The New Look: Một thời vàng son qua màn ảnh nhỏ

Trong The New Look, hành trình vào thế giới thời trang haute couture lộng lẫy và đầy biến động sau Thế chiến II được dẫn dắt bởi những bối cảnh tỉ mỉ và những bộ trang phục mang tính biểu tượng thời đại.

Series phim mới của Apple TV+ The New Look đưa người xem trở về thời điểm các nhà mốt haute couture tại Pháp phải đối mặt với những quyết định tàn bạo của Đức Quốc xã và cách mà các biểu tượng thời trang như: Christian Dior, Coco Chanel, Lucien Lelong, Cristóbal Balenciaga vượt qua thời kỳ chiến tranh kinh hoàng để cho ra mắt các thiết kế hiện đại với sức sống trường tồn. Hầu như toàn bộ bối cảnh phim được quay chính xác tại nơi diễn ra các sự kiện có thật trên khắp thành phố Paris. Đạo diễn Todd A. Kessler khẳng định: “Việc quay phim ở thủ đô nước Pháp là điều bắt buộc để mô tả và giới thiệu chính xác những con phố, quán cà phê, khách sạn mà Christian Dior và Coco Chanel đã đi qua, sinh sống cũng như được truyền cảm hứng.”

the new look bo phim ve huyen thoai thoi trang

Ảnh: Apple TV+

Nhà hàng Maxim’s

Địa điểm quay phim thực: Số 3 Rue Royale, Quận 8, Paris

Được thành lập bởi Maxime Gaillard vào năm 1893, Maxim’s là một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Paris suốt những năm 1930 với phong cách trang trí Art Nouveau lộng lẫy và những khách hàng có địa vị cao như: Công tước xứ Windsor, Jean Cocteau, Sasha Gitri và Marcel Proust. Đây cũng là quán rượu ưa thích của giới chỉ huy tối cao Đức và những người có liên hệ với Đức Quốc xã trong Thế chiến II, gồm chủ tịch Reichstag Hermann Göring và đại sứ Đức tại Pháp Otto Abetz. 

nha hang maxim noi tieng phong cach tan nghe thuat

Ảnh: AFP

Trải qua bao thập kỷ, Maxim’s đã phát triển thành hệ thống nhà hàng quốc tế và là một trong những bối cảnh vô cùng quan trọng của The New Look. Anne Seibel, nhà thiết kế bối cảnh chính cho biết: “Maxim’s rất đẹp. Ngoài việc trang trí thêm hoa, khăn trải bàn, đĩa, đồ thủy tinh và sắp xếp lại một số bàn ghế, chúng tôi hầu như không phải thay đổi gì nhiều khi quay tại đây”. Xuất hiện trong phân cảnh Coco Chanel dùng bữa cùng các quan chức Đức Quốc xã và một số người ủng hộ đảng tại không gian có bàn dài khá chật hẹp. Vì vậy, đoàn làm phim cần phải sắp đặt ánh sáng một cách có chiến lược để đảm bảo rằng thiết bị không bị nhìn thấy trên máy quay mà vẫn truyền tải tốt bầu không khí.

nha hang boi canh maxim

Địa điểm này cũng từng được sử dụng làm bối cảnh cho bộ phim Midnight in Paris năm 2011 của Woody Allen | Ảnh: Apple TV+

Quán bia Le Gallopin 

Địa điểm quay phim thực: Số 40 Rue Notre-Dame Des Victoires, Quận 2, Paris

Trái ngược với nhà hàng Maxim’s, quán bia Le Gallopin hiện lên mộc mạc và tràn ngập hơi thở cổ điển bởi không gian nội thất bằng gỗ gụ Cuba và các họa tiết vẽ tay hình vòng hoa và trái cây. Được thành lập bởi Gustave Gallopin vào năm 1876, Le Gallopin là một trong những quán bar phục vụ cocktail đầu tiên ở Paris, nơi Christian Dior thường xuyên lui tới để gặp gỡ các cộng sự của mình. Ông cùng Pierre Balmain, Cristóbal Balenciaga thảo luận về thời cuộc và những điều cần làm sau mỗi quyết định của Đức Quốc xã để tìm cơ hội tồn tại và đột phá cho ngành hàng may mặc cao cấp lúc bấy giờ. 

boi canh quan bia gallopin

Ảnh: Apple TV+

Căn hộ của Coco Chanel

Địa điểm quay phim thực: The Cité Du Cinéma (hoặc Studios Of Paris), Saint-Denis, Paris

Kể từ năm 1937, 15 Place Vendôme hay còn gọi là khách sạn Ritz, đã trở thành chốn riêng của Coco Chanel trong hơn ba thập kỷ. Tại đây, bà thuê một căn phòng rộng hơn 188 mét vuông trên tầng hai, chia làm hai dãy: dãy đầu tiên nhìn ra cửa hàng của bà trên đường Rue Cambon và dãy sau nhìn ra quảng trường Place Vendôme. Căn hộ này là bối cảnh quan trọng nhất bộ phim bởi nó thể hiện lối sống xa hoa của một nhà tạo mốt đình đám. Tuy nhiên, đoàn làm phim đã không thể tiến hành quay tại địa điểm ngoài đời thực, chỉ có thể dựa vào những hình ảnh lưu trữ về phong cách và lối trang trí nội thất của căn phòng gốc để tái hiện lại nơi Coco Chanel đã gắn bó nửa cuộc đời. “Chúng tôi cố gắng giữ cho phong cách của phòng khách và phòng ngủ giống với các hình ảnh lưu trữ, bao gồm cả đồ nội thất và vải ga giường. Đó là một công việc khá vất vả nhưng tôi yêu thích bối cảnh này bởi nó làm tôi nhớ lại một huyền thoại” – Anne Seibel chia sẻ.

coco chanel tai can ho

Ảnh: Tư liệu

coco chanel trong the new look

Ảnh: Apple TV+

Xưởng may của Lucien Lelong 

Địa điểm quay phim thực: The Cité Du Cinéma (hoặc Studios Of Paris), Saint-Denis, Paris

Giống với căn hộ của Coco Chanel, xưởng may của Lucien Lelong là bối cảnh được dựng lại từ một số ít hình ảnh về địa điểm thực từng nằm tại 18 Place de la Madeleine ở Paris. Đội ngũ thiết kế bối cảnh phải dựa vào kịch bản và ý kiến tham khảo từ các chuyên gia để đảm bảo tái hiện đúng cách thức hoạt động của một xưởng may thời trang cao cấp vào thời điểm đó. Ngoài ra, theo thông tin được đề cập trên tạp chí Time số tháng 8 năm 1948, Lucien Lelong đã phải đột ngột đóng cửa xưởng may của mình khi những tác phẩm mới cho mùa thu vẫn chưa hoàn thành bởi tình trạng sức khỏe kém. Điều này khiến cho màu sơn trên tường, rèm hành lang, các chốt vải, ma-nơ-canh và thiết bị may đo xuất hiện trong các phân cảnh phim nhuốm màu cũ kỹ, thể hiện đam mê bị kìm hãm bởi bệnh tật của nhà thiết kế tài năng.

lucien lelong xuong may atelier

Lucien Lelong trong xưởng may của ông, khoảng năm 1940 | Ảnh: Keystone France

boi canh xuong may lucien lelong

Ảnh: Apple TV+

Xưởng may của Christian Dior 

Địa điểm quay phim thực: The Cité Du Cinéma (hoặc Studios Of Paris), Saint-Denis, Paris

Có lẽ khoảnh khắc huy hoàng nhất trong sự nghiệp thiết kế của Christian Dior là buổi giới thiệu haute couture đầu tiên của ông vào ngày 12 tháng 2 năm 1947. Chính buổi trình diễn này đã xác định “New Look” cho thời hậu chiến, giúp vực dậy tình hình kinh doanh thời trang cao cấp trên toàn thế giới. Cảnh tượng những thiết kế thuộc bộ sưu tập Bar của Christian Dior được trình diễn trong khán phòng chật cứng khách đã trở thành huyền thoại, đánh dấu sự hồi sinh của một ngành hàng xa xỉ sau chiến tranh. 

buoi trinh dien thoi trang

Ảnh: Apple TV+

Anne Seibel đã từng hình dung về xưởng may của Dior trong một bộ phim khác cũng do chính cô làm nhà thiết kế bối cảnh vào năm 2022 – Mrs. Harris Goes to Paris. Tuy nhiên, đối với The New Look, Anne phải kết hợp những hình dung sẵn có với rất nhiều tài liệu tham khảo để thật sự tái hiện được khoảnh khắc lịch sử. Trong đó, công đoạn phức tạp nhất là xây dựng lại cầu thang lớn ở đại bản doanh của Dior, khiến nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Vượt qua mọi khó khăn, đội ngũ thợ mộc đã tái tạo cầu thang giống đến mức các nhân viên của Maison Dior phải ngạc nhiên. Anne Seibel bổ sung thêm: “Chúng tôi thậm chí còn chọn từng chiếc ghế trên eBay, sau đó bọc và sơn lại tất cả để thể hiện chính xác nhất từng yếu tố trong buổi trình diễn mang tính biểu tượng đó”.

xuong may christian dior

Ảnh: Keystone France

boi canh cau thang lon

Hình ảnh cầu thang lớn tại Masion Dior | Ảnh: Ảnh: Savitry

Những bối cảnh được xây dựng tỉ mỉ và trang phục sát với thực tế thời đại trong The New Look đã góp phần đưa hình ảnh của thời trang cao cấp đến gần hơn với người xem, tái hiện “cảm giác bị xâm phạm và áp bức bởi một đội quân bên ngoài, bị áp đặt trật tự nghiêm ngặt lên mọi lĩnh vực của cuộc sống” lên màn ảnh một cách hoàn hảo.

boi canh trinh dien thoi trang

Ảnh: Apple TV+

Thực hiện: Thùy Như


Xem thêm: 

Bối cảnh siêu thực trong phim Poor Things

Parasite – Bối cảnh xuất sắc làm nên thành công

Khám phá không gian bộ phim Crazy Rich Asians