“Nhất nghệ tinh”: Phạm Văn Tĩnh – Nét chạm tài hoa trong phục chế đồ gỗ

Các loại tủ chạm cẩn phong cách Huế, sập gụ tủ chè chạm trổ kiểu Bắc xưa, tủ thờ Nam bộ, đồ gỗ kiểu Tây – Tàu… có niên đại xưa cũ đều là sản phẩm nội thất mang giá trị chế tác đạt tính thẩm mỹ, tạo hình cao. Qua thời gian, nhiều hoa văn, chi tiết trên từng dòng hiện vật ít nhiều bị khiếm khuyết, sứt mẻ. Việc phục chế, tìm lại vẻ đẹp nguyên bản cho đồ gỗ xưa là một nghề thú vị.

đồ gỗ - 1

Nét chạm mảnh, mềm mại và tinh xảo là đặc trưng của đồ mộc Huế, việc phục chế đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao độ.

Rời làng nghề ở Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề mộc đến nay đã hơn 13 năm, Phạm Văn Tĩnh hiện là người thợ trẻ có tay nghề phục chế được giới sưu tầm và người chơi đồ gỗ xưa ở Sài Gòn tin tưởng, giao phục chế những tác phẩm giá trị cao. Tĩnh kể chuyện nghề: “19 tuổi mình theo nghề mộc, việc chính là đục chạm hoa văn, chi tiết trang trí trên đồ gỗ các đề tài cổ điển như Tùng – Lộc, Phù Dung – Trĩ, Tứ Thời… đóng các loại đồ gỗ theo đơn đặt hàng của người sử dụng. Khi vào Sài Gòn, công việc đóng mới ít hơn vì thị trường này có nhiều đồ Huế, đồ Tây – Tàu theo kiểu xưa, sử dụng lâu năm bị hư hỏng cần người sửa nên mình dần chuyển hẳn sang nghề phục chế. Mỗi dòng đồ khi sửa đều có những độ khó riêng, trong đó việc chạm trổ, chắp vá lại các chi tiết khiếm khuyết là công đoạn phức tạp nhất”.

đồ gỗ - 2

Bộ tranh tứ thời (Mai – Lan – Cúc – Trúc) với kỹ thuật chạm lấy nền.

Trong dòng đồ gỗ mỹ nghệ xưa, đẹp và bề thế nhất là các kiểu tủ Tây, nét chạm lớn, đề tài đơn giản chủ yếu là hoa lá… Đồ Nam bộ, đồ Bắc, đồ Tàu… mang nét tương đồng về các nét chạm mập, chắc khỏe, đề tài cũng khá giống nhau. Riêng với đồ gỗ Huế, những sản phẩm giá trị hầu hết thuộc gia đình quan lại, quyền quý, kỹ thuật chế tác luôn tinh xảo và cầu kỳ hơn hẳn các dòng đồ gỗ cùng thời. Vẻ đẹp của đồ gỗ Huế là nét chạm mảnh, li ti, chi tiết, rất dụng công trong từng kỹ thuật ráp mộng (chủ yếu dùng mộng xương cá), không sử dụng đinh kim loại để cố định mà dùng chốt, do vậy từng mối ráp nối phải đạt độ chính xác và luôn có tính thẩm mỹ cao. Ở thị trường phục chế, đồ Huế luôn là những sản phẩm dễ bị hư hỏng vì nét chạm mong manh, và để phục chế đồ Huế cũng đòi hỏi đẳng cấp và kỹ thuật cao tay của người thợ mới có thể đáp ứng được.

đồ gỗ - 3

Chi tiết một mảng trang trí mang kỹ thuật chạm nổi theo phong cách Huế. Chạm lủng, chạm lộng, chạm mo, kỹ thuật dùng nhiều trong chế tác tủ thờ kiểu Huế.

đồ gỗ - 4

Thế mạnh của Tĩnh là chạm trổ các chi tiết khiếm khuyết trên dòng đồ gỗ xưa cần phục chế.

Hỏi về cái khó khi theo nghề phục chế đồ gỗ, Tĩnh chia sẻ thêm: “Về kỹ thuật, những kiểu chạm thủng, chạm lộng, chạm mo, chạm lấy nền… đều là kỹ thuật khó. Gặp đồ ráp mộng xương cá là phải xả toàn bộ, khi phục chế xong mới ráp lại hoàn chỉnh nên tốn khá nhiều thời gian và cần độ chính xác cao. Một điểm khó khác của phục chế là chọn nguyên liệu tương xứng, phải cùng loại gỗ, cùng màu thời gian, khi phục chế hoàn thiện sẽ ăn ý với các chi tiết cũ”. Trong nghề phục chế, Tĩnh cho biết rất thích làm dòng đồ Huế như tủ thờ, ghế vách, ghế bàn trà… vì đòi hỏi kỹ thuật cũng như sự tỉ mẩn trong chế tác. Gặp những chi tiết khiếm khuyết thì phải tìm nguồn tài liệu, tìm gặp người sưu tầm để tham khảo thêm, bổ sung vào chi tiết mất đi một cách hài hòa, hợp lý.

Việc phục chế đồ gỗ không chỉ là công việc đơn thuần, bởi ngoài những kỹ năng – kỹ thuật cơ bản, người làm phục chế còn phải luôn cập nhật những kiểu thức hoa văn, chi tiết trên đồ gỗ xưa, đồng nghĩa với việc nghiên cứu, sáng tạo bằng một tinh thần lao động nghiêm túc và đam mê mới có khả năng trụ vững với nghề và được thị trường tín nhiệm.

đồ gỗ - 5

Bộ đục tỉa mũi chữ V dùng để khắc các chi tiết li ti trên nền gỗ. Bộ đục tay để tạo ra các chi tiết chạm trổ bao gồm hơn 100 món khác nhau như đục vụm (lưỡi mặt trăng), đục bạt (lưỡi bằng), đục giãng (lưỡi bè rộng).

đồ gỗ - 7

Thế mạnh của Tĩnh là chạm trổ các chi tiết khiếm khuyết trên dòng đồ gỗ xưa cần phục chế.

đồ gỗ - 6

Phạm Văn Tĩnh và chiếc ghế con tiện kiểu Tây vừa được phục chế hoàn thiện.

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN ĐÌNH – Ảnh: HẢI ĐÔNG – Sắp đặt: TỪ PHƯƠNG THẢO.