Vẻ đẹp trong thiết kế bối cảnh của điện ảnh Trần Anh Hùng

Mở đầu là sự choáng ngợp và kết thúc là nỗi nhung nhớ đến bảng lảng, xem phim Trần Anh Hùng làm ta ngỡ ngàng bởi cảnh sắc trong từng khung hình không thực, nửa tin nửa ngờ. Vẻ đẹp của bối cảnh không phải là một vẻ tinh gọn, giản lược mà được xây dựng và tinh chế bởi sự chỉn chu và chi tiết, đầy đặn và nảy nở khớp với nét văn hóa Á Đông tuy nhuần nhị nhưng cũng lắm miên man.

Cái tên Trần Anh Hùng là một sự tự hào giúp Việt Nam được chú ý trong bản đồ điện ảnh thế giới. Đạo diễn người Pháp gốc Việt mang nỗi hoài nhớ quê hương thả vào trong từng bối cảnh đẹp đẽ, để kể về Việt Nam với một phong cách rất đỗi nên thơ, dấy lên tận cùng cảm xúc.

Thật là một sự đắn đo khi một lần nữa diễn giải sự mê đắm trong từng thước phim của ông, cũng là sự thử sức khi tự bóc tách thiết kế bối cảnh của những tác phẩm và đặt những yếu tố khác ngoài rìa. Nhưng suy lại, bối cảnh là cái nền của phim, là khung xương sống để toàn thảy được vận hành việc phân giải độc nhất, thể hiện một cách nhìn tường tận. Thông qua ba bộ phim về Việt Nam (Vietnam Trilogy) là “Mùi đu đủ xanh” (1993), “Xích lô” (1995) và “Mùa hè chiều thẳng đứng” (2000), chúng ta có thể thấy được sự tuyệt vời của thiết kế bối cảnh mô tả được cái thi vị về một Việt Nam đủ đầy trong từng khung hình.

mui du du xanh boi canh dien anh tran anh hung

Cảnh phim “Mùi đu đủ xanh”

Bối cảnh hạn chế nhưng được tận dụng triệt để

Trong phim của Trần Anh Hùng, ta có thể thấy được giới hạn trong một vài bối cảnh khi không có quá nhiều những cảnh trí khác cho mắt nhìn. Việc suy tính các trong bối cảnh khiến người xem ràng buộc cùng nhân vật, tập trung vào chiều sâu cho cả mạch phim và việc sắp xếp các đạo cụ khéo léo để người nhìn truy xuất được tính chất và sự chuyển biến của các nhân vật.

Tuy hạn chế trong số lượng nhưng các bối cảnh được tận dụng triệt để hết công năng của nó. Bằng cách chăm chút từng khu vực, đạo cụ với số lượng đồ sộ và tính chi tiết dày đặc, bối cảnh đã được dàn xếp để diễn viên có thể ổn thỏa bước vào cuộc sống của nhân vật mà không có điểm gợn hay bận lòng. Đây là điểm thuận để đạo diễn tự do hơn trong góc máy, khung hình.

“Mùi đu đủ xanh” mở đầu cho bộ ba phim của Trần Anh Hùng về Việt Nam với bối cảnh chỉ gói gọn vọn vẻn tại hai nơi chính là nhà bà chủ bán vải và nhà của Khuyến. Điểm thú vị mà ai yêu mến bộ phim và đạo diễn đều biết rõ là nó được quay hoàn toàn ở xứ Pháp vì vấn đề kinh phí. Tưởng chừng bầu không khí của trời tây canh tân khiến phim trật khỏi cái mộc mạc, bình dị rất đỗi Việt Nam nhưng bởi niềm thương nhớ vô hạn của kẻ viễn xứ, suốt chiều dài phim mạch hồn Việt vẫn chảy mượt mà và thong dong. Một căn nhà xây theo lối kiến trúc Đông Dương, màu gỗ trầm, hương gỗ phảng mùi tháng năm, trộn lẫn với hương thơm thảo của cây lá, mùi nhựa đu đủ trắng thanh sạch, lớp gạch nền ánh bóng rõ sự chăm chút của gia nhân, từng lớp cửa với hoa văn còn lưu trong kí ức, chén dĩa sắc lam duyên dáng,… đạo diễn gom góp từng chút của Việt Nam gửi đến đất Pháp xa xôi. Dẫu vẫn còn những hạn chế có thể thấy rõ. Sự hạn hẹp của không gian khiến khu phố bên ngoài như ở trong một khung kịch nghệ nhưng sự kỳ công và dụng tâm trong thiết kế đã tạo một Sài Gòn những năm 50 hoàn chỉnh mến thương, sống động và lấm thời gian.

mui du du xanh kien truc dong duong boi canh tran anh hung

Ngôi nhà mang kiến trúc Đông Dương trong “Mùi đu đủ xanh”

Khác với một Việt Nam được dựng lên trong lòng đất Pháp, “Mùa hè chiều thẳng đứng” và “Xích lô” là khung cảnh Hà Nội và Sài Gòn rất thực, nhưng bối cảnh cũng vì thế mà gói gọn trong vài địa điểm. Bối cảnh không tự do từ tưởng tượng ra thực tại, mà là từ thực tại bị động để sắp xếp sao cho thuận nhịp với mạch phim: căn nhà chật hẹp của em út Liên và anh trai Hải ngăn vách bởi rèm treo và vải trắng đưa ta ngược về thời Hà Nội bao cấp trong “Mùa hè chiều thẳng đứng”, khu bếp mở lỉnh kỉnh đồ dùng của gia đình bốn người chen chúc của “Xích lô” ta chẳng thấy tí ti vết tích ngập ngừng trong bối cảnh, mỗi vị trí của đồ vật đều tự nhiên, hài hòa và hợp lý.

xich lo dien anh tran anh hung

Khu bếp mở trong “Xích lô”

Tính đồ sộ của đạo cụ càng làm tăng sự tin tưởng cho tâm trí người xem về niềm tin thực của bối cảnh. Dấu tích của con người để lại tại một địa điểm khác với sự mòn dần của thời gian là sự đầy lên của các vật dụng. Để thỏa nhu cầu cá nhân thường ngày, khỏa lấp những điểm trống trong tâm hồn,… vật dụng chính là bằng chứng tốt nhất có thể được biểu hiện qua thị giác. Bằng cách để các vật dụng lúc chen chúc, lèn chặt không gian, lúc xuất hiện ý nhị và vô ý giúp cho những bối cảnh được đủ đầy, thuyết phục được logic của người ngồi trước màn hình.

Những xoong chảo xếp dày, hơi mờ xám ở hậu cảnh phía xa làm nền để mở rộng không gian từ khung hình trực diện của cậu út nghịch ngợm, đèn dầu dưới góc giường lẳng lặng được chêm cạnh sự đặc tả bàn chân tuyệt vọng của người đàn bà bị chồng bỏ và đôi tay bé vụng về ủi an của cậu ba lầm lì. Từng vật dụng trong bối cảnh đều có nhịp đời và tiếng nói riêng và lặng thầm, đẩy tính chân xác của những con người qua lại trong đó lên mức tiệm cận hoàn mỹ. Vẻ đẹp của bối cảnh trong những khung hình phim không phải là một vẻ tinh gọn, giản lược, cái đẹp được xây dựng và tinh chế bởi chỉn chu và chi tiết, cái sự đầy đặn và nảy nở khớp với nét văn hóa Á Đông tuy nhuần nhị nhưng cũng lắm miên man.

mui du du xanh boi canh dien anh tran anh hung

Trích cảnh phim “Mùi đu đủ xanh”

mui du du xanh boi canh dien anh tran anh hung

Trích cảnh phim “Mùi đu đủ xanh”

Thiết lập không gian nội tâm

Phim của Trần Anh Hùng là một nhát cắt dài của cuộc đời nhân vật, không quá kịch liệt và phô trương, diễn biến của những tầng cảm xúc cá nhân đều được trình hiện trong những bối cảnh gần như “cô lập” và riêng tư. Hẳn nhiên không thiếu những bối cảnh có tính công cộng mở và rộng, góc phố, quán xá, những cung đường vùn vụt người,… nhưng không gian chính của chuyện vẫn là ở căn nhà, gian phòng riêng của các nhân vật. Các bối cảnh được thiết lập bởi những “rào chắn” hoặc hẳn hoi như khung sắt cửa sổ, cổng ngoài hoặc ẩn hiện như việc xếp đặt cây lá, màn rèm lanh canh hay thực sự ẩn tang của cú giật điện đầu tiên cạnh sát ô cửa trống trong gian phòng bị giam lỏng của “Xích lô”. Trần Anh Hùng bao lại khu vực khiến các nhân vật tách biệt với ngoại thế giới để tự do thả lỏng tính cá nhân một cách khá an toàn khi những vách ngăn không gian là cửa phòng hầu như luôn mở rộng, màn rèm lấp lửng, sự thông thoáng trong lối đi. Một “ốc đảo” nội tậm và hướng nội không quá rõ ràng nhưng cần thiết để đẩy diễn tiến tâm trạng của nhân vật lên rõ nét, đặc biệt là với kiểu nhân vật dung dị, bình lặng và đều đều ở hiện thực cuộc sống.

xich lo dien anh tran anh hung

Trích cảnh phim “Xích lô”

Ở “Mùi đu đủ xanh”,  cánh cổng khá lỏng lẻo phía sau căn nhà rộng thoáng của bà chủ hàng vải nhưng cũng ngăn cách ông Thuận – người thầm yêu bà nội suốt đời; xung quanh căn nhà là những lớp lang rào chắn thực vật xanh mượt và xum xuê. Cái hay của hàng rào cây lá là sự ý nhị và sâu kín, tính hướng nội không hô hào và cần thực sự được quan sát tinh tế, một màn chắn mỏng manh, nhẹ nhàng nhưng cũng đủ riêng rẽ. Hơn nữa, việc đẩy vào mảng thực vật tinh tế cũng bổ sung cho cái hồn dân tộc Việt thêm dầy dặn bởi nếp sống nếp nghĩ người Việt luôn chung đụng hài hòa với lá hoa. Những cành mai, đào thắm rực, chậu cúc vàng tươi quen thuộc điểm mặt mỗi dịp Tết về hay mảnh vườn bé xíu nhưng xanh um ở tít tầng thượng, ban công các khu nhà hiện đại cũng đủ để ta hiểu người Việt mình yêu thích và dựa dẫm vào thiên nhiên nhường nào. Hàng rào thực vật cũng được tận dụng trong việc xếp đặt bối cảnh ở “Mùa hè chiều thẳng đứng”, khu bếp có phần lộ thiên được bao bọc bởi những lớp và đa sắc xanh của cây, bao bọc luôn sự riêng tư và bí mật thầm kín và vụn vặt của ba chị em Sương, Khanh, Liên.

boi canh dien anh phim mui du du xanh tran anh hung

Trích cảnh phim “Xích lô”

Tính duy mĩ nhất quán và ý vị

Hẳn sẽ hơi khó hiểu khi xếp tính duy mĩ ở tận cuối cùng trong quá trình tách lớp phim Trần Anh Hùng. Đáng nhẽ cái đẹp cần được nhắc đầu tiên và nhắc nhiều nhưng mọi sự sắp xếp đều có lí do riêng. Đẹp và thơ là lớp phủ tất cả các tác phẩm của đạo diễn, mở đầu là sự choáng ngợp của cái đẹp và kết thúc là nỗi nhung nhớ cái đẹp đến bảng lảng. Việc xếp đặt cũng muốn đồng dạng với cách thức mà mỹ cảm chốt hạ trong tâm trí người nhìn, vì phim thì đẹp và điều tuyệt nhất cũng cần đúng thời gian để trình bày.

Xem phim của ông, ta ngỡ ngàng với cái đẹp đến không thực, nửa tin nửa ngờ bởi cảnh sắc trong từng khung hình. Ta thảng thốt Hà Nội hình như không đẹp nhường vậy, Sài Gòn xưa cũng chẳng thể thắm đượm đến thế. Cuộc đối sánh, nghi hoặc của tâm trí giữa thực và ảo càng gia cố thêm độ mẫn cảm với mỹ cảm của điện ảnh Trần Anh Hùng. Bối cảnh đầy dấu tích hiện thực nhưng bởi sự xếp đặt ở bố cục, sắc màu, ánh sáng,… đẩy sự duy mỹ thăng hoa, khơi gợi. Ở “Mùa hè chiều thẳng đứng”, khoái cảm hoàn hảo tập kích không chỉ thị giác mà còn ở xúc giác ẩn trong con gà cúng bẻ khớp đẹp đẽ, lớp da căng ních nhưng tuyệt nhiên không rách, bóng đều bởi lớp mỡ hơi khô se do cái nóng rẫy của ngày hạ chí và vàng mượt nổi bật giữa lớp nền lá xanh đậm xào xạc.

Ở “Mùi đu đủ xanh” có sự trong veo như ngọc của vô vàn hạt đu đủ trắng mởn ngày ấu thơ và sự ăn khớp từ áo dài lả lướt từ bức tranh thiếu nữ Đông phương đến một thiếu nữ tên Mùi với sắc đỏ nhóng nhánh, tương xứng đầy thỏa mãn ở thị giác và vén mở hình ảnh phụ nữ có thể giữ được chàng nhạc sĩ hào hoa. Ở khung hình xa của “Xích lô”, những khối hình vuông phủ xanh là những ô cửa các gia đình, xếp cạnh nhau, vuông vức, tương tự ở viền bao nhưng vật dụng và lối xếp đặt tỉ mỉ khắc vào tâm khảm người nhìn một lát cắt đô thị nhịp nhàng nhưng cũng đủ đầy và đa diện ở chiều sâu.

dien anh tran anh hung boi canh mui du du xanh

Tranh Thiếu nữ và Mùi

Màu sắc có lẽ là cách để tính mỹ cảm phim được duy trì nhất quán và hiệu quả. Dường như đạo diễn yêu mê mệt sắc xanh từ lam sang lục và vàng những sắc thái này đầy kiên định ở từng bối cảnh lan từ cây lá, đến tường vôi, lớp sơn phủ đầy ám ảnh,… Bối cảnh phim là cũng là cuộc chơi của xếp đặt sắc màu. Trần Nữ Yên Khê, vợ, diễn viên cũng là người góp công rất lớn xây dựng thế giới thơ mộng của đạo diễn Trần Anh Hùng, luôn không cam lòng trước cách dụng màu sắc chỉ thay đổi sắc độ, dù có thể phù hợp với tổng thể nhưng việc gom kết những sắc màu khôn khéo lại có sự thú vị hơn hẳn. Mắt nhìn được đón nhận sự no đủ của hòa sắc và sự đậm đặc trong chất màu xanh đỏ, xanh vàng, vàng tím,… được dùng luôn là dấu ấn đáng nhớ.

Màu sắc để đáp ứng thị giác và để tuyên cáo những thầm kín sâu xa. Ta nhớ sự đối nghịch của sắc xanh với mảng đỏ chói mắt của hai không gian trong “Mùa hè chiều thẳng đứng”, một ở không gian căn hộ thân thuộc và gian phòng ngập ái tình ám muội của chị cả Sương. Bức tường sơn xanh, không phải sắc xanh ngả vàng của cô út Liên hồn nhiên, cũng không xanh ửng như chị hai Khanh sống giữa hạnh phúc hôn nhân, của chị cả Sương là sắc xanh đậm trầm, cả những quần áo mặc ở không gian đó cùng chung sắc độ, chìm lẫn nhau. Chị cả Sương ở trong vài khung hình thực sự bị nuốt chửng bởi căn nhà. Nhưng khi chuyển qua không gian gian tình tứ, sắc đỏ chói, nồng rực, bồn tắm ngập tính dục, mê đắm, rạo rực và tính thụ động trước đó đảo chiều.

phim dien anh tran anh hung mua he chieu thang dung boi canh

Trích cảnh phim “Mùa hè chiếu thẳng đứng”

mua he chieu thang dung dien anh tran an hung boi canh

Trích cảnh phim “Mùa hè chiếu thẳng đứng”

Xem phim Trần Anh Hùng, ta cảm thức sâu sắc về cái đẹp nao lòng và huyền hoặc. Thật khó để kết thúc khi sự diễn giải vẫn còn chực chờ lần tìm trong tâm trí. Nhưng cái đẹp là một phạm trù rất cá nhân. Việc suy kết hẳn nhiên chỉ nên dừng ở trước ngưỡng, ở một chỉ dấu nho nhỏ, một thế giới đậm đặc tính mỹ cảm, dụng tâm mà xây dựng cần được thực sự chìm đắm. Đẹp, thơ, dịu dàng, duy mỹ,… có chăng nên là những tính từ cần tự cảm và tự được bật thốt hết sức tự nhiên và tự do khi mà thế giới của thực tại cá nhân đột nhiên chạm vào điện ảnh của Trần Anh Hùng bằng nút nhấn “play” ở màn hình và ở lại mãi trong chiều kích của ký ức.

Thực hiện: Saya Nguyễn | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm: 

Bối cảnh siêu thực trong phim Poor Things

Parasite – Bối cảnh xuất sắc làm nên thành công

The New Look: Dấu ấn thời trang qua thiết kế bối cảnh