Sơ đồ mặt bằng mở – Lợi ích, bất cập và giải pháp

Sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế, văn hóa và xã hội đã cho ra đời mặt bằng mở với nhiều lợi ích trong kiến trúc, nhưng đồng thời vẫn tồn tại những nhược điểm.

Dựa trên công năng và nhu cầu sử dụng, cách bố trí không gian nội thất vẫn luôn không ngừng thay đổi và xu hướng được ưa chuộng trong nhiều thập kỷ qua phải nhắc đến mặt bằng mở. Mặc dù nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và được áp dụng rộng rãi trong thời gian dài bởi lợi ích về tính linh hoạt và tối ưu được diện tích sử dụng, nhưng lối sắp đặt không gian này vẫn được đưa ra làm đề tài mổ xẻ về những thiếu sót bên cạnh những lợi ích mà nó đem lại. Thậm chí, nhiều kiến trúc sư ngày nay đang có chiều hướng phản đối.

so do mat bang mo noi that can ho hien dai

Công trình The Glass Blocks Duplex, thiết kế bởi Tal Goldsmith Fish Design Studio. Ảnh: Amit Geron

Sơ đồ mặt bằng mở theo định nghĩa gồm có hai phòng trở lên, nằm trong một không gian nội thất không có tường và cửa. Nói cách khác, ở đây không có một cấu trúc ngăn cách nào. Khái niệm này được sử dụng trong kiến trúc dân dụng, thương mại và công nghiệp, nhằm giải phóng không gian, tối đa hóa diện tích sử dụng và thúc đẩy tính linh hoạt và tương tác giữa những người sử dụng. Bản thân thuật ngữ này cũng đã thay đổi theo thời gian. Một vài thập kỷ trước, sơ đồ mặt bằng mở ám chỉ các bức tường và vách ngăn không có cửa, trong khi ngày nay, nó lại mô tả một cấu hình hoàn toàn không có tường.

kait workshop junya ishigami

Công trình KAIT workshop do kiến trúc sư Junya Ishigami thiết kế hoàn toàn không có tường. Thay vào đó, các phân khu chức năng được phân chia bằng hệ thống trụ kim loại. Ảnh: Junya Ishigami + Associates

Lịch sử mặt bằng mở

Về mặt lịch sử, sơ đồ nội thất của một ngôi nhà từng phụ thuộc vào địa vị xã hội của gia chủ. Nhà của tầng lớp thấp và trung lưu thường có lò sưởi ở trung tâm với một vài phòng chức năng bao quanh. Trong khi đó, những gia đình thượng lưu lại phân chia khu vực sinh hoạt chung và riêng với sảnh và cửa, tạo nên sơ đồ phòng và kích thước phức tạp. Không gian chung thường có diện tích lớn và không bị hạn chế về mặt diện tích, được dùng làm khu vực tiếp đón và tách biệt khỏi các khu vực khác như phòng khách, nhà bếp, khu vực cho người giúp việc và phòng ngủ. Trước sự phát triển của nền công nghiệp và kinh tế, tầng lớp trung lưu và lao động dần có khả năng thuê những ngôi nhà có nhiều phòng hơn.

so do mat bang can ho

Sơ đồ mặt bằng căn hộ của họa sĩ Auguste Perret tại đường Franklin, Paris năm 1902. Ảnh: Wikimedia

phac thao kien truc toa nha paris

Sơ đồ phân chia các không gian chức năng của một tòa nhà ở Paris năm 1895. Ảnh: ArchDaily

Trong bối cảnh đó, vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng cũng có những bước tiến, cùng với những thay đổi trong xã hội và văn hóa diễn ra một cách mạnh mẽ, các kiến trúc sư đã thử nghiệm cách bố trí nội thất mới và đưa ra giải pháp luân chuyển liên tục hơn. Những tiến bộ trong hệ thống sưởi ấm và thông gió vào cuối thế kỷ 19, chẳng hạn như việc sử dụng bộ tản nhiệt hơi nước, đã mang lại tiện nghi để người cư ngụ không còn phụ thuộc vào lò sưởi trung tâm để sưởi ấm.

Mặc dù kiến trúc sư thuộc phong cách Shingle Henry Hobson Richardson được cho là  người đã giới thiệu khái niệm về không gian mở trong những ngôi nhà kiểu Hay và Paine được xây dựng vào năm 1886, nhưng các nhà phê bình kiến trúc tin rằng Frank Lloyd Wright mới là một trong những người ủng hộ sớm nhất thiết kế không gian mở trong kiến trúc dân dụng. Kiến trúc sư tập trung vào nhà bếp, liên kết nơi này với các không gian khác trong nhà, thay vì ẩn sau những cánh cửa đóng kín. Vào những năm 1970, việc mở rộng nhà bếp và phòng khách-phòng ăn ngày càng trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ, tạo thành một không gian đa năng rộng lớn, thiết thực với những ngôi nhà có diện tích nhỏ. Những tiến bộ công nghệ trong hệ thống HVAC cùng tư duy văn hóa tiêu dùng và giao tiếp xã hội đã làm căn bếp trở thành không gian sinh hoạt chung trong nhà, thay vì phải giấu kín như trước.

frank lloyd wright nha bep cong trinh

Công trình đầu tiên xóa nhòa ranh giới giữa phòng khách và nhà bếp do Frank Lloy Wright thiết kế và hoàn thành năm 1934. Ảnh: Frank Lloyd Wright Foundation

Trong một ngôi nhà hiện đại điển hình của thế kỷ 21 dành cho một gia đình nhỏ thường có từ 2 đến 3 phòng, được chia thành khu vực bếp, khu vực sinh hoạt và/hoặc ngủ nghỉ, thường được kết hợp để học tập và làm việc. Tuy nhiên, ngày nay, các kiến trúc sư và chủ sở hữu nhà đã nhận ra rằng việc thiết kế những ngôi nhà xoay quanh việc “tiếp đón và giải trí” là lãng phí, khiến cho sơ đồ tầng mở không còn là lựa chọn thiết kế nội thất phù hợp nữa.

Mặt bằng mở đem lại nhiều lợi ích

Không phải ngẫu nhiên mà mặt bằng mở lại được phổ biến và áp dụng rộng rãi. Từ khía cạnh thiết kế, mặt bằng này làm không gian trở nên linh hoạt và được sử dụng một cách hiệu quả. Do không có giới hạn về cấu trúc, nhà thiết kế có thể tự do tổ chức không gian theo ý thích, nhất là đối với những căn phòng có diện tích nhỏ.

Sơ đồ mặt bằng mở còn cho phép nội thất đón sáng tự nhiên nhiều hơn, giúp tiết kiệm điện năng và chi phí cho ánh sáng nhân tạo và hệ thống sưởi. Với những gia đình có trẻ nhỏ, nội thất thông thoáng giúp phụ huynh có thể dễ dàng quan sát và trông nom con cái hơn. Ngoài ra, không gian mở còn giúp thúc đẩy sự tương tác giữa người với người, thông qua các hoạt động như cùng nhau nấu nướng, chuẩn bị bữa ăn hoặc làm việc cùng nhau, bất kể các thành viên đến từ các phòng ban khác nhau.

nha pho nhat ban House NA thiết kế bởi Sou Fujimoto Architects

Công trình House NA, thiết kế bởi Sou Fujimoto Architects. Ảnh: Iwan Baan

Nhưng cũng có những bất cập

Nếu lợi ích đầu tiên của sơ đồ mặt bằng mở là không có giới hạn thì đó cũng chính là yếu điểm đầu tiên của thiết kế này. Nhiều nhà thiết kế nội thất và nhà phê bình kiến trúc, cũng như người sử dụng, bao gồm những người có gia đình và nhân viên văn phòng cảm thấy đã đến lúc thay đổi kiểu không gian mở này. Các vấn đề về sự riêng tư, tiếng ồn càng trở nên nghiêm trọng trong môi trường làm việc khi chúng làm giảm đi năng suất làm việc và gây mất tập trung. Ngoài ra, cảm giác lo âu do mất sự riêng tư cũng xuất hiện khi xung quanh bàn làm việc không hề có vách hoặc tường ngăn cách.

van phong mo

Ảnh: Hero Images

Trong kiến trúc dân dụng, nhiều người phàn nàn rằng việc loại bỏ vách ngăn giữa nhà bếp và phòng khách gây ra rắc rối về mùi và tiếng ồn, ảnh hưởng đến các không gian khác của ngôi nhà. Với những công trình lớn áp dụng mặt bằng mở, ngoài nhà bếp thông thường xuất hiện ngay trong phòng khách và phòng ăn thì kiến trúc sư phải thiết kế thêm một nhà bếp ẩn cho các công việc nấu nướng (vốn gây tốn kém hơn về chi phí và diện tích). Ngoài ra, những rắc rối về sự riêng tư đề cập trong bối cảnh văn phòng cũng gặp phải ở những công trình nhà ở trong thời gian đại dịch.

Giải pháp đưa ra

Câu hỏi đặt ra là liệu mặt bằng mở có đang mất dần đi sự ưa chuộng? Mặc dù nhiều nhược điểm của thiết kế này được tìm thấy tại những trường hợp cụ thể, nhưng không thể phủ nhận nó đã đem lại những ưu điểm nhất định. Nhận ra được điều này, nhiều kiến trúc sư đã có những giải pháp linh hoạt có thể thay đổi và phân chia không gian để vẫn có thể tận dụng những lợi ích và hạn chế và khắc phục những bất cập của sơ đồ mặt bằng mở.

Vách di động

Giải pháp thay đổi cấu trúc linh hoạt, giúp gia chủ có thể tùy chỉnh thiết kế mặt bằng theo nhu cầu.

can ho mat bang mo vach di dong

Căn hộ (In)movables on canvas, thiết kế bởi h3o architects. Ảnh: Adriá Goula

can ho mat bang mo vach di dong

Căn hộ cải tạo tại Sakurazaka, thiết kế bởi CADA + Masaaki Iwamoto Laboratory. Ảnh: Yashiro Photo Office

Rèm kéo

Tương tự với vách di động, rèm kéo giúp gia chủ có thể tạo ra các không gian riêng theo ý muốn, với ưu điểm nhẹ, dễ di chuyển và có thể thay đổi chất liệu và màu sắc.

nha o noi that hien dai

Nhà Golf House, thiết kế bởi dagli + atélier d’architecture. Ảnh: Lorenzo Zandri

can ho mat bang mo noi that

Căn hộ Super 18, thiết kế bởi Hyper + Simon Henry. Ảnh: Giaime Meloni

Tường thấp và vách ngăn

Giải pháp vách ngăn và tường thấp vẫn đảm bảo tính riêng tư và phân chia không gian, nhưng đồng thời vẫn giữ được tính thông thoáng của mặt bằng mở.

van phong mat bang mo noi that hien dai

Văn phòng Küster Brizola Office, thiết kế bởi Küster Brizola Arquitetos. Ảnh: Eduardo Macarios

van phong noi that hien dai

Trụ sở văn phòng OCA Office, thiết kế bởi Oficina Conceito Arquitetura. Ảnh: Marcelo Donadussi

Phân chia các khu vực bằng độ cao thấp

Bằng cách nâng hạ mặt bằng, không gian vẫn đáp ứng những ưu điểm của mặt bằng mở nhưng vẫn có sự phân chia các khu vực riêng biệt.

van phong noi that mat bang mo

Văn phòng Ground Work Space, thiết kế bởi INTG. Ảnh: Yongjoon Choi

kien truc nha o noi that

Nhà Kruppa, thiết kế bởi Capa Arquitectura. Ảnh: Mateo Soto

Vách kính

Có chức năng phân chia không gian nhưng nhờ tính chất trong suốt, vách kính vẫn có thể đáp ứng ưu điểm về mặt thị giác của mặt bằng mở.

noi that nha o mat bang mo tuong kinh

Nhà Brisa Home, thiết kế bởi Volca Interiores. Ảnh: Alejandro Gómez Vives

van phong noi that tuong kinh

Văn phòng GEA, thiết kế bởi JAA Arquitectos. Ảnh: Cesar Belio

Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: ArchDaily


Xem thêm

Xây dựng mô-đun: giải pháp bền vững cho các công trình

Nhà bếp ẩn: Giải pháp cho căn hộ hiện đại

Xu hướng phòng khách chìm – Điểm trũng ấm cúng