Xây dựng mô-đun: giải pháp bền vững cho các công trình

Xây dựng mô-đun là một một giải pháp tiên tiến và tiết kiệm thời gian cho các công trình, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức về thời gian, chi phí và tài nguyên.

Xây dựng là công việc tốn kém và mất nhiều thời gian. Lý do có thể là vì các yêu cầu hành chính phức tạp, yếu tố thời tiết, tình huống bất ngờ phát sinh, kế hoạch kém hiệu quả, thiếu nhân sự, hoặc một loạt các nguyên nhân khác. Các dự án kéo dài cũng có thể gây mất thiện cảm và tác động tiêu cực đến cảm nhận của công chúng, nhất là khi dự án gặp trở ngại, hoặc gây bất tiện cho những người sống hoặc làm việc gần công trường. May mắn thay, có một giải pháp nhằm giảm thiểu đáng kể thời gian: xây dựng mô-đun.

xay dung modun

Ảnh: Modular Building Institute (MBI)

Xây dựng mô-đun là gì?

Theo Viện xây dựng mô-đun (Modular Building Institute) – hiệp hội thương mại lớn nhất và là nguồn lực hàng đầu trong ngành, xây dựng mô-đun là quá trình trong đó, một tòa nhà được xây ngoài công trình, trong điều kiện nhà máy được kiểm soát, sử dụng cùng một loại vật liệu và thiết kế theo cùng các quy tắc, tiêu chuẩn như cơ sở vật chất được xây dựng thông thường, nhưng chỉ mất một nửa thời gian. Đây cũng là thuật ngữ bao gồm một số loại hình xây dựng khác nhau:

Xây dựng mô-đun thể tích (volumetric modular construction): Các phòng hoặc các phần của phòng – bao gồm tường, sàn và trần – được xây hoàn chỉnh tại một nhà máy và sau đó được vận chuyển đến công trường để láp ráp. Phương pháp này được sử dụng cho cả các dự án mô-đun cố định và có thể di dời.

Xây dựng bằng tấm (panelized construction): Các tấm tường bên trong và bên ngoài được sản xuất và vận chuyển đến công trường để lắp ráp. Phần còn lại của tòa nhà thì được xây tại chỗ.

xuong xay dung mo dun

Các tấm tường bên trong và bên ngoài được sản xuất tại nhà máy và vận chuyển đến công trình để láp ráp. Ảnh: Modular Building Institute (MBI)

Lợi ích đáng cân nhắc

Xây dựng mô-đun có thể giúp tiết kiệm chi phí, nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng nhất. Lợi ích chính là tiết kiệm thời gian và thu hồi vốn nhanh hơn, nhờ việc lắp ráp công nghiệp hóa diễn ra đồng thời với việc chuẩn bị mặt bằng. Vì thế, tổng thời gian cần thiết để dựng cấu trúc giảm đi đáng kể. Vào thời điểm mặt bằng đã sẵn sàng (san nền, lắp đặt hệ thống ống nước, đổ bê tông, v.v.), mô-đun trong nhà máy cũng đã sẵn sàng để lắp đặt. Một khách sạn mô-đun có thể mở cửa và bắt đầu tạo ra doanh thu sớm hơn 30% – 50% so với công trình xây theo phương pháp truyền thống.

Ngoài ra, còn nhiều lợi ích khác khi áp dụng phương pháp này, như mức độ đảm bảo an toàn cho công nhân cao hơn (các công nhân đều làm việc trong môi trường an toàn và được kiểm soát hơn thay vì ở những nơi cao thiếu nguy hiểm), cải thiện năng suất, đúng tiến độ và cải thiện khả năng dự trù tổng kinh phí.

cong trinh mo dun

Giải pháp bền vững

Xây dựng mô-đun được xem là phương pháp xây dựng bền vững hơn so với các phương pháp xây dựng truyền thống vì các lý do sau:

Độ linh hoạt và khả năng tái sử dụng cao hơn: Các công trình mô-đun có thể tháo rời, di chuyển hoặc sửa chữa để sử dụng lại cho mục đích khác, hạn chế bớt yêu cầu về nguyên liệu thô và giảm thiểu lượng năng lượng tiêu hao để đáp ứng nhu cầu mới.

Ít chất thải vật liệu hơn: Khi được xây trong nhà máy, chất thải được loại bỏ bằng cách tái chế vật liệu, kiểm soát hàng tồn kho và bảo vệ các vật liệu.

Cải thiện chất lượng không khí: Do cấu trúc mô-đun được hoàn thành chủ yếu trong môi trường được kiểm soát tại nhà máy sử dụng các vật liệu khô, nên loại bỏ khả năng bị giữ lại độ ẩm cao trong công trình mới.

xay dung mo dun

Ảnh: Dennis Lo

Áp dụng phương pháp xây dựng mô-đun trong trường hợp nào?

Phương pháp này có thể được sử dụng cho bất kỳ loại công trình nào, miễn là tòa nhà phải được hình thành và thiết kế theo mô hình này. Trong một vài trường hợp, lựa chọn thay thế phương pháp truyền thống cũng mang đến nhiều hiệu quả hơn.

Khi yếu tố thời gian và không gian có hạn, xây dựng mô-đun là giải pháp cho tình huống nan giải. Ví dụ, ở châu Âu, các khu đô thị thường bị hạn chế bởi đường phố và các công trình khác, do đó xây dựng truyền thống (mang vật liệu và nhân công đến tại chỗ trong một thời gian dài) có thể trở nên khó khăn. Với phương pháp xây dựng mô-đun, chỉ cần sử dụng một cần trục và sử dụng ít nhân công hơn để lắp đặt công trình trong thời gian ngắn hơn, đồng thời giảm thiểu tiếng ồn và ô nhiễm trong những khu vực đô thị chật hẹp.

kien truc xay dung mo dun

Ảnh: Ola Roald Arkitektur

Các yêu cầu kỹ thuật cụ thể

Xây dựng theo phương pháp truyền thống thường có thể được thay đổi thiết kế trong quá trình thi công (việc này thường gây ra sự chậm trễ). Trong khi đó, xây dựng mô-đun yêu cầu các chuyên gia thiết kế, kiến trúc sư phải hoàn thành công việc của họ trước. Trong quá trình này, việc xây dựng mô-đun – cấu trúc mô-đun bền vững – thường sử dụng công nghệ BIM tiên tiến để đánh giá hiệu suất năng lượng và xác định các biện pháp tiết kiệm chi phí nhất. Sau đó các thiết kế sau đó được chuyển cho nhà sản xuất để chế tạo và công nghiệp hóa.

Các tòa nhà mô-đun được xây theo cùng quy cách như các tòa nhà truyền thống và gần như không thể phân biệt được giữa hai kiểu công trình này. Từ nhà ở cho gia đình đến các tòa nhà văn phòng nhiều tầng, phương pháp này có thể được sử dụng ở bất kỳ đâu.

kien truc xay dung mo dun

Ảnh: Jan Bitter

kien truc mo dun

Ảnh: Amy Barkow

Thực hiện: Khánh Quỳnh | Theo: Archdaily


Xem thêm

Biến rác thải xây dựng thành BST nội thất

AI có thể hỗ trợ về mặt kĩ thuật để xây dựng nhà cửa không?