kiến trúc vẽ lại cấu trúc thời gian. Mỗi con phố, mỗi góc đường đều là một cánh cửa nối liền hiện tại và quá khứ. Thành phố trở thành một cỗ máy thời gian, cho phép các nhân vật du hành giữa các địa tầng lịch sử văn học và nghệ thuật.

Không gian Paris được dệt từ những lớp ký ức nghệ sĩ – nơi Hemingway, Fitzgerald, Picasso từng sinh sống, đắm mình trong tinh hoa của cảm hứng văn nghệ. Mỗi lề đường, mỗi quán café đều mang âm hưởng của một thời đại văn chương rực rỡ. Đô thị Paris những năm 20-30 trở thành một minh chứng sống động cho một kỷ nguyên nghệ thuật.

Đô thị đó được xây dựng như một không gian tâm lý, phản ánh cuộc khủng hoảng bản ngã của nhân vật chính, anh chàng Gil Pender (Owen Wilson thủ vai). Sự chuyển đổi thời gian không chỉ là một kỹ thuật điện ảnh, mà còn là phép ẩn dụ về sự trốn chạy khỏi hiện tại và khát khao hoàn hảo hoá quá khứ.

Khi đô thị trở thành “đồng đạo diễn”

Đô thị trong điện ảnh từ lâu đã vượt khỏi giới hạn trong vai trò là chiếc phông nền trơ lạnh để trở thành một tác giả vô hình, một đồng đạo diễn với người chỉ đạo bộ phim, hay một nhân vật có khả năng định hình, chi phối và soi chiếu số phận con người. Bối cảnh không còn đơn thuần là nơi diễn ra câu chuyện, mà nó chính là người kể chuyện.

Qua lăng kính của điện ảnh, thành phố trở thành một bản trường ca phức điệu, một tập hợp các tầng ký ức, cảm xúc và mối quan hệ xã hội. Mỗi khung hình là một lời thoại, mỗi góc phố là một đoạn tự thuật, và toàn bộ không gian đô thị trở thành một cuốn tiểu thuyết, một montage dài được viết và chiếu liên tục.

Thực hiện: Hoài Thu


Xem thêm: 

Wicked và bối cảnh thần tiên xứ Oz

Bối cảnh kiến trúc hậu chiến trong The Brutalist

Bối cảnh nghệ thuật trong phim The Taste of Things