The Brutalist: Cuộc đấu tranh giữa kiến trúc với chủ nghĩa tư bản

Bối cảnh choáng ngợp của The Brutalist lột tả hành trình khẳng định bản sắc, từ những công trình mang dấu ấn tàn khốc của chiến tranh đến sự tỏa sáng trong phong cách kiến trúc hiện đại của nhân vật László Toth.

Bộ phim The Brutalist khắc họa một cách sâu sắc sự thay đổi về cảm quan thẩm mỹ của kiến trúc nước Mỹ những năm 1950 do đạo diễn Brady Corbet thực hiện, đã xuất sắc chiến thắng 3 hạng mục “Best Actor”, “Best Original Score” và “Best Cinematography” của mùa giải Oscar 2025. Ngay từ khi ra mắt, bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao bởi kịch bản cuốn hút, bối cảnh ấn tượng và tâm lý nhân vật diễn biến phức tạp xuyên suốt thời lượng dài 3 tiếng rưỡi, đào sâu vào sự thỏa hiệp của kiến ​​trúc và cuộc đấu tranh giữa nghệ sĩ và quyền lực tư bản trong giai đoạn tàn khốc thời Hậu chiến.

boi canh phim the brutalist scenery

Ảnh: Tư liệu

The Brutalist theo chân László Toth (Adrien Brody), một kiến trúc sư tài năng người Do Thái gốc Hungary may mắn sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust. Mang theo vết thương chiến tranh và giấc mơ chưa thành hình, László di cư đến Mỹ với hy vọng gây dựng lại cuộc đời từ đống đổ nát. Tại đây, anh đã phải đấu tranh để khẳng định bản sắc, vượt qua định kiến để tìm chỗ đứng cho những công trình mang đậm dấu ấn của mình. Thông qua những cột đá vuông vức và thô sơ, bộ phim đánh dấu bước chuyển lớn của thời đại và thẩm mỹ kiến trúc, từ nghệ thuật trang trí xa hoa, cầu kỳ sang chủ nghĩa hiện đại thô thiển và khắc nghiệt, từ những trải nghiệm đau thương đến mức không thể nào quên trong các trại tập trung Đức Quốc xã sang những ngày tháng khốn khổ phải đấu tranh để bảo vệ lý tưởng và thiết kế.

the brutalist scenery

Ảnh: Tư liệu

Với chiều sâu nội dung choáng ngợp, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi nghe đến ngân sách hạn hẹp của bộ phim – chỉ khoảng 10 triệu đô la. “…có lẽ đây là bộ phim có kinh phí thấp nhất mà tôi từng làm cho đến nay. Vì vậy, việc ý thức rằng phải tập trung tiền vào đâu là một thách thức, mọi thứ phải được thể hiện theo cách kinh tế nhất. Tôi nghĩ rằng điều này mang đến cho tôi cảm giác được giải phóng, sáng tạo linh hoạt và thông minh hơn.” – Judy Becker, nhà thiết kế sản xuất của The Brutalist chia sẻ. 

Nguồn kinh phí hạn chế đòi hỏi bộ phim phải được quay phần lớn tại Hungary thay vì Mỹ. “May mắn cho chúng tôi là bộ phim lấy bối cảnh vào những năm 1950, phù hợp với một số địa điểm trông như bị lãng quên trong quá khứ ở Hungary. Chẳng hạn, khu công nghiệp Budapest trông rất giống với khu công nghiệp Philadelphia của nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn rất khó khăn.” – Judy thừa nhận. Qua đó khẳng định rằng, 12 tuần nỗ lực tìm kiếm những địa điểm phù hợp của đội ngũ xây dựng bối cảnh đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển tải chiều sâu cảm xúc và thành công vang dội của The Brutalist. 

boi canh phim the brutalist scenery

Judy Becker và đội ngũ sản xuất đang thảo luận cho các cảnh quay. Ảnh: Variety

Cùng điểm qua những phân cảnh nổi bật trong bộ phim The Brutalist để khám phá cách nhà thiết kế bối cảnh Judy Becker và đội ngũ của mình tái hiện Hoa Kỳ thời Hậu chiến tại một đất nước hoàn toàn khác. 

Đống than đen – Giai đoạn đầu nhập cư 

Không có gì tượng trưng cho những thử thách và hy vọng của người nhập cư tốt hơn hình ảnh László Toth thất nghiệp, suy sụp và đau khổ đang đào bới một gò than lớn bằng xẻng. László Toth – một con người nhỏ bé và khổ sở trước gò than đen ngòm, ánh nắng gay gắt, mồ hôi nhễ nhại tương phản mạnh mẽ với László Toth – một kiến trúc sư thành danh, sử dụng than củi để phác thảo thiết kế ở những phút cuối của bộ phim. 

the brutalist scenery

Ảnh: Tư liệu

Cùng một vật liệu – than, lại tượng trưng cho hai thái cực – công việc khó khăn nhất mà một người có thể làm và đỉnh cao của sự sáng tạo mà anh ta có thể vươn tới. Sự tàn khốc của thời gian và những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên định hình số phận nhiều hơn là tính toán và ước mơ. Một kiến trúc sư được định hình từ một thế giới bất định, đau khổ và hỗn loạn, cuối cùng cũng trở nên rực rỡ nhưng đầy vết xước. 

boi canh phim phac thao kien truc su scenery

Ảnh: Tư liệu

Quá trình tìm ra bối cảnh cho phân đoạn này cũng rất đặc biệt, là sự tình cờ may mắn nhất của quá trình sản xuất. Trên đường trở về sau khi khảo sát một địa điểm, đội ngũ thiết kế đã nhìn thấy tòa nhà cách đó vài dặm và quyết định đi vòng qua để xem thử. Hình ảnh những đống than ở khắp mọi nơi và tòa nhà thô sơ phía sau nổi bật trên nền đen bồ hóng thực sự mang đến ấn tượng thị giác mạnh mẽ, khiến họ nhận định đây phải là nơi diễn ra cảnh quay mở đầu cho cuộc đời của nhân vật. 

Thư viện – Giai đoạn chuyển mình

Bước ngoặt trong đời László Toth xuất hiện khi anh tình cờ được yêu cầu cải tạo một thư viện cũ trong dinh thự xa hoa của Van Buren – một người đàn ông giàu có. László đã thiết kế lại toàn bộ nội thất của không gian và loại bỏ mái vòm cổ xưa của tòa nhà nguyên bản. Trải qua quá trình biến đổi, thư viện trở nên trống rỗng và tràn ngập ánh sáng, mang đậm thẩm mỹ Brutalism với những đường nét mạnh mẽ và dứt khoát, đóng vai trò giải phóng tài năng và phong cách riêng của nhân vật. Và tất nhiên, chính Judy Becker đã xây dựng bối cảnh này. Cô đã tạo ra một mô hình thu nhỏ và sắp đặt vị trí máy ảnh một cách kỹ lưỡng, truyền tải góc nhìn khai phóng và rộng mở tối đa là ý tưởng chính cho phân cảnh này. “Để làm cho mọi thứ trở nên khác biệt so với kiến trúc cũ, tôi chọn phát triển không gian thành hình chữ V hướng về phía cửa sổ, tạo nên tác phẩm tối giản tuyệt đẹp giữa bóng đổ và ánh sáng.

the brutalist scenery

Ảnh: Tư liệu

Cuối phân đoạn, thiết kế tâm huyết của László Toth bị người chủ giàu có nhận định là mảnh rác phá hủy ngôi nhà, cho thấy sự đối đầu triệt để không chỉ của hình thức không gian mà còn của thế giới quan. Bản chất kiến ​​trúc của nhân vật chính bắt nguồn từ lý tưởng Chủ nghĩa hiện đại, quét sạch kiến ​​trúc cũ được xây dựng cho người giàu để tạo ra các tác phẩm tinh giản và thẩm mỹ tinh xảo cho một thế giới dân chủ.

Nhà nguyện – Bộc lộ bản sắc và đấu tranh 

Khi Van Buren cuối cùng cũng nhận ra giá trị của thư viện mới do László Toth cải tạo (bản thân ông ta không tự nhận ra mà vì hình ảnh của thư viện được đăng trên một tạp chí nổi tiếng), ông đã giao cho László thiết kế trung tâm văn hóa và nhà nguyện để tưởng nhớ mẹ, với tầm nhìn ra thị trấn Pennsylvania. Đây là lúc bộ phim của Brady Corbet mở ra hiện thực thế giới đáng ghét và tham nhũng của tư bản, dùng mọi bản ngã và quyền lực lấn át nguồn lực của một kiến ​​trúc sư tài ba.

boi canh phim the brutalist scenery

Ảnh: Tư liệu

Thử thách đầu tiên của nhân vật chính trong hành trình này là chuyến đi đến Carrara, Ý để nghiên cứu và tìm nguồn vật liệu cho dự án hoành tráng có phần bất khả thi. Cảnh quan hùng vĩ của thị trấn khai thác đá cẩm thạch trắng lớn nhất thế giới đã mang đến cho bộ phim một chiều không gian siêu thực. “Carrara là một trong những nơi kỳ lạ nhất mà tôi từng đến trên hành tinh này. Nó đẹp đến kinh ngạc nhưng thực sự mang cảm giác nguy hiểm.” – Brady Corbet chia sẻ về bối cảnh này. 

Để tái hiện chính xác cảm giác to lớn và đe dọa mà Carrara mang lại, đoàn làm phim đã sử dụng trường nhìn Vistavision – một hệ thống quay phim được phát triển bởi hãng Paramount Pictures vào đúng những năm 1950. Hệ thống này sử dụng khổ film 35mm nhưng có chiều ngang lớn hơn, giúp tăng cường độ phân giải và độ rõ nét của hình ảnh. “Nếu chúng tôi sử dụng máy quay 35mm thông thường, sẽ không thể bắt được khoảnh khắc lối vào kéo dài từ trần đến sàn. Hình ảnh đầu tiên cho người xem nhìn thấy toàn bộ vẻ đẹp của đá cẩm thạch nhưng không có cảm giác về quy mô. Sau đó, những hình ảnh tiếp theo về cảnh vật bên ngoài hang động sẽ khiến họ phải thán phục.” – đạo diễn Brady Corbet giải thích về nguyên lý và kỹ thuật của cảnh quay.

the brutalist scenery

Ảnh: Tư liệu

Sau khi dự án xây dựng Nhà nguyện được Van Buren, László Toth chính thức bắt đầu hành trình đấu tranh chống lại sự can thiệp vào thiết kế, sự khinh thường đối với chuyên môn và sự tham nhũng của cả một hệ thống. Ông nhận ra rằng thành công trước đây của mình với tư cách là một kiến ​​trúc sư trẻ tuổi ở Hungary thời tiền chiến hoàn toàn trái ngược với vai trò suy yếu của một kiến trúc sư ở nước Mỹ thời hậu chiến. Ở đây, những kẻ buôn bán và làm ăn không có ý niệm về văn hóa mà chỉ có tiền; không có ý niệm về thiết kế mà chỉ có lợi nhuận. Kiến trúc chỉ được coi là một mặt hàng của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

boi canh phim the brutalist scenery

Ảnh: Tư liệu

Diễn biến tâm trạng phức tạp của nhân vật chính trong trường đoạn dài nhất này được khắc họa qua hình ảnh trực quan u ám. Toàn bộ cảnh quay của The Brutallist được thực hiện vào thời điểm chạng vạng, trong điều kiện gần như không chiếu sáng. Rất nhiều lần tập dượt và thay đổi bối cảnh để phục vụ cho khoảng 30 phút quay mỗi ngày. Tất cả được lên lịch một cách kỹ lưỡng để bắt trọn chất lượng ánh sáng độc nhất trong khoảng 10 đến 12 phút. 

the brutalist scenery

Ảnh: Tư liệu

Kết quả cho những cố gắng đấu tranh của László Toth là một công trình Nhà nguyện tinh tế với cây thánh giá phát sáng vào một thời điểm cụ thể trong ngày. Lấy cảm hứng từ Nhà thờ Ánh sáng của kiến trúc sư người Nhật Bản Tadao Ando, Judy Becker đã tạo nên một bối cảnh toàn bê tông và không có cửa sổ. Ánh sáng sẽ làm cho cây thánh giá hiện lên, sánh ngang với những gì vật liệu không thể. “Ánh sáng có thể thay thế hàng tấn bê tông bằng cách chiếu rọi những gì không có trong hình dạng vật chất.” – cô chia sẻ về cảm hứng tạo nên bối cảnh này. 

boi canh phim tho moc tadao ando scenery

Ảnh: Tư liệu

The Brutalist mang đến góc nhìn mới lạ, chân thực đến mức đáng sợ của  phong cách Brutalism những năm 1940 và 1970. Khi đó, kiến ​​trúc không chỉ là một phong cách đơn thuần mà luôn phản ánh những căng thẳng của xã hội nơi nó tồn tại, cũng như sự phức tạp đáng kinh ngạc của tình hình thế giới.

Thực hiện: Thùy Như 


Xem thêm: 

Wicked và bối cảnh thần tiên xứ Oz

Bối cảnh nghệ thuật trong phim The Taste of Things

Bối cảnh siêu thực trong phim Poor Things