Cái tên Shibori xuất phát từ từ tiếng Nhật “shiboru”, có nghĩa là nén, vắt hoặc bóp. Đây là một kỹ thuật nhuộm giống tie-dye nhưng đòi trình độ thủ công cao, với quy trình vò hoặc buộc các phần vải ngẫu nhiên để tạo ra các vùng cản sau đó nhúng vào dung dịch màu. Điều làm Shibori trở nên độc đáo là cách tiếp cận có chủ ý và có kiểm soát hơn. Thông qua các kỹ thuật gấp, khâu, kẹp và buộc chặt, bạn có thể tạo ra các mẫu họa tiết theo ý muốn.
Khác với kiểu nhuộm tie-dye phổ biến tại Mỹ vào thập niên 60-70 có họa tiết tương đối ngẫu hứng và nhiều màu sắc, Shibori tập trung vào việc tạo ra những hoa văn phức tạp hơn với phẩm nhuộm chủ yếu từ chàm tự nhiên, tạo ra phối màu trắng-xanh cổ điển. Theo dòng chảy của thời gian, người ta đã kết hợp đặc tính của hai kĩ thuật nhuộm trên để cho ra đời Iro Iro Shibori, nghĩa là những tấm vải có hoa văn cầu kì và rực rỡ.
Shibori có 6 kiểu họa tiết chính:
Arashi: Được tạo ra bằng cách quấn vải quanh một thanh hoặc ống tròn sau đó nén hai đầu trước khi ngâm vào thuốc nhuộm.
Itajime: Kiểu nhuộm được thực hiện bằng cách gấp gọn tấm vải và nẹp chặt phần không muốn nhuộm bằng hai tấm vật liệu cứng trước khi ngâm vào phẩm màu.
Kanopo: Thực hiện bằng cách kẹp, xoắn và buộc chặt các phần nhỏ của vải bằng dây để tạo nên các đốm màu.
Kumo: Kĩ thuật tương tự như Kanopo nhưng họa tiết hoàn thiện có kích thước lớn, trông giống mạng nhện hoặc đám mây.
Miura: Họa tiết đốm nhỏ chặt chẽ và có bố cục, được tạo thành bằng kim móc.
Nui: Là mẫu Shibori phức tạp nhất, đòi hỏi kĩ thuật may vá thủ công cao để có thể tạo hình theo ý muốn bằng cách khâu và rút chỉ trước khi nhuộm.
Vốn được sử dụng làm chất liệu may trang phục, vải Shibori ngày nay đã được mở rộng phạm vi ứng dụng trong thiết kế đồ trang trí nhà cửa, từ những chiếc khăn trải bàn, rèm cửa cho đến vải bọc nội thất. Sức hấp dẫn của nó nằm ở khả năng rút ngắn khoảng cách giữa thiết kế truyền thống và hiện đại, tạo điểm nhấn nghệ thuật thủ công cho ngôi nhà.
Vẻ đẹp của Shibori nằm ở những họa tiết độc đáo và phối màu dễ chịu nhưng chúng có thể gây choáng ngợp nếu sử dụng quá mức. Nắm bắt những cách phối hợp màu sắc cơ bản có thể giúp bạn đưa Shibori vào không gian sống một cách hòa nhã.
Chi tiết đáng giá của vải nhuộm Shibori là những họa tiết. Khi lựa chọn vải để bọc nội thất hay trang trí nhà cửa, hãy chú ý để lựa chọn thể hiện phần đẹp nhất của những đường vân nhuộm độc đáo.
Thực hiện: Hoàng Lê
Xem thêm
Vũ Thảo – Lấy thiết kế làm nền cho chất liệu thăng hoa