“Vại tiền” – Nơi phù du xoắn vào vĩnh cửu

“Tiền” có tính thiên biến, phù du, nhất thời, “Gốm” lại bền vững, bất biến cao, khi tiền và gốm được nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu ghép giao, thành ra “Vại tiền” – Money pot – một sáng tác nghệ thuật thú vị. Ở “Vại tiền”, người ta thấy được kỷ niệm, giá trị, quyền lực… vốn đã “chết” từ lâu của tiền, được “sống” lại nhờ gốm, để chuyển tải giá trị, ý niệm mới, đầy táo bạo.

Trong những “lò” gốm sáng tác ở Hà Nội, không gian gốm của Trịnh Vũ Hiếu bên dòng sông Đuống, đã từ lâu là địa chỉ quen của anh em giới nghệ Hà Thành. Hiếu chăm mày mò, nghiên cứu kỹ thuật chế tác gốm hiện đại, là số ít nghệ sĩ có khả năng tự tay thực hiện các quy trình từ ý tưởng, chọn đất, pha men, tạo dáng bàn xoay, điều chỉnh lửa lò… cho ra thành phẩm. Chế tác gốm, nắm kỹ thuật là có thể thực hành, nhưng để chuyển tải ý tưởng hay ho, kể không nhiều. Dự án mới hoàn thiện của Hiếu mùa COVID-19, có tên gọi “Vại tiền” (Money pot), là một nét lạ, không chỉ đáng xem, mà còn để suy ngẫm, hồi tưởng.

vại tiền 1

Nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu tại xưởng sáng tác gốm do anh thiết lập. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

Nói về “Vại tiền” của mình, Trịnh Vũ Hiếu tiết lộ: “Tôi muốn đưa một phần lịch sử Việt lên gốm. Trong phát triển lịch sử, thứ biểu hiện mạnh, dễ hiểu, dễ đong đo, chính là tiền. Thiết kế các tờ tiền cũng đầy tính nghệ thuật, người thiết kế sử dụng hội họa thể hiện nhân vật lịch sử, di tích, danh thắng… với nhiều hoa văn trang trí độc đáo. Nhưng tiền chỉ đại diện giai đoạn nhất thời, khi hết giá trị sử dụng, nó cũng mất quyền năng, chỉ còn lại trong ký ức, hoặc trong sưu tập cá nhân, bị lãng quên dần, trở thành vô nghĩa. Tôi muốn khơi gợi lịch sử ở giai đoạn đồng tiền lãng quên ấy, thông qua chất liệu gốm”.

vại tiền 2

Hình ảnh tờ tiền 1 đồng vàng Đông Dương (1945 – 1951) trên vại gốm. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

vại tiền 3

Tạo hình cho gốm được sử dụng ngẫu hứng, dựa trên dáng gốm Việt cổ. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

Nhìn lại lịch sử phát triển của tiền giấy, Hiếu chỉ chọn nguồn tư liệu tiền giấy từ trước 1954 để kết hợp cùng gốm, với lý giải: “Vì tôi hạn chế tư liệu, chọn dấu mốc này cũng bởi đây là giai đoạn mang tính bước ngoặt của lịch sử đất nước. Hình ảnh của tiền giấy giai đoạn ấy, hẳn là kỷ niệm, ký ức của nhiều người, cho đến giờ”.

vại tiền 4

Tiền Việt, Gốm Việt, sự kết hợp tạo nên một tinh thần Việt trong sáng tác gốm của Trịnh Vũ Hiếu. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

vại tiền 5

Trang trí đậm chất cổ điển với hoa văn liên tiền, ước mơ của con người nhiều thời đại. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

Nhận xét về “Vại tiền”, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, cũng là giám tuyển các tác phẩm, đã có những chia sẻ: “Gốm là vật liệu nhân tạo đầu tiên của loài người, đặc điểm gốm bất biến cao, ngàn năm vẫn tồn tại, trong khi tiền là thứ phù du, chỉ tồn tại bởi niềm tin, khi niềm tin không còn thì tiền mất giá trị. Hai yếu tố phù du, mang tính cảm tính của tiền và thứ ổn định vật lý cao là gốm, khi lồng ghép vào nhau tạo nên tính hài hước, gây cười”.

vại tiền 6

Trong chi tiết của tiền giấy, đã hội tụ yếu tố hội họa, nghệ thuật. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

vại tiền 7

Việc chắt lọc chi tiết từ tiền giấy vào trang trí gốm, quen mà lạ. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

Nhưng “Vại tiền”, ở tầng nghĩa khác, lại là những ý niệm của nhân sinh quan thời cuộc, nghệ sĩ Đinh Công Đạt nói thêm: “Đồng tiền này vốn đã bị quên, không được biết đến, giờ lại xuất hiện. Sáng tác giúp chúng ta nhận ra, cuộc sống cũng vậy, sẽ trôi theo thời gian, không níu giữ, nó sẽ biến mất. Đồng tiền này từng quý giá thế nào, mà nay chỉ là kỷ niệm. Tiền trong ngữ cảnh này chỉ là gợi mở thôi, còn tình cảm, còn quan hệ người với người, thứ quý giá chúng ta đang có, nếu không biết níu giữ, trân trọng, vun đắp… rồi mai này ra sao? Nhiều câu hỏi tự vấn cho chúng ta khi đối diện tác phẩm”.

vại tiền 8

Hoa văn trên tiền khi đưa lên hình trụ của gốm, đem lại hiệu ứng thị giác thú vị. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

vại tiền 9

“Một Đồng” ký tự gợi ngay về tiền, giản đơn mà sinh động, hài hước. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.


Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.


Xem thêm:

Dáng Nghê chầu chốn lăng thiêng

Ứng dụng hình tượng Nghê trong kiến trúc Việt