Nếu là một người yêu thích điện ảnh, hẳn đã nghe đến “Mad Men”, một series ăn khách với nhiều điểm nhấn về thời trang lẫn nội thất thập niên 60 giàu cảm hứng. Một trong những phân đoạn đáng nhớ nhất là khi nhân vật Megan Calvet hát ca khúc “Zou Bisou Bisou”. với những người yêu thích và quan tâm đến thiết kế, điểm nổi bật thực sự của cảnh quay lại là phòng khách trũng sâu mà nam chính đang ngồi—một phòng khách âm sàn hoàn chỉnh với các bậc gỗ nổi, thảm màu be, đệm tua rua và lò sưởi bằng gạch.
Tất nhiên, Mad Men đã gây ra cơn sốt cho mọi thứ vào giữa thập kỉ 2010. Nhưng ngay cả khi xu hướng đó không còn nữa, những phòng khách chìm đang có một sự trở lại trong thiết kế nội thất.
Phòng khách chìm có nguồn gốc từ nhiều thập kỷ trước. Năm 1924, kiến trúc sư tiên phong Bruce Goff đã thiết kế một phiên bản Art Deco bao quanh một lò sưởi hình ngọn lửa ở Tulsa, Oklahoma, quê hương của nghệ sĩ Adah Robinson. Tuy nhiên, ví dụ nổi bật nhất lại xuất hiện trong Miller House của kiến trúc sư Eero Saarinen, được ông thiết kế cùng Alexander Girard vào năm 1957. Ben Wever, người quản lý ngôi nhà, gọi nó là “quintessential conversation pit” (tạm dịch: tổ trò chuyện tinh hoa), do có kiểu dáng vuông vức bắt mắt, cạnh đá cẩm thạch sang trọng, sàn đá travertine và gối tựa tông màu trang sức.
Theo Eero và Alexander, lợi thế của phòng khách chìm là tạo ra tầm nhìn không bị cản trở qua tầng trệt và ra cảnh quan. Tuy nhiên, những phòng khách như vậy ngày nay chưa có gì nổi bật. Theo quan điểm của các nhà thiết kế, sảnh chờ chìm là một cách để mang lại sự quyến rũ và không khí quây quần cho một không gian, một sự rung cảm mà các chủ nhà đang khao khát sau ba năm dài xa cách. “Hoàn toàn hợp lý khi chúng ta đang chứng kiến sự hồi sinh của những căn phòng khách chìm trong thời kỳ hậu đại dịch, vì chúng mang lại cảm giác hoài cổ và cũng bởi vì chúng rất thú vị!” Jayma Cardoso, chủ sở hữu của Surf Lodge ở Montauk, New York cho biết.
Bạn vẫn có thể có được phòng khách trũng mà không cần phải đào bới tầng hầm—với đồ nội thất và cách bố trí phù hợp. Jayma Cardoso nói: “Tôi đã từng thấy những chiếc ghế sofa được bao quanh bởi những chiếc tủ thấp, góp phần tạo ra một khu vực trò chuyện mang lại hiệu quả tương tự mà không thực sự ở tầng thấp hơn.”
Dưới đây là một số ý tưởng cho phòng khách chìm mà ELLE Decoration đã tổng hợp được.
Chiếc hộp đá quý
Mặc dù Miller House ở Columbus, Indiana, không phải là phòng khách chìm đầu tiên được ghi nhận, nhưng đây chắc chắn là nơi có ảnh hưởng nhất. Căn phòng này là sự hợp tác giữa kiến trúc sư người Mỹ gốc Phần Lan Eero Saarinen và nhà thiết kế đa ngành Alexander Girard, mặc dù phần lớn thiết kế do Alexander đảm nhiệm, quản lý của ngôi nhà cho biết.
Không gian hình vuông này nằm gọn trong sàn đá travertine tại tầng trệt, được định hình bằng một đường viền bằng đá cẩm thạch. Ghế ngồi bọc da màu kem, gối tựa có tông màu trang sức bằng vải dệt do Girard thiết kế, và cửa sổ mái trên cao mang lại cảm giác thoáng đãng.
Sắc đỏ toàn diện
Phòng khách trũng trong Miller House rõ ràng đã gây ấn tượng với Eero Saarinen. Tám năm sau, ông tiếp tục thiết kế một nhà ga nổi bật cho Trans World Airlines (TWA) tại Sân bay JFK ở Thành phố New York. Điểm đặc sắc của nó là sảnh chờ trũng trải dài, được trang bị đồ nội thất theo thiết kế của chính kiến trúc sư và được phủ khắp bằng màu đỏ giống với với logo của TWA. Ngày nay, nhà ga đã được chuyển đổi thành khách sạn và khu vui chơi cho du khách, hoàn chỉnh với bể bơi vô cực trên tầng mái. Nhưng nổi bật nhất vẫn là biểu tượng đỏ thẫm này.
Phòng khách đương đại và thoải mái
Nếu phong cách cổ điển toàn diện không phải là sở thích của bạn, hãy tham khảo ví dụ phòng khách chìm này từ công ty kiến trúc Marmol Radziner. Mặc dù trông giống với phòng khách của Miller House với đồ bọc màu kem và góc nhìn ra sân vườn xanh mát, nhưng nó được làm cho hiện đại hơn nhờ sàn bê tông bóng, khung gỗ và lò sưởi đen màu mực. Ron Radziner, người sáng lập công ty cho biết: “Phòng khách chìm tạo ra một không gian đẹp, thân mật, đưa mọi người lại gần nhau theo cách thân mật hơn”.
Phòng khách trung tính ấm cúng
Ngôi nhà ở San Francisco của nhà thiết kế Eva Bradley có phòng khách nửa trũng, bước xuống từ phòng ăn cao hơn. Cô cho biết: “Một điều tôi thích ở phòng khách thấp hơn là cả phòng ăn và phòng khách đều mang cảm giác cởi mở.”
Một trong những mục tiêu chính của cô khi trang trí không gian là thêm sự mềm mại tương phản với những đường sắc nét của kiến trúc xung quanh. Để làm được điều đó, Eva đảm bảo rằng chiều cao của ghế sofa phù hợp với chiều cao của các bậc thang vùng trũng và hình bóng ấy thật dễ chịu và đầy đặn. Cô nói: “Chiếc ghế sofa Camaleonda hoàn toàn phù hợp về hình dáng, kích thước và phong cách, vì nó mang lại cảm giác hơi cổ điển đối với tôi. Khi ngồi ở đây, tôi cảm giác như đang được nằm gọn trong một vòng tay.”
Nét quyến rũ của Palm Springs
Đối với nhà thiết kế hạng A Martyn Lawrence Bullard của ELLE DECOR, một phòng khách chìm gợi lại “sự quyến rũ của thập niên 60 và James Bond.” Đó là yếu tố hoàn hảo cho kỳ nghỉ cuối tuần ở Palm Springs, California của anh ấy, nơi một cặp ghế sofa hồng fuchsia hình chữ C được đặt trong một khu nền đá terrazzo với tầm nhìn tuyệt đẹp ra hồ bơi.
Martyn cho biết: “Tôi nghĩ rằng yếu tố cổ điển quyến rũ rất thú vị khi sử dụng các loại vải sang trọng như Ultrasuede hoặc nhung để tạo ra bầu không khí hấp dẫn nhất. Màu sắc cũng là một cách tuyệt vời để trang trí phòng khách. Một sắc thái đậm như hồng hoặc xanh ngọc lục bảo luôn thú vị và cho phép bạn tô điểm không gian bằng những điểm nhấn của cùng một sắc thái, làm cho khu vực trũng trở thành trung tâm của không gian và linh hồn của căn phòng.”
Cảm hứng du mục
Nhà thiết kế Los Angeles Jaqui Seerman cũng là một người hâm mộ kiểu phòng khách thấp. Mặc dù yêu thích sự hồi sinh cổ điển toàn diện, Jaqui cũng là người ủng hộ việc giảm thiểu nó. Tại một ngôi nhà ở Beverly Hills, cô đã làm chính xác điều đó thông qua gỗ màu vàng, vải bọc màu rỉ sét, các hình dáng và vật liệu hữu cơ.
Hang động hoài cổ
Không gian đầy tính thể nghiệm này nằm ở Hillsborough, California, được thiết kế bởi kiến trúc sư William Nicholson. Ngôi nhà Flintstone House được thiết kế bằng cách phun bê tông lên những quả bóng bay đã được bơm căng, tạo cho nó một hình dáng sủi bọt khác lạ. Bên trong ngôi nhà có mái vòm lát gạch, lò sưởi bằng vữa và tấm thảm lông màu cam.
Hữu cơ và nguyên bản
Biệt thự độc đáo này thuộc về hoàng tử Emanuele Filiberto di Savoia có từ những năm 1970 ở Vésenaz, Thụy Sĩ. Ngoài phòng ăn chìm, ngôi nhà còn có phòng khách hình bán nguyệt trải thảm bao quanh lò sưởi. Tuy không gian kỳ lạ, các loại vải và bảng màu trung tính mang lại cho nó cảm giác thư giãn vượt thời gian như trong hang động tự nhiên.
Hoàng tử Emanuele cho biết: “Thường thì bạn đã chán ngấy với những năm 1970, nhưng thậm chí 40 năm sau, ngôi nhà này vẫn trông như được xây dựng cách đây 5 năm. Đó là một tác phẩm nghệ thuật sống. Nếu các vị vua và hoàng hậu ngày nay có thể xây lâu đài của riêng mình, có lẽ họ sẽ làm như vậy.”
Tổ trò chuyện giả lập
Nếu bạn muốn thiết lập không gian trò chuyện trũng nhưng không muốn đào xới phòng khách của mình lên, hãy tham khảo gợi ý này. Trong ngôi nhà ở vùng vịnh này, nhà thiết kế Noz Nozawa đã đưa ra giải pháp thể tạo cảm giác về một phòng khách chìm mà không gặp rắc rối khi xây dựng. Khu vực ngồi vui tươi này có ghế sofa bậc thang tùy chỉnh với kệ màu hồng tích hợp, tạo cảm giác tách biệt với phần còn lại của căn phòng.
Nhà thiết kế nói: “Tôi nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để bạn cảm thấy thoải mái khi nằm dài, vì vậy chiếc ghế sofa kiểu dáng kiên cố này có một bảng điều khiển được chế tạo riêng chạy toàn bộ chu vi xung quanh nó.”
Chuyển ngữ:My Lương | Theo: ELLE Decor
Xem thêm:
Phòng khách nhỏ và 9 màu sơn giải pháp | ED Tips
Khách sạn Le Barn- nét mộc mạc trữ tình của phong cách đồng quê nước Pháp