Trong năm 2024 vừa qua, một trong những bộ phim Hollywood được công chúng chú ý nhiều nhất là Wicked, với kịch bản được phát triển từ câu chuyện kể lại theo góc nhìn mới của nhà văn Gregory Maguire, lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết kinh điển Phù thủy xứ Oz (1900) của L. Frank Baum. Phiên bản điện ảnh mới nhất tiếp tục khai thác một góc nhìn nhân văn hơn về nhân vật phản diện trong câu chuyện gốc – Phù Thủy Phương Tây.
Sự thành công của bộ phim ngoài cốt truyện mới mẻ, còn đến từ thiết kế bối cảnh. Những khung cảnh thần tiên và tráng lệ của Xứ Oz được dàn dựng một cách công phu và tinh xảo, đưa khán giả bước vào thế giới trong câu chuyện cổ tích quen thuộc thông qua màn ảnh rộng. Tại lễ trao giải Oscar 2025, bộ phim đã giành được hai giải thưởng, trong đó có Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất.
Nhà thiết kế Nathan Crowley chia sẻ: “Dù đã tham gia nhiều dự án tầm cỡ, nhưng Wicked là bộ phim lớn nhất mà tôi từng thực hiện.” Từng theo học ngành kiến trúc, Nathan lấy cảm hứng từ các phong cách kiến trúc để dựng lên những tòa nhà và cảnh quan của bộ phim. Vì vậy, bộ phim gây được ấn tượng ngay lập tức đến những người yêu thích thiết kế bằng bối cảnh hoành tráng và bắt mắt.
Ảnh: Universal Pictures
Munchkinland – Vùng đất rực rỡ sắc màu
Mở đầu bộ phim, khán giả được đưa đến Munchkinland, nơi có những cánh đồng tulip bạt ngàn và con đường lát gạch vàng biểu tượng của xứ Oz. Tại đây, những người Munchkin đang tưng bừng ăn mừng cái chết của Phù Thủy Phương Tây. Tuy nhiên, niềm vui ấy chỉ là khởi đầu, bởi bộ phim nhanh chóng đưa người xem quay ngược thời gian để khám phá câu chuyện quá khứ của Elphaba – cô bé có làn da xanh từng bị hiểu lầm và bắt nạt, rồi dần trở thành phù thủy đáng sợ nhất xứ Oz.
Tổng cộng 9 triệu bông tulip được trồng riêng cho bộ phim. Ảnh: Universal Pictures
Con đường gạch màu vàng ươm dẫn đến Munchkinland. Ảnh: Universal Pictures
Khung cảnh người Munchkin hát mừng cái chết của phù thủy Elphaba. Ảnh: Universal Pictures
Bối cảnh được dựng trên khu đất rộng 6,8 mẫu Anh trong một trang trại ở Ivinghoe, Anh. Ngôi làng Munchkinland lên như một bức tranh đầy màu sắc, với những ngôi nhà tường vữa và mái lợp rơm mang hình dáng tựa những chiếc mũ phù thủy. Trung tâm ngôi làng giống một lăng kính vạn hoa, với các ngôi nhà được sơn bằng những gam màu sặc sỡ và cửa ra vào chạm khắc hình hoa tulip. Chợ phiên ngập tràn vải vóc và cuộn chỉ len màu sắc và thậm chí, những món ăn cũng được làm từ hoa tulip.
Nathan Crowley đã tận dụng chính những bông tulip để làm phần mái cho các căn nhà của người Munchkin. Ảnh: Nathan Crowley
Trường phép thuật Shiz – Sự giao thoa giữa nhiều phong cách kiến trúc
Đại học Shiz, nơi Glinda và Elphaba lần đầu gặp nhau, là một công trình đồ sộ mất 20 tuần để xây dựng. Ngôi trường mang vẻ đẹp độc đáo nhờ sự kết hợp giữa phong cách Italianate và kiến trúc Moorish.
Ảnh: Nathan Crowley
Vì Oz tồn tại trước khi con người bắt đầu sử dụng động vật làm phương tiện di chuyển, ở Shiz không có xe ngựa mà thay vào đó, sinh viên đến trường bằng thuyền.
Đoàn làm phim đã dựng một bể nước khổng lồ mô phỏng khu vực bến tàu để phục vụ cho cảnh sinh viên đến trường.
Lối vào trường nổi bật với cổng vòm khổng lồ, dẫn đến khu sân trung tâm (quad), là một khoảng không gian mở với ban công bao quanh, kết nối đến các khu vực khác trong trường. Thiết kế này được lấy cảm hứng từ các công trình kiến trúc đồ sộ của White City – khu đô thị tân cổ điển được xây dựng cho Hội chợ Thế giới Chicago năm 1893.
Một trong những điểm nhấn đặc sắc nhất của Shiz chính là thư viện rộng lớn với những mái vòm cao vút. Đây cũng là nơi diễn ra cảnh nhảy múa hoành tráng “Dancing Through Life”, do hoàng tử Fiyero (Jonathan Bailey thủ vai) thể hiện. Để làm nổi bật sự kỳ ảo của không gian này, Nathan Crowley đã thiết kế những giá sách khổng lồ có thể xoay tròn, tạo hiệu ứng như hoạt động của những bánh răng trong một chiếc đồng hồ quả lắc.
Ảnh: Nathan Crowley
Ảnh: Giles Keyte
Phân cảnh “Dancing Through Life” ấn tượng. Ảnh: Universal Pictures
Những chiếc tủ đồ di động của Glinda
Trong ký túc xá tại Shiz University, không gian lưu trữ quần áo vốn đã hạn chế, nhưng Glinda có cách tận dụng đặc biệt, sử dụng những chiếc vali làm tủ đồ di động. Khi mở ra, mỗi chiếc rương, vali hay hộp đựng đều có hiệu ứng chuyển động độc đáo, như thể chúng đang tự sắp xếp đồ đạc bên trong. Khi tất cả vali được mở hết, căn phòng ngập tràn sắc hồng, bao quanh Glinda và Elphaba như một mê cung thời trang.
Dù đồ đạc của Glinda chiếm trọn căn phòng, tổng thể không hề tạo cảm giác rối mắt nhờ sự cân bằng trong thiết kế. Trần nhà vòm được trang trí với họa tiết thực vật, cửa sổ hình cánh hoa, những mảng gỗ ấm áp và lò sưởi trong phòng giúp trung hòa gam màu hồng chủ đạo. Phong cách trang trí mang đậm tinh thần Barbiecore, với điểm nhấn là chiếc đèn ngủ hình hoa tulip và gương trang điểm làm từ thủy tinh Murano hồng, tạo nên một không gian vừa sang trọng vừa đầy màu sắc.
Ảnh: Nathan Crowley
Ảnh: Nathan Crowley
Chuyến tàu màu lục bảo đến Oz
Trong phim, Elphaba và Glinda cần một phương tiện di chuyển từ Shiz đến Thành phố Ngọc Lục Bảo trong ca khúc “One Short Day”. Để phù hợp với bối cảnh kỳ ảo của Oz, nhóm thiết kế đã tạo ra một đoàn tàu đặc biệt – không chạy bằng hơi nước như tàu hỏa thông thường mà vận hành bằng hệ thống bánh răng cơ học.
Ảnh: Universal Pictures
Ảnh: Nathan Crowley
Nathan Crowley đã lấy cảm hứng từ những cỗ máy tự động tinh xảo thời Louis XV và các phát minh cơ khí của ảo thuật gia kiêm thợ đồng hồ Jean-Eugène Robert-Houdin. Kết quả là một đoàn tàu dài 32m, nặng khoảng 16 tấn, được chế tạo như một đầu máy thực sự. Con tàu này chạy xuyên qua cánh đồng lúa mạch, tái hiện khung cảnh đặc trưng của miền Trung Tây nước Mỹ.
Ảnh: Universal Pictures
Thành phố Ngọc Lục Bảo: Biểu tượng huyền ảo và nguy nga của xứ Oz
Khi bắt tay vào thiết kế Thành phố Ngọc Lục Bảo, Nathan Crowley muốn nơi đây trở thành biểu tượng của xứ Oz—một viên ngọc lục bảo khổng lồ, huyền bí và kỳ ảo. Toàn cảnh thành phố được dựng bằng CGI, với những bản vẽ chi tiết giúp tái hiện từng đường cong và bề mặt lấp lánh của đô thị này. Tuy nhiên, một số phần của bối cảnh cũng được xây dựng thực tế, với những công trình cao gần 14m. Một lần nữa, bối cảnh dựa theo phong cách của White City tại Chicago Hội chợ Thế giới Chicago năm 1893 để tạo nên những hình khối mạnh mẽ cùng hoa văn trang trí tỉ mỉ, thể hiện sự lộng lẫy của thành phố này.
Ảnh: Giles Keyte
Ảnh: Nathan Crowley
Khu vực đầu tiên của thành phố là một khu chợ sầm uất với các cửa hàng thời trang và quầy hàng rong. Một cổng vòm lớn dẫn vào Wizamania- sân khấu hoành tráng với điểm nhấn là đài phun nước khổng lồ, mở ra như một bông hoa đang nở. Đây là nơi trình diễn ca khúc “One Short Day”, kể lại lịch sử của Phù Thủy xứ Oz.
Ảnh: Universal Pictures
Ảnh: Nathan Crowley
Cung điện Phù Thủy huyền bí và đầy uy quyền
Các cột trụ khổng lồ trong Cung điện Phù Thủy được xây dựng theo kỹ thuật “phối cảnh cưỡng bức” để tạo cảm giác không gian rộng lớn hơn thực tế. Bên trong cung điện có Đại Sảnh đường đồ sộ và Phòng Ngai Vàng nguy nga như một nhà thờ lớn, nơi Phù Thủy ẩn mình sau tấm màn che để chuẩn bị cho một bất ngờ đặc biệt. Phần lớn bối cảnh này được xây dựng thực tế để giúp diễn viên nhập vai tốt hơn.
Nathan Crowley giải thích: “Chúng tôi cần tạo ra một không gian đủ ấn tượng để các diễn viên thực sự cảm nhận được sự uy nghiêm của nơi này. Họ sắp gặp Phù Thủy—nên khung cảnh phải khiến họ choáng ngợp và có phần sợ hãi.” Ảnh: Universal Pictures
Khi Elphaba và Glinda bước vào Phòng Ngai Vàng, một chiếc đầu máy khổng lồ cao 6m xuất hiện từ sau tấm màn. Vì nam diễn viên Jeff Goldblum đảm nhận vai Phù Thủy, nên bức tượng cơ khí khổng lồ trong phim cũng được tạo hình dựa trên khuôn mặt của ông. Nhóm thiết kế đã sử dụng công nghệ quét 3D để tái tạo từng đường nét trên gương mặt Goldblum. Bức tượng được vận hành bằng hệ thống thủy lực, giúp nó thay đổi biểu cảm và có khả năng tương tác trực tiếp với cảnh phim. Một người điều khiển rối sẽ trực tiếp kiểm soát các chuyển động của nó, khiến hình ảnh Phù Thủy trở nên sống động như thật.
Phòng Ngai Vàng. Ảnh: Nathan Crowley
Bức tượng mô phỏng gương mặt của Jeff Goldblum. Ảnh: Nathan Crowley
Thực hiện: Bảo Trân
Xem thêm:
Bối cảnh siêu thực trong phim Poor Things