Mùa hội Xuân đất Bắc

Kiến trúc cổ, nghề thủ công, nghệ thuật diễn xướng, tín ngưỡng dân gian, mỹ thuật đương đại… những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc, nhưng khi hội Xuân vào mùa, tất cả lại hòa hợp, bổ trợ, tôn nhau lên, mang lại không khí lễ hội tưng bừng, đẹp từng chi tiết nhỏ. Đây là hành trình tìm gặp và khám phá nét duyên độc đáo ấy nơi mùa hội Xuân đất Bắc.

Mâm cúng du xuân

Cúng đình, đền, cúng rằm, cúng sao, cúng tổ… dịp đầu Xuân, nhìn ở toàn cảnh, là một bức tranh sặc sỡ sắc màu từ những mâm cúng được chuẩn bị một cách tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ, được nghiêm cẩn dâng lên linh thần.

Ở mối quan hệ làng xã, mỗi dịp hội Xuân, mâm cúng chính là nơi thể hiện bản sắc của nghề nghiệp thông qua các lễ vật được trưng bày gắn với nghề truyền thống của làng. Đơn cử như làng nghề Đông Hồ – nơi được mệnh danh là thủ phủ hàng mã của đồng bằng Bắc bộ – mâm cúng trong hội làng chính là dịp phô diễn tài nghệ của các dòng họ được phân công tạo tác nên vật phẩm ưng ý nhất từ hàng mã để dâng lên thần linh trong dịp hội làng (diễn ra từ 14 – 16/03 âm lịch).

xuân 1


Dấu xưa còn mãi

Đọi Tam nổi danh khắp nước Việt với nghề làm trống truyền thống. Đây cũng chính là nơi xưa kia vua Lê Đại Hành hạ điền dưới chân núi Đọi (thuộc Duy Xuyên, Hà Nam ngày nay) cày những luống đầu tiên của năm mới mong ước một vụ mùa bội thu. Lễ Tịch Điền từ đó ra đời, cách đây hơn ngàn năm lịch sử (987). Trải qua nhiều thăng trầm, lễ Tịch Điền bị bỏ quên mãi đến năm 2009 mới được phục dựng, hằng năm được diễn ra từ Mùng 5 – 7 tháng Giêng. Đây cũng là một trong những lễ hội xuân hiếm hoi vùng chiêm trũng Bắc bộ có sự kết hợp thú vị các yếu tố dân gian và đương đại.


An nhiên chốn thâm nghiêm cổ tự

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, cái sự “ăn chơi” đầy thú vị ấy lại được diễn ra trong không gian cổ tự chính yếu là đình, chùa với các mùa lễ hội liền nhau không ngớt. Với người hoài cổ, yêu thích tìm lại những hình ảnh của một văn hóa Việt cổ xưa, đậm màu truyền thống, hành trình về lại dưới mái đình tự cổ dịp tháng Giêng sẽ là cơ hội hoàn hảo để chìm đắm trong không gian đặc biệt ấy. Một cây cầu đá chín nhịp đầu rồng soi bóng ở dòng Nguyệt Đức, một tháp Phật Quan Âm nổi trên mặt hồ tựa con thuyền bát nhã đưa người tìm về chốn an nhiên… Đấy là những hình ảnh bình dị với góc quê Bắc bộ hiện hữu tại chùa Nôm (Linh Thông cổ tự) ở Hưng Yên, một vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc từ thời Hậu Lê khi chùa Nôm được xây dựng từ năm 1608.


Xem thêm:

Những lan can biết nói

Vẻ đẹp biểu tượng của cổng rào hoa sắt