Tầng lớp tinh hoa văn hoá ‘khảm’ trên những mảng gạch Mosaic tuyệt đẹp của Morocco

Những mảng gạch Mosaic tinh xảo sặc sỡ không chỉ mang dấu ấn thẩm mỹ ấn tượng, mà còn là tinh hoa di sản của một nền văn hoá Morocco nhiều màu sắc, pha trộn giữa Châu Phi, Địa Trung Hải và châu Âu. Mời bạn hãy cùng ELLE Decoration tìm hiểu về những viên gạch bé nhỏ trong hình thức nhưng lại chất chứa ý nghĩa sâu xa và thú vị này nhé.

1.Nghệ thuật khảm gạch Mosaic là gì?

Những mảng gạch mosaic với hoạ tiết hình học tinh vi, màu sắc rực rỡ đã trở thành dấu ấn kiến trúc của Morocco, một vẻ đẹp hoa mỹ ấn tượng một khi đã ngắm nhìn bạn sẽ chẳng thể nào quên.

Mosaic là một nghệ thuật khảm gạch trang trí, với hình ảnh toàn cảnh được ghép lại từ những mảnh vật liệu nhỏ như gạch men, thuỷ tinh và đá. Nghệ thuật mosaic ra đời từ khoảng 4.000 năm Trước Công Nguyên tại Hy Lạp nhưng chỉ thực sự đạt đến đỉnh thăng hoa của mình ở Morocco trong thời kỳ Hispano-Moresque.

Gạch mosaic xuất hiện ở Morocco vào thế kỷ thứ 10, được biết đến với tên gọi Zellige hoặc Zellij và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi điểm nhấn mỹ thuật Roman và Byzantine. Trước đây, gạch Mosaic chủ yếu chỉ xuất hiện trong phủ vua chúa hoặc tư gia của những người quyền quý được gọi là riad với cách ứng dụng phong phú đến đáng kinh ngạc. Người Morocco lát gạch Zellij trên sàn, trên tường cột, cầu thang và cả những đài phun nước. Zellij cũng như phần lớn những đặc điểm kiến trúc khác ở Morocco, đều là cách mà người Hồi Giáo ca tụng Chúa Trời của mình. Hơn cả thế, những mảng gạch mosaic sắc xảo này còn khắc hoạ lại những thành quả của Chúa nơi trần thế. Người Morocco phát triển loại hình trang trí này thành một đặc điểm kiến trúc thực sự, thể hiện cho khát khao được tìm kiếm vinh danh Đấng Toàn Năng không chỉ trong lòng họ mà còn trong mọi mặt thường ngày của cuộc sống.

Cố đô Fes được xem là ‘thủ phủ’ của gạch mosaic và hiện những người nghệ nhân vẫn đang ngày đêm rèn dũa, bảo vệ làng nghề truyền thống vô cùng đặc sắc của họ. Các nghệ nhân mất đến hàng chục năm hoàn thiện tay nghề và chỉ có những người có tay nghề cao nhất, sáng tạo nhất mới được mang danh xưng Maâlems (thượng sư).

gạch mosaic Morocco elledecoration vn

Chi tiết đẹp lộng lẫy trên cánh cửa của cung điện hoàng gia tại Fes. Photo: trover.com

gạch mosaic Morocco elledecoration vn 3

Nhà thờ Hassan II, Casablanca. Photo: commons.wekimedia.org

2.Kỹ thuật chế tạo cầu kỳ của những viên gạch mosaic

Những mảng tường gạch mosaic lớn ở Morocco thực sự được ghép lại từ muôn ngàn mảnh nhỏ mang đủ loại hình dạng, màu sắc. Những viên gạch tí hon được cắt rời trực tiếp từ một viên gạch men lớn, làm thủ công tỉ mỉ, chứ không phải từ khuôn đúc ra hàng loạt như mọi người thường nghĩ. Sự nâng niu và chuẩn xác biến công đoạn chế tạo này trở thành một nét đẹp văn hoá đặc sắc.

Đầu tiên, người thợ sẽ đúc những viên gạch gốm từ loại đất sét đá mịn chỉ có thể được tìm thấy ở riêng địa phương Fes. Mỗi viên gạch sau khi nung sẽ được tráng qua một lớp men màu bóng bẩy và sẽ được khứa lên hình dạng và cắt hoàn toàn bằng tay. Với mỗi viên hình chữ nhật như vậy, người nghệ nhân sẽ cắt ra được 2-3 viên gạch thành phẩm Tesserae. Nghệ nhân sẽ dùng một dụng cụ đặc biệt có trụ đầu như một cái búa nhưng sở hữu phần lưỡi dẹp và sắc như dao để cắt, gõ nhẹ và sau đó bẻ gạch thành hình mong muốn. Thao tác dứt khoát nhưng tỉ mỉ tuyệt đối của những Maâlems chính là điều làm nên giá trị tinh hoa của những viên gạch bé nhỏ này.

gạch mosaic Morocco elledecoration vn 4

Người thợ dùng con dao đặc biệt để khứa cắt viên gạch nhỏ hoàn chỉnh ra từ miếng lớn. Photo: Porcelain Superstore

Những mảng gạch mosaic lớn dùng để làm mặt bàn, hoặc ốp lên thành đài phun nước sẽ được tạo ra theo cách úp ngược vô cùng độc đáo. Người nghệ nhân sau khi phác thảo hình dung của bức mosaic hoàn chỉnh sẽ bắt đầu nhặt lấy từng viên nhỏ đặt vào khuôn, với mặt men úp xuống đất. Công đoạn ghép hình này có thể mất hàng tiếng đồng hồ thậm chí nhiều ngày và cần đến sự kiên nhẫn cũng như trí nhớ tuyệt vời. Sau khi đã xếp được gạch vào vị trí, người ta sẽ kết dính chúng lại bằng một hợp chất gọi là ‘savon noir’ hay ‘savon bildi’ tạm dịch là xà phòng đen-một loại phụ phẩm có được sau khi ép dầu olive. Sau cùng, người ta đổ một lớp xi măng lên lớp dầu đen và đợi gạch khô hoàn toàn rồi mới róc khuôn và khám phá vẻ đẹp của mảng mosaic cầu kỳ đó.

Gạch mosaic được tạo ra với khả năng chống thấm nước và dầu do đó chúng hoàn toàn thích hợp để lát cho khu vực trong nhà cũng như ngoài trời đó là lý do tại sao bạn sẽ bắt gặp chúng toả sáng ở khắp mọi nơi khi đặt chân đến Morocco.

gạch mosaic Morocco elledecoration vn 5

Photo: trover.com

3. Cách người Morocco tạo ra mảng hoa văn sắc xảo của Zellige

Bắt đầu từ thế kỷ thứ 9, những cư dân thành Fes đã vận dụng kiến thức toán học và trí tưởng tượng phong phú của mình để tạo ra những mảng hoa văn cầu kỳ, thể hiện thông điệp sùng bái đạo Hồi cùng những giá trị văn hoá đa sắc màu của dân tộc. Hoạ tiết geometric (hình học) đan xen phức tạp và dường như tuần hoàn vô tận được xem là điểm nhấn lớn nhất của những mảng gạch mosaic này, bên cạnh màu sắc phong phú của chúng. Khi nhìn vào đó, bạn sẽ khó có thể tưởng tượng ra nổi họ làm điều đó như thế nào bởi chúng ăn khớp quá nhịp nhàng và hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ nhất.

gạch mosaic Morocco elledecoration vn 6

Những hoa văn tinh xảo là liên hoàn đẹp mắt này chính là thành quả của toán hình học. Trong hình là công trình Fez Palais El Mokri ở Fes. Photo: Felix Odell

Nhà nghiên cứu Eric Broug đã mất nhiều năm dày công nghiên cứu về những hoạ tiết này và dần khám phá ra quy luật hình học ẩn sâu trong đó. Về cơ bản, mọi mảng trang trí sẽ bắt đầu từ một hình tròn trung tâm, những nhà thiết kế Islam sẽ chia hình tròn ra thành khung 4, 5 và 6 tuỳ theo loại hoạ tiết họ muốn phát triển.Cách phân chia này chính là nền tảng tạo ra hoạ tiết sao sáu cánh, hình hoa lục giác mà ta thường thấy. Sau đó, họ sử dụng những đường kẻ lưới (grid) và phân giác (construction lines) ở phần nền để dần gia tăng mức độ phức tạp của những hoạ tiết trên. Cả mảng lớn bắt đầu được phát triển, lan dần từ khối hình trung tâm và cứ thế tiếp diễn liên hoàn cho đến khi phủ kín một bề mặt rộng lớn. Bằng cách nối ghép những đường underlines kể trên, các nhà thiết kế có thể liên tục sáng tạo ra những hình ảnh mới tạo thành cả một bức tranh thị giác ấn tượng, phân mảnh và hoà trộn màu sắc cực kỳ mãn nhãn như kính vạn hoa. Việc này nghe chừng rất dễ dàng trong thế giới hiện đại, nơi tồn tại thước thẳng và com-pa, hay phần mềm đồ hoạ máy tính; Nhưng những người dân thành Fes cổ đại đã làm được được điều này từ hàng ngàn năm trước chỉ với những thanh kẻ thô sơ, điều này đủ cho thấy lối tư duy khoa học cực kỳ đáng ngưỡng mộ của họ.

gạch mosaic Morocco elledecoration vn 7

Mọi hoạ tiết dù cầu kỳ hay đơn giản đều được khai triển từ một hình tròn trung tâm. Photo: openealing.com

4.Ý nghĩa văn hoá sâu xa của những mảng tường gạch Mosaic

Không chỉ mang giá trị thủ công độc đáo với hình dạng mỗi viên đều khác biệt, những tường gạch mosaic tinh xảo và quy mô còn khắc tạc lên nhiều tầng lớp tinh hoa văn hoá Morocco. Chúng là kết tinh đẹp đẽ của toán hình học và trí tưởng tượng, thêm vào đó là những thông điệp mang đậm màu sắc tôn giáo.

gạch mosaic Morocco elledecoration vn 8

Cánh cổng tuyệt đẹp ở trường đại học Al-Karaouine. Photo: commons.wikimedia.org

Theo đúng những truyền thuyết của đạo Hồi, người Morocco trong quá khứ chỉ có thể sử dụng một số màu nhất định trên những bức tường mosaic của mình và chúng đều mang ý nghĩa tượng trưng. Nhóm màu thứ nhất là đen, trắng và nâu gỗ đàn hương tượng trưng cho linh hồn; Nhóm thứ hai gồm 4 màu tượng trưng cho bốn nguyên tố trong tự nhiên: màu đỏ cho lửa, sức nóng và sự khô hạn, màu vàng saffron cho không khí, độ ẩm và sức nóng, màu xanh lam biếc tượng trưng cho mặt đất và cái lạnh, cuối cùng là màu lục mướt trong tượng trưng cho nước, độ ẩm và sự mát lành. Các màu xanh đặc biệt chiếm ưu thế khi thường xuất hiện thành mảng lớn trên những bức tường và mái ngói của điện thờ, cung vua chúa. Vẻ đẹp thanh trong, tươi mát của chúng xua đi cảm giác khô hạn, oi bức mà quốc gia Bắc Phi này thường xuyên phải chịu đựng. Thêm vào đó, cái chất mát rượi của gạch đất nung cũng như xoa dịu những đôi chân trần mỏi mệt ngày ngày phải gồng mình đi qua cát nóng bỏng và thô ráp.

gạch mosaic Morocco elledecoration vn 2

Những bờ tường tuyệt tác ở nhà thờ Hassan II, Casablanca. Có thể thấy gạch Mosaic trên những công trình cổ đều có màu sắc giới hạn theo quan niệm tôn giáo. Photo: trover.com

Gạch mosaic không chỉ đơn thuần là trang trí, chúng là biểu tượng của trí tuệ, của đặc trưng vùng miền và cả sự sùng kính Chúa trời của những con người nơi đây. Những viên gạch bé nhỏ khi ghép lại tạo thành một tổng thể lớn lao và đẹp đẽ hơn rất nhiều so với chính bản thân chúng, khắc sâu trong đó là giá trị lịch sử, nghệ thuật và cả tinh thần bay bổng yêu thích cái đẹp của con người nơi đây. Thế mới biết, giữa vùng sa mạc bóng rẫy trái tim và linh hồn con người chưa bao giờ cằn khô. Hãy cùng hi vọng nét đẹp ấy sẽ mãi sống cùng thời gian.

Thực hiện: Phương Nguyễn

Hình ảnh: tổng hợp

Xem thêm:

Kiến trúc Santorini- phong cách Cycladic độc đáo với sự hoà quyện của tường trắng, mái vòm xanh

Rèm Noren- biển hiệu kinh doanh độc đáo của Nhật Bản