Ảnh hưởng từ nghệ thuật bất khả của M. C. Escher trong thiết kế đương đại | RE-visualize

Những cấu trúc không tưởng và nghịch lý thị giác trong các tác phẩm của họa sĩ Hà Lan M.C. Escher mở ra một ngôn ngữ thiết kế mới, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều lĩnh vực thiết kế.

Maurits Cornelis Escher (1898-1972) thường được biết đến với cái tên M.C. Escher, là nghệ sĩ đồ họa người Hà Lan nổi tiếng với những tác phẩm mang tính toán học và ảo ảnh thị giác. Tuy không được đào tạo chính quy về toán học, nhưng Escher vẫn có thể tạo ra một ngôn ngữ hình ảnh độc đáo, nơi những cấu trúc không tưởng, những motif lặp lại vô hạn và những chuyển đổi không gian trở nên sống động đến đáng kinh ngạc.  

mc escher hoa si do hoa

Họa sĩ M. C. Escher. Ảnh: Tư liệu

Người vẽ những bậc thang vô tận 

Các tác phẩm nổi tiếng của M. C. Escher như Relativity (1953), Waterfall (1961), và Ascending and Descending (1960) đã thách thức nhận thức của người xem về không gian và hiện thực. Thế giới trong tranh của ông là sự hòa quyện giữa toán học, nghệ thuật và ảo ảnh thị giác, nơi những không gian kiến trúc tồn tại theo những quy luật vật lý phi logic.

Một trong những dấu ấn quan trọng nhất của M. C. Escher là việc phát triển các mẫu họa tiết tessellation (lát phẳng) phức tạp. Đây là kỹ thuật lấp đầy một mặt phẳng bằng các hình dạng lặp lại mà không có khoảng trống hay chồng chéo. Ông đã nâng kỹ thuật này lên một tầm cao mới khi tạo ra những hình mẫu lặp lại dưới dạng các sinh vật sống như chim, cá, bò sát và con người. Những tác phẩm như Sky and Water I (1938) hay series Metamorphosis cho thấy sự chuyển đổi tinh tế giữa các hình dạng, từ những hình học trừu tượng thành những sinh vật sống động. 

mc escher hoa tiet do hoa

Các tác phẩm tessellation của ông được khởi nguồn từ những hoa văn hình học phức tạp của nghệ thuật hồi giáo, được ông bắt gặp trong chuyến thăm cung điện Alhambra ở Granada, Tây Ban Nha vào năm 1922 và 1936. Ảnh: Phác thảo trong sổ tay của M. C. Escher.

Không chỉ những tác phẩm của mình mới tồn tại những nghịch lý, sự nghiệp của M.C. Escher cũng là một sự mâu thuẫn thú vị. Ông từng là một học sinh kém môn toán nhưng những tác phẩm của ông lại được cộng đồng toán học, vật lý học và khoa học ngưỡng mộ, thường được sử dụng để minh họa các khái niệm toán học phức tạp. Trong khi đó, với nghệ thuật, ông sáng tạo nên phong cách độc đáo phi truyền thống, không bị ràng buộc bởi các quy tắc hàn lâm. Tuy nhiên, ông lại không được giới nghệ sĩ đương thời đánh giá cao. Mãi đến những năm 1950-1960, tác phẩm của ông mới được công chúng chú ý.

Relativity ao anh thi giac op art

Tác phẩm Relativity.

Hiệu ứng M.C. Escher vượt xa ranh giới của nghệ thuật thuần túy. Sức ảnh hưởng của M.C. Escher vượt xa ranh giới của nghệ thuật thuần túy. Trong thế giới thiết kế hiện đại, triết lý và kỹ thuật của ông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều lĩnh vực. Năm 1953, M. C. Escher giới thiệu tác phẩm Relativity, mô tả một không gian với nhiều cầu thang, hành lang và con người di chuyển. Điểm thú vị của không gian này là các định luật vật lý trong đời sống dường như không tồn tại. Mỗi cầu thang trong tranh có hai nguồn trọng lực khác nhau, tạo nên một khung cảnh sinh hoạt sống động và phức tạp khiến người xem không thể rời mắt. 

Ascending and Descending nghe thuat thi giac op art

Tác phẩm Ascending and Descending.

Yếu tố bất khả thi trong không gian của M. C. Escher một lần nữa được thể hiện qua tác phẩm Ascending and Descending, được giới thiệu năm 1960, chịu ảnh hưởng của khái niệm cầu thang liên tục Penrose do cha con nhà toán học Lionel và Roger Penrose đặt ra một năm trước đó. Điểm chung của RelativityAscending and Descending là cả hai dường như đưa những nhân vật trong tranh và người xem vào một vòng lặp và mê cung không lối thoát. 

escher nghe thuat thi giac belvedere house of stairs

Ảnh từ trái sang: Tác phẩm Belvedere (1958) có nhân vật ngồi trên băng ghế đang cầm một cấu trúc bất khả thi. Tác phẩm House of Stairs (1951) ra đời trước Relativity hai năm, được vẽ với hiệu ứng mắt cá.

Sức ảnh hưởng vượt lằn ranh

Trong kiến trúc, nhiều công trình có những điểm tương đồng với không gian bất tận trong các tác phẩm của M. C. Escher. Tòa nhà La Muralla Roja tại Tây Ban Nha do kiến trúc sư Ricardo Bofill thiết kế, được hoàn thành năm 1973, có vẻ ngoài trông giống một pháo đài với những những đường nét vuông vức. Bên trong, kiến trúc sư tạo nên một mê cung với hệ thống bậc thang chằng chịt. Trong một dự án chụp ảnh tại đây, nhiếp ảnh gia kiến trúc Sebastian Weiss nhận định vẻ đẹp khó hiểu và phi lý của tòa nhà làm anh nhớ đến M. C. Escher. 

sebastian weiss La Muralla Roja cau thang kien truc squid game

Hệ thống cầu thang bên trong La Muralla Roja. Ảnh: Sebastian Weiss

escher La Muralla Roja cau thang kien truc squid game

Trong series phim Hàn Quốc nổi tiếng Squid Game, đạo diễn Hwang Dong Hyuk lấy cảm hứng đồng thời công trình La Muralla Roja và tác phẩm Relativity của M. C. Escher cho phân cảnh mê cung cầu thang. Ảnh: Tư liệu

Caroline Spivack the vessell kien truc me cung

Tòa nhà 16 tầng The Vessel tại New York do Thomas Heatherwick thiết kế cũng là một ví dụ thú vị thể hiện sự tương đồng với tác phẩm của M. C. Escher. Cấu trúc các bậc thang lên xuống tạo motif tổ ong với hình dáng tổng thể giống một chiếc bình hoa, mang đến trải nghiệm thị giác về một vòng lặp bất tận trong không gian. Ảnh: Caroline Spivack

escher kien truc noi that dream maze studio 10

Dự án nhà khách Dream and Maze tại Trung Quốc do văn phòng Studio 10 thiết kế lấy cảm hứng từ các tác phẩm của M. C. Escher, gợi nhớ đến công trình La Muralla Roja qua thiết kế lan can cầu thang. Hai gam màu chủ đạo của công trình là hồng pastel tượng trưng cho những giấc mơ ngọt ngào và xanh lá cây đại diện cho những khu rừng thần bí. Ảnh: Chao Zhang

Năm 2019, văn phòng Nendo thiết kế triển lãm Escher X nendo: Between Two Worlds với không gian trưng bày dựa trên yếu tố vô cực trong các sáng tác của họa sĩ người Hà Lan. Các sắp đặt hồi đáp các tác phẩm của M. C. Escher, tạo nên một cuộc đối thoại giữa hai thế hệ con người, không gian 2D và 3D, để đi tìm giao điểm giữa tính khả thi và bất khả thi. 

Escher X nendo: Between Two Worlds trien lam op art danh lua thi giac

Ảnh: Takumi Ota

Trong điện ảnh, M. C. Escher cũng là một nguồn cảm hứng dồi dào và phong phú cho các nhà làm phim. Có thể dễ dàng bắt gặp mê cung Relativity trong các bộ phim Labyrinth (1986), Harry Potter and the Sorcerer’s Stone (2001) hay trên poster của Night at the Museum: Secret of the Tomb (2014). Với Inception (2010), ta bắt gặp Ascending and Descending trong phân đoạn nhân vật Arthur dạy Ariadne về những nghịch lý tại cầu thang với góc máy di chuyển từ trên xuống, mang đến trải nghiệm đánh lừa thị giác. 

labyrinth david bowie boi canh cam hung escher

Phim Labyrinth.

Night at the Museum: Secret of the Tomb phim boi canh poster

Poster phim Night at the Museum: Secret of the Tomb.

Harry Potter and the Sorcerer’s Stone canh phim boi canh

Phim Harry Potter and the Sorcerer’s Stone.


Inception không phải bộ phim duy nhất Christopher Nolan lấy cảm hứng từ M. C. Escher. Trong một bài phỏng vấn với The Daily Beast khi Interstellar mới ra mắt, ông nói: “Tôi cảm thấy được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ các bản in của M. C. Escher và những giao điểm thú vị, hay nói cách khác là cách ông xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật, khoa học và toán học.” 

interstellar boi canh phim christopher nolan

Phân cảnh tesseract trong Interstellar.

Không khai thác về mặt thị giác, Interstellar lấy cảm hứng từ nghệ thuật uốn nắn tâm trí của M.C. Escher, đặc biệt là khám phá nhiều chiều không gian và những công trình bất khả thi, được thấy trong các cảnh như tesseract và Cooper Station. Tương tự với bộ phim The Matrix (1999), chi tiết lấy cảm hứng từ Escher không đến từ trang của họa sĩ. Đoạn thoại nổi tiếng lấy cảm hứng từ câu chuyện về một con rùa và nhà triết học Aristotle uống những lọ chất lỏng màu xanh và đỏ để ra vào các bức vẽ mê cung của Escher trong cuốn sách từng đoạt giải Pulitzer Gödel, Escher, Bach: An Eternal Golden Braid (1979) của tác giả Douglas R. Hofstadter. 

Hand with Reflecting Sphere 1935 escher the matrix

“Chọn viên thuốc xanh và mọi chuyện sẽ chấm dứt. Uống viên thuốc đỏ và ở lại vùng đất diệu kì, rồi tôi sẽ cho anh thấy chiếc hố thỏ sâu đến nhường nào.” -Morpheus nói với Neo. Ảnh phải: Hand with Reflecting Sphere (1935)

lord of the rings boi canh mines of moria procession in a crypt boi canh

Trong bộ phim The Lord of the Rings (2001), nhà thiết kế sản xuất Grant Major lấy cảm hứng cho phân đoạn Mines of Moria từ tác phẩm Procession in a Crypt (1927) của M. C. Escher.

Sức ảnh hưởng của kiến trúc bất khả trong thế giới của M. C. Escher còn lan rộng sang lĩnh vực thiết kế game. Ra mắt năm 2013, trò chơi giải đố Monument Valley với đồ họa 3D và bảng màu rực rỡ, đưa người chơi bước vào hành trình khám phá vùng đất thần tiên cùng nhân vật công chúa Ida qua những tòa nhà lấy cảm hứng từ Waterfall (1961), Ascending and Descending hay Belvedere (1958). 

monument valley game escher do hoa 3d

Ảnh: Monument Valley

Phức tạp hơn với trải nghiệm góc nhìn thứ nhất, Manifold Garden tái hình dung không gian và vật lý trong một trò chơi nhập vai giải đố. Giám đốc dự án William Chyr cho biết, trò chơi lấy cảm hứng từ nhiều bộ phim sci-fi như Inception, Blade Runner, 2001: A Space Odyssey, kiến trúc của Frank Lloyd Wright và Tadao Ando, nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lại đến từ M. C. Escher với quy luật vật lý bất khả. Thậm chí, nó còn được coi là ẩn dụ cho công trình khám phá vật lý của nhân loại trong 400 năm. 


Manifold Garden khong gian tro choi 3d danh lua thi giac op art escher

Đồ họa của game dựa trên những bản vẽ kiến trúc vintage. Ảnh: Manifold Garden

diablo 2 Lord of Destruction Arcane Sanctuary waterfall another world 2 escher

Trong các phiên bản từng ra mắt của tựa game nhập vai ăn khách Diablo, phần II Lord of Destruction được xem là thành công nhất. Tại phân cảnh tại Arcane Sanctuary, nhóm thiết kế đã kết hợp sự không tưởng trong không gian từ kiến trúc của Waterfall và phông nền vũ trụ của Another World II.

Sức ảnh hưởng của M. C. Escher đến ngành thiết kế thời trang hầu hết đến từ họa tiết tessellation, kinh điển nhất là những thiết kế của Alexander McQueen trong bộ sưu tập thu/đông 2009. Cánh chim vốn là motif ưa thích của nhà thiết kế quá cố, lấy cảm hứng từ bộ phim kinh dị The Birds (1963) của Alfred Hitchcock, xuất hiện lần đầu tiên trong bộ sưu tập cùng tên ra mắt năm 1995. Trong bộ sưu tập The Horn of Plenty, ông đã dựa trên các bức vẽ về động vật, chẳng hạn như Sky and Water, Day and Night, để kết hợp họa tiết răng sói và cánh chim trên những thiết kế ấn tượng.

alexander mcqueen bird escher day night sky water nghe thuat op art

Ảnh trái từ trên xuống: Day and Night (1938), Sky and Water I.

Sphere Spirals ecscher jean paul gaultier couture spring 2018

Trong bộ sưu tập haute couture xuân/hè 2018 tôn vinh nghệ thuật đánh lừa thị giác, Jean Paul Gaultier lấy những dải ruy băng trong các tác phẩm của Escher như Bond of Union, Rind, hay Sphere Spirals làm ý tưởng chủ đạo. Ảnh giữa: Sphere Spirals (1958)

Thương hiệu đồ nội thất IKEA được biết đến không chỉ qua thiết kế hiện đại với giá thành bình dân mà còn bởi cách họ cho khách hàng trải nghiệm tự lắp ráp mọi thứ tại nhà. Năm 2013, họ giới thiệu một chiến dịch quảng cáo giả định các sản phẩm do Escher thiết kế, đạt hiệu ứng lan truyền nhanh. Đồ vật phi lý được làm từ cấu kiện phi lý, tính bất khả đặc trưng của Escher thể hiện ngay trên những bảng hướng dẫn lắp ráp và áp phích quảng cáo sản phẩm. 

ikea paradox do noi that mc escher

Ảnh: IKEA

Không dừng lại ở đó, năm 2020, IKEA tiếp tục tung ra một chiến dịch quảng cáo tại Ả Rập Saudi với slogan “There is always room for change” vào mùa dịch Covid đầu tiên. Lấy cảm hứng từ tác phẩm Metamorphosis I. Mỗi hình lục giác trên áp phích là một căn phòng thoạt nhìn giống nhau nhưng nếu nhìn kĩ, bạn sẽ phát hiện sự khác biệt trên từng món đồ nhỏ. Chiến dịch ra đời dựa trên nghiên cứu rằng sở thích trang trí nhà cửa tăng cao khi con người buộc phải ở nhà, biến nơi ở thành lớp học hay văn phòng. Không lấy làm ngạc nhiên khi doanh số toàn cầu của hãng tăng đến 6.6% trong năm 2020-2021.

Metamorphosis I escher ikea campaign do hoa

Ảnh trên: Metamorphosis I

Mặc dù không phổ biến như Relativity, Ascending and Descending hay Sky and Water, nhưng tác phẩm Another World II (1947) cũng có sức ảnh hưởng không hề kém cạnh. Năm 1976, nhạc sĩ Mike Oldfield phát hành album Boxed với bìa đĩa lấy cảm hứng từ cấu trúc lập phương lênh đênh giữa thiên hà. Không gian này cũng là nền tảng để họa sĩ Patrick Hughes sáng tác loạt tranh ảo ảnh quang học trứ danh trên bề mặt nổi khối như Sticking-out Room, loạt tranh Venice, Pop Goes the Easel

another world ii mike oldfield patrick hughes

Ảnh trên: Tác phẩm Medley (2002) của Patrick Hughes. Ảnh trái dưới: Bìa đĩa Boxed của Mike Oldfield. Ảnh phải dưới: Tác phẩm Another World II của M. C. Escher.

Trong thế giới sáng tạo ngày nay, tinh thần của M.C. Escher vẫn mang một sức sống mãnh liệt. Mỗi đường nét uốn lượn, hình mẫu lặp vô tận, hay khám phá về sự chuyển đổi không gian đều mang dấu ấn của người nghệ sĩ tài hoa.Là một nghệ sĩ tạo nên cách mạng, ông đã chứng minh rằng không có ranh giới giữa toán học và nghệ thuật, giữa logic và trí tưởng tượng. Di sản của Escher tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư, khẳng định sức sáng tạo phi thường của con người.

Series bài viết RE-visualize khám phá sự giao thoa đầy cảm hứng giữa các lĩnh vực sáng tạo về kiến trúc, đồ nội thất, thời trang và nghệ thuật. Tại đây, chúng ta sẽ cùng nhìn lại cách những ý tưởng, hình thái và phong cách được tái hình dung và lan tỏa đa ngành, tạo nên những bản thiết kế độc đáo và ấn tượng. RE-visualize mở ra góc nhìn mới về sự kết nối không giới hạn trong thế giới sáng tạo.

Thực hiện: Hoàng Lê


Xem thêm

The Substance: Đằng sau sự hoàn mỹ

David Lynch: Kiến trúc sư của những giấc mơ siêu thực trên màn ảnh

Radical Design: Cuộc cách mạng sáng tạo vượt thời gian