Saigon Goldsign – Theo đuổi nghệ thuật dát vàng trên kính

Đam mê nghệ thuật chữ Lettering từ lâu và trong hành trình tìm hiểu, thực hành, Nguyễn Hữu Thiện tình cờ biết đến một cuộc chơi khác đòi hỏi sự kiên nhẫn và công phu hơn nhiều: tranh kính dát vàng.

Studio vẽ Saigon Goldsign của Thiện chỉ vỏn vẹn 30 m2 được bao bọc bởi khu vực khá yên ắng, kế cận trung tâm Sài Gòn. Không gian với diện tích vừa vặn, còn lưu nét thanh lịch của một công trình kiến trúc cũ từ 50 năm trước. Căn phòng được bài trí hài hòa với cây lá và ánh sáng từ hai hệ cửa sổ lá sách lớn, một bàn làm việc chiếm phần lớn diện tích. Đây cũng là nơi sáng tác chính của anh. Thiện còn khéo léo tận dụng các khoảng trống làm nơi trưng bày những tác phẩm đã hoàn thành của mình như kệ gỗ, lưng voi sứ hoặc treo tường. Nhờ cách bài trí này mà gian phòng khá thông thoáng dù phải lưu trữ nhiều dụng cụ vẽ.

Saigon Goldsign 1

Cần phải quét hỗn hợp nước pha gelatine để có thể đính chặt từng lát vàng mỏng lên bề mặt. | Saigon Goldsign

Saigon Goldsign 3

Các bước cuối cùng để hoàn thiện tác phẩm. | Saigon Goldsign

Tranh kính dát vàng là phương pháp vẽ đặc trưng nhờ sử dụng chất liệu chính là vàng để tạo hình. Loại hình nghệ thuật này chú trọng vào kỹ năng thủ công, độ chi tiết hình vẽ và đặc biệt là cách khai triển các kỹ thuật phong phú như dát vàng bằng nước, dầu, French emboss (khắc họa tiết trang trí bằng acid).

Để hoàn thiện một tác phẩm tranh kính dát vàng,
ngoài việc hiểu về kỹ thuật vẽ
còn phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Saigon Goldsign 4

Bàn làm việc và các dụng cụ chuyên dùng cho gold-gilding. | Saigon Goldsign

Thời điểm mới bắt đầu, Thiện không được tiếp cận nhiều tư liệu vì phương pháp này tại Việt Nam chưa phổ biến, cộng đồng thực hành nhỏ, mọi kiến thức đều phải tra cứu internet. Các tác phẩm đầu tiên của anh thiếu đi sự óng ánh, độ sáng bóng vốn có của vàng. Sau này tình cờ được tham dự workshop do các nghệ sĩ nước ngoài tổ chức, những khúc mắc của Thiện dần được gỡ bỏ. Trước khi bắt đầu vẽ, ngoài việc lên ý tưởng tranh, cần chuẩn bị nhiều công đoạn để sản phẩm đạt đủ độ tinh tế như mong muốn. Sau khi rửa sạch bề mặt, kính được quét nước để dán vàng. Tiếp đến là công đoạn các hình vẽ, thiết kế được cán chồng lên để tạo hình. Lớp vàng dư còn lại chỉ cần cạo sạch một cách tỉ mỉ. Đến đây hình vẽ đã lộ ra, công đoạn tiếp theo tùy thuộc vào ý muốn mà phương thức hoàn thiện sẽ khác nhau như ke viền, phủ màu… Sau cùng là dát lớp dầu cuối giúp bảo quản độ sáng bóng và an toàn cho bức tranh theo thời gian.

Saigon Goldsign 5

Saigon Goldsign 7

Tranh kính dát vàng không chỉ mang tính thẩm mỹ
mà còn là sự ghi nhận tâm huyết thực hành thủ công.

Góc nhỏ tại xưởng vẽ, nơi trưng bày những tác phẩm tranh kính dát vàng được anh thực hiện trong suốt 3 năm tìm hiểu về kỹ thuật đặc biệt này. | Saigon Goldsign

Thiện chia sẻ kỹ thuật vẽ tranh kính dát vàng cơ bản không khó nhưng đòi hỏi người thực hiện phải cẩn trọng và kiên nhẫn. Tranh vẽ dở dang phải bảo quản kỹ để không bám bụi, miếng vàng mỏng dán lên kính phải phẳng, tránh gấp nếp. Người vẽ thậm chí còn phải am hiểu về chất liệu phụ gia, cách chúng tạo nên hiệu ứng khi sử dụng. Vì vậy để định hình giá trị của một tác phẩm tranh kính dát vàng không thể xét trên phương diện thẩm mỹ, mà còn là sự ghi nhận tâm huyết thực hành của người họa sĩ ở cách họ tỉ mẩn đính kết từng lát giấy vàng hay khi thử nghiệm, tìm tòi nhiều phương thức hoàn thiện mới. Khi bụi vàng bay đi, còn lại đó từng nét cọ sáng óng huyền diệu.

Một trong những tác phẩm đã hoàn thành của Thiện. | Saigon Goldsign


Nguyễn Hữu Thiện
Họa sĩ tranh kính dát vàng

Nghệ sĩ nào là người đã truyền cảm hứng cho anh khi thực hiện tác phẩm?

Davesmith và Heartandbones. Davesmith cũng là nghệ sĩ đầu tiên khiến tôi biết đến và tìm hiểu phương pháp nghệ thuật này.

Đâu là tác phẩm tâm đắc gần đây của anh?

Gần đây tôi thực hiện một tranh vẽ sử dụng khá nhiều phương pháp kết hợp, trong đó có cả khắc acid tạo vết loang trên vàng. Quá trình thực hiện tác phẩm này như một tìm tòi mới khi đã thành thục một số kỹ thuật cơ bản.

Anh có dự định gì trong tương lai không?

Tôi đang thực hiện một chuỗi các tranh về tất cả chữ cái trên khổ kính lớn. Mong rằng trong tương lai sẽ có đủ tác phẩm để tổ chức một triển lãm cá nhân.

Bài: Đức Nguyên | Ảnh: Phú Đào.


Xem thêm:

Cao Trung Hiếu – Niềm vui mới từ chân trời tĩnh lặng

Huyền Đan – Đi tìm cái Đẹp trong “Màu trời đó”