Bảo tàng nghệ thuật Zaishui: Kỳ quan mặt hồ

Kết hợp giữa thiên nhiên và những yếu tố nhân tạo, Bảo tàng Zaishui để lại ấn tượng mạnh mẽ bởi quy mô cũng như cách đưa ngoại cảnh vào nội thất độc đáo.

Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Nhật Junya Ishigami, Bảo tàng Nghệ thuật Zaishui gây ấn tượng mạnh mẽ với cấu trúc dài 1km, nằm trên mặt nước ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Dự án nhằm tái hiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, bao gồm khu trưng bày triển lãm, trung tâm du khách và không gian bán lẻ.

bao tang mat nuoc dat lien

Bảo tàng dài 1km như một chiếc cầu trải dài mặt hồ nước. | Ảnh: Arch Exist

Công trình gồm hai nhánh bê tông cốt thép được gia cố bằng thép, tuy kết nối với nhau nhưng vẫn độc lập. Nhánh thứ nhất có cấu trúc uốn lượn nhẹ nhàng, dài gần 1km được xây dựng trong hồ nhân tạo, cho phép nước chảy vào bên trong, tạo ra một “bức tranh phong cảnh trong nhà” vô cùng sinh động. Tòa nhà đi kèm nằm ở phía tây bắc của khu đất, nép mình trên vùng đất khô ráo gần đó. Không gian này gồm một quán cà phê, phòng vệ sinh và không gian trưng bày bổ sung.

bao tang mat nuoc trang phan chieu

Ảnh: Junya Ishigami Associates

Kiến trúc sư thiết kế tòa nhà chính theo chiều dài tuyến tính để có thể hòa nhập với hồ nước, tạo ra một đường chân trời liền mạch bằng cách dẫn nước vào bên trong công trình. Toàn bộ bảo tàng đều hướng đến mục tiêu “mang cảnh quan bên ngoài vào trong”. Thiết kế tham số tạo ra các độ cao, chiều rộng và độ dốc khác nhau, dao động từ 1,22m đến 4,95m cao và rộng từ 4,8m đến 20m.

ket noi nhan tao tai nguyen cay xanh

Bảo tàng là một tác phẩm kết nối hài hòa giữa yếu tố nhân tạo và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. | Ảnh: Arch Exist

Kiến trúc sư giải thích: “Ở một số nơi, mái nhà cong thường mềm mại buông xuống, tiếp giáp với mặt hồ và sườn núi phía sau, ở những nơi khác, nó lại hướng lên bầu trời, mở rộng ra và kết nối nội thất của tòa nhà với cảnh quan bên ngoài.”

mai nha bao tang duong cong uon luon

Mái nhà của bảo tàng được kiến trúc sư xử lý tinh tế với những đường cong uốn lượn linh hoạt xuyên suốt thiết kế. | Ảnh: Arch Exist

Với tổng diện tích sàn là 20.000 m2, công trình được hỗ trợ bởi 300 cột trụ đặt trong hồ sâu 2m. Kết cấu kính từ sàn đến trần tạo sự nhẹ nhàng và trong suốt, bên cạnh đó, vào những tháng có thời tiết ấm áp, các tấm kính có thể được mở để cho phép gió tự nhiên tràn vào bên trong.

cua kinh mat nuoc tran cao

Một khe hở nhỏ nằm dọc theo mép dưới của các tấm kính giúp giảm thiểu mực nước chảy vào, đồng thời thích ứng với sự giãn nở của cấu trúc do nhiệt độ theo mùa. | Ảnh: Arch Exist

Trải dài tòa nhà là một lối đi bằng bê tông cao, mô phỏng một dải cát dài trên bãi biển. Lối đi này được thiết kế cao hơn mực nước 10cm, bên trong có những đường cong hữu cơ giống như một bãi biển thật sự.

Bên trong bảo tàng, đá sa thạch địa phương thô ráp và có vân được sử dụng làm bàn và ghế. Kiến trúc sư nói: “Khái niệm về tòa nhà này dựa trên việc tạo ra một cảnh quan mới bên trong. Một ngoại thất mới ra đời bên trong cấu trúc. Do đó, một hệ sinh thái mới có thể nhẹ nhàng đồng hành cùng chúng ta ở bên trong kiến trúc này.”

bao tang duong cong uon luon

Kết nối hài hòa giữa thiên nhiên và con người là yếu tố quan trọng trong cảm hứng thiết kế của công trình này. | Ảnh: Junya Ishigami Associates

Kiến trúc sư tiếp cận công trình theo địa điểm cụ thể thông qua việc tìm hiểu về môi trường xây dựng của Trung Quốc. Ông cho biết: “Chìa khóa là hãy xem kiến ​​trúc như một ‘người bạn khổng lồ hiền lành’ của môi trường, và tìm kiếm một mối quan hệ hoàn toàn mới giữa tự nhiên và nhân tạo.” 

cay xanh phan chieu cua kinh mat nuoc

Mục tiêu của bảo tàng là mang cảnh quan bên ngoài vào trong, vì thế, không gian bên trong của công trình như một hệ sinh thái vô cùng sinh động. | Ảnh: Junya Ishigami Associates

Yêu cầu ban đầu của chủ đầu tư là tạo ra một không gian “liên quan đến nước”, vì thế, các kiến trúc sư đã nghiên cứu về các kênh đào ở Venice (Ý) và các thị trấn cổ trên sông của Trung Quốc – ví dụ như Wuzhen, một ngôi làng trên sông 1,300 năm tuổi nằm ở hạ lưu sông Dương Tử, nơi các tuyền đường thủy đóng vai trò như đường phố và bờ sông biểu trưng cho chợ. 

Kiến trúc sư chia sẻ: “Cùng lúc đó, các tòa nhà luôn ở bên bờ sông và vẫn có một khoảng cách nhất định với nước. Ý định của tôi là tạo ra một mối quan hệ chặt chẽ hơn bằng cách xây dựng trực tiếp trên mặt nước.”

bao tang ve dem

Bảo tàng là kiến trúc có mối quan hệ gắn bó với thiên nhiên, biểu hiện rõ nhất qua việc được xây dựng trực tiếp trên mặt nước. | Ảnh: Junya Ishigami Associates

Bảo tàng Nghệ thuật Zaishui là một không gian trưng bày nghệ thuật, đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo hòa quyện với thiên nhiên. Sở hữu thiết kế độc đáo, công trình kiến trúc này đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông và du khách ngay từ khi mới khai trương.

Thực hiện: Quốc Huy | Theo: Wallpaper*


Xem thêm: 

Đồ nội thất lấy cảm hứng từ mẫu vật bảo tàng MET

Bảo tàng MK&G: Bảng màu mang tính điều hướng

Bảo tàng cá nhân tại nhà – Con mắt nhìn cái đẹp