Nhật Bản là quốc gia có nền văn hóa đậm đà bản sắc và ẩm thực của họ cũng vậy. Theo dòng lịch sử của mình, Nhật Bản đã du nhập văn hóa ẩm thực từ phương tây. Với rượu vang, thứ đồ uống này xuất hiện lần đầu tại Nhật Bản theo nhà truyền giáo Francis Xavier từ giữa thế kỉ 16. Mặc dù đầu thế kỉ 17, Nhật Bản thi hành chính sách bế quan tỏa cảng và loại bỏ tất cả những gì liên quan đến văn hóa Tây phương, nhưng những vườn nho vẫn được giữ lại vì loại trái cây này vẫn được ưa chuộng. Thời kì hậu chiến, Nhật Bản mở cửa trở lại để một lần nữa du nhập văn hóa và hàng tiêu dùng của nước ngoài, trong đó có rượu vang, tạo nên một xu hướng thưởng thức ẩm thực thời đại mới. Chỉ tính riêng thức uống có cồn, ngoài sake, người Nhật ngày nay còn tự hào với beer và thậm chí là những loại rượu có xuất xứ từ phương tây khác như whisky, gin và không thể thiếu rượu vang.
Một quốc đảo ở châu Á như Nhật Bản có thể trồng nho và làm rượu vang? Đúng vậy, bạn không nghe lầm đâu. Khởi nguồn từ thập niên 70 của thế kỉ 19 tại thành phố Yamanashi (được mệnh danh là “vương quốc trái cây” của Nhật Bản) nằm tại đảo Honshu, có hai người đàn ông đã thử nghiệm làm rượu vang sau chuyến tìm hiểu công việc này tại Pháp. Họ đã thành lập nhà rượu vang tư nhân đầu tiên tại Nhật Bản mang tên Chateau Mercian.
Ngày nay, ngành sản xuất rượu vang của Nhật Bản đã phát triển lan ra đến các vùng khác như Hokkaido và Nagano. Điều này dựa trên sở thích uống rượu vang của người dân ngày càng phổ biến, cũng như sự tò mò của những người yêu loại đồ uống này ở nước ngoài. Mặc dù ngành rượu vang Nhật Bản còn non trẻ so với châu Âu, nhưng nhu cầu và sản lượng đang có chiều hướng tăng lên và chất lượng càng ngày càng được cải thiện (nhờ bản tính kiên trì, chú ý tiểu tiết và óc phân tích của dân tộc). Bên cạnh nhập khẩu nguyên liệu thô để sản xuất hoặc trồng các loại nho như Chardonnay hay Cabernet Sauvignon ở nước ngoài, thị trường rượu vang Nhật Bản còn có một thị phần nhỏ có quy trình trồng trọt, thu hoạch và sản xuất hoàn toàn nội địa. Theo số liệu các thương hiệu rượu vang Nhật của Cục thuế Nhật Bản NTA, trong năm 2020, có 20,31% đến từ các thương hiệu “Made in Japan” 100%.
Về căn bản, thời tiết ở Nhật được cho là xấu nhất cho nho. Vừa nóng ẩm lại nhiều mưa giữa mùa xuân và mùa hè, vừa nhiều bão giữa tháng 8 và 9, thời điểm trước thu hoạch. Tuy nhiên, một số nơi trên lãnh thổ vẫn có thổ nhưỡng phù hợp cho việc trồng nho như Hokkaido, Nagano, Yamagata, và chắc chắn phải có Yamanashi. Cũng chính điều kiện tự nhiên như thế, Nhật Bản đã có cho mình những loại nho làm rượu riêng, làm nên dấu ấn của mình trên bản đồ rượu vang thế giới.
Đầu tiên phải kể đến Koshu. Đây là loại nho nổi tiếng nhất để làm vang trắng của Nhật. Là loại nho được lai tạo từ nho dại châu Á du nhập đến Nhật qua “Con Đường Tơ Lụa”, Koshu có vị chua dễ chịu, hương thơm cam chanh và vị trái cây. Vang làm từ loại nho này kết hợp hoàn hảo với ẩm thực Nhật Bản.
Muscat Bailey A là loại nho để làm vang đỏ phổ biến, được trồng lần đầu tiên tại Niigata năm 1927. Được lai tạo giữa một giống nho châu Âu có tên Muscat Hamburg với trái mọng Mĩ, Muscat Bailey A cho ra hương thơm của trái cherry và các loại trái mọng.
Ryugan là một loại nho để làm vang trắng khác với hương vị trái cây dịu nhẹ và độ chua tựa cam chanh, được trồng chủ yếu ở Nagano. Đây cũng là một lựa chọn thú vị và hài hòa với món Nhật.
Yama Sauvignon được lai tạo giữa Cabernet Sauvignon và các loại nho cao nguyên. Chính vì tính chất của nho trồng ở vùng núi, Yama Sauvigon có hương vị sâu lắng, các note hương từ đất của một loại vang đỏ đậm.
Yamasachi được trồng tại Ikeda, Hokkaido, nơi có thời tiết lạnh giá. Nhờ đó, vang đỏ Yamasachi có vị chát phức tạp, độ chua sắc sảo và hương gỗ rất dễ nhận biết. Cùng với Koshu và Muscat Berry A, loại nho Nhật Bản này đã được nhận chứng chỉ của tổ chức OIV (International Organization of Vine and Wine).
Thực hiện: Hoàng Lê
Xem thêm