Hoàng Đặng – 2 triệu mảnh ghép của đam mê Lego

Tiếp cận những viên gạch xếp hình lần đầu tiên từ khi còn bé, sau nhiều lần bỏ lửng cho đến năm 2008, Lego mới chính thức trở thành thú chơi sưu tầm của Hoàng. Với anh, giá trị của Lego nằm ở khoảng cách thế hệ, chúng ẩn chứa cả một thế giới thu nhỏ và sự sáng tạo vô tận chỉ trong những hình khối đơn giản được lắp ghép lại với nhau. Tuy sở thích này thuộc về phần “chơi” nhiều hơn “làm” nhưng chính Hoàng cũng không thể phủ nhận chúng đã trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống hiện tại.

Là một AFOL – Adult Fan of Lego (thuật ngữ dùng để chỉ những người chơi Lego ở độ tuổi trưởng thành), ban đầu Hoàng chỉ chơi theo từng bộ có hướng dẫn lắp ráp cụ thể, sau thời gian tìm hiểu chuyên sâu, anh bắt đầu tự thiết kế riêng tác phẩm của mình dựa trên kiểu chơi MOC – My Own Creation. Đó là hai trong số nhiều cách chơi phổ biến nhất của những người đam mê loại hình lắp ráp này.

Lego 1

Hoàng dành nhiều quỹ thời gian cũng như niềm say mê với những khối gạch đủ sắc màu. Với anh, chúng sở hữu giá trị vượt thời gian, chỉ là những viên gạch xếp hình cực kỳ đơn giản nhưng có khả năng liên kết gần như vô hạn. Có trường hợp nhiều khối Lego cũ từ thập niên 60 vẫn có thể lắp ráp được với sản phẩm mới hiện nay. Đó chính là giá trị vượt thời gian mà Hoàng cũng như nhiều người khác trên thế giới say mê.

Lego 2

Cận cảnh chi tiết công phu trong các tác phẩm lắp ráp bằng Lego do Hoàng thiết kế. Ảnh: NVCC.

Lego 3

Tính đến thời điểm hiện tại,
anh đang sở hữu khoảng 70%
các bộ Lego sản xuất từ năm 1989 – 2000

Lego 4

Tác phẩm tàu cá Hoàng phải mất hơn một năm để hoàn thành.

Lego 5

Không gian lưu trữ Lego tại căn hộ riêng của Hoàng.

Sưu tầm Lego theo những bộ box-set và thiết kế tác phẩm cho riêng mình là hai cách chơi mà Hoàng theo đuổi. Hoàng mua và lưu trữ các box-set theo số lượng lớn, giữ nguyên vỏ hộp. Theo thời gian, những món Lego còn nguyên hộp sẽ có giá trị lớn hơn. Nhưng kỳ thực, anh chưa từng có ý định sẽ bán đi một món nào mà vẫn giữ lại theo sở thích. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã sở hữu khoảng 70% các bộ Lego sản xuất từ năm 1989 – 2000, trong tương lai sẽ hướng đến sưu tập trọn bộ. Hoàng hiện đang sở hữu bộ sản phẩm khá hiếm là set mã 521 sản xuất năm 1962. Vì được sản xuất khá sớm nên công nghệ vật liệu lúc bấy giờ chưa đủ tân tiến khiến sản phẩm dễ bị ăn mòn, khó khăn trong việc bảo quản, vì vậy tính sưu tầm của chúng lớn hơn. Ở khía cạnh tự sáng tác, vốn dĩ là một NTK công nghiệp nên giữa nghề và thú chơi của Hoàng luôn có mối liên kết thú vị. Lego là nền tảng tuyệt vời để anh thỏa sức sáng tạo bên cạnh công việc chuyên môn. Một tác giả Hà Lan từng gửi lời mời Hoàng cộng tác với tác phẩm trong cuốn sách The Art of Lego Scale Modeling năm 2014.

Lego 6

Bộ box-set mang giá trị sưu tầm cao, mã 521 sản xuất năm 1962.

Với mỗi lần quyết định thực hiện tác phẩm mới, Hoàng đều lần lượt thực hiện theo quy trình do mình đề ra: Bắt đầu với tìm ý tưởng, phác thảo, quyết định tông màu, tỷ lệ, lên kế hoạch tìm kiếm những mảnh còn thiếu, chỉnh sửa và chụp ảnh thành quả. Trong đó quan trọng nhất là quyết định tỷ lệ của sản phẩm. Quyết định được tỷ lệ mới lựa ra được các mảnh ghép rời để tập hợp thành nguyên liệu lắp ráp. Có những lúc thiếu mảnh ghép nhưng thị trường lại không có hoặc Lego đã ngưng sản xuất, anh phải tìm kiếm khắp nơi, từ những nguồn trên mạng, bạn bè sưu tầm trong lẫn ngoài nước để tìm kiếm, lại có những khi phải đặt mua 2-4 tháng chỉ để tìm ra mảnh ghép hoàn chỉnh cho sản phẩm. Khó khăn là thế, nhưng theo Hoàng, Lego ngày nay đã dễ tiếp cận hơn rất nhiều. Hiện tại, Hoàng sở hữu đến hơn 2 triệu mảnh ghép nhưng khó tìm nhất trong số đó lại là chiếc mắc áo treo trong tác phẩm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Chiếc mắc áo thuộc dòng sản phẩm Scala sản xuất trong thập niên 90 cho các bé gái với số lượng tương đối ít. Hoàng đã phải liên hệ với nhiều nhà sưu tầm và người bán hàng tại Đức mới có thể mua được.

Lego 7

Chiếc mắc áo thuộc dòng sản phẩm của thập niên 90 mà Hoàng phải tìm kiếm khắp nơi.

Lego 8

“Thú chơi và nghề nghiệp của tôi có cùng xuất phát điểm,
thỉnh thoảng giao nhau
và hy vọng sẽ kết thúc tại một đích đến”

Lego 9

Tháp Rùa – phiên bản Lego do Hoàng thực hiện.

Hạnh phúc của một AFOL là được “thả” tự do cùng thú vui của mình. Với Hoàng, niềm vui ấy càng trọn vẹn khi vợ của anh chính là người hỗ trợ các công đoạn sửa soạn mảnh ghép trước khi thực hiện một tác phẩm mới. Ngôi nhà của gia đình nhỏ có riêng hẳn một phòng dùng để lưu trữ những BST Lego. Quá trình tìm kiếm hăng say thế nào thì việc bảo quản các mảnh ghép và tác phẩm của anh cũng lắm công phu và tâm huyết như thế ấy. Anh cẩn thận đặt chúng trong hộp, phân theo từng nhóm màu và tránh tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp. Bộ box-set và mảnh ghép được phân chia rõ ràng để tiện cho việc kiểm kê, trích xuất mỗi khi cần sử dụng. Trong tương lai, Hoàng ấp ủ dự định mở rộng không gian thành showroom hay bảo tàng cho những BST cá nhân của mình.

Tác phẩm “Tàu cá” phiên bản 1.1 của Hoàng được mời cộng tác trên sách nước ngoài. Ảnh: NVCC.

Ảnh: NVCC.


HOÀNG LEGO

Là một NTK công nghiệp và bắt đầu sưu tập Lego vào năm 2008, Hoàng hiện đang sở hữu BST với hơn 2 triệu mảnh ghép, 70% bộ box-set được sản xuất từ năm 1989-2000.
Không chỉ sưu tầm, anh còn tự mình thiết kế, thực hiện nhiều tác phẩm theo các chủ đề riêng biệt như tàu cá của ngư dân Việt Nam, Tháp Rùa, phố phường…

Bài & Ảnh: Đức Nguyên.


Xem thêm:

Naoto Fukasawa – Sáng tạo không ngừng nghỉ

Khô Mực Studio – Mở sân chơi mới, xưởng in sáng tạo