Nguyễn Xuân Lục | Tác phẩm – sản phẩm đều như nhất

Dùng ngôn ngữ sơn mài thể hiện những tác phẩm với ý tưởng giản đơn, vô thường nhưng đậm tính triết học như hình ảnh hạt bụi, những vệt sáng nhòa vụt trong không gian… để trong đó, Nguyễn Xuân Lục thấy được bản ngã của chính mình, với đối lập bao la vô tận nơi vũ trụ và cô đơn con người, cùng sự chiêm nghiệm về nghề, về đam mê.

Trưởng thành từ làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, thuộc Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khoa sơn mài từ 2007, quá trình làm nghề và sáng tác đã giúp Nguyễn Xuân Lục rút tỉa được những tinh hoa của làng nghề, vận dụng vào nghệ thuật hội họa sơn mài, với ý niệm nghệ thuật không dừng lại ở thủ công mỹ nghệ.

Xuân Lục 9

“Bụi” là chuỗi sáng tác thành công của Nguyễn Xuân Lục, diễn tả sự nhỏ bé của hạt bụi trong mênh mông không gian dải ngân hà. Ảnh: Lam Phong.

Chất liệu sơn ta hiện hữu từ hàng nghìn năm, chuyển thể thành nghệ thuật sơn mài, việc tìm ngôn ngữ khai thác, là hành trình dài bao thế hệ họa sĩ theo đuổi. Hội họa sơn mài Việt từ khởi điểm (những năm 1930) cho đến hiện đại, biểu đạt theo lối hiện thực là dòng chảy chủ đạo, trong đó tính cụ thể, địa dư, vẫn được nhiều người làm nghề khai thác triệt để. Nguyễn Xuân Lục chọn hướng đi riêng, khéo léo mượn cái tứ vũ trụ tạo lập không gian sáng tác cho riêng mình. Trong không gian ấy, Lục thỏa sức bay bổng với những ngôn ngữ từ chất sơn ta, vỏ trai, ốc, và kỹ thuật dựng hình của người thợ làng nghề… được mã hóa, thể hiện qua hội họa sơn mài trừu tượng.

Xuân Lục 8

Vẻ đẹp của bụi khi lơ lửng trong không gian, qua cách thể hiện bằng hội họa sơn mài. Ảnh: Lam Phong.

“SƠN MÀI VIỆT CÓ TÍNH TRIẾT LÝ PHƯƠNG ĐÔNG VÀ BIỂU HIỆN PHƯƠNG TÂY, NGUYỄN XUÂN LỤC LÀ NGHỆ SĨ TRẺ HIẾM HOI VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG ẤY VÀO SƠN MÀI TRỪU TƯỢNG”.

Quách Ngạn Vĩ – Giám tuyển nghệ thuật tại Cao Hùng, Đài Loan

Xuân Lục 7

Mượn hình ảnh hạt bụi miêu tả con người, rồi ai cũng trở về với bụi. Ảnh: Lam Phong

Lựa chọn sáng tác trên nền tảng người thợ, là lợi thế về kỹ thuật thể hiện, nhưng cũng là giới hạn bởi những ràng buộc cố hữu trong tư duy người làm nghề thủ công, vốn dĩ tập trung vào số lượng, sản phẩm, hơn là chất lượng và tác phẩm. Cảm nhận về quá trình hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Xuân Lục, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ: “Lục có lợi thế là thừa hưởng nền tảng từ làng nghề, có đủ điều kiện để phát triển nghề nhưng bạn ấy thực can đảm khi mạo hiểm theo con đường sáng tạo, sử dụng chất liệu tốn kém trong mỹ thuật là sơn mài, phải yêu lắm mới làm được, tôi xem đó là sự đánh cược cuộc đời cho đam mê”.

Xuân Lục 6

Vừa là thợ nghề, vừa là nghệ sĩ, Lục tự tay thực hiện các công đoạn thể hiện tác phẩm trên chất liệu sơn mài. Ảnh: Lam Phong.

Xuân Lục 5

“Hạt bụi” trong tác phẩm, được sản phẩm hóa, hiện hữu thành hình khối, đường nét, chi tiết, để sản phẩm thiết kế của Lục, cũng là những tác phẩm khác biệt. Ảnh: Lam Phong.

Xuân Lục 4

“Hạt bụi” trong tác phẩm, được sản phẩm hóa, hiện hữu thành hình khối, đường nét, chi tiết, để sản phẩm thiết kế của Lục, cũng là những tác phẩm khác biệt. Ảnh: Lam Phong.

Nguyễn Xuân Lục hoạt động nghệ thuật rất trầm lặng, anh cần mẫn sáng tác theo mạch đề tài yêu thích, sử dụng kỹ thuật thợ nghề, kết hợp tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ, tạo dựng phong cách lao động bền bỉ, đều đặn, chuyên nghiệp như một thợ nghề thuần túy. Tận dụng những kỹ thuật của sơn mài, hội họa, khảm trai ốc… ứng dụng vào sơn mài trừu tượng, chưa nói đến ý tưởng tác phẩm, ở ngay cách thể hiện, đã thấy ở đó sự kỳ công, tỉ mẩn với nhiều biểu đạt mang độ khó cao.

Theo dõi qua những triển lãm của Lục trong và ngoài nước, có thể thấy rõ thế mạnh về sơn mài, khảm, cẩn, hội họa… với Lục chỉ là ngôn ngữ, là phương tiện, được phối kết nhuần nhuyễn, nhẹ nhàng, đồng nhất cả về chất và lượng vào bất kể tác phẩm hay sản phẩm.

Xuân Lục 3

Con người được hình tượng hóa như một vệt sáng, tiểu hành tinh trôi dạt vô định trong không gian. Ảnh: Lam Phong.

Xuân Lục 2

Mênh mông, sâu thẳm đến bao la vĩ đại của không gian, được gói gọn trong bố cục của tác phẩm. Ảnh: Lam Phong.

“THÀ LÀM ÍT, NHƯNG KỸ, ĐẸP, TINH, BỀN, CHẤP NHẬN TỐN THỜI GIAN, CÔNG SỨC VÀ BÁN VỚI GIÁ TƯƠNG XỨNG CHỨ KHÔNG CÓ KHÁI NIỆM RẺ, SỐ LƯỢNG NHIỀU, SẢN XUẤT HÀNG LOẠT”.

Xuân Lục 1

Các tác phẩm được xây dựng từ hình tượng về con người, bước đầu phác thảo là cụ thể, sau đó lược bớt dần hình ảnh và tạo liên tưởng đến sự tương đồng với cát bụi, thiên thạch, các hành tinh. Ảnh: Lam Phong.


Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình | Hình ảnh: Lam Phong.


Xem thêm:

“Vại tiền” – Nơi phù du xoắn vào vĩnh cửu

Tạo “khác thường” trên gốm cho nghệ thuật ý niệm