Kể từ khi ra mắt “Mùi đu đủ xanh” năm 1993, tính nghệ thuật trong phim của đạo diễn Trần Anh Hùng dường như không thay đổi quá nhiều: Duy trì một nhịp phim từ tốn, tiết chế trong lời thoại, bối cảnh luôn gắn với thiên nhiên và đặc biệt tập trung vào các xúc cảm, cử chỉ của diễn viên. Với The Taste of Things cũng không ngoại lệ. Từng cảnh quay được chăm chút tỉ mỉ, chú trọng từng chi tiết của đạo cụ, phục trang và đặc biệt là ánh sáng.
Địa điểm thực hiện phim là tòa lâu đài lịch sử Château de Raguin nằm tại vùng nông thôn yên bình miền Tây nước Pháp – Maine-et-Loire. Các không gian quen thuộc như: nhà bếp, phòng ăn, vườn rau và khu rừng xanh tươi bao quanh khu nhà đều được đạo diễn Trần Anh Hùng tập trung khai thác nhằm mang đến trải nghiệm mà người xem là một phần của câu chuyện. Xuyên suốt bộ phim, khung cảnh chính luôn có hai cửa sổ nhỏ hướng về phía Đông và cửa phòng bếp luôn mở để đón ánh sáng tự nhiên, bám sát quan điểm kiến trúc và thói quen của con người thế kỷ 19. Chỉ với những chi tiết nhỏ trong việc lựa chọn và sắp đặt bối cảnh, The Taste of Things thể hiện tư duy nghiêm túc và sự tìm hiểu kỹ lưỡng của đội ngũ thiết kế về con người và thời đại mà họ đang phản ánh.
Chuyển động trong không gian
Chuyển động của ẩm thực được tập trung xây dựng tại căn bếp toà lâu đài, cũng là nơi gắn với sự xuất hiện của Eugénie ngay từ những giây đầu tiên, một không gian cố định và là bối cảnh chiếm phần lớn khối lượng phim. Bối cảnh trong bếp với cánh cửa chính mở giúp lấp đầy không gian nội thất bằng ánh sáng ấm áp và làm nổi bật các chi tiết nội thất theo thời kỳ của bộ phim. Chiến lược lấy ánh sáng mặt trời làm trung tâm của Chỉ đạo Điện ảnh Jonathan Ricquebourg được trông thấy từ cảnh nấu ăn đầu tiên. Kéo dài khoảng 25 phút, cảnh quay này cho thấy sự sắp xếp trật tự đầy nghệ thuật của Eugénie trong nhà bếp, khi cô chuẩn bị và bày ra từng món ăn cùng với Pauline, Violette và Dodin.
Để đảm bảo độ phơi sáng đồng nhất, khắp phòng được bố trí thêm bốn hộp đèn nông trên trần nhà và sau các món đồ nội thất để tạo ra hiệu ứng phản chiếu. Jonathan cũng quyết định quay phần lớn cảnh bằng Steadicam – thiết bị chống rung cơ học thường được sử dụng để quay những bộ phim hành động, cho phép các diễn viên tự do di chuyển và tạo ra những chuyển động chân thật nhất trong suốt quá trình chế biến món ăn. Điều mà việc bố cục chỗ đứng sẵn không bao giờ đạt được. Ngoài ra, tất cả các cảnh quay đều được ghi lại bằng một ống kính đơn: Leitz Summilux-C 35mm có tiêu cự gần gũi với mắt nhìn của con người, không tạo ra bất kỳ biến dạng nào trong khung hình và giữ cho những chuyển động trở nên kín đáo, mượt mà.
Nguồn sáng tự nhiên
Tiếp nối mạch phim là một cảnh quay vào ban đêm khi Eugénie và Dodin chia sẻ pho mát và trà dưới tán cây bên cạnh một hồ nước đầy ánh trăng. Để tạo cảm giác yên tĩnh và lãng mạn tương phản với màn trình diễn nấu ăn trước đó, nhà làm phim đã tận dụng các khoảng tối và nguồn ánh sáng yếu, chỉ đặt thêm đèn LED Creamsource Vortex8 để không lấn át sự phản chiếu của mặt hồ màu xanh lam và xanh lục vào một đêm xuân.
Cũng với một cảnh quay ven hồ, nơi Dodin và Eugénie tụ tập cùng những người bạn trên một chiếc bàn dài để thông báo về việc kết hôn, khoảnh khắc hạnh phúc ấy được mô tả như một bức tranh sinh động của danh họa Pierre-Auguste Renoir. Các diễn viên ngồi cùng nhau dưới ánh nắng mùa hè, theo một bảng màu tươi sáng. Việc sắp xếp cho diễn viên nam mặc trang phục đen còn diễn viên nữ mặc trang phục trắng tạo một trật tự xen kẽ đều mắt tại bàn tiệc.
Trong suốt quá trình sản xuất The Taste of Things, phân cảnh thử thách nhất có lẽ là lúc nơi Dodin cầu hôn Eugénie bằng các món ăn và món tráng miệng hình quả lê đầy cảm hứng . Đội ngũ làm phim cho biết các món ăn này cần lột tả được vẻ óng ánh gợi cảm. Vì vậy, ánh sáng cho cảnh quay được trang bị tối đa, các bức tường trong phòng cũng được trang trí bằng những tấm gương lớn. Rất nhiều thiết bị chiếu sáng khác nhau được sử dụng cho cảnh quay gồm hai đèn LED DMG Dash, một đèn ẩn sau bàn và một đèn khác đằng sau một món đồ nội thất, chỉ để chiếu sáng bức tường và tạo phông nền cho các nhân vật nổi bật. Khác với thông thường, ánh sáng bắt đầu từ khuôn mặt của diễn viên rồi đến trường quay. Cảnh quay này đã thực hiện từ việc chỉ chiếu sáng phim trường, sau đó yêu cầu các diễn viên bước vào bên trong ánh sáng đó. Những ngọn nến là một phần trong cấu trúc của khung hình nhưng không thực sự là ánh sáng chính. Bên cạnh đó, vì địa điểm quay phim là một phần của di tích lịch sử nên việc tháo gỡ, che hoặc treo bất cứ thứ gì lên trần nhà là điều không thể, khiến cho đội ngũ thiết kế bối cảnh gặp không ít khó khăn trong việc cải thiện ánh sáng mà không làm hỏng khung cảnh.
Ghi dấu ấn bởi một bộ phim tinh thần châu Á, đậm chất Việt Nam, đạo diễn Trần Anh Hùng bước vào điện ảnh quốc tế và rời xa khỏi điện ảnh nước nhà và cũng theo đúng nghĩa đen rời khỏi quê hương mình – Việt Nam. Nhưng cũng từ sự không thuận, nhiều thử thách đạo diễn Trần Anh Hùng qua năm tháng vẫn giữ nét tự nhiên, chân thật gần với người Việt hơn khi giao tiếp thông qua ngữ điệu điện ảnh của mình.
Thực hiện: Trà Giang, Thùy Như | Ảnh: Tư liệu
Xem thêm:
The New Look: Một thời vàng son qua màn ảnh nhỏ