Tết xứ Huế là một bức tranh di sản văn hóa với những gam màu rực rỡ nhưng tao nhã, nơi mọi yếu tố từ tín ngưỡng, nghệ thuật đến kiến trúc đan xen. Là kinh đô triều Nguyễn và nơi có tỷ lệ người theo đạo Phật cao nhất cả nước, Huế thấm đượm ảnh hưởng của lối sống cung đình, Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trong từng phong tục, nghi lễ. Từ bàn thờ gia tiên nhiều lớp lang tôn ti, các nghi thức cúng bái cổ truyền đến những chiếc bánh, miếng trà thủ công tinh tế từ bàn tay nghệ nhân dòng dõi triều đình, tất cả đều phản chiếu tinh thần trang nghiêm đã đơm hoa trong không gian kiến trúc xứ Thần Kinh.
Tái hiện hoạt động Tiến Cung – cúng các vị vua triều Nguyễn vào dịp năm mới. Ảnh: Lê Hoàng
Không gian lễ cúng: Sự chỉn chu trong từng chi tiết
Nhắc đến không gian thờ tự của người Huế, ta nghĩ ngay đến sự giao thoa giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và văn hóa cung đình. Trong kiến trúc nhà rường truyền thống hay nhiều ngôi nhà hiện đại, bàn thờ được ưu ái đặt ở trung tâm lối vào, tạo nên trục thẩm mỹ chiêm bái trong toàn bố cục, toát lên vẻ trang nghiêm, thường được làm bằng gỗ tốt, chạm trổ công phu. Người Huế rất chuộng đồ thờ bằng đồng, đặc biệt là lư hương và chân đèn, với hoa văn tinh tế, phản ánh sự ảnh hưởng của văn hóa cung đình và nét đẹp thủ công mỹ nghệ truyền thống. Bàn thờ Huế đặc trưng với bố cục ba án nối liền, phân tầng chặt chẽ: hương án thờ Phật cao nhất ở phía trước, án nội thấp hơn đặt bài vị tổ tiên, và án giữa thấp nhất là nơi bày lễ vật. Người thờ cúng phải đi nhiều vòng để thắp đủ hương cho từng án thờ, sau đó mới quay ra khấn vái. Bố cục này mang tính nghi lễ cung đình, thể hiện sự tôn ti và trật tự trong không gian thờ cúng.
Bàn thờ ba án trong kiến trúc nhà rường Huế của một gia đình truyền thống làm hoa giấy Thanh Tiên. Ảnh: Nguyễn Ngọc Sơn
Vào dịp Tết, hương án ở Huế được trang hoàng kỹ lưỡng, trở thành bộ mặt đại diện của ngôi nhà. Tổng thể bài trí tôn trọng bố cục đối xứng tạo vẻ trang nghiêm, với lư hương ở trung tâm, kỉnh dựng khảm xà cừ phía sau (nhà có thờ Phật thì kỉnh dựng được thay bằng tượng hoặc ảnh Quan Âm lồng trong khung kính), và hai bên từ ngoài vào là các cặp chân đèn, bình hoa, quả bồng đặt đĩa trái cây, hai bát nước sạch. Hoa dùng trên án nội được chọn lựa kỹ lưỡng, bao gồm hoa huệ, hoa đồng tiền, hoa chuối, nhưng phổ biến nhất vẫn là hoa cúc vàng. Trong văn hóa Á Đông, cúc được coi là một trong Tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) tượng trưng cho những phẩm hạnh cao quý. Đặc biệt, hoa cúc vàng biểu trưng cho lòng hiếu thảo theo quan niệm Phật giáo. Màu vàng của hoa gợi nhớ đến sự sáng suốt, tôn thờ ánh sáng của trí tuệ và sự thiêng liêng, cùng hương thơm nhẹ nhàng, rất hài hòa với không gian thờ tự.
Một bàn thờ ngày Tết của gia đình Huế. Ảnh: Hagomani
Trong khi bàn thờ Huế nhấn mạnh tính tựa nhã, thanh thoát và bố cục tôn ti, bàn thờ miền Bắc tạo cảm giác dày đặc hơn với nhiều lớp vật phẩm, chia cấp thấp đến cao, dễ tiếp cận cho người thờ tự. Bàn thờ miền Nam lại tối giản, ưu tiên đồ thờ nhỏ gọn, phản ánh lối sống linh hoạt và thực tiễn của người miền Nam. Không gian thờ cúng trong ngôi nhà Huế là trung tâm tâm linh hòa hợp với tổng thể kiến trúc nhà, tạo nên sự cân bằng giữa tĩnh và động, giữa đời thường và thiêng liêng.
Các nghi lễ cúng bái đa dạng và độc đáo
Tết ở Huế là sự hòa quyện giữa tín ngưỡng gia đình, cộng đồng và yếu tố tâm linh, tạo nên những nghi thức cúng kỵ đậm đà bản sắc. Ngay từ đầu tháng Chạp, các gia đình đã bắt đầu với nghi thức Chạp Mả – dọn dẹp bàn thờ và chăm sóc mồ mả tổ tiên. Kế đó là Lễ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp mang nét đặc trưng riêng. Người dân không cúng ông Công, cũng không thả cá chép hay đốt vàng mã, mà thường mang tượng Táo quân kèm hoa giấy Thanh Tiên của năm cũ đến đặt tại các am miếu hoặc gốc cây cổ thụ. Hoa Thanh Tiên – biểu tượng văn hóa lâu đời từ làng nghề hơn 300 năm tuổi của Huế – làm từ giấy dó, tre và phẩm màu tự nhiên, được chọn thay thế hoa tươi để trưng cả năm tại bàn thờ bếp, bàn gia tiên phụ hay am nhỏ ngoài trời. Màu sắc tươi tắn của hoa giấy góp phần cân bằng giữa nét cổ kính và sự sống động, làm dịu đi không gian trang nghiêm của ngày Tết.
Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào 2013 và được công nhận là điểm du lịch văn hóa vào năm 2019. Ảnh: N.Q
Cũng trong ngày 23 tháng Chạp, người Huế tổ chức Lễ dựng cây nêu – biểu tượng trừ tà và cầu may – trước sân nhà hoặc đình làng. Cây nêu bằng tre được trang trí với lá phướn, chuông gió và bùa trấn; dưới chân cây, hình cung tên bằng vôi được vẽ để đánh dấu không gian thiêng, ngăn tà ma quấy nhiễu. Ngày nay, nghi lễ dựng cây nêu dần thưa vắng trong không gian gia đình, nhưng vẫn được bảo tồn trang trọng tại các đình làng cổ và kinh thành Đại Nội.
Lễ dựng nêu dịp Tết Quý Mão 2023 bên trong khuôn viên Đại Nội. Ảnh: Lê Hoàng
Cây nêu được người dân làng Trạch Phổ (Phong Hòa, Phong Điền) dựng lên để đón tết cổ truyền. Ảnh: Tiến Dũng
Với truyền thống Phật giáo sâu đậm, người Huế thường cúng chay vào sáng mùng Một, thể hiện mong cầu sự thanh tịnh đầu năm. Đây cũng là nét khác biệt trong tục lệ thờ cúng tổ tiên so với các vùng miền khác. Một số gia đình chỉ cúng chay vào buổi sáng mùng Một, số khác duy trì suốt ba ngày Tết, tạo không khí thanh nhã và an lành. Trong ba ngày đầu năm, bàn thờ gia tiên luôn đỏ đèn, hương thơm nghi ngút, và mỗi ngày có ba bữa cúng. Vàng mã từ Lễ Tất niên không đốt ngay mà để đến chiều mùng Ba trong Lễ hóa vàng tiễn tổ tiên về cõi trên, khép lại chuỗi lễ Tết chính. Ngày mùng Bảy tháng Giêng, người Huế tổ chức Lễ hạ nêu, kết thúc chu kỳ lễ năm mới. Tuy nhiên, các nghi thức như cúng rằm Nguyên Tiêu, dâng sao giải hạn, và đi chùa đầu năm vẫn tiếp tục, nối dài ý nghĩa tâm linh trong đời sống thường nhật.
Ngày lễ Nam Giao vào mùa xuân ở kinh đô Huế xưa. Ảnh: Tư liệu
Ẩm thực Tết Huế: Hội tụ tinh hoa cung đình và dân gian
Ẩm thực Tết Huế là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa kinh kỳ, nơi giao thoa giữa sự tinh tế cung đình và nét chân phương của dân gian. Với quan niệm “dương sao thì âm vậy,” bàn cúng ngày Tết luôn được chuẩn bị chu toàn, phản ánh sự sung túc và lòng kính cẩn đối với tổ tiên, thần linh. Đặc biệt, mâm cúng chay ngày mùng Một – ngày Sóc – là điểm nhấn văn hóa, mang đậm tinh thần thanh tịnh và hướng thiện của người Huế. Khác biệt so với nhiều vùng miền, mâm cúng chay ở Huế gây ấn tượng bởi sự cầu kỳ trong chế biến và trình bày. Các món ăn được chăm chút tỉ mỉ cả về hương vị lẫn hình thức, từ nem chả chay, cơm hấp lá sen, xôi ngũ sắc cho đến mắm chay và chè đậu. Đây cũng là dịp để các bà, các chị trổ tài nữ công gia chánh của mình, đưa nét đẹp truyền thống lan tỏa trong không gian Tết. Màu sắc hài hòa, sự tinh tế trong từng chi tiết của mâm cúng như một lời chúc bình an, may mắn gửi gắm qua những món ăn, hòa quyện cùng hương thơm từ khói hương trong không gian thờ cúng.
Mâm cúng chay còn thể hiện tinh thần từ bi và gắn liền với ảnh hưởng của Phật giáo, vốn rất phổ biến trong đời sống người Huế. Ảnh: Lê Đình Hoàng
Món xôi ngũ sắc trong cỗ chay xứ Huế, tượng trưng cho ngũ hành. . Ảnh: Lê Đình Hoàng
Người Huế nổi tiếng với những món nhẹ thanh tao. Trong đó, trà ướp búp sen và các loại bánh truyền thống ngày Tết là hai biểu tượng khó quên. Trà sen xứ Huế được ướp từ búp sen tinh khôi của hồ Tịnh Tâm – khu vườn xưa của các vua triều Nguyễn. Loại trà này đòi hỏi sự công phu, chuẩn bị từ mùa hè năm trước, qua tuyển chọn kỹ lưỡng và lưu trữ cẩn thận trong nhiều tháng. Khoảnh khắc hương trà sen thanh tao lan tỏa trong không gian lễ Tết cũng là lúc cảm nhận được vị trà hòa lắng trong hơi thở chậm rãi của nhịp sống và người dân bản xứ. Thưởng thức cùng trà là các món bánh mứt truyền thống như bánh sâm, bánh dứa, bánh hạt sen, mứt gừng và đặc biệt là bánh in. Tháp bánh in màu sắc là hình ảnh quen thuộc của Huế, thường xuất hiện trong mâm cúng hoặc làm quà biếu đầu năm. Được làm từ bột nếp mịn, nhân đậu xanh ngọt thanh và in khuôn hoa văn truyền thống như hoa sen, chữ Hán, tháp bánh in đặt trên bàn thờ làm tăng vẻ trang nghiêm và thể hiện sự viên mãn, tròn đầy trong văn hóa Việt.
Trà được ướp trong hoa sen của hồ Tịnh Tâm sẽ mang lại hương thơm dịu và hậu ngọt thanh khi uống. Sự tỉ mỉ, cầu kỳ này là đặc trưng của tác phong cung đình và cũng là tấm lòng hiếu khách của người Huế. Ảnh: Đào Minh Tuấn
Ở làng An Thành, huyện Phong Điền có một nghệ nhân hơn 90 tuổi Nguyễn Xuân Lạng vẫn duy trì phương pháp làm bánh thủ công truyền thống ngày Tết. Từng chiếc bánh qua bàn tay cụ đều được tạo nên với sự tỉ mỉ và tinh tế. Ảnh: Hải Vân
Bánh Pháp Lam, một biểu tượng khác của sự cầu kỳ trong văn hóa cung đình Huế, kết hợp giữa nghệ thuật thủ công truyền thống và tinh hoa ẩm thực cố đô. Nhân bánh được làm từ các loại mứt trái cây được rim kỹ, ngọt dịu, bao bọc bởi lớp bột nếp thơm thoang thoảng lá dứa. Độc đáo nhất là hộp bánh làm từ giấy ngũ sắc Thanh Tiên, phối màu theo phong cách Pháp lam – nghệ thuật tráng men đặc trưng thời Nguyễn. Chiếc hộp này chứa đựng cả bánh và một câu chuyện văn hóa về sự tỉ mỉ, cẩn thận, và tình yêu dành cho cái đẹp của người Huế.
Bánh Pháp Lam là một trong các ẩm thực cung đình hiếm hoi được lưu truyền công thức bởi số ít nghệ nhân thuộc con cháu dòng tộc triều Nguyễn, đôi lúc được bày bán dịp Tết. Ảnh: Trung Phan
Dù nhiều nghi thức Tết truyền thống dần mai một, giá trị văn hóa và kiến trúc của Tết Huế vẫn được bảo tồn trong không gian sống và tâm thức người dân. Những yếu tố thường nhật như bàn thờ ba án, hoa giấy Thanh Tiên hay tháp bánh in trở thành những di sản sống động, giúp người Huế giữ được bản sắc độc đáo qua bao thế hệ.
Thực hiện: Hagomani
Xem thêm:
Tết Trung Thu trong văn hóa các nước Châu Á